Hội LHPN tỉnh Phú Yên vừa phối hợp với Sở VH-TT-DL tổ chức hội thảo tham vấn Giao thông xanh trong phát triển du lịch cộng đồng tại Phú Yên. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án Thúc đẩy giao thông xanh góp phần xây dựng TP Tuy Hòa xanh, thông minh, phát triển bền vững do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF SGP), Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tài trợ, Hội LHPN tỉnh Phú Yên thực hiện.
Các phương tiện tham gia giao thông trên đường Hùng Vương, TP Tuy Hòa
Nhu cầu cần thiết
Tại hội thảo, ông Nguyễn Tấn Chân, Phó Giám đốc Sở GTVT Phú Yên cho biết: Giao thông xanh là các phương tiện giao thông hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường như: giao thông sử dụng sức người, năng lượng tái tạo, điện, khí thiên nhiên nén... Hiện nay, phát triển giao thông xanh là xu thế chung của nhiều nước trên thế giới. Riêng Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng, giao thông xanh vẫn còn khá mới mẻ. Phú Yên mới chỉ có xe điện đưa khách tham quan núi Nhạn và xe điện tham quan tuyến Đồi Thơm - Bãi Xép. Vì vậy, phát triển giao thông xanh gắn với du lịch cộng đồng là việc trước sau cũng phải làm.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Phú Yên có địa hình đa dạng gồm biển đảo với nhiều danh thắng nổi tiếng như: vịnh Xuân Đài, gành Đá Đĩa, Bãi Môn - Mũi Điện, vịnh Vũng Rô, Hòn Yến, đầm Ô Loan, hòn Lao Mái Nhà… Cùng với các danh thắng, Phú Yên cũng có nhiều di sản văn hóa giàu bản sắc. Việc khai thác các danh lam thắng cảnh, phát huy giá trị di sản văn hóa theo hướng du lịch cộng đồng, du lịch xanh sẽ càng nâng cao vị thế của tỉnh trên bản đồ du lịch.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp du lịch cộng đồng An Mỹ (huyện Tuy An) là người tâm huyết, trăn trở với du lịch xanh, du lịch cộng đồng và sẵn sàng cùng với địa phương triển khai mô hình giao thông xanh. Bà Thủy cho biết: “Dù có nhiều kinh nghiệm và tâm huyết với việc phát triển du lịch cộng đồng nhưng với tôi, việc triển khai mô hình du lịch này vẫn là một hành trình gian nan. Nhất là trong việc giúp người dân trang bị kiến thức, kỹ năng để vừa bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, vừa tự tin giao tiếp và hướng dẫn khách du lịch trải nghiệm, qua đó tạo ra sự kết nối giữa dân cư địa phương với du khách khi đến đây. Từ những nỗ lực của HTX, cuối năm 2021, sản phẩm Du lịch trải nghiệm văn hóa cộng đồng tại Mộc Miên Rooky Garden của HTX được công nhận là sản phẩm, dịch vụ OCOP đạt hạng 4 sao. Tuy nhiên, lịch sử để lại những con đường nông thôn rất nhỏ nên nếu có thể đưa mô tô điện, xe đạp điện tham gia vào các tuyến du lịch thì HTX sẽ cùng tham gia để chung tay bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển du lịch bền vững”.
Mong sớm hình thành tuyến giao thông xanh từ TP Tuy Hòa đến đập Đồng Cam, ông Nguyễn Văn Nhành, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam chia sẻ: Hệ thống đập Đồng Cam không chỉ là một công trình đại thủy nông có giá trị to lớn về mặt kỹ thuật mà còn là một di sản văn hóa kết tinh công sức, trí tuệ của lớp người đi trước và là một trong những địa điểm du lịch thu hút nhiều du khách đến khám phá, chiêm ngưỡng. Tại địa điểm này, nếu hình thành tuyến du lịch xanh, phương tiện giao thông xanh thân thiện với môi trường sẽ tạo nên nét mới, giúp thu hút du khách đến tham quan.
Xe điện, một loại hình giao thông xanh phục vụ du khách tham quan núi Nhạn (TP Tuy Hòa)
Xây dựng lộ trình phát triển
Theo ông Nguyễn Tấn Chân, muốn phát triển giao thông xanh, cần có quy hoạch cụ thể điểm đi, điểm đến kết nối với các điểm du lịch cộng đồng, vì vậy các địa phương cần phối hợp vạch ra các luồng tuyến, lộ trình, thời gian. “Tôi mong rằng có thể sớm quy hoạch các trạm sạc, tuyến du lịch để 1-2 năm tới có thể triển khai 1-2 luồng tuyến giao thông xanh”, ông Chân kỳ vọng.
Bà Nguyễn Thị Minh Hiệp, Chủ tịch Hội LHPN TX Sông Cầu, cho rằng: Ai cũng biết khí thải từ các động cơ chạy bằng xăng, dầu làm ô nhiễm môi trường nhưng thói quen sử dụng xe máy, ô tô riêng đã ăn sâu trong bộ phận không nhỏ người dân nên mỗi khi đề cập tới việc hạn chế xe cá nhân, chuyển đổi phương tiện sang đi bộ, xe đạp, xe buýt lại gặp không ít khó khăn. Như năm 2021, xã Xuân Thịnh trúng tôm, người dân địa phương đổ xô đi mua vài trăm ô tô vào dịp tết. Đây là nhu cầu chính đáng của người dân với mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống nhưng qua đó, cũng cho thấy người dân hiện chưa có ý thức cao trong việc sử dụng các phương tiện giao thông xanh mà chuộng xe cá nhân hơn. Để dần thay đổi ý thức của người dân, góp phần thực hiện được mục tiêu giao thông xanh, cần phải xây dựng được lộ trình phát triển. Trước mắt, TP Tuy Hòa nên chú trọng xây dựng các tuyến phố đi bộ, khuyến khích người dân đi bộ hoặc sử dụng xe đạp, xe điện. Đồng thời tập trung nguồn lực đầu tư phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn sử dụng năng lượng sạch, không gây ô nhiễm môi trường.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Quyền Giám đốc Sở VH-TT-DL, hiện Phú Yên có nhiều khu du lịch, điểm du lịch cộng đồng đã và đang được triển khai xây dựng. Vì vậy thời gian tới, để phát triển giao thông xanh cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giao thông xanh; phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với nông thôn, làng nghề nhưng vẫn đảm bảo duy trì được hiện trạng, cảnh quan điểm đến… Phấn đấu đến 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Bà Lê Đào An Xuân, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phú Yên nhấn mạnh: Tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội LHPN tỉnh góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình hành động 08, ngày 18/8/2021 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo vệ môi trường, phấn đấu xây dựng tỉnh Phú Yên trở thành điểm đến xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường.