Sau 1 năm triển khai thí điểm, từ ngày 1/12 vừa qua, xăng sinh học E5 chính thức được bán đồng loạt trên toàn quốc. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp và người tiêu dùng nào cũng mặn mà với loại nhiên liệu này. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã trả lời báo chí về vấn đề này.
Người tiêu dùng vẫn lạ lẫm với xăng sinh học
Một vấn đề người tiêu dùng quan tâm là chất lượng xăng E5. Ông có thể cho biết công tác này được kiểm soát thế nào?
Để đảm bảo sản phẩm xăng sinh học E5 với chất lượng được quản lý theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường, ngay sau khi ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nhiên liệu sinh học, các cơ quan chức năng đã tổ chức chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy cho sản phẩm và liên tục kiểm tra định kỳ, đột xuất để giám sát việc tuân thủ trong quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Kết quả kiểm tra cho thấy không có vi phạm nào trong việc bảo đảm chất lượng sản phẩm E5. Suốt thời gian xăng sinh học E5 được đưa vào kinh doanh trên thị trường, chưa có khiếu kiện nào của người tiêu dùng liên quan đến vấn đề chất lượng.
Mặc dù đã triển khai toàn quốc nhưng xem ra không nhiều người tiêu dùng mặn mà với xăng sinh học, thưa ông?
Để cung cấp đầy đủ thông tin về chương trình phát triển nhiên liệu sinh học, tạo sự đồng thuận trong xã hội, Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về nhiên liệu sinh học. Bộ cũng thực hiện Đề án tuyên truyền về nhiên liệu sinh học, xăng E5 (thực hiện từ tháng 10/2015 đến tháng 10/2016); phối hợp với các địa phương triển khai truyền thông về nhiên liệu sinh học và xăng E5 thông qua các hội nghị, hội thảo và phổ biến kiến thức về xăng E5.
Các địa phương, đầu mối kinh doanh xăng dầu đã tích cực triển khai tuyên truyền đến người tiêu dùng về lợi ích của xăng E5. Tuy nhiên, thái độ của người tiêu dùng ở các địa phương còn khác nhau. Tại Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Nam, người tiêu dùng chấp nhận sử dụng xăng E5 mà không phân biệt với xăng khoáng. Tại Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, người tiêu dùng vẫn còn e ngại khi sử dụng xăng E5.
Vừa qua, một số doanh nghiệp như Petrolimex cũng kêu nhiều khó khăn khi triển khai xăng sinh học, tới đây có giải pháp nào tháo gỡ, thưa Thứ trưởng?
Cũng như các loại nhiên liệu khác, nhiên liệu sinh học khi đi vào cuộc sống cũng phải tuân theo quy luật của kinh tế thị trường cho nên tại từng thời điểm, từng dự án cụ thể, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa được như kỳ vọng do phải vượt qua các thách thức, trở ngại của quá trình phát triển. Vì vậy, cần phải có chính sách phù hợp và thống nhất để đạt được mục tiêu tổng quát.
Từ hiện trạng sản xuất và kinh doanh xăng E5 và các thuận lợi, khó khăn đang tồn tại trong thực tế, Bộ đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện các giải pháp như sau: Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu cơ chế ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp sản xuất ethanol; cơ chế về giá cho E100; giá, thuế các loại đối với E5.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông về nhiên liệu sinh học ở phạm vi quốc gia, khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học nói chung, xăng E5, E10 nói riêng, trong đó cần làm rõ lợi ích của việc sử dụng nhiên liệu sinh học, khẳng định về chất lượng, kỹ thuật để người tiêu dùng yên tâm sử dụng nhiên liệu sinh học. Các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu ban hành cơ chế bắt buộc sử dụng xăng E5, đặc biệt đối với các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.
Xin cám ơn Thứ trưởng!