Việc phát triển hệ thống giao thông - vận tải gắn với phát triển đô thị có ý nghĩa vô cùng quan trọng nên những năm qua, các chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông - vận tải cũng như kế hoạch triển khai xây dựng các công trình giao thông của tỉnh đã được quan tâm đầu tư, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông và đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.
Bản vẽ bằng công nghệ mới để phân tích địa hình
trong quá trình thi công nâng cấp mở rộng đèo Prenn
Thực hiện căn cứ Kế hoạch số 7175/KH-UBND ngày 22/9/2022 của UBND tỉnh Lâm Đồng về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Lâm Đồng đã hoàn thiện các giải pháp tạo thuận lợi cho các địa phương trong xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng về kết nối hạ tầng, vận tải công cộng và logistic đặc biệt tại các khu công nghiệp…
Có thể thấy rằng, những năm qua, ngành GTVT Lâm Đồng đã phát triển đa dạng các phương thức vận tải hành khách công cộng trên địa bàn toàn tỉnh, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, du khách để góp phần giảm phương tiện giao thông cá nhân và chống ùn tắc giao thông tại các đô thị và trên các tuyến quốc lộ. Bên cạnh sự phát triển, mở rộng về luồng tuyến vận tải, các đơn vị vận tải đã đầu tư thay thế xe cũ bằng các loại xe mới chất lượng cao, xe giường nằm trên các tuyến đường dài, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng đã tiếp tục nâng lên. UBND tỉnh cũng đã giao cho Sở Công thương chủ trì, phối hợp xây dựng kế hoạch hoặc Đề án hình thành Trung tâm logistics tại TP Bảo Lộc, Trung tâm Giao dịch hoa tại TP Đà Lạt, Trung tâm Logistics gắn với Cảng Hàng không Liên Khương, huyện Đức Trọng triển khai trong năm 2023.
Sở cũng hướng dẫn các đơn vị vận tải hành khách, hàng hóa trong hoạt động kinh doanh vận tải… cơ bản các thủ tục hành chính về vận tải đã thực hiện ở cấp độ 4. Phối hợp hoàn thiện các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ trên địa bàn tỉnh. Tập trung triển khai đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; nâng cấp hệ thống đường tỉnh, đường huyện. Xúc tiến đầu tư phát triển giao thông nội vùng, ngoại vùng, đẩy nhanh kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nhằm tăng cường kết nối vùng.
Sở GTVT đã chủ động tham mưu đề xuất đẩy mạnh các hoạt động kêu gọi đầu tư, ưu tiên bố trí vốn đầu tư các công trình, dự án giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh; đề xuất danh mục các dự án công trình trọng điểm, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Phát triển giao thông nói chung và giao thông đô thị nói riêng có tác động lớn đến việc hình thành và phát triển đô thị, ngược lại, sự phát triển đô thị cũng là động lực cho việc hình thành và phát triển mạng lưới giao thông. Ngành Giao thông đã tích cực tham gia ý kiến chuyên môn đối với các đồ án quy hoạch vùng và điều chỉnh quy hoạch chung đô thị trên địa bàn tỉnh. Để đưa ra các giải pháp ngắn hạn, dài hạn khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông; từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông trên địa bàn TP Đà Lạt theo hướng đồng bộ, hiện đại; Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức công bố Đề án Chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Đà Lạt, Quy hoạch chi tiết bãi đỗ xe Đarahoa và bãi đỗ xe đầu đèo Prenn.
Sở GTVT cũng đã triển khai xây dựng và trình Đề án xã hội hóa đầu tư nâng cấp Cảng Hàng không Liên Khương theo phương thức đối tác công tư theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng. Và để tạo thuận lợi cho các địa phương trong triển khai thực hiện đầu tư phát triển đường giao thông nông thôn, Sở đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án Phát triển đường GTNT phục vụ Chương trình xây dựng Nông thôn mới đến năm 2025. Đặc biệt, thực hiện lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển GTVT trên địa bàn tỉnh để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng bền vững, ưu tiên xây dựng các bến, bãi đỗ xe, các tuyến xe buýt, taxi theo quy hoạch để tạo thuận lợi cho phát triển giao thông công cộng.