“Xanh hóa” cảng biển

Thứ năm, 17/08/2023 08:38
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Phát triển mô hình cảng xanh tại Việt Nam được thí điểm từ năm 2023 trước khi nhân rộng, áp dụng tiêu chí bắt buộc từ sau năm 2030. Trong xu thế đó, các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ đã và đang tích cực triển khai theo mô hình cân bằng giữa sự biến động môi trường và nhu cầu phát triển kinh tế.

Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép đã và đang xây dựng, khai thác theo mô hình “xanh hóa”.

Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép đã và đang xây dựng,

khai thác theo mô hình “xanh hóa”.

Đón đầu xu thế

Là cảng biển lớn và hiện đại nhất Việt Nam quy mô 160 ha bãi, 2.040 m cầu tàu, thiết bị xếp dỡ và công nghệ quản lý tiên tiến đứng trong tốp 21 cảng container lớn và hiện đại nhất thế giới, Cảng Tân Cảng - Cát Lái (TP Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) là cảng đầu tiên tại Việt Nam đạt danh hiệu Cảng xanh của Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng APEC.

Ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động, dưới tầm nhìn, định hướng và chiến lược phát triển đúng đắn của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cùng các đối tác liên doanh cảng đã đầu tư hệ thống trang thiết bị hoạt động hoàn toàn bằng điện như cẩu bờ, cẩu bãi, giúp giảm lượng khí thải CO2 thay vì thiết bị hoạt động bằng dầu diesel. Thêm vào đó, các cảng không ngừng đổi mới trang thiết bị sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tự nhiên nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và bảo vệ môi trường; thay thế, sử dụng bóng đèn LED trên toàn bộ hệ thống cẩu bờ, cẩu bãi; phát triển hệ thống lọc sóng để bảo đảm hệ thống điện lưới ổn định, tận dụng nguồn điện dư thừa từ cẩu bờ để làm năng lượng sử dụng cho văn phòng, bãi container và hệ thống điện bãi.

Cùng với đó, việc không ngừng nâng cao năng suất giải phóng tàu, không những giúp cho khách hàng tiết kiệm chi phí, thời gian tàu nằm chờ tại cảng mà còn giảm tác động xấu đến với môi trường. Cảng còn áp dụng các biện pháp giảm tiếng ồn, giảm bụi trong không khí, các yếu tố bức xạ và trồng cây dọc các tuyến đường nội bộ nhằm tạo cảnh quan cho cảng, đồng thời cải thiện môi trường không khí chung quanh; đầu tư các hệ thống thu gom và xử lý nước thải, thu gom, tái chế và xử lý rác thải rắn, rác thải độc hại...

Trong khi đó, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 2021, Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) đã được Hội đồng mạng lưới dịch vụ Cảng APEC trao giải thưởng Cảng xanh 2020, trở thành cảng thứ hai của Việt Nam sau Tân Cảng - Cát Lái đoạt giải thưởng này.

Để đạt được thành tích đó, ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động, TCIT đã đầu tư hệ thống trang thiết bị hoạt động hoàn toàn bằng điện như: cẩu bờ, cẩu bãi, giúp giảm lượng khí thải CO2 thay vì thiết bị hoạt động bằng dầu diesel.

Trao đổi về điều này, Tổng Giám đốc Cảng CMIT Nguyễn Xuân Kỳ cho biết, để đón đầu xây dựng cảng theo tiêu chí xanh, TCIT luôn không ngừng đổi mới trang thiết bị sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tự nhiên nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động và bảo vệ môi trường…

Là một cảng thuộc cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, dù mới vận hành từ năm 2021 nhưng Cảng quốc tế Gemalink đang nổi lên như một trong những cảng biển nổi bật của Việt Nam khi lập kỷ lục trong ngành hàng hải, cán mốc sản lượng 1 triệu Teu hàng hóa chỉ sau một năm hoạt động. Trong tháng 3/2023 vừa qua, cảng chính thức đạt 2 triệu Teu thông qua cảng. Đây được coi là kết quả của quá trình đầu tư xây dựng, vận hành cảng theo mô hình hiện đại, đi kèm đó là hiệu quả bảo vệ môi trường. Bởi các thiết bị chạy bằng năng lượng điện góp phần biến lượng phát thải trực tiếp thành lượng phát thải gián tiếp, giảm hơn 50% tổng lượng carbon phát thải.

Trưởng phòng Quan hệ công chúng và nhà đầu tư (Công ty cổ phần Gemadept, chủ đầu tư Cảng Gemalink) Nguyễn Thị Thu Thảo cho rằng, việc phát triển cảng xanh, ứng dụng công nghệ, phần mềm tiên tiến và đầu tư trang thiết bị hiện đại mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, gia tăng giá trị cho khách hàng.

Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Đông Nam Á Bùi Văn Quỳ thông tin, ngành vận tải biển đang chiếm khoảng 3% tổng phát thải carbon toàn cầu, thải hơn 940 triệu tấn CO2 mỗi năm, đặc biệt chiếm 15% tổng lượng phát thải sulfur và 11% lượng phát thải hạt nhựa. Do đó, xu thế phát triển cảng biển theo tiêu chí xanh là yêu cầu bắt buộc và thực tế Bộ Giao thông vận tải cũng đã phê duyệt Đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam năm 2020.

Cần chiến lược dài hơi…

Dù các cảng biển đã có những sự chuẩn bị nhất định trong việc phát triển theo mô hình cảng xanh, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc xanh hóa cảng biển còn gặp khó khăn do việc đầu tư cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường, phòng ngừa và ứng phó sự cố trong hoạt động hàng hải tại các cảng biển còn hạn chế, do đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Đồng thời, Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm. Doanh nghiệp thiếu vốn hoặc không tiếp cận được những khoản vay tín dụng cho các dự án tiết kiệm năng lượng. Cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư thay thế dây chuyền lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, tốt cho môi trường còn rất hạn chế. Do đó, cơ quan nhà nước cùng doanh nghiệp cảng biển cần phối hợp chặt chẽ và có chiến lược phát triển dài hơi để phát huy hiệu quả.

Về kinh nghiệm phát triển cảng xanh, Đại tá Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP, đơn vị quản lý Cảng Cát Lái) cho biết, doanh nghiệp đã đưa ra thực hiện các giải pháp như tiết kiệm nguồn tài nguyên; chất lượng môi trường cảng; sử dụng năng lượng sạch tại cảng, xử lý chất thải tại cảng, ứng dụng công nghệ 4.0...

Những tiêu chí đó được cụ thể hóa thông qua các hoạt động thay thế thiết bị nâng hạ sử dụng dầu diesel bằng các thiết bị chạy điện (tiết kiệm 1,5 - 2 triệu USD phí nhiên liệu/năm); tăng cường vận tải thủy với sức chở cùng lúc được 3.000 TEU (thay thế được khoảng 2.000 ô-tô chở container); áp dụng chứng từ điện tử giúp thời gian xe đậu chờ tại cổng cảng giảm từ 13 phút còn 6 phút; xóa bỏ văn bản giấy tại cảng khoảng 30.000 - 50.000 tờ/ngày; trồng cây xanh dọc tuyến bến tàu và đường giao thông...

“Chúng tôi cũng là đơn vị đi đầu trong phát triển dịch vụ vận tải xanh với các dịch vụ vận tải bằng sà-lan kết nối các cảng khu vực Đông Nam Bộ; kết nối cảng tại TP Hồ Chí Minh với vùng đồng bằng sông Cửu Long; kết nối cảng tại Hải Phòng với các khu công nghiệp thuộc khu kinh tế trọng điểm phía bắc trên địa bàn Bắc Ninh, Bắc Giang và kết nối cảng tại Việt Nam với Campuchia. Mục tiêu sắp tới của chúng tôi là tiếp tục xanh hóa các dịch vụ của hệ thống theo chuẩn quốc tế nhằm bảo đảm năng lực cạnh tranh khu vực và toàn cầu”, Đại tá Bùi Văn Quỳ nhấn mạnh.

Còn theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Cảng Gemalink Đỗ Công Khanh, với mục tiêu xây dựng theo mô hình cảng xanh hiện đại và thông minh, Gemalink đang ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến như dàn siêu cẩu bờ 8 chiếc STS của Hàn Quốc với chiều cao 92 m, nặng hơn 1.700 tấn, sức vươn 70 m, có thể nâng cùng lúc 2 container loại 20 feet hoặc hàng rời và hàng dự án trọng tải lên đến 85 tấn; dàn 24 cẩu E-RTG sử dụng 100% điện lưới, được vận hành bán tự động, tích hợp công nghệ kiểm soát linh hoạt và cabin điều khiển thông minh cùng hệ thống DGPS kết hợp đồng bộ với phần mềm quản lý cảng CATOS hiện đại. Nhờ đó, Gemalink là một trong những điểm đến thu hút các hãng tàu bởi các tiêu chí phát triển xanh, giảm ảnh hưởng đến môi trường trong hoạt động.

Theo góp ý của PGS, TS Hồ Thị Thanh Hòa, Viện trưởng Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam, để nắm bắt được các cơ hội trong tương lai, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần nghiên cứu các mô hình hoạt động của các cảng trên thế giới, tăng cường kết nối hàng hải, chủ động tiếp cận các cảng hãng tàu trên thế giới để tìm nguồn. Đặc biệt, cần tăng cường chuyển đổi số dịch vụ logistics phát triển cảng xanh nhằm tạo thuận lợi hoạt động cũng như cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Hải cho biết, nhằm góp phần tích cực trong xây dựng cảng biển xanh, Sở tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát nguồn thải; phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tiến trình phát triển cảng xanh; nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sạch, thân thiện với môi trường trong hoạt động khai thác cảng biển. Mặt khác, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ, bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Trên cơ sở phê duyệt của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam đã ra Quyết định số 710/QĐ-CHHVN ban hành kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển cảng xanh tại Việt Nam. Dự kiến đến sau năm 2030, tiêu chí cảng xanh trong quy hoạch, đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác cảng biển tại Việt Nam được áp dụng bắt buộc. Cảng xanh tại Việt Nam sẽ được xây dựng trên sáu nhóm tiêu chí chính, gồm: Nhận thức về cảng xanh; sử dụng tài nguyên; quản lý chất lượng môi trường; sử dụng năng lượng; ứng dụng công nghệ thông tin; giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Để được xem xét công nhận cảng xanh, cảng biển phải đạt được ít nhất 60% số điểm của các tiêu chí (đạt tổng điểm thấp nhất 60/100 điểm).

Báo Thời Nay

Nguồn: Báo Thời Nay

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)