Ngày 17/12, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Nghị viện châu Âu (EP) đã đạt được thỏa thuận đồng ý cắt giảm 37,5% lượng khí thải carbon dioxide từ ô tô mới vào năm 2030.
Ô tô di chuyển trên đường cao tốc tại Pháp ngày 27/7/2018. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, thông báo được đưa ra hai ngày sau khi kết thúc Hội nghị của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu năm 2018 (COP24) vừa diễn ra tại Katowice (Ba Lan), trong đó các quốc gia giàu có gây thất vọng do không đưa ra những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải trong tuyên bố cuối cùng.
Ủy viên EU phụ trách hành động vì khí hậu và năng lượng Miguel Arias Canete đánh giá, với luật mới này, EU đang đặt ra mục tiêu và các hướng dẫn cần thiết để giải quyết khí thải từ ngành giao thông. Điều này sẽ giúp ngành công nghiệp quan trọng của châu Âu nắm bắt sự đổi mới theo hướng giao thông không phát thải và tăng cường hơn nữa vị trí lãnh đạo thế giới trong lĩnh vực phương tiện giao thông sạch.
Thỏa thuận này là một sự thỏa hiệp giữa yêu cầu của các quốc gia như Đức, vốn chỉ muốn cắt giảm 30%, và EP muốn giảm 40%.
Liên đoàn vận tải và môi trường châu Âu (T&E) cho biết đây là một bước đi đúng hướng nhưng chưa đủ. Giám đốc phương tiện sạch của T&E Greg Archer tuyên bố châu Âu đang tăng hết tốc lực để sản xuất ô tô có khí phát thải bằng 0. Luật mới dự kiến sẽ có khoảng 1/3 ô tô mới sẽ chạy bằng điện hoặc hydro vào năm 2030.
Trong khi đó, ngành công nghiệp ô tô đã bày tỏ ý kiến phản đối kế hoạch trên vì lo ngại sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người lao động.