Để hướng đến phát triển hệ thống giao thông đường bộ hiện đại, bền vững, cần coi bảo vệ môi trường là một yếu tố không thể thiếu.
Để hướng đến phát triển hệ thống giao thông đường bộ hiện đại, bền vững, cần coi bảo vệ môi trường là một yếu tố không thể thiếu.
Môi trường suy thoái vì giao thông
Theo Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, tổng chiều dài mạng đường bộ Việt Nam có 251.887 km, trong đó, quốc lộ 17.395 km, đường tỉnh 23.138 km, đường huyện 54.962 km, đường đô thị 8.535 km và đường chuyên dùng 6.415 km. Nếu so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, mật độ đường bộ của nước ta chưa cao, trong đó, mật độ quốc lộ còn chiếm tỷ lệ rất thấp, đạt 0,053 km/km2 và 0,21 km/1.000 dân (trong khi ở Trung Quốc là 0,2 km/km2; 1,44 km/1.000 dân; ở Hàn Quốc là 1,01 km/km2; 2,1 km/1000 dân; Thái Lan: 0,11 km/km2; 0,9 km/1000 dân).
Mật độ đường thấp cùng với số dân đông, không ngừng tăng lên đã khiến lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông quá đông đảo, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường không khí. Theo đánh giá của các chuyên gia, ô nhiễm không khí ở đô thị do giao thông gây ra chiếm tỉ lệ khoảng 70%. Xét các nguồn thải gây ra ô nhiễm không khí trên phạm vi toàn quốc, ước tính cho thấy, hoạt động giao thông chiếm tới gần 85% lượng khí cacbon monoxit có khả năng gây nhiễm độc cấp và nhiều chất độc hại khác.
Bên cạnh đó, các hoạt động giao thông vận tải còn gây suy thoái đa dạng sinh học và xâm hại hệ sinh thái nhạy cảm. Hiện nay, Việt Nam đang có nhiều dự án lớn về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như: Xây dựng đường sắt quốc gia, đường cao tốc Bắc – Nam, kéo dài tuyến đường Hồ Chí Minh, phát triển mạng lưới đường bộ ven biển, dọc biên giới và vươn đến những vùng sâu, vùng xa khác. Hoạt động lâu dài của các phương tiện giao thông trên những tuyến giao thông đi xuyên qua hoặc đi gần cạnh các khu bảo tồn thiên nhiên, khu sinh thái nhạy cảm cũng sẽ tác động lớn đến các hệ sinh thái này.
Không chỉ thế, hoạt động giao thông đường bộ còn kéo theo nguy cơ xói mòn, sạt lở đất. Theo nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải, ¾ chiều dài các tuyến đường đi trên địa hình vùng núi và khoảng 30% các tuyến miền núi đó đi qua các vùng có cấu trúc địa chất phức tạp, chịu ảnh hưởng của các đới kiến tạo phá hủy, do đó, thường xảy ra sự cố lún trượt về mùa mưa bão hàng năm. ¼ các tuyến đi trên địa hình đồng bằng thì có khoảng 30% đi trên các vùng trầm tích sông, biển, có cấu trúc từ đất yếu. Khi bão lũ tràn về, kết hợp với điều kiện địa hình và địa chất nhiều bất lợi sẽ nên hiện tượng sụt lở đất đá thường xuyên. Hiện tượng này đặc biệt nguy hiểm trên những tuyến đường miền núi.
Cộng đồng lên tiếng bảo vệ môi trường
Phát triển giao thông đường bộ hay hệ sinh thái đường bộ bền vững đang là xu hướng chung của thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo quan điểm về phát triển bền vững được nêu rõ trong Chương trình Nghị sự 21 của ngành và địa phương thì phát triển hệ sinh thái đường bộ bền vững, bảo đảm môi trường cần phải áp dụng cách tiếp cận dựa vào cộng đồng. Cộng đồng cần được tham gia và góp tiếng nói của mình vào trong các giai đoạn phát triển của hệ thống giao thông đường bộ, bao gồm: Giai đoạn quy hoạch, thiết kế bền vững, thi công bền vững và khai thác, vận hành đảm bảo bền vững.
Theo kinh nghiệm của nhiều nước Châu Âu, khi hình thành một dự án giao thông, đơn vị phụ trách phải lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) và báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Cộng đồng có thể tham gia vào quá trình lập ĐMC và ĐTM. ĐMC và ĐTM của các hoạt động giao thông vận tải, nếu được thực hiện nghiêm túc, có thể cung cấp các vấn đề về biến đổi khí hậu, chất lượng không khí, đất và nước, đa dạng sinh học, tiếng ồn, từ đó, có tác động trực tiếp tới quá trình xây dựng dự án, tránh những ảnh hưởng xấu tới môi trường.
Nguồn: portal.monre.gov.vn