Nhu cầu năng lượng sạch tại châu Á

Thứ tư, 27/04/2016 14:05
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đến năm 2040, nhu cầu năng lượng tại châu Á - Thái Bình Dương chiếm 40% trong tổng số nhu cầu của thế giới và tổng chi phí đầu tư trong lĩnh vực năng lượng lên tới 68 nghìn tỷ USD.

Đây là số liệu thống kê của Ủy ban kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương Liên hiệp quốc (viết tắt là UNESCAP) đưa ra trong buổi đối thoại về nguồn năng lượng vì mục tiêu phát triển bền vững của khu vực, vừa được tổ chức tại thủ đô Băng Cốc của Thái Lan vào đầu tuần này. UNESCAP cho biết nhu cầu năng lượng tại khu vực tăng gấp đôi trong giai đoạn 2010 - 2035 do nhu cầu phát triển kinh tế năng động của khu vực, dân số gia tăng, đặc biệt là tầng lớp trung lưu vốn chiếm lượng lớn trong số người tiêu dùng. Trong đó, giao thông là lĩnh vực tiêu thụ năng lượng hàng đầu do nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh.

Một diễn đàn toàn cầu về năng lượng sạch tại Singapore. (Ảnh: eco-business)

Cũng trong tháng 4 này, hội chợ công nghệ và năng lượng bền vững châu Á 2016 được tổ chức tại Thái Lan. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp khắp nơi trên thế giới gặp gỡ, trao đổi về những thách thức năng lượng, ứng dụng rộng rãi công nghệ và xu hướng tương lai. Hiện nay, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang trong thời kỳ bùng nổ đầu tư năng lượng tái tạo với tổng vốn đầu tư 180 tỷ USD vào năm 2015, chiếm hơn một nửa tổng vốn đầu tư năng lượng trên toàn cầu. Trong khi đó, dự báo năng lượng tái tạo sẽ lên ngôi với tiềm năng và tính khả thi ở nhiều quốc gia, trong đó có châu Á - Thái Bình Dương, với tổng số tiền đầu tư có thể lên tới 100 nghìn tỷ USD vào năm 2050.

Trang tin CNA cho biết, Cơ quan Điều tiết thị trường năng lượng (EMA) của Singapore và Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) ngày 25/4 đã ký một tuyên bố chung về việc hợp tác trong ngành năng lượng sạch. Theo đó, hai cơ quan sẽ hợp tác với nhau trong việc chia sẻ kiến thức, các nghiên cứu chung và tổ chức hội thảo đa phương cũng như các cuộc thảo luận chính sách chuyên sâu. Sau khi ký kết, EMA và DOE đưa ra những tham vấn đầu tiên trong chính sách song phương, trong đó cả hai đã cùng trao đổi quan điểm về việc phát triển năng lượng toàn cầu và thảo luận về tiềm năng hợp tác năng lượng trong năm nay.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Hội đồng năng lượng thế giới cho biết xu thế tiềm năng sản xuất điện từ gió, mặt trời và nước là rất lớn, hiện gấp hơn 40 lần công suất phát điện của khu vực so với năm 2012. Điển hình tại Myanmar gấp 56 lần, Việt Nam 26 lần, Indonesia 20 lần… Xu thế này tiến tới mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu năm 2030 nhằm tăng cường hợp tác quốc tế để tạo điều kiện tiếp cận công nghệ và nghiên cứu năng lượng sạch. Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức về gia tăng nhu cầu năng lượng và lượng khí thải gây sức ép lên hiệu ứng nhà kính khiến nhiệt độ trái đất gia tăng, khu vực còn đối mặt với hệ lụy khác về vấn đề liên quan. UNESCAP cho biết, hiện 455 triệu người dân khu vực nay vẫn chưa được tiếp cận với nguồn điện năng, 2,6 tỷ người sử dụng nhiên liệu rắn để nấu ăn và sưởi ấm. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, việc sử dụng hay đốt nhiên liệu rắn như củi, than đá hay những chất đốt rắn chủ yếu là tại khu vực nông thôn, nếu không được che chắn kỹ khiến hàng triệu người chết mỗi năm vì các căn bệnh chủ yếu là đường hô hấp. Vì vậy, việc phát triển năng lượng sạch là chiến lược đã được UNESCAP đưa ra từ năm 2010 và hiện vẫn theo đuổi nhằm đem đến môi trường sống an toàn cho người dân khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng cũng như trên toàn cầu.

 

hoavt

Nguồn: Báo Quảng Nam

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)