Những ngày qua, tại nhiều ngã tư lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện các nhóm tình nguyện viên với pano, khẩu hiệu tuyên truyền cho Dự án “20 giây cho Giờ trái đất xanh” truyền đi thông điệp tắt máy xe khi dừng đèn đỏ trên 20 giây để giảm lượng khói xe thải ra môi trường. Đây là hoạt động đơn giản nhưng hàm chứa thông điệp rất cấp bách đang đặt ra với Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay: ô nhiễm không khí đang ngày càng nghiêm trọng và mọi người dân cần chung tay bảo vệ môi trường từ hành động nhỏ nhất.
Những ngày qua, tại nhiều ngã tư lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện các nhóm tình nguyện viên với pano, khẩu hiệu tuyên truyền cho dự án “20 giây cho Giờ trái đất xanh” truyền đi thông điệp tắt máy xe khi dừng đèn đỏ trên 20 giây để giảm lượng khói xe thải ra môi trường. Đây là hoạt động đơn giản nhưng hàm chứa thông điệp rất cấp bách đang đặt ra với Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay: ô nhiễm không khí đang ngày càng nghiêm trọng và mọi người dân cần chung tay bảo vệ môi trường từ hành động nhỏ nhất.
Ô nhiễm không khí không loại trừ ai
Nhiều người dân Thành phố Hồ Chí Minh mỗi khi ra đường đều chuẩn bị khẩu trang và phủ kín mít từ đầu đến chân để tránh khói, bụi. Chị Nguyễn Thanh Thủy, nhà ở phường 8, quận Gò Vấp chia sẻ: Mấy năm nay dường như đã thành thói quen, tất cả mọi người trong nhà tôi từ trẻ đến lớn, mỗi khi ra khỏi nhà đều mang theo khẩu trang. Trong nhà luôn có sẵn từ 1-2 hộp khẩu trang y tế để dự phòng khi cần. Theo chị Thủy, đôi khi cũng bất tiện nhưng “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Sự ngột ngạt, khó chịu do ảnh hưởng của ô nhiễm không khí được thể hiện rõ hơn tại các giao lộ, ngã tư, nơi có lưu lượng phương tiện giao thông lớn. Tại đây, cùng với bụi đường, lượng khói xe phát thải đã làm cho mức độ ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Anh Trần Hoàng Hảo, nhà ở quận 5 cho biết: Không có gì khó chịu bằng việc mỗi khi dừng chờ đèn đỏ tại ngã tư, nhất là những ngày nắng nóng, không khí ngột ngạt do khói bụi, xăng xe và cả tiếng ồn do động cơ xe gây ra nữa.
Với số xe máy đăng ký lên đến gần 6 triệu chiếc và hơn 2 triệu chiếc vãng lai, thành phố lại có nhiều ngã tư và thói quen sinh sống, buôn bán, sản xuất kinh doanh bám đường giao thông nên vấn đề ô nhiễm tại các khu vực các giao lộ, trên đường đã trở thành vấn nạn ô nhiễm không khí ở Thành phố Hồ Chí Minh. Theo kết quả quan trắc ô nhiễm không khí do giao thông năm 2013 của Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố nhiều chỉ tiêu đo được đều vượt quy chuẩn. Cụ thể, tổng lượng bụi lơ lửng trung bình khoảng 0,33 - 0,74 mg/m3, vượt Quy chuẩn Việt Nam 05:2009/BTNMT từ 1,1 - 2,47 lần, trong đó nồng độ bụi lơ lửng cao nhất tại An Sương dao động trong khoảng 0,33 - 1,55 mg/m3; tại Phú Lâm trung bình 0,56 mg/m3; ngã sáu Gò Vấp trung bình 0,52 mg/m3, Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ trung bình 0,51 mg/m3... Ngoài ra, nồng độ chì tại nhiều giao lộ cũng tăng 10 – 36% so với năm 2012 và trung bình hầu hết các tháng trong năm 2013 đều cao hơn những năm trước.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), cho biết: Ô nhiễm môi trường không khí là vấn đề nóng của Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Nguyên nhân chính là do tốc độ phát triển đô thị hóa nhanh, gắn liền với sự gia tăng khí thải từ các phương tiện giao thông, phát triển các ngành công nghiệp… Ô nhiễm không khí đang từng ngày ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người như làm cay mắt, đỏ mắt, ho, thở khò khè , giảm chức năng của phổi, dễ mắc các bệnh hen suyễn, viêm phế quản, thậm chí có thể bị ung thư... Ngoài ra, ô nhiễm không khí còn tác động tổng hợp tới biến đổi khí hậu, đó là sự gia tăng khí nhà kính, gây ra hiện tượng nóng lên của toàn cầu. Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, số người bị các bệnh đường hô hấp (thường do ô nhiễm không khí gây ra) chiếm từ 3-4% tổng dân số. Số liệu thống kê thực tế cũng cho thấy tỷ lệ số người bị các bệnh hô hấp ở các địa phương có trình độ phát triển hơn, bị ô nhiễm không khí hơn như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hà Nội, Hải Phòng…cao hơn từ 4-5 lần so với các địa phương kém phát triển như Bắc Kạn, Điện Biên.
Cần sự chung tay mạnh mẽ của cộng đồng
Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều hoạt động kiểm soát chất lượng không khí. Về chương trình quan trắc môi trường không khí, hiện Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố đang tăng cường công tác quan trắc ở nhiều địa điểm để kịp thời ghi nhận sự biến đổi về chất lượng không khí qua từng ngày. Đến nay, thành phố đã có 8 trạm quan trắc hàm lượng chất hữu cơ bay hơi BTX (Benzene – Toluene – Xylene) trong không khí; 6 trạm quan trắc chất lượng không khí bán tự động; 9 trạm trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, trong đó có 5 trạm quan trắc chất lượng không khí xung quanh và 4 trạm quan trắc chất lượng không khí ven đường.
Về kiểm soát ô nhiễm không khí do giao thông, các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra tình trạng, lượng xả thải của các loại xe tải đang lưu thông. Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiên liệu sạch trong giao thông như khí hóa lỏng (LPG), khí tự nhiên nén (CNG), ethanol, dầu sinh học được khuyến khích. Thành phố đang triển khai thí điểm thực hiện các tuyến xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch CNG đã giảm thiểu ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả rõ rệt so với xe buýt sử dụng nhiên liệu diesel, tiết kiệm được khoảng 30% chi phí nhiên liệu, giảm lượng khí phát thải ô nhiễm môi trường. Thành phố Hồ Chí Minh cũng triển khai thực hiện các giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí trong sản xuất công nghiệp như đánh giá tác động môi trường; ứng dụng các giải pháp bảo vệ và giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp; di dời các nhà máy gây ô nhiễm vào các khu công nghiệp tập trung; phát triển công nghiệp xanh; công nghệ sản xuất sạch được vận động ở tất cả các khu công nghiệp và cơ sở công nghiệp ở xung quanh thành phố...
Theo các chuyên gia về môi trường, cộng đồng dân cư là đối tượng chính tham gia các hoạt động phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường không khí và cũng chính họ là những người phải trực tiếp gánh chịu hậu quả. Vì vậy, bảo vệ môi trường không khí không chỉ là trách nhiệm của các cấp chính quyền mà còn là nghĩa vụ của mỗi người dân. Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Phước cho rằng cần đưa cộng đồng tham gia trực tiếp vào hệ thống quản lý môi trường. Công khai các thông tin, số liệu liên quan đến tình hình ô nhiễm không khí và các nguồn chính gây ô nhiễm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cộng đồng có nhận thức đúng về ô nhiễm không khí và nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường không khí; xây dựng các cơ chế cụ thể để thu hút sự ủng hộ, tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường không khí. Bên cạnh đó, vận động người dân thay đổi thói quen sinh hoạt và tham gia giao thông hiệu quả; bảo trì xe máy định kỳ theo đúng quy định nhằm tăng tính an toàn trong sử dụng, giảm khói độc thải ra môi trường; tăng cường sử dụng các phương tiện công cộng và các phương tiện ít phát sinh khí thải như xe buýt, xe đạp...
Bạn Nguyễn Thanh Ngân, điều phối viên tình nguyện viên, Ban điều phối Chiến dịch Giờ trái đất xanh tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Dự án 20s tác động lớn đến người điều khiển phương tiện giao thông và có hiệu quả rất lớn. N gười đi đường hầu hết đều vui vẻ thực hiện hành động tắt máy và hỏi thêm về ý nghĩa của hoạt động này.
Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường