Không chỉ mang tới những tác động khôn lường về kinh tế, sức khỏe con người, biến đổi khí hậu còn được cho sẽ là nguyên nhân chính tác động tới những chuyến bay của ngành hàng không.
Theo một nghiên cứu mới đây được công bố bởi tạp chí Environmental Research Letters, biến đổi khí hậu sẽ trở thành nguyên nhân chính dẫn tới những thay đổi trong dòng khí phản lực mùa đông tại khu vực phía Bắc của Đại Tây Dương. Điều này dẫn tới những chuyến bay có thể kéo dài hơn dự kiến đó là chưa kể, chi phí nhiên liệu hàng năm sẽ bị đội lên rất nhiều.
Dòng khí phản lực thường hẹp và trôi nhanh theo dòng không khí ở tầng trên của bầu khí quyển từ Tây sang Đông. Do đó, phi công thường tận dụng dòng khí phản lực này để di chuyển về phía Đông bán cầu nhanh hơn, giúp giảm đáng kể thời gian mỗi chuyến bay.
Những dòng phản lực này được tạo ra bởi sự chênh lệch giữa nhiệt độ không khí trong bầu khí quyển. Vào mùa đông, sự khác biệt về nhiệt độ giữa vùng Bắc Cực và vùng nhiệt đới là rất lớn so với mùa hè. Điều này dẫn tới việc tạo ra dòng phản lực mạnh mẽ hơn cả. Tuy nhiên kể từ khi hiện tượng Trái Đất dần nóng lên dưới bàn tay tác động của con người, nhiệt độ tại các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới đang nóng lên nhanh hơn so với vùng cực.
Tiến sỹ Paul Williams, tác giả chính của nghiên cứu đã tìm hiểu sự thay đổi này sẽ tác động ra sao tới thời gian của những chuyến bay. Trong nghiên cứu này, Williams đã xem xét mô hình biến đổi khí hậu và kết hợp với thuật toán đường bay tiêu chuẩn trong ngành hàng không - loại thuật toán dành riêng để tính tuyến đường nhanh nhất xuyên qua Đại Tây Dương.
Đáng chú ý rằng, sự thay đổi của dòng phản lực tạo ra hiệu ứng khá rõ rệt. Dòng phản lực mùa đông sẽ mạnh nhất và các chuyến bay về hướng Đông từ New York tới Luân Đôn tiết kiệm khoảng 4 phút thời gian bay. Thực tế ghi nhận hồi tháng 1/2015, một chuyến bay giữa hai thành phố lớn này đã xác lập kỷ lục thời gian bay chỉ khoảng 5 giờ 16 phút nhờ một dòng phản lực mạnh mẽ bất thường.
Biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính tác động tới các dòng phản lực trong bầu khí quyển
Chuyến bay theo hướng ngược lại chắc chắn sẽ tốn nhiều thời gian hơn và phi công phải tìm cách tránh các dòng phản lực. Tuy nhiên dưới mô hình nghiên cứu của Williams, mỗi chuyến bay sẽ phải mất thêm 5 phút 18 giây. Như vậy tính ra một chuyến bay khứ hồi sẽ phải mất thêm trung bình khoảng 1 phút 18 giây.
Thậm chí, một chuyến bay khứ hồi có thể tiêu tốn thêm 2.000 giờ bay trên không trung của ngành hàng không mỗi năm. Quy ra lượng nhiên liệu có thể tiêu thụ là 32,7 triệu lít và chi phí chạm ngưỡng 22 triệu USD/năm. Ngoài ra, vấn đề đáng lo ngại hơn cả chính là các chuyến bay kéo dài sẽ phát thải ra thêm 72 ngàn tấn CO2 vào bầu khí quyển mỗi năm, góp phần thúc đẩy hiện tượng Trái Đất nóng lên.
Kết luận của tiến sỹ Williams để lại một câu hỏi còn bỏ ngỏ cho các nhà khoa học và ngành hàng không. Ông cho rằng: "Ngành công nghiệp hàng không đang phải đối mặt với áp lực giảm thiểu tác động tới môi trường nhưng theo nghiên cứu này, chính ngành hàng không mới là đối tượng nhạy cảm với những tác động của biến đổi khí hậu".