Ngày 12/5, Hội thảo tham vấn dự thảo Kế hoạch Hành động Quốc gia về Giảm phát thải CO2 từ hoạt động hàng không dân dụng (2016-2030) đã diễn ra tại Hà Nội, với sự tham gia của đại diện Bộ GTVT, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, các công ty hàng không và các cơ quan chức năng sân bay của Việt Nam, cùng với đại diện của Chương trình phát triển LHQ (UNDP), Cơ quan phát triển quốc tế Hoa kỳ (USAID) và các chuyên gia của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế của LHQ (ICAO).
Th.s Trần Ánh Dương - Vụ trưởng Vụ Môi trường Bộ GTVT (ngồi thứ 2 bên phải)
cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan đồng chủ trì Hội thảo
Với tốc độ tăng trưởng hàng năm 14%, hàng không dân dụng Việt Nam nằm trong nhóm có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Đây cũng là ngành kinh tế quan trọng của đất nước, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội. Nhưng sự tăng trưởng nhanh này cũng dẫn đến mức độ phát thải khí CO2 vào việc gây hiệu ứng nhà kính gia tăng. Phát thải CO2 vào khí quyển là một trong những nguyên nhân chính tạo ra sự nóng lên của toàn cầu.
Chính vì vậy việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia giảm phát thải CO2 từ hàng khôn dân dụng là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc hội nhập phát triển và ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành.
Tại Hội thảo, ông David White, Chuyên gia của ICAO, đã trình bày Hướng dẫn của ICAO về xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia giảm phát thải khí CO2 trong ngành hàng không. Trực tuyến từ Indonesia, ông Caesar Velarde, Chuyên gia cao cấp về hàng không và môi trường của ICAO, chia sẻ kinh nghiệm về hàng không xanh - Bài học của Indonesia.
Toàn cảnh Hội thảo
Theo ông Barkhodir Burkhanov, Phó giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam, việc ngành hàng không Việt Nam đầu tư vào các hành động khí hậu là đầu tư và cơ hội kinh doanh thực sự. Ông nói: “Giảm phát thải CO2 liên quan trực tiếp đến giảm sử dụng nhiên liệu - chi phí căn bản của mọi hãng hàng không. Điều này sẽ giúp tăng tính cạnh tranh của ngành. Cải thiện hiệu suất năng lượng trong vận hành sân bay giảm chi phí dài hạn, thúc đẩy sáng tạo công nghệ, và bằng chứng đã cho thấy, cải thiện sự hài lòng của khách hàng”.
Ông cũng cho rằng điều này cũng mang lại những nguồn tài chính mới giúp Việt Nam đạt được mục tiêu giảm phát thải CO2. Đặc biệt, các cơ chế bù đắp các-bon có thể giúp nhân rộng đầu tư vào quản lý rừng bền vững ở Việt Nam thông qua thu hồi phát thải các-bon.
Đặc biệt, ông Burkhanov gợi ý: “Việc áp dụng những biện pháp mới có thể tạo nguồn vốn mà Việt Nam đang rất cần nhằm phục vụ ngành hàng không hiện nay và trong tương lai. Ví dụ, với 35 triệu hành khách mỗi năm, một khoản phí “xanh” nhỏ cho từng vé sẽ giúp tạo doanh thu mới cho ngành. Những quỹ này có thể được sử dụng cho việc chuyển đổi sang các phương tiện sử dụng điện cho mọi vận hành trên các sân bay của Việt Nam; hay nhân rộng công nghệ hiệu suất năng lượng đối với điều hoà nhiệt độ ở sân bay, và áp dụng năng lượng tái tạo cho các sân bay mới đang hoặc sắp được xây dựng".
Ông Christopher Abram, Giám đốc Phòng Môi trường và Phát triển Xã hội của USAID tại Việt Nam nói: “Kế hoạch hành động vì hàng không xanh” là cơ hội để tăng cường hiệu quả năng lượng và nhiên liệu nhằm giảm chi phí đồng thời duy trì sự phát triển nhanh và lành mạnh của ngành hàng không”. Ông cho rằng những gì đang được thảo luận tại hội thảo này có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với ngành hàng không Việt Nam mà còn đối với nỗ lực hạn chế ảnh hưởng của biến đổi của khí hậu trên toàn cầu.