TP. HCM bàn giải pháp phát triển trạm sạc cho xe ô tô điện

Thứ sáu, 12/04/2024 08:04
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
TP. HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng xe điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành GTVT.

TP. HCM bàn giải pháp phát triển trạm sạc cho xe ô tô điện- Ảnh 1.

Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP. HCM phát biểu tại buổi hội thảo

Ngày 11/4, Sở GTVT TP. HCM chủ trì hội thảo bàn về tiêu chuẩn trạm sạc cho ô tô điện tại TP. HCM với sự tham dự của nhiều đơn vị và chuyên gia trong và ngoài nước.

Theo lãnh đạo Sở GTVT TP. HCM, đến cuối năm 2022, TP. HCM có khoảng 12.750 xe ô tô điện các loại có đăng ký và tiếp tục tăng cao trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hiện nay Thành phố chưa có hệ thống trạm sạc và các quy chuẩn, tiêu chuẩn chi tiết cho trạm sạc xe điện. 

Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng xe điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành GTVT; giai đoạn đến năm 2050 sẽ thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng GTVT sang sử dụng điện, năng lượng xanh, hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP. HCM cho biết hiện Thành phố đang triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông" trên địa bàn TP. HCM, trong đó có nhiệm vụ xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư phương tiện xe buýt theo từng giai đoạn, phù hợp với hạ tầng cung ứng nhiên liệu, ưu tiên phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch và thân thiện với môi trường".

Mặt khác, Thành phố cũng đang triển khai Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành GTVT trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện Thành phố chưa có hệ thống trạm sạc và quy chuẩn cần thiết cho trạm sạc điện. Để từng bước tiến tới cải tiến phương tiện, Thành phố rất cần có quy hoạch, tiêu chuẩn cụ thể về hệ thống trạm sạc cho xe điện.

Theo nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, một trong những điều cần cân nhắc khi lập kế hoạch cho các trạm sạc xe điện là vị trí. Các trạm sạc thường quy hoạch, đặt tại các vị trí trọng điểm như cây xăng, trạm dừng nghỉ, chung cư, văn phòng, bãi đỗ xe, trung tâm thương mại, trường đại học... Do đó, các trạm sạc cần chia sẻ thông tin với nhau và kết nối vận hành chung cùng một hệ thống.

Về thu hút đầu tư, PGS. TS. Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình Đào tạo kỹ thuật ô tô, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng cần tạo ra sự hấp dẫn trong kinh doanh cho các trạm sạc ô tô điện như khuyến khích tài chính và hỗ trợ pháp lý để phát triển cơ sở hạ tầng sạc xe điện; giảm giá hoặc trợ cấp giá năng lượng trong vài năm đầu hoạt động; đơn giản hóa việc cấp phép xây dựng để có thể thu hút các nhà đầu tư.

Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp đầu tư, cung cấp trạm sạc điện đề nghị cơ quan chức năng TP. HCM cần ban hành hướng dẫn kỹ thuật trạm sạc xe buýt điện nhằm hướng dẫn yêu cầu kỹ thuật để các nhà đầu tư trạm sạc và xe buýt điện có thể sạc của nhau. Bên cạnh đó, cần ưu tiên quy hoạch và mặt bằng để đặt các trạm sạc điện cũng như sớm ban hành giá điện theo hướng hỗ trợ nhà đầu tư…

TP. HCM bàn giải pháp phát triển trạm sạc cho xe ô tô điện- Ảnh 2.

Các chuyên gia nêu ý kiến, đóng góp thúc đẩy phát triển xe điện

Phát biểu tại Hội thảo, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhận định, TP. HCM đóng vai trò đầu mối giao thông quan trọng tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Hiện tại, lượng phương tiện cá nhân của Thành phố là chủ đạo, chiếm 90% nhu cầu đi lại của người dân. Điều này góp phần gây ô nhiễm đáng kể vào lượng phát thải nhà kính và chất gây ô nhiễm không khí.

Do đó, việc thúc đẩy phát triển xe điện, hạ tầng trạm sạc là điều kiện tiên quyết. Để đạt được mục tiêu đưa vào vận hành xe buýt điện, Thành phố cần phải xây dựng hệ thống hạ tầng cung ứng nhiên liệu sạch. Điều này đòi hỏi phải có chính sách quản lý và thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân.

Ông Nguyễn Văn Khôi, Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) nhìn nhận, để đấu nối hệ thống trạm sạc xe điện chung vào hệ thống điện quốc gia sẽ cần nguồn tiêu thụ rất lớn. Bên cạnh vấn đề an toàn thì phải làm sao các dòng xe của các hãng khác nhau có thể dùng chung trạm sạc. Ở đây, vấn đề quản lý kỹ thuật của địa phương sẽ như thế nào, quy tắc, quy phạm pháp lý cho các nhà khai thác ra sao?...

Kết luận buổi Hội thảo, Phó Giám đốc Sở GTVT TP. HCM Bùi Hòa An nhận định, để đạt mục tiêu chuyển đổi xe điện, Thành phố cần giải quyết rất nhiều vấn đề quan trọng, trong đó bao gồm quy hoạch sử dụng đất, sử dụng nguồn điện, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng kết nối, chính sách phát triển xe điện, trạm sạc... 

Hiện nay, TP. HCM đang quản lý 9 triệu phương tiện, vì vậy vấn đề phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là các phương tiện sử dụng nguồn nhiên liệu xanh, sạch phải được đặt lên hàng đầu.

P.V

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)