Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong công tác quản lý và bảo vệ chất lượng môi trường không khí. Trước thực tế đó, thành phố đang thúc đẩy xây dựng giao thông xanh theo định hướng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Cầu Giấy. Ảnh: Quang Thái
Cơ chế chống ô nhiễm không khí
Các thông số đo lường đã chỉ ra, Hà Nội liên tục lọt vào nhóm những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới. Đây là hệ quả của nhiều nguyên nhân; trong đó, mật độ phương tiện giao thông tăng cao là một trong những nguyên nhân chính.
Trước những diễn biến thực tế, thành phố Hà Nội đã đề xuất các chính sách bảo vệ môi trường vào Luật Thủ đô năm 2024 và được Quốc hội thông qua. Cụ thể, Phó Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam Nguyễn Hưng Quang cho biết, nhằm cải thiện chất lượng không khí, tại Khoản 6, Điều 3, Luật Thủ đô quy định vùng phát thải thấp để hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường.
Đáng lưu ý, Luật Thủ đô năm 2024 bổ sung quy định phân quyền mạnh hơn cho HĐND thành phố Hà Nội trong việc ban hành các chính sách, giải pháp đặc thù, đột phá, để đầu tư xây dựng, phát triển các công trình ngầm, chống ùn tắc giao thông. Đồng thời, Luật Thủ đô năm 2024 đặt ra các nguyên tắc cơ bản cho việc phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) và triển khai xây dựng các tuyến đường giao thông có sử dụng phương thức vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn. Ưu tiên trước mắt là hệ thống đường sắt đô thị trên địa bàn Thủ đô với các cơ chế, chính sách ưu đãi.
“Mô hình TOD đặc biệt phù hợp với những thành phố lớn như Hà Nội. Tôi cho rằng, giải pháp này sẽ giãn được mật độ dân số ở khu vực trung tâm ra các khu vực bên ngoài, từ đó góp phần tăng lượng hành khách sử dụng giao thông công cộng, giảm sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, góp phần giảm ô nhiễm, ùn tắc, tai nạn giao thông và phát triển đô thị bền vững”, ông Nguyễn Hưng Quang chia sẻ.
Sẽ sử dụng 100% xe buýt điện, năng lượng xanh
Hành khách sử dụng dịch vụ xe buýt điện tại điểm dừng trên đường Nguyễn Văn Cừ
(quận Long Biên). Ảnh: Nguyễn Quang
Theo hướng đi này, Hà Nội xác định sẽ phát triển hệ thống đường sắt đô thị với 15 tuyến đến năm 2045, cùng với đó là 91 khu vực đô thị theo mô hình TOD. Hiện, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua quy định thực hiện vùng phát thải thấp có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Trước mắt, từ nay đến năm 2030, thành phố thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một số khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình; đánh giá hiệu quả và đề xuất nhân rộng mô hình ở các địa phương.
Các biện pháp áp dụng trong vùng phát thải thấp gồm: Cho phép các phương tiện giao thông không phát sinh khí thải, xe cơ giới thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh; cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel. Hà Nội cũng sẽ xem xét cơ chế hỗ trợ những cá nhân sinh sống và làm việc trong vùng phát thải thấp, các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, phương tiện giao thông không phát thải...
Để cải thiện chất lượng không khí một cách bền vững, cùng với xây dựng vùng phát thải thấp, Hà Nội sẽ đẩy nhanh xanh hóa hệ thống giao thông, nhằm hạn chế thải khí CO2 và các loại khí độc hại khác ra môi trường. Mới đây nhất, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt "Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố".
Đề án nhằm đưa ra kế hoạch, lộ trình chuyển đổi và phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022; đồng thời, đề xuất các giải pháp chuyển đổi, phát triển và đạt được tỷ lệ 100% phương tiện sử dụng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh vào năm 2035. Theo đó, ngay trong năm 2025, Hà Nội sẽ chuyển đổi các phương tiện buýt lớn sử dụng diesel hết hạn khấu hao và hết hạn thầu sang xe buýt lớn chạy bằng điện. Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong năm 2025 là 103 xe, đạt 5% tổng số phương tiện chuyển đổi.
Từ năm 2026, dự kiến, thành phố ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đầy đủ cho các chủng loại xe buýt điện. Các đơn vị sẽ triển khai thực hiện thay thế phương tiện đã hết thời gian khấu hao (10 năm) theo thời gian sử dụng phương tiện thực tế trên từng tuyến. Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong giai đoạn 2026-2030 là 1.813 xe. Tỷ lệ chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đến năm 2030 dự kiến đạt 93,4% tổng số phương tiện được chuyển đổi. Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong giai đoạn 2031-2035 là 238 xe. Dự kiến đến năm 2035, tỷ lệ chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt 100% tổng số phương tiện được chuyển đổi. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện phương án này là khoảng 48.625 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố khoảng 35.996 tỷ đồng và doanh nghiệp phải tự bố trí khoảng 12.629 tỷ đồng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhìn nhận, trong bối cảnh ô nhiễm môi trường ngày càng trở thành thách thức lớn, đây là một trong nhiều giải pháp quan trọng làm thay đổi bộ mặt giao thông đô thị, thay đổi văn hóa giao thông Thủ đô, giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, thành phố phải nâng cao chất lượng hạ tầng công cộng. Các tuyến xe buýt cần có tính kết nối cao hơn; tích hợp tốt hơn giữa giao thông và quy hoạch đô thị để thu hút người sử dụng. Có như vậy mới giúp Thủ đô xanh hơn, người dân khỏe mạnh hơn và Hà Nội là nơi đáng sống hơn.
Theo Báo Hà Nội mới