Hồng Kông là thành phố có hệ thống giao thông đô thị được quy hoạch tốt nhất nhằm chuẩn bị sự tăng trưởng dân số trong những năm tới. Đây là kết quả điều tra Giao thông đô thị tương lai của 84 thành phố trên thế giới do Công ty Arthur D. Little thực hiện.
Cuộc khảo sát nghiên cứu 19 tiêu chí như tần suất và sự hấp dẫn tài chính của giao thông công cộng, thời gian thực dùng để di chuyển tới nơi làm việc, mật độ phương tiện giao thông được đăng ký …
Một trong những yếu tố khiến Hồng Kông dẫn đầu bảng là vì 64% sự đi lại của người Hồng Kông đều thực hiện trên các phương tiện giao thông công cộng. Dân số Hồng Kông đã vượt quá con số 7 triệu, nhưng thành phố này hiện có lượng đăng kí xe thuộc loại thấp nhất trong các thành phố được khảo sát.
Đứng thứ nhì là thành phố Stockholm với con số tử vong giao thông thấp nhất. Tiếp theo là Amsterdam do lượng thải Co² rất thấp của thành phố này. Paris ở vị trí số 7, ghi điểm nhờ mạng lưới tàu điện phát triển rộng. Bên canh đó, thủ đô của Pháp có con số xe đạp thuê cao ấn tương lên tới 2.224 xe/1 triệu dân. Ngoài ra thành phố này có trên 2.000 chiếc xe ô tô điện dùng chung được rải rác trên mọi con đường đô thị.
Hưởng ứng chính sách ủng hộ đi xe đạp
Với kết quả điểm trung bình là 43,9/100 điểm, cuộc khảo sát cho thấy còn nhiều lĩnh vực cần được cải thiện để các thành phố “xanh” hơn. Đồng tác giả O. Korniichuk nhân xét, để giao thông đô thị tránh được cảnh chìm trong ách tắc giao thông, tỷ lệ sử dụng xe ô tô cần phải giảm đi triệt để, một điều chỉ thực hiện được với những chính sách tích cực của thành phố. Đây cũng là lý do những thành phố có chiến lược và hành động cộng đồng tăng cường đi xe đạp đạt được kết quả cao.
Munich giành được vị trí số 11 cũng nhờ chiến dịch Thủ đô xe đap khiến lượng sử dụng xe đạp tăng rõ rệt trong 10 năm gần đây. Thành phố Viên cũng nhận được nhiều điểm nhờ thực hiện thành công dự án xây dựng môt khu chung cư siêu tiện lợi cho những người sử dụng xe đạp có tên là Bike City.
Bảng xếp hạng khảo sát giao thông đô thị
Với lượng xe máy nhiều nhất thế giới và lượng ô tô ngày càng tăng, Việt Nam cũng như những nước đang phát triển khác hiện còn đang phát triển ngược xu hướng “xanh” của các thành phố được biểu dương trên. Hà Nội được xếp trong nhóm 16 thành phố dưới trung bình, chỉ hơn duy nhất thành phố Bagdad. Tp HCM xếp thứ 60 và được đánh giá ngang hàng với Athen và Roma. Tuy nhiên nếu so sánh tỷ lệ sở hữu xe ô tô giữa Việt Nam với chỉ 18 xe/1000 người và Italy, đất nước có tỷ lệ sở hữu xe nhiều thứ 7 thế giới với 602 xe/1000 người thì rõ ràng chúng ta cần nhiều giải pháp hữu hiệu để tránh sự bế tắc giao thông cho những năm tới.
Nguồn: tinmoitruong.vn