Chuyên gia cho rằng động cơ diesel sắp không còn được sử dụng cho dù là trong nông nghiệp hay các lĩnh vực khác của Australia, và quá trình chuyển đổi hydro-carbon tại nước này đang diễn ra tốt đẹp.
Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)
20% ôtô của Australia chạy bằng dầu diesel, giống như hầu hết các xe tải, thiết bị nông nghiệp và khai thác mỏ khác của nước này. Tuy nhiên, nỗ lực giảm lượng khí thải trên toàn cầu có thể đồng nghĩa với việc nhiên liệu diesel sẽ bị loại bỏ sớm hơn dự đoán.
Dầu diesel thông thường là nhiên liệu hóa thạch được sản xuất từ dầu thô. Nó nhẹ hơn xăng nhưng vẫn tạo ra lượng khí thải carbon đáng kể và một số khí độc hại nghiêm trọng. Một số chuyên gia cho rằng những lo ngại về điều đó, cộng với chi phí dầu diesel tăng cao, đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang công nghệ sạch hơn.
Chuyên gia tư vấn về chuyển đổi năng lượng kiêm cố vấn cho Bộ năng lượng và biến đổi khí hậu liên bang, ông Cassian Drew, cho rằng động cơ diesel sắp không còn được sử dụng cho dù là trong nông nghiệp hay các lĩnh vực khác, và quá trình chuyển đổi hydro-carbon đang diễn ra tốt đẹp.
Hiệu quả của các động cơ công nghệ mới và chi phí của chúng sẽ đạt đến mức có sự chuyển đổi quy mô rộng hơn sang sử dụng điện chạy bằng pin hoặc điện chạy bằng pin nhiên liệu hydro.
Theo ông, chính phủ liên bang cần có nhiều biện pháp để tái cung cấp nhiên liệu và bảo dưỡng máy móc chạy bằng điện hoặc nhiên liệu thay thế trên khắp Australia.
Nhiều người hoài nghi về tiềm năng của xe điện, nhưng ông Drew cho biết các nhà sản xuất thiết bị nông nghiệp lớn đã thực hiện quá trình chuyển đổi. Các nhà sản xuất lớn như Volvo cũng có kế hoạch chuyển sang sử dụng điện vào năm 2026 để đáp ứng kế hoạch toàn cầu là phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Nhà sản xuất thiết bị nông nghiệp John Deere cũng tuyên bố sẽ chuyển sang sử dụng máy kéo chạy bằng pin tự hành vào năm 2026.
Trong khi người nông dân còn nghi ngờ về việc chuyển sang sử dụng điện, Janus Electric - một công ty nhỏ ở Central Coast của bang New South Wales - đang chứng minh rằng điều đó có thể thực hiện được.
Công ty này đang chuyển đổi động cơ diesel sang động cơ điện và thử nghiệm bảy xe tải liên quan đến nông nghiệp, khai thác mỏ và phân phối thực phẩm. Họ có đơn đặt hàng cho 130 chuyển đổi từ các công ty trên khắp Australia.
Giám đốc điều hành Lex Forsyth cho biết công ty của ông đang sử dụng bảy loại xe tải của Kenworths, Macs, Western Stars, Freightliners và Volvos và chuyển đổi chúng từ động cơ diesel sang điện, sau đó áp dụng công nghệ pin có thể thay thế.
Những chiếc xe tải đó đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, vận chuyển hàng hóa và khai thác mỏ, đồng thời chở sữa và các sản phẩm thực phẩm đông lạnh, cũng như cát và sỏi, gỗ tròn, xi măng và đồng cô đặc.
Ông Forsyth cho biết những chiếc xe tải này có thể đi được 400-600km mỗi lần sạc và chỉ mất bốn phút để thay pin, ngoài ra chúng còn rất nhiều năng lượng. Ngoài ra, sẽ có một số xe tải điện có công suất cao nhất trên thế giới với công suất 720 mã lực.
Dầu diesel đang tiêu tốn của hầu hết các nhà khai thác trong hầu hết các ứng dụng khoảng 1-1,15 USD/km, trong khi đối với động cơ điện, mức 40-60 xu/km tùy thuộc nơi mua điện. Những con số đó sẽ được cải thiện khi công nghệ pin phát triển.
Ngành vận tải biển toàn cầu chịu trách nhiệm vận chuyển 80% lượng hàng hóa của thế giới. Nó tạo ra khoảng 3% lượng khí thải toàn cầu, vì vậy công nghệ chuyển sang các nguồn tái tạo hoặc chuyển đổi động cơ diesel trên tàu thành điện là rất quan trọng đối với quá trình chuyển đổi của Australia và thế giới khỏi nhiên liệu hóa thạch.
Công ty vận chuyển toàn cầu Maersk đang chi hàng tỷ USD để chuyển sang sử dụng nhiên liệu ít khí thải và đã đưa vào hoạt động 19 tàu mới chạy bằng metanol xanh.
Công ty vận hành hơn 700 tàu trên toàn thế giới và sẽ mất từ 25-30 năm để chuyển đổi tất cả chúng sang công nghệ phát thải thấp. Chi phí của quá trình chuyển đổi đó sẽ dẫn đến giá cước vận chuyển tăng khoảng 100 USD một container, nhưng khí thải từ các tàu mới sẽ giảm khoảng 95%./.