Bộ Môi trường Liên bang Thụy Sĩ ngày 14/7 cảnh báo sẽ áp mức thuế nhiên liệu cao hơn vào năm 2016 nếu như lượng khí thải carbon dioxit (CO2) tại nước này không được giảm đáng kể trong năm nay.
Ảnh minh họa. (Nguồn: piquenewsmagazine.com)
Bộ Môi trường Liên bang Thụy Sĩ ngày 14/7 cảnh báo sẽ áp mức thuế nhiên liệu cao hơn vào năm 2016 nếu như lượng khí thải carbon dioxit (CO2) tại nước này không được giảm đáng kể trong năm nay.
Phóng viên TTXVN tại Geneva dẫn số liệu thống kê cho thấy lượng khí thải CO2 liên quan đến đốt nhiên liệu ở Thụy Sĩ đã tăng 5,4% trong năm 2013 so với năm trước, chủ yếu là do thời tiết lạnh hơn bình thường, khiến việc sử dụng nhiên liệu tăng.
Mục tiêu của chính phủ kêu gọi gia tăng thuế carbon hiện đang ở mức 60 franc Thụy Sĩ (49,39 euro) đối với 1 tấn khí thải CO2 lên 72 franc (59,27 euro) vào năm 2016 nếu lượng khí thải trong năm nay không giảm xuống 76% của mức năm 1990.
Mức thuế này sẽ lại tăng lên 84 franc (69 euro) nếu lượng khí thải chỉ giảm xuống 78% so với mức của năm 1990 được tính làm cơ sở.
Bộ Môi trường Thụy Sĩ ước tính lượng khí thải trong năm ngoái là 80,7% của mức năm 1990 (tỷ lệ đã được điều chỉnh có tính đến tác động của thời tiết). Nếu không có sự điều chỉnh, lượng khí thải năm ngoái còn cao hơn so với năm 1990 tới 12,4%.
Kể từ năm 2008, thuế carbon được áp dụng đối với các nhiên liệu như dầu mỏ, khí đốt và than đá và đã mang lại khoản thu khoảng 600 triệu franc (tương đương 494 triệu euro)/năm ở Thụy Sĩ. Khoảng 1/3 số tiền này được tài trợ cho chương trình khuyến khích các tòa nhà tiết kiệm năng lượng.
Mức thuế này không áp dụng đối với xăng và dầu diesel cho xe có động cơ. Các công ty có thể được miễn thuế CO2 nếu họ tham gia mua bán phát thải nhằm cam kết cắt giảm lượng khí thải.
Bộ Môi trường cho biết mặc dù lượng xe tham gia giao thông tăng lên, nhưng lượng khí thải CO2 từ xe có động cơ vẫn ổn định từ năm 2008, thậm chí đã giảm 0,4% trong năm 2012 so với năm trước đó.
Điều này chủ yếu nhờ các loại xe ôtô tiết kiệm nhiên liệu hiệu quả hơn và sự cải thiện này cần phải được tăng cường trong những năm tới.
Các mục tiêu về môi trường của Thụy Sĩ đã được thiết lập theo Điều luật CO2 sửa đổi mà nước này đã thông qua như là một phần của cam kết quốc gia tham gia Nghị định thư Kyoto về các biện pháp nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu./.
Nguồn: vietnamplus.vn