Những năm gần đây, nồng độ bụi khói trong không khí ở Hà Nội ngày càng cao, kéo theo tình trạng ô nhiễm ngày càng nặng nề, nhất là về mùa khô. Khói bụi ngoài ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người còn gây ra các thiệt hại lớn khác như giảm năng suất nông nghiệp, ảnh hưởng tới hệ sinh thái, gây ô nhiễm môi trường sống và làm mất cảnh quan đô thị. Đặc biệt, trong các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh luôn có một lớp bụi dày đặc do lượng lớn khí thải xả ra hằng ngày của hàng nghìn phương tiện lưu thông trên đường.
Hiện nay, trên khắp địa bàn thành phố Hà Nội có rất nhiều công trường xây dựng lớn nhỏ đang thi công, đây là một trong những nguyên nhân khiến thành phố ngày càng bụi. Nhiều con đường ở Thủ đô được mệnh danh là “con đường đau khổ” bởi ngoài tình trạng tắc đường, kẹt xe, ngập lụt thường xuyên xảy ra thì một lượng lớn khói bụi cũng hiện hữu ở những nơi này. Do thời gian thi công kéo dài, các loại xe tải liên tục vận chuyển đất đá, thiết bị thi công… qua lại liên tục khiến nhiều con đường xuống cấp, mỗi lần xe băng qua là cả khu vực lại chìm trong bụi.
Bà Nguyễn Thị Hoa (đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân) cho biết: Từ ngày thi công tuyến đường sắt trên cao, nhà tôi đóng cửa suốt cả ngày chẳng dám mở. Thế mà chẳng hiểu sao đồ đạc trong nhà vẫn phủ đầy một lớp bụi. Thời tiết càng hanh khô như thế này thì bụi càng khủng khiếp”.
Đôi khi, chính người dân cũng gây ra ô nhiễm. Chẳng hạn cứ mỗi chiều tối là trên nhiều vỉa hè của các con phố lại xuất hiện những quán ăn với món nướng làm chủ đạo. Điều đáng nói là các quán ăn này xả khói vô tội vạ vào người đi đường mà không quan tâm có ai bị ảnh hưởng hay không? Chỉ thấy khói từ các món nướng tỏa ra hòa vào làn khói xe khiến không gian chung quanh vốn đã ngột ngạt lại càng thêm mịt mù khói. Vào giờ cao điểm, tại các ngã ba, ngã tư là hàng trăm hàng nghìn xe máy, ô-tô, xe buýt… cùng đứng giậm chân tại chỗ xả khói khiến không ít người đi đường ngán ngẩm.
|
Khói bụi gây ảnh hưởng tới cuộc sống người dân |
Vài năm gần đây, sau mỗi mùa gặt của bà con nông dân thì hiện tượng khói mù quang hóa bao trùm thành phố lại diễn ra. Do ngày nay rơm rạ không còn là chất đốt chủ yếu ở nông thôn nữa, người nông dân ở ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận lại chất rơm để đốt sau khi thu hoạch. Dù hiện tượng khói tràn vào trung tâm thành phố chỉ xảy ra trong thời gian ngắn nhưng ít nhiều ảnh hưởng sức khỏe cũng như cuộc sống của người dân.
Những ngày này cứ vào khoảng 16-19 giờ, khói bắt đầu xuất hiện và càng về đêm càng trở nên dày đặc. Những khu vực giáp ngoại thành như: Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, , Hồ Tây… bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tại quảng trường trước sân vận động Mỹ Đình, những làn khói mờ mờ như màn sương mỏng bao trùm cả khoảng không gian rộng lớn khiến hàng loạt người đi hóng gió, ngắm diều đêm phải về sớm do lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe. Theo phản ánh của nhiều người dân, khói có mùi hắc, gây cay mắt và khó thở. Nhiều gia đình đã phải đóng cửa từ rất sớm để ngăn khói tràn vào nhà hoặc dùng quạt công suất lớn để thổi khói ra ngoài.
Để hạn chế tình trạng khói bụi tràn nội đô, năm nào Sở Tài Nguyên và Môi Trường TP Hà Nội cũng kiến nghị các huyện không cho phép người dân đốt rơm rạ mà cần tìm giải pháp xử lý khác. Tuy nhiên, tại địa phương chính quyền cũng chưa có hướng giải quyết cụ thể nào ngoài biện pháp tuyên truyền, vận động bà con hạn chế đốt rơm rạ, còn việc thực hiện ra sao đành trông chờ vào ý thức.
Thực tế, người dân vùng nông thôn chưa nhận thức được hết hậu quả do khói đốt rơm rạ gây ra. Thế nên, rất nhiều vụ tai nạn liên quan tới các đống rơm, đống lửa bên đường đã xảy ra do cản trở tầm nhìn của người đi đường. Ngoài ra, việc đốt rơm còn ảnh hưởng lớn đến môi trường sống như: làm tăng nhiệt độ môi trường, ô nhiễm không khí, giảm độ phì nhiêu của đất… Tuy nhiên, do không biết xử lý với rơm rạ thế nào nên bà con nông dân cũng chỉ có cách đốt.
Nhận định về tác hại của khói bụi, các nhà khoa học cho biết, khói bụi sinh ra trong quá trình đốt rơm rạ là loại khí mịn có tác hại rất lớn đối với sức khỏe con người. Trong đó tồn tại một lượng khí độc mà con người khó có thể nhận biết được, khi hít phải sẽ gây tổn thương nghiêm trọng tới hệ thần kinh, từ từ phá hủy bộ máy hô hấp. Trước hết là gây nhức đầu, đau mắt, sổ mũi, họng đau rát, dần dần thanh quản bị viêm nặng, dẫn đến suy giảm sức khỏe và dễ mắc các bệnh khác như viêm phế quản, viêm phổi, ung thư… rất nguy hiểm.