Chuyển đổi sang phương tiện “xanh”: Góp phần tích cực giảm phát thải

Thứ năm, 29/09/2022 08:46
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sau khi Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon của ngành GTVT, Bộ GTVT đang rốt ráo triển khai các hoạt động cụ thể trên từng lĩnh vực với mục tiêu chung giảm phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

Trạm xe buýt đường Hàm Nghi (quận 1, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trạm xe buýt đường Hàm Nghi (quận 1, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nguy cơ tăng khí cacbon
Hiện ngành GTVT là một trong những nguồn phát thải khí cacbon chính ở Việt Nam, do cả lĩnh vực vận tải hành khách lẫn vận tải hàng hóa vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nhiên liệu hóa thạch. Theo báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2021, nhu cầu dịch vụ vận tải dự kiến sẽ tăng đáng kể vào năm 2050. Cụ thể, trên thị trường vận tải hành khách cá nhân, phương tiện giao thông chủ yếu là ô tô và xe máy, trong đó, khoảng 50 triệu xe máy đang hoạt động. Trong trường hợp không cấm xe máy, lượng xe này dự kiến tăng khoảng 56% vào năm 2050. Đối với vận tải hành khách công cộng, nhu cầu trong các thành phố đến năm 2050 dự kiến tăng khoảng 5 lần so với năm 2020.

Theo TS Nguyễn Quốc Khánh, chuyên gia Dự án Calculator 2050 (Dự án về tính toán cung - cầu năng lượng của Việt Nam và các kịch bản giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2050 - Bộ Công thương), trong trường hợp xăng dầu vẫn là nguồn năng lượng truyền thống, tổng phát thải khí nhà kính sẽ là 52,4 triệu tấn năm 2030 và 106,2 triệu tấn năm 2050. Nhưng nếu có kế hoạch thúc đẩy các phương tiện “xanh” (thân thiện môi trường) ở quy mô lớn, đơn cử, số xe máy chạy điện đạt 34% tổng số xe bán ra, số ô tô chạy điện đạt 65% tổng số xe bán ra, thì lượng phát thải khí nhà kính sẽ giảm 7,7% năm 2030 và giảm 19,8% năm 2050.

Các chuyên gia cũng đưa ra một kịch bản tích cực hơn, không chỉ xe máy điện, ô tô điện (chiếm tỷ lệ trên 70%) mà còn các loại hình xe điện khác gồm xe buýt điện, hệ thống xe buýt nhanh (BRT) phát triển mới cũng dùng điện. Đối với xe liên tỉnh, việc lựa chọn nhiên liệu sẽ theo khoảng cách di chuyển, sử dụng xe điện nếu khoảng cách di chuyển dưới 400km và hydrogen cho quãng đường di chuyển trên 400km… Khi đó, phát thải khí nhà kính sẽ giảm 13,6% năm 2030 và 38,1% năm 2050. Với vận tải hàng hóa, tình hình cũng tương tự do việc sử dụng phương thức chính là đường bộ. Những con số này cho thấy, nếu không tích cực chuyển đổi, nguồn phát thải khí cacbon từ hoạt động GTVT không những không giảm mà còn tăng mạnh.

Chuyển đổi sang phương tiện 'xanh': Góp phần tích cực giảm phát thải ảnh 1

Sử dụng xe buýt điện là giải pháp góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: HOÀNG HÙNG


Xây dựng lộ trình phù hợp
Theo ông Trần Ánh Dương, Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT), Bộ GTVT đã rà soát thực trạng các lĩnh vực trong ngành để xây dựng lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh phù hợp với năng lực và mục tiêu chung của quốc gia. Trước mắt, Bộ GTVT sẽ rà soát, đề xuất sửa đổi 5 bộ luật, luật chuyên ngành GTVT và các văn bản dưới luật để thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện, trang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh. Đồng thời, tới đây, Bộ GTVT sẽ xây dựng quy định giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu cho phương tiện giao thông đường bộ; quy định về sử dụng hiệu quả năng lượng cho phương tiện thủy nội địa và tàu biển, máy bay hoạt động tuyến nội địa.

Cùng với đó, hệ thống quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức liên quan đến nhập khẩu, sản xuất, đóng mới, chuyển đổi, hoán cải phương tiện, thiết bị giao thông sử dụng điện, năng lượng xanh sẽ được hoàn thiện. Đặc biệt, Bộ GTVT sẽ sửa đổi chính sách để tạo môi trường thuận lợi tiếp nhận các dòng vốn đầu tư có công nghệ tiên tiến, tạo động lực để huy động sự tham gia của toàn xã hội cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của ngành.

Tuy nhiên, ông Trần Ánh Dương cho rằng, để lộ trình giảm phát thải của ngành GTVT đạt được mục tiêu đề ra, các bộ ngành, địa phương cần nỗ lực và phối hợp tích cực. Theo đó, đến năm 2030, các cơ quan chức năng phải xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp sản xuất, chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị sử dụng điện; cung cấp sạc điện, năng lượng xanh để đến năm 2040, Việt Nam dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô, mô tô, xe gắn máy sử dụng xăng, dầu. Về phía các địa phương, việc xây dựng, hoàn thiện hạ tầng hỗ trợ phương tiện sử dụng điện và năng lượng xanh cần được quan tâm và xây dựng lộ trình cụ thể, có chính sách thúc đẩy người dân, doanh nghiệp chuyển đổi sang phương tiện “xanh”.

toanld

Nguồn: Báo SGGP

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)