Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải 65 năm xây dựng và phát triển

Thứ tư, 26/11/2014 14:48
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 28 tháng 8 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Tuyên cáo thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ lâm thời gồm 14 Bộ, trong đó có Bộ Giao thông công chính (nay là Bộ Giao thông vận tải).

SỰ HÌNH THÀNH VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CHI BỘ ĐẢNG ĐẦU TIÊN CƠ QUAN BỘ GIAO THÔNG
CÔNG CHÍNH KHI THÀNH LẬP BỘ ĐẾN KẾT THÚC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (1948-1954)

 

1. Nhiệm vụ chính trị và tổ chức của ngành Giao thông công chính thời kỳ 1948 - 1954

Ngày 28 tháng 8 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Tuyên cáo thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ lâm thời gồm 14 Bộ, trong đó có Bộ Giao thông công chính. Ông Đào Trọng Kim - Kỹ sư giao thông công chính, một nhân sĩ yêu nước được cử giữ chức Bộ trưởng. Trụ sở của Bộ ở phố Hàng Tre - Hà Nội lúc bấy giờ.

Trong hoàn cảnh nước ta mới giành độc lập, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và bối cảnh quốc tế vô cùng khó khăn, phức tạp, vận mệnh đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc”. Việc thành lập Bộ Giao thông công chính là một trong những Bộ đầu tiên của Chính phủ chứng tỏ ý nghĩa và tầm quan trọng của Giao thông công chính đối với sự nghiệp cách mạng của cả nước. Cũng từ đó, ngành Giao thông công chính đã không ngừng được xây dựng, củng cố và phát triển, đóng góp công lao to lớn cho công cuộc kháng chiến, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Về nhiệm vụ chính trị:

Trước khi Cơ quan Bộ có tổ chức Đảng, ngành Giao thông công chính đứng trước những nhiệm vụ và trách nhiệm nặng nề chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Đó là việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị:

- Vận tải quân, lương thực chuẩn bị phục vụ kịp thời cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ và tất cả các chiến trường, các mặt trận khi cuộc kháng chiến bùng nổ.

- Tiến hành nhiệm vụ “tiêu thổ kháng chiến”, phá một số cầu đường nhằm ngăn chặn âm mưu tiến công, đánh chiếm của địch.

- Thiết lập các đường dây giao liên, thông tin liên lạc, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ Tịch.

- Sửa chữa, mở đường mới, kể cả đường dây thông tin liên lạc ở các vùng tự do, vùng kháng chiến phục vụ các chiến dịch đánh địch trên khắp các chiến trường.

- Làm nhiệm vụ vận tải quốc tế chi viện cho các chiến trường Lào, Campuchia.

Từ năm 1948 - 1954, ngành Giao thông công chính, một mặt tham gia chiến đấu anh dũng trên khắp các chiến trường, một mặt tuân thủ sự lãnh đạo của Chính phủ kháng chiến, tổ chức các hoạt động giao thông công chính phục vụ kháng chiến, phục vụ các chiến dịch chống quân xâm lược Pháp. Những nhiệm vụ và hoạt động trọng tâm của ngành Giao thông công chính thời kỳ này là tiến hành các biện pháp để ngăn chặn bước tiến của giặc Pháp, đồng thời tổ chức xây dựng, khôi phục các tuyến giao thông vận tải phục vụ nhu cầu của các mặt trận và phát triển kinh tế ở vùng tự do.

Những nhiệm vụ và thành quả chủ yếu đạt được là:

- Quân và dân ta đã làm tê liệt hầu hết mạng lưới giao thông đường sắt, đường bộ, đường sông trong cả nước, phá 10.700 ki-lô-mét đường ôtô, trên 30.000 mét cầu, 1.540 ki-lô-mét đường sắt, tạo chướng ngại vật trên đường sông, phá huỷ, tháo dỡ hàng ngàn toa xe, đầu máy...

- Đảm bảo giao thông cho “An toàn khu”. Nhiều tuyến đường đã được tu sửa, nhiều cầu phà được khôi phục, đảm bảo tốt đi lại và vận tải hàng hoá cho chiến khu Việc Bắc (Thái Nguyên - Bắc Kạn - Tuyên Quang).

- Đảm bảo giao thông, chuẩn bị tốt đường sá, cầu cống và tổ chức lực lượng dân công tiếp vận, phục vụ chiến dịch đường 4 năm 1949 dọc biên giới Việt - Trung.

- Sửa chữa đường sá, vận tải phục vụ cho chiến dịch Cao - Bắc - Lạng (chiến dịch Biên giới) năm 1950.

- Tổ chức tốt công tác giao thông vận tải phục vụ chiến dịch Hoà Bình và Tây Bắc (1951 - 1952).

- Giao thông vận tải phục vụ các chiến trường thuộc khu vực Trung du và Bắc Bộ, vùng tự do Liên khu IV, Bình Trị Thiên, Liên khu V, Tây Nguyên và chiến trường Nam Bộ.

- Tập trung cao độ hoạt động Giao thông vận tải phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 06 tháng 12 năm 1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Hồ Chủ Tịch quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Đến ngày 07 tháng 5 năm 1954 chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, có sự đóng góp vô cùng quan trọng của những người làm giao thông vận tải. Họ đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ và hy sinh để phá núi, làm đường, vượt đèo, qua suối, bắc cầu... quyết giữ vững mạch máu giao thông cho chiến dịch. Hàng ngàn ki-lô-mét đường giao thông được mở, hàng chục vạn tấn vũ khí, lương thực được vận chuyển kịp thời phục vụ mặt trận. Đây là chiến công kỳ diệu bắt nguồn từ lòng yêu nước nồng nàn của hàng triệu con người trên mặt trận giao thông vận tải.

Về tổ chức, cán bộ:

Lãnh đạo Ngành giai đoạn này là Bộ trưởng Trần Đăng Khoa (1946 - 1954) và các Thứ trưởng Đặng Phúc Thông, Lê Dung, Nguyễn Văn Trân. Các ông Trần Đăng Khoa, Đặng Phúc Thông đều là những nhà trí thức yêu nước, là kỹ sư giao thông công chính được Hồ Chủ Tịch bổ nhiệm. Tuy không phải là đảng viên Đảng Cộng sản, nhưng đã hết sức đề cao trách nhiệm, tận tụy cống hiến sức lực và trí tuệ của mình cho đất nước, cho ngành Giao thông công chính theo sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Hồ Chủ Tịch.

2. Sự hình thành và phát triển của tổ chức đảng Cơ quan Bộ Giao thông công chính thời kỳ 1948 - 1954

Thời gian đầu ở chiến khu do lực lượng cán bộ là đảng viên Đảng Cộng sản ở cơ quan quá ít, nên tất cả đảng viên thuộc các Bộ đều sinh hoạt chung dưới sự chỉ đạo của Bí thư Đảng đoàn cơ quan Chính phủ lúc này là đồng chí Võ Nguyên Giáp - Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng. Sinh hoạt đảng bấy giờ theo nguyên tắc bí mật và không được làm mất đoàn kết với đảng viên các đảng Dân chủ và đảng Xã hội. Cuối năm 1947, Trung ương mới điều đồng chí Lê Dung, đảng viên Đảng Cộng sản về làm Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính.

Cuối năm 1948, Cơ quan Bộ Giao thông công chính có thêm hai đảng viên là đồng chí Hoàng Hoan Nghinh, nguyên là Thư ký của đồng chí Trần Hữu Dực được điều về làm thư ký cho đồng chí Thứ trưởng Lê Dung và đồng chí Nguyễn Mạnh Nồng là bảo vệ Cơ quan Bộ. Do có ba đảng viên, Chi bộ Đảng Cộng sản Cơ quan Bộ Giao thông công chính được thành lập (cuối năm 1948). Chi bộ trực thuộc Đảng đoàn các cơ quan trung ương, Bí thư Chi bộ là đồng chí Hoàng Hoan Nghinh.

Bước vào chuẩn bị cho chiến dịch Tây Bắc, nhiệm vụ của ngành Giao thông công chính rất nặng nề, nên đã được Trung ương tăng cường cho nhiều cán bộ. Đồng chí Nguyễn Văn Trân - Tổng Thanh tra Chính phủ, thành viên Hội đồng Chính phủ giữ trọng trách Phó Chủ tịch Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương (Hội đồng do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch) kiêm nhiệm Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính (năm 1953). Đồng thời, nhiều đồng chí khác như Dương Bạch Liên, Bình Tâm, Nguyễn Chấn, Hà Kỳ Ngộ, Nguyễn Duy Ninh, Lê Khắc,... cùng một số cán bộ tốt nghiệp trường Đại học Đường Sơn ở Trung Quốc về như Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Đình Doãn... được bố trí tăng cường cho Nha Giao thông, cho việc thành lập một số Tổng đội công trình làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông và Đoàn xe vận tải ôtô. Đồng chí Phạm Hữu Phức - sinh viên cao đẳng Giao thông công chính, là đảng viên, được điều về làm Thư ký cho Bộ trưởng Trần Đăng Khoa.

Do có thêm nhiều đảng viên chuyển về, tổ chức đảng ở Cơ quan Bộ Giao thông công chính đã phát triển tới 5 chi bộ, nên đã thành lập Liên chi đảng Cơ quan Bộ Giao thông công chính, đồng chí Hoàng Hoan Nghinh là Bí thư Liên chi. Liên chi vẫn trực thuộc Đảng đoàn các cơ quan trung ương.

Sở Vận tải thuộc Bộ Giao thông công chính được Hồ Chủ Tịch ký sắc lệnh thành lập ngày 25 tháng 12 năm 1951 do đồng chí Nguyễn Hữu Mai làm Giám đốc, đồng chí Vũ Quang làm Phó Giám đốc, cùng một số cán bộ, đảng viên. Vì vậy, tổ chức đảng trong Ngành thời gian này, bên cạnh Chi bộ Cơ quan Bộ Giao thông công chính, còn có Chi bộ Nha Giao thông, Chi bộ Sở Vận tải, Chi bộ Đoàn xe ôtô (Chi bộ này ra đời năm 1953 với hơn 10 đảng viên do đồng chí Bình Tâm làm Bí thư...).

Khi chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung ương tiếp tục bổ sung thêm cho ngành Giao thông công chính nhiều cán bộ.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II họp từ ngày 11 đến 19 tháng 02 năm 1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Lúc này, Đảng ta trở lại hoạt động công khai và đổi tên là Đảng Lao động Việt Nam. Tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Văn Trân được bầu là Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, đồng chí Hoàng Hoan Nghinh được điều động sang Bộ Ngoại giao, đồng chí Nguyễn Duy Ninh được Ban Tổ chức Trung ương cử về Bộ Giao thông công chính phụ trách công tác tổ chức cán bộ và làm Bí thư Chi bộ Cơ quan Bộ Giao thông công chính.

Cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp kết thúc, hòa bình lập lại tháng 7 năm 1954, Cơ quan Bộ Giao thông công chính thành lập các đoàn về tiếp quản các cơ sở giao thông công chính tại Hà Nội.

Như vậy, tổ chức đảng Cơ quan Bộ Giao thông công chính lúc ở An toàn khu chỉ có 3 đảng viên, đến khi hoà bình lập lại đã có gần 20 đảng viên. Đồng chí Lê Dung là đảng viên đầu tiên của Cơ quan Bộ Giao thông công chính (năm 1947) và đồng chí Hoàng Hoan Nghinh là Bí thư chi bộ đầu tiên của Cơ quan Bộ Giao thông công chính (năm 1948).

3. Hoạt động của Chi bộ Cơ quan Bộ Giao thông công chính thời kỳ 1948 -1954

Nhiệm vụ và hoạt động của đảng viên và tổ chức đảng thời kỳ này là phối hợp và hợp tác chặt chẽ với lãnh đạo Bộ Giao thông công chính, trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng và Hồ Chủ Tịch, chỉ đạo Cơ quan Bộ và toàn Ngành vượt qua mọi khó khăn gian khổ, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Mặc dù trong kháng chiến tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở còn mỏng, ngay cả trong lãnh đạo Bộ Giao thông công chính và cán bộ chủ chốt không phải tất cả đều là đảng viên, nhưng công tác chỉ đạo điều hành đều tuân theo đường lối, chủ trương của Đảng và Hồ Chủ Tịch. Nhờ đó đã tạo nên sức mạnh và hiệu quả to lớn, góp phần đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi. Đây cũng là thành quả rất quan trọng của lãnh đạo Bộ Giao thông công chính, trong đó có vai trò của Chi bộ đảng đầu tiên; liên chi đảng đầu tiên, là tiền thân của Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải sau này. Đó cũng là bài học quý báu của thời kỳ này.

Tuy điều kiện vô cùng khó khăn về giao thông liên lạc và hết sức thiếu thốn về cơ sở vật chất, lãnh đạo ngành Giao thông công chính mà hạt nhân là tổ chức đảng của Cơ quan Bộ Giao thông công chính đã xây dựng được hệ thống cơ cấu tổ chức giao thông công chính trong cả nước từ Bộ đến các địa phương, thông suốt về nghiệp vụ, nhạy bén linh hoạt, sáng tạo và thích nghi với tình hình nhiệm vụ cụ thể từng thời kỳ, từng vùng, từng khu vực, địa phương. Nhờ đó, ngành Giao thông công chính đã phối hợp chặt chẽ với quân đội và các ngành liên quan thực hiện tốt công tác đảm bảo giao thông vận tải và thông tin liên lạc phục vụ sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Đó cũng là tiền đề tạo điều kiện cho ngành Giao thông công chính tiếp tục phát triển và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong các thời kỳ tiếp theo.

4. Một số sự kiện nổi bật của tổ chức đảng Cơ quan Bộ thời kỳ 1948 - 1954

Người đảng viên Đảng Cộng sản đầu tiên của Cơ quan Bộ Giao thông công chính là đồng chí Lê Dung - Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính (được điều về năm 1947).

Chi bộ đảng đầu tiên của Cơ quan Bộ Giao thông công chính được thành lập vào cuối năm 1948, có 3 đảng viên; đồng chí Hoàng Hoan Nghinh là Bí thư Chi bộ, Bí thư Liên chi; kế tiếp là đồng chí Nguyễn Duy Ninh, Bí thư Liên chi đảng Cơ quan Bộ Giao thông công chính.

Đồng chí Nguyễn Văn Trân, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng (Khóa II), Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng cung cấp lương thực - thực phẩm cho Mặt trận Điện Biên Phủ, kiêm Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính năm 1953.

 

TỔ CHỨC ĐẢNG CƠ QUAN BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI TRONG THỜI KỲ KHÔI PHỤC
VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ MIỀN BẮC, ĐẤU TRANH THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (1954 - 1964)

1. Đảng bộ Cơ quan Bộ Giao thông vận tải trong giai đoạn 1954 - 1960

a) Nhiệm vụ chính trị và tổ chức của ngành Giao thông vận tải giai đoạn 1954 - 1960

Về nhiệm vụ chính trị:

Ngày 10 tháng 10 năm 1954, từ các cửa ô, quân ta đã tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Trong nhịp khúc quân hành “Lớp lớp đoàn quân tiến về...” ấy có những người làm công tác trên mặt trận giao thông vận tải.

Cùng với sự nghiệp cách mạng chung của cả nước, một giai đoạn mới của ngành Giao thông vận tải được mở ra, góp phần vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển đất nước trong hoà bình, từng bước đi lên Chủ nghĩa xã hội. Nghị quyết của Bộ Chính trị tháng 9 năm 1954 nêu rõ: “Khôi phục nhanh chóng đường xe lửa, đường bộ, vận tải sông ngòi có ý nghĩa bậc nhất. Đó là điều không thể thiếu được trong việc phát triển sản xuất, phồn vinh kinh tế, làm cho giao lưu hàng hoá giữa thành thị và nông thôn thường xuyên hoạt động”.

Để thực hiện những nhiệm vụ đó, ngành Giao thông vận tải phải bắt tay ngay vào một số công việc, đó là:

- Tiếp quản các cơ sở giao thông vận tải như nhà ga, bến cảng, các doanh nghiệp vận tải đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, các cơ sở cơ khí, cầu đường...;

- Khôi phục mạng lưới giao thông đường bộ bị hư hỏng nặng nề trong chiến tranh;

- Khôi phục hệ thống đường sắt trên các tuyến Hà Nội - Đồng Đăng; Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Thanh Hoá - Vinh...;

Để thực hiện các nhiệm vụ to lớn trên, Chính phủ đã quan tâm từng bước kiện toàn bộ máy lãnh đạo Bộ Giao thông công chính và các cơ quan tham mưu, nghiên cứu, các tổ chức quản lý chuyên ngành trực thuộc Bộ.

Về tổ chức:

Tại kỳ họp ngày 20 tháng 5 năm 1955, Quốc hội quyết định tách Bộ Giao thông công chính thành hai Bộ: Bộ Giao thông - Bưu điện và Bộ Thuỷ lợi. Bộ trưởng Trần Đăng Khoa, Đại biểu Quốc hội khoá I được cử làm Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi. Đồng chí Nguyễn Văn Trân - Uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giao thông - Bưu điện. Giúp việc cho Bộ trưởng có các Thứ trưởng Lê Dung, Trần Quang Bình, Nguyễn Hữu Mai, Nguyễn Như Quỹ. Năm 1960, đồng chí Nguyễn Hữu Mai được bầu làm Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng. Đồng chí Nguyễn Văn Trân được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng và Ủy viên Ban Bí thư năm 1953.

Một số bộ phận chuyên môn trong Cơ quan Bộ lúc này đã phát triển lên thành các cục, vụ, viện, trường...

Mô hình tổ chức Nha Giao thông chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn sau hoà bình lập lại.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và tổ chức mới của Ngành, cuối năm 1954 đến năm 1957, ngành Giao thông - Bưu điện được Đảng, Nhà nước tăng cường nhiều cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật từ quân đội, từ miền Nam ra tập kết và từ các địa phương. Nếu như ở chiến khu Việt Bắc, Cơ quan Bộ Giao thông công chính chỉ có vài chục cán bộ, thì sau hoà bình (1954), Cơ quan Bộ có hàng trăm cán bộ, nhân viên. Trong đó, có rất nhiều cán bộ dày dạn kinh nghiệm, nhiều đảng viên được rèn luyện, trưởng thành qua thử thách của cuộc kháng chiến. Cùng với đội ngũ cán bộ được tăng cường, ngành Giao thông - Bưu điện cũng đã tiếp nhận nhiều chuyên gia kỹ thuật được đào tạo cơ bản và có lòng yêu nước, say mê nghề nghiệp. Đây là một lực lượng rất đáng quý của Ngành trong những tháng năm đầu hoà bình lập lại.

b) Tổ chức đảng Cơ quan Bộ được kiện toàn, phát triển để hoàn thành vai trò, trách nhiệm trong giai đoạn mới

Khi hoà bình lập lại, tiếp quản Hà Nội, cơ quan đầu não của Trung ương đều về Thủ đô, Cơ quan Bộ Giao thông - Bưu điện lúc đầu về phố Hàng Tre, sau về 80 Trần Hưng Đạo. Đồng chí Nguyễn Duy Ninh tiếp tục làm Bí thư Chi bộ đảng Cơ quan Bộ. Cuối năm 1954, ngành Đường sắt được thành lập Tổng cục Đường sắt. Tổ chức đảng của ngành Đường sắt được xây dựng thành Đảng bộ theo hệ thống dọc. Tháng 02 năm 1957, đồng chí Nguyễn Duy Ninh được Trung ương điều động về làm Bí thư Đảng uỷ Tổng cục Đường sắt. Ban chấp hành tổ chức đảng Cơ quan Bộ Giao thông - Bưu điện lúc này được cấp trên chỉ định gồm các đồng chí: Phạm Văn Hà (Bí thư), Bình Tâm, Nguyễn Thiềm... Cơ quan chuyên trách làm công tác đảng thời kỳ này cũng được tăng cường khoảng trên dưới 10 đồng chí, là cán bộ lãnh đạo có nhiều kinh nghiệm, được rèn luyện và sau này đều trưởng thành. Tổ chức Đảng Cơ quan Bộ lúc này trực thuộc Đảng ủy Dân chính Đảng Trung ương.

Sau khi tổ chức đảng ở Cơ quan Bộ được kiện toàn một bước và trở thành một Đảng bộ (vào khoảng năm 1957) số cán bộ làm công tác đảng tăng lên. Vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Cơ quan Bộ được xác định là rất quan trọng. Đảng bộ Cơ quan không chỉ làm nhiệm vụ sắp xếp tổ chức ở các chi bộ cho phù hợp với tổ chức chuyên môn, mà còn giúp lãnh đạo Bộ chỉ đạo công tác đảng ở một số đơn vị lớn của Ngành, đưa hoạt động đảng của các đơn vị này đi dần vào nền nếp.

Theo tài liệu của đồng chí Trần Trọng Đạt, năm 1957, Đảng bộ Cơ quan Bộ theo dõi và quản lý tới 57 chi bộ, đảng bộ trực thuộc. Một số cơ sở lớn thuộc Cục Đường thuỷ, Cục Vận tải ôtô, đảng viên ở cơ quan Cục vẫn sinh hoạt trong một chi bộ trực thuộc Đảng bộ Cơ quan Bộ, còn tổ chức đảng ở các đơn vị trực thuộc Cục được bàn giao về sinh hoạt và chịu sự quản lý của cấp uỷ địa phương như các chi bộ Cảng Hải Phòng, Công ty Vận tải biển, Vận tải sông 202, Công ty hợp doanh Vận tải ôtô...

Cùng với việc kiện toàn tổ chức đảng và chuyên môn, thời kỳ này Đảng bộ đã quan tâm xây dựng và phát huy vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên lao động và Công đoàn Cơ quan Bộ. Nơi nào có tổ chức đảng thì ở đó cũng đều có tổ chức Đoàn Thanh niên và Công đoàn.

c) Nhiệm vụ của tổ chức đảng Cơ quan Bộ Giao thông - Bưu điện

Nhiệm vụ tổ chức đảng thời kỳ này là phải nắm vững nhiệm vụ chuyên môn, giúp lãnh đạo Bộ làm tốt công tác chính trị tư tưởng, làm cho đảng viên, cán bộ, công nhân viên nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ của Ngành, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chống tư tưởng hoà bình nghỉ ngơi. Đảng viên phải phát huy vai trò tiên phong gương mẫu trong công tác và tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

Theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng, tổ chức đảng phối hợp chặt chẽ với tổ chức chuyên môn để tham gia và trực tiếp làm công tác tiếp nhận cán bộ, nhân viên được Đảng, Nhà nước điều chuyển cho Ngành, đồng thời tham gia vào việc sắp xếp hoặc thành lập mới các cơ quan và tổ chức đảng ở các đơn vị sản xuất, tham gia lãnh đạo sản xuất theo hướng cải tạo xã hội chủ nghĩa.

Nhiệm vụ thời kỳ này của tổ chức đảng cơ quan không chỉ thực hiện trong phạm vi Cơ quan Bộ mà còn mở rộng đến các cục, các tổng cục và một số doanh nghiệp quốc doanh về công tác xây dựng Đảng.

Bên cạnh việc giáo dục chính trị, xây dựng cơ sở đảng, tổ chức đảng Cơ quan Bộ còn thực hiện cuộc vận động “chỉnh phong” trong Đảng. Đây là cuộc sinh hoạt chính trị rất lớn không chỉ trong Đảng mà còn cả trong đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý.

Đảng bộ Cơ quan Bộ đã làm tốt nhiệm vụ quy tụ, đoàn kết đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý từ nhiều nguồn, không phân biệt trong đảng, ngoài đảng, thành phần xuất thân, giáo dục và động viên mọi người ra sức cống hiến cho Ngành, một lòng trung thành với Tổ quốc.

Những việc làm trên đây của Đảng bộ có tác dụng rất lớn đến việc ổn định tình hình chính trị tư tưởng, phát triển sản xuất ở các đơn vị. Vai trò của Đảng bộ trong thời kỳ này được Bộ trưởng Nguyễn Văn Trân và các đồng chí lãnh đạo Bộ đánh giá rất cao.

2. Đảng bộ Cơ quan Bộ Giao thông vận tải trong giai đoạn 1961 - 1964

a) Nhiệm vụ chính trị và tổ chức của Ngành

Về nhiệm vụ chính trị:

Từ ngày 05 đến ngày 12 tháng 9 năm 1960, Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam diễn ra tại Hà Nội. Trong lời khai mạc, Hồ Chủ Tịch đã nêu rõ: “Đại hội lần này là đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hoà bình thống nhất nước nhà”. Nghị quyết của Đại hội cũng nêu rõ: “Nhiệm vụ trọng tâm của thời kỳ quá độ ở miền Bắc nước ta là công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa”.

Với tinh thần đó, nhiệm vụ của Ngành là mở mang đường bộ, khôi phục đường sắt, phát triển lực lượng vận tải (đường bộ, đường thuỷ, đường sắt), tăng cường công tác quản lý các chuyên ngành.

Về tổ chức, cán bộ:

Ngày 09 tháng 01 năm 1961, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định 160/CP giải thể Tổng cục Giao thông vận tải thuỷ bộ, thành lập Cục Vận tải đường bộ - chuyên trách quản lý cầu đường bộ và vận tải trên bộ, trực tiếp quản lý 5 công ty vận tải quốc doanh ôtô. Thành lập Ban Vận tải đặc biệt chuyên vận tải cho nước bạn Lào.

Về đường thủy, bao gồm cả đường sông và đường biển thời kỳ này cũng được phát triển một bước và tăng cường quản lý.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, đồng chí Nguyễn Văn Trân được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được Ban Chấp hành bầu làm Bí thư Trung ương Đảng; đồng chí Nguyễn Hữu Mai, Thứ trưởng được bầu là Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương. Tiếp đó, ngành Bưu điện được tách khỏi Bộ Giao thông - Bưu điện để thành lập Tổng cục Bưu điện trực thuộc Hội đồng Chính phủ, đồng thời đổi tên Bộ Giao thông - Bưu điện thành Bộ Giao thông vận tải. Đồng chí Phan Trọng Tuệ, Thiếu tướng, Thứ trưởng Bộ Công an, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội, được cử làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thay đồng chí Nguyễn Văn Trân nhận nhiệm vụ mới.

Các cơ quan tham mưu của lãnh đạo Bộ thời kỳ này được sắp xếp, chấn chỉnh cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới. Ngoài các cục, vụ, viện còn có Báo Giao thông vận tải, Tạp chí Giao thông vận tải nên lĩnh vực tuyên truyền giáo dục khá phong phú và có xu hướng phát triển mạnh.

b) Tổ chức đảng Cơ quan Bộ

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, tổ chức đảng Cơ quan Bộ Giao thông vận tải có bước phát triển mới. Nhiều cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, được đi học bổ túc công nông và đại học được tăng cường về Bộ; nhiều cán bộ đi học các trường trung cấp giao thông, một số lớn về ngành và Cơ quan Bộ. Đảng uỷ Cơ quan Bộ gồm những đồng chí là cấp trưởng hoặc cấp phó ở các cơ quan chuyên môn, bảo đảm cơ cấu hợp lý và có đủ năng lực, phẩm chất lãnh đạo một tổ chức chính trị ở cơ quan đầu não của ngành. Đồng chí Nguyễn Đình Tuy, Đại tá quân đội, đảng viên năm 1930 được Trung ương điều động về làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ. Đồng thời đồng chí cũng được chỉ định giữ trọng trách Bí thư Đảng bộ cơ quan.

Cơ quan chuyên trách công tác đảng có vị trí rất quan trọng. Đây là nơi thường trực giúp cấp ủy điều hành, chuẩn bị và giải quyết tất cả những công tác của Đảng bộ cơ quan về tuyên huấn, tổ chức, kiểm tra. Những cán bộ chuyên trách được tuyển chọn về đều là những đảng viên ưu tú, có phẩm chất, năng lực, am hiểu nhiều lĩnh vực, có mối quan hệ mật thiết với cơ quan chuyên môn.

Thường trực Đảng ủy cơ quan có các đồng chí: Nguyễn Đình Tuy - Bí thư - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; Trần Trọng Đạt và một số cán bộ.

Thời kỳ này có tổ chức Đảng đoàn Bộ Giao thông vận tải do đồng chí Phan Trọng Tuệ, Bộ trưởng kiêm Bí thư Đảng đoàn.

Đảng bộ Cơ quan Bộ bao gồm tổ chức đảng Cơ quan Bộ và tổ chức đảng một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ như các Đảng bộ Viện Thiết kế giao thông, Viện Kỹ thuật giao thông, cơ quan các Cục...

c) Nhiệm vụ của Đảng bộ Cơ quan Bộ

Nhiệm vụ của Đảng bộ Cơ quan Bộ Giao thông vận tải thời kỳ 1960 - 1964 trọng tâm là xây dựng đảng vững mạnh về mọi mặt mà nội dung bao trùm nhất là cuộc vận động xây dựng chi bộ, đảng bộ 4 tốt; quan tâm bồi dưỡng nhân tố tích cực trong quần chúng để kết nạp đảng.

Công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng trong thời kỳ này hướng vào việc quán triệt nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III, với quan điểm tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa xã hội. Đảng bộ có trách nhiệm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên khối Cơ quan Bộ có phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ, trọng trách của cơ quan tham mưu, giúp lãnh đạo Bộ hướng dẫn kiểm tra công tác ở cơ sở. Trong công nghiệp, có phong trào: “3 xây”, “3 chống”; trong thanh niên có phong trào “xung phong tình nguyện”; trong giai cấp công nhân có phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”...

Cũng từ năm 1959, một số cán bộ, đảng viên, chuyên gia đường bộ thuộc Đảng bộ Cơ quan Bộ - chủ yếu là ở Viện Thiết kế giao thông, đã được Bộ trưởng giao nhiệm vụ nghiên cứu tổ chức đi khảo sát và thiết kế đường Hồ Chí Minh từ Nghệ An vào miền Nam. Những năm tiếp theo, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ đã điều động, biệt phái nhiều cán bộ lãnh đạo và kỹ thuật thuộc khối Đảng bộ Cơ quan Bộ vào Đoàn 559.

3. Một số sự kiện nổi bật của Đảng bộ Cơ quan Bộ trong thời kỳ 1954 -1964

Ngày 20 tháng 5 năm 1955, Quốc hội quyết định tách Bộ Giao thông công chính thành hai Bộ: Bộ Giao thông - Bưu điện và Bộ Thuỷ lợi. Đồng chí Nguyễn Văn Trân - Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Thứ trưởng được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giao thông - Bưu điện.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9 năm 1960), đồng chí Nguyễn Văn Trân được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Hữu Mai được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng. Sau Đại hội, đồng chí Nguyễn Văn Trân được bầu vào Ban Bí thư và thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông - Bưu điện; đồng chí Phan Trọng Tuệ - Thiếu tướng, Uỷ viên Trung ương Đảng được cử làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, kiêm Bí thư Đảng đoàn Bộ Giao thông vận tải.

Đồng chí Nguyễn Đình Tuy, đại tá quân đội được Trung ương điều động về làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và kiêm nhiệm Bí thư Đảng uỷ Cơ quan Bộ.

 

ĐẢNG BỘ CƠ QUAN BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
TRONG THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC (1964 - 1975)

1. Nhiệm vụ chính trị và tổ chức của ngành Giao thông vận tải thời kỳ 1964 - 1975

Về nhiệm vụ chính trị:

Thời kỳ này đảm bảo giao thông là nhiệm vụ chính trị hàng đầu được toàn ngành Giao thông vận tải dồn hết tâm lực, trí tuệ và sẵn sàng hy sinh xương máu để hoàn thành với quyết tâm: “Địch phá, ta sửa ta đi”; “Địch lại phá, ta lại sửa ta đi”, rồi phá thế độc tuyến để “Địch phá ta cứ đi” và với tấm lòng: “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm...”.

Mỗi con đường, nhịp cầu, bến cảng, nhà ga, dòng sông, luồng biển; mỗi đoàn tàu, đoàn xe, đoàn thuyền... đều là những nhân chứng lịch sử cho những hành động dũng cảm, kiên cường của cán bộ, công nhân viên chức, thanh niên xung phong ngành Giao thông vận tải. Cùng với nhiệm vụ trung tâm, đột xuất là bảo đảm giao thông, vận tải thông suốt, nối liền hậu phương với tiền tuyến, thành quả về chiến đấu cũng rất to lớn.

Ngành Giao thông vận tải mỗi năm có chừng 8 vạn người tham gia tự vệ chiến đấu; gần 14 vạn đội viên thanh niên xung phong được trang bị, biên chế và hoạt động theo quy chế gần như quân đội; hàng vạn vũ khí đã được trang bị cho nhiều đơn vị tự vệ thuộc ngành Giao thông vận tải; nhiều đoàn tàu vận tải trên các tuyến đường thuỷ và đường sắt vừa sản xuất vừa trực diện chiến đấu với máy bay và tàu biệt kích địch.

Trong thời gian chống chiến tranh phá hoại, lực lượng tự vệ toàn ngành Giao thông vận tải đã bắn rơi 95 máy bay các loại của Mỹ (có 1 chiếc F111A); phối hợp với bộ đội chủ lực bắn rơi 86 chiếc khác và cùng với nhân dân các địa phương bắn bị thương 203 chiếc, bắt sống tại chỗ 18 giặc lái Mỹ.

Để chống lại âm mưu của giặc Mỹ phong toả các tuyến vận tải, các cơ quan, đơn vị của Bộ đã phối hợp với hải quân, công binh,... tổ chức nghiên cứu áp dụng các biện pháp rà phá bom mìn và chế tạo các thiết bị, phương tiện chuyên dụng để rà phá.

Tổng kết, đánh giá thành tích trực tiếp tham gia chiến đấu chống máy bay giặc Mỹ của ngành Giao thông vận tải, Đảng - Nhà nước đã tặng thưởng toàn Ngành: 01 Huân chương Quân công hạng Ba, 154 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba, 6.000 huy hiệu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và 15.000 “Huy hiệu 5/8” cho các tập thể, cá nhân. Hàng chục đơn vị và cá nhân trong ngành Giao thông vận tải đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Tại Đại hội thi đua: “Quyết tâm đảm bảo giao thông vận tải, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của ngành Giao thông vận tải được tổ chức ở Thủ đô Hà Nội từ ngày 21 đến 25 tháng 3 năm 1966, Quốc hội, Chính phủ đã tuyên dương thành tích chiến đấu dũng cảm, tặng thưởng 120 Huân chương các loại cho các tập thể và cá nhân xuất sắc nhất và ghi tặng 6 chữ vàng: “Dũng cảm, thông minh, sáng tạo” trên mặt trận Giao thông vận tải.

Vinh dự hơn nữa, Hồ Chủ Tịch đã đến thăm và nói chuyện với Đại hội, Người nói: “Giao thông vận tải là một mặt trận, mỗi cán bộ, công nhân, thanh niên xung phong, xã viên vận tải là một chiến sĩ. Quyết tâm làm cho giao thông vận tải thắng lợi. Giao thông vận tải thắng lợi là chiến tranh đã thắng lợi được phần lớn rồi”. Người còn căn dặn: “Muốn chiến đấu tốt, muốn đời sống nhân dân bình thường thì giao thông vận tải phải làm tốt”.

Vì thế, ngay trong ngày cuối của Đại hội, các đại biểu đã đồng thanh quyết định lấy ngày 25 tháng 3 hàng năm là ngày truyền thống biểu dương lực lượng sản xuất, chiến đấu của Ngành. Nhiều năm sau đó, ngày 25 tháng 3 hàng năm vẫn được lấy làm Ngày truyền thống của ngành Giao thông vận tải.

Về tổ chức, cán bộ:

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải thời kỳ 1964 - 1975:

- Giai đoạn 1964 - 1973: Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ. Các Thứ trưởng: Nguyễn Hữu Mai (đến năm 1967 chuyển lên làm Trưởng ban Công nghiệp Trung ương), Lê Dung, Dương Bạch Liên, Nguyễn Tường Lân, Vũ Quang, Nguyễn Nam Hải, Hồng Xích Tâm (năm 1973 chuyển làm Phó Văn phòng Chính phủ), Nguyễn Lưu (ốm đi dưỡng bệnh từ năm 1970), Trịnh Ngọc Điệt.

- Giai đoạn 1973 - 1975: Bộ trưởng Dương Bạch Liên. Các Thứ trưởng: Nguyễn Tường Lân, Vũ Quang, Nguyễn Nam Hải, Trịnh Ngọc Điệt.

2. Tổ chức đảng Cơ quan Bộ thời kỳ 1964 - 1975

a) Giai đoạn 1964 - 1966

Ngày 30 tháng 9 năm 1966, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quyết định số 30-TC/TƯ thành lập Đảng bộ Giao thông vận tải Trung ương trực thuộc Ban Bí thư Trung ương Đảng và chỉ định Ban Chấp hành.

- Đồng chí Phan Trọng Tuệ, Uỷ viên Trung ương Đảng giữ chức Bí thư Đảng uỷ Giao thông vận tải Trung ương.

- Đồng chí Nguyễn Đình Tuy, Uỷ viên Thường vụ Đảng ủy Giao thông vận tải Trung ương kiêm nhiệm Bí thư Đảng uỷ Cơ quan Bộ (cho đến cuối năm 1966 đồng chí Nguyễn Đình Tuy chuyển lên làm Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Giao thông vận tải Trung ương).

Quyết định thành lập nói trên cũng nêu rõ những tổ chức đảng trực thuộc Đảng uỷ Giao thông vận tải Trung ương và các Ban của Đảng uỷ. Các tổ chức đảng (đảng bộ hoặc liên chi) của ngành Giao thông vận tải trước đây sinh hoạt đảng ở địa phương hoặc trực thuộc Đảng ủy Dân chính đảng Trung ương, đều chuyển về trực thuộc Đảng uỷ Giao thông vận tải Trung ương. Chính vì vậy, Đảng bộ Cơ quan Bộ cũng chuyển về tổ chức mới này và có một số đảng bộ lớn trực thuộc Đảng bộ Cơ quan Bộ được tách ra trực thuộc Đảng ủy Giao thông vận tải Trung ương như Đảng bộ Viện Thiết kế giao thông...

Theo thống kê của tổ chức Đảng uỷ Giao thông vận tải Trung ương, khi mới thành lập, số đảng viên đã có 28.322 đồng chí. Theo Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng Công đoàn Việt Nam đã ra Quyết định số 669/QĐ ngày 18 tháng 11 năm 1966 thành lập Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam với các đơn vị trực thuộc theo hệ thống của tổ chức Đảng uỷ Giao thông vận tải Trung ương.

Cũng trong thời gian này, ngày 24 tháng 11 năm 1966, Trung ương Đoàn ra quyết định thành lập Đoàn Thanh niên Giao thông vận tải Trung ương, quy tụ các tổ chức đoàn trong Ngành (khối Trung ương), các đơn vị thanh niên xung phong làm nhiệm vụ giao thông vận tải và chỉ định đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Bí thư Trung ương Đoàn làm Bí thư. Tiếp đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ định bổ sung đồng chí Hồ Sỹ Ngợi làm Uỷ viên Thường vụ Đảng uỷ và đồng chí Nguyễn Văn Đệ làm Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ Giao thông vận tải Trung ương.

Nhân sự các cấp uỷ đảng từ Đảng uỷ Giao thông vận tải đến các Đảng bộ trực thuộc ở các đơn vị: Tổng cục Đường sắt, Cục Đường biển, Cục Vận tải đường sông, Cục Công trình I, Cục Công trình II, Ban 64, Ban 67, Viện Thiết kế giao thông, Viện Kỹ thuật giao thông, Cục Cơ khí, Cục Cung cấp vật tư, các Ban của Bộ, Trường Đại học Giao thông vận tải đều được củng cố và sắp xếp ổn định.

b) Giai đoạn 1967 - 1969

Đảng bộ Cơ quan Bộ có bước phát triển mới với gần 30 cơ sở đảng trực thuộc, bao gồm khoảng 250 đảng viên. Đại hội Đảng bộ Cơ quan Bộ lần thứ nhất được tổ chức vào ngày 01 tháng 01 năm 1967[1]. Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 15 đồng chí, trong đó Ban thường vụ là 5 đồng chí và do đồng chí Trần Trọng Đạt làm Bí thư.

c) Giai đoạn 1969 - 1973

Là những năm diễn ra đợt sinh hoạt chính trị học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ Tịch do Trung ương Đảng và Chính phủ phát động khắp miền Bắc. Ở miền Nam, phong trào “Thi đua lập công đánh giặc, đền ơn Bác” được Chính phủ lâm thời phát động trong các vùng đã giải phóng, cả vùng Mỹ - Ngụy còn kiểm soát.

Cũng vào dịp này, Đảng bộ Cơ quan Bộ đã tổ chức Đại hội lần thứ II vào tháng 12 năm 1969 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng uỷ Giao thông vận tải Trung ương. Đại hội diễn ra trong một ngày, bầu Ban chấp hành gồm 15 đồng chí, trong đó Ban thường vụ là 5 đồng chí. Đồng chí Trần Trọng Đạt tiếp tục được bầu làm Bí thư Đảng ủy.

Thường vụ Đảng uỷ Cơ quan Bộ được tham dự nhiều cuộc họp quan trọng của Đảng uỷ Giao thông vận tải Trung ương và của Bộ. Đảng ủy Cơ quan Bộ đã chỉ đạo Chi bộ Vụ Tổ chức cán bộ - lao động khẩn trương giải quyết việc chuyển vùng cho một số cán bộ và thanh niên xung phong ở vùng trọng điểm, tham gia vào việc xét chọn cán bộ đi học nước ngoài theo chỉ tiêu được giao.

Đảng ủy Cơ quan Bộ đã luôn quan tâm và mạnh dạn đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ kế cận trưởng thành trong sản xuất và chiến đấu.

d) Giai đoạn 1973 - 1975

Đảng bộ Cơ quan Bộ tiến hành Đại hội lần thứ III trong tháng 02 năm 1973. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành gồm 15 đồng chí, trong đó Ban thường vụ là 5 đồng chí. Đồng chí Trần Trọng Đạt tiếp tục được bầu làm Bí thư. Các ủy viên thường vụ là Nguyễn Văn Long, Trần Đình Nuôi, đồng chí Thiệu, đồng chí Sính.

Trong thời kỳ này, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có quyết định cử Bộ trưởng Dương Bạch Liên làm Quyền Bí thư Đảng ủy Giao thông vận tải Trung ương thay đồng chí Phan Trọng Tuệ được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng Chính phủ.

3. Hoạt động của Đảng bộ Cơ quan Bộ thời kỳ 1964 - 1975

Mục tiêu của Đảng bộ Cơ quan Bộ thời kỳ này được xác định là: “Tất cả phục vụ cho công tác trung tâm, đột xuất là đảm bảo giao thông vận tải thông suốt, liên tục trong mọi tình huống. Bảo đảm an toàn, an ninh tuyệt đối ở Cơ quan Bộ và nơi cơ quan sơ tán”. Là Đảng bộ bao gồm các cơ quan tham mưu chủ chốt của Đảng uỷ Giao thông vận tải Trung ương và của Bộ, cho nên đảng viên trong Đảng bộ hăng say công tác, phục tùng tuyệt đối sự phân công của Đảng, khi được cử đi làm nhiệm vụ ở chiến trường là lên đường ngay. Nhiều đồng chí sẵn sàng vào công tác ở Khu 4 cũ, vùng “cán xoong” ác liệt, đi làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.

Nhiệm vụ của Đảng bộ là lãnh đạo cán bộ - công nhân viên cơ quan phục vụ sản xuất, chiến đấu, đảm bảo giao thông vận tải thông suốt, liên tục; đồng thời phải tranh thủ thời cơ khắc phục nhanh chóng hậu quả địch đánh phá, ổn định được đời sống cho cán bộ, công nhân viên cơ quan, tăng cường công tác đảng, xây dựng đảng bộ vững mạnh v.v...

Đế quốc Mỹ ngày càng mở rộng chiến tranh không những ở miền Nam mà cả miền Bắc. Ngày 20 tháng 7 năm 1967, Hồ Chủ Tịch đã ra lời kêu gọi: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập, tự do! Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng của Người, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy Giao thông vận tải Trung ương, Đảng bộ cơ quan đã lãnh đạo cán bộ, công nhân viên thuộc Đảng bộ hăng hái thi đua: “Vì miền Nam ruột thịt, quyết tâm bảo đảm giao thông, vận tải liên tục trong mọi tình huống, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược ở miền Nam và quyết tâm bắn rơi nhiều máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc”.

Các cơ quan khoa học kỹ thuật mà tổ chức đảng trực thuộc Đảng ủy Cơ quan Bộ đã ra sức nghiên cứu, tìm tòi các phương án, giải pháp sửa chữa cầu, đường làm sao cho nhanh nhất, hiệu quả nhất, đỡ thiệt hại nhất. Chính họ đã cùng các đơn vị trực tiếp sản xuất, chiến đấu, đồng cam cộng khổ, thực hiện có hiệu quả và có nhiều sáng kiến nhất!

Nhiều giải pháp đảm bảo giao thông vượt sông, qua đèo, mở nhiều hướng tuyến đường tránh, phá thủy lôi, gỡ bom nổ chậm... để tàu xe vượt qua an toàn, tới đích. Những thành tích đó có một phần đóng góp quan trọng sức lực, trí tuệ của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật trong khối Cơ quan Bộ.

Những tuyến đường từ Bắc vào Nam, đặc biệt là đường bộ, đường goòng, đường sông, kênh đào Nhà Lê đều bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Đảng uỷ Giao thông vận tải Trung ương đã chỉ đạo: “Chỉ cho phép tắc giờ, không cho phép tắc đêm và tắc dài ngày; chỉ cho phép tắc điểm, không cho phép tắc tuyến, lại càng không cho phép tắc hướng”.

Đảng viên trong Đảng bộ Cơ quan Bộ từ đồng chí Bộ trưởng, các thứ trưởng đến lãnh đạo các cục, vụ, viện... cùng các đảng viên, cán bộ làm nhiệm vụ tham mưu chủ chốt đều hăng hái ngày đêm lao vào công việc được giao.

Cũng trong thời gian này, Đảng uỷ Cơ quan Bộ luôn quan tâm tạo điều kiện và mạnh dạn đào tạo, bồi dưỡng lớp cán bộ kế cận, kết nạp nhiều đảng viên trẻ trải qua thử thách, vững vàng trên mặt trận sản xuất và chiến đấu, nên đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và sau này.

Có thể khẳng định rằng: Thời kỳ này, Đảng bộ Cơ quan Bộ Giao thông vận tải đã có những đóng góp quan trọng cùng các Đảng bộ trực thuộc khác dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ Giao thông vận tải Trung ương, góp phần xứng đáng lập nên những kỳ tích trên mặt trận giao thông vận tải trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

4. Một số sự kiện nổi bật của Đảng bộ Cơ quan Bộ trong thời kỳ 1964 - 1975

Ngày 30 tháng 9 năm 1966, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định thành lập Đảng bộ Giao thông vận tải Trung ương trực thuộc Ban Bí thư Trung ương đồng thời chỉ định Ban Chấp hành của Đảng bộ Giao thông vận tải Trung ương và nhân sự chủ chốt của Đảng ủy. Đảng bộ Cơ quan Bộ Giao thông vận tải được chuyển về trực thuộc Đảng ủy Giao thông vận tải Trung ương.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ Cơ quan Bộ lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 01 năm 1967. Đồng chí Trần Trọng Đạt được bầu làm Bí thư Đảng uỷ Cơ quan Bộ; Đại hội Đại biểu Đảng bộ Cơ quan Bộ lần thứ II được tổ chức vào tháng 12 năm 1969. Đồng chí Trần Trọng Đạt được bầu lại làm Bí thư Đảng uỷ Cơ quan Bộ; Đại hội đại biểu Đảng bộ cơ quan lần thứ III được tổ chức vào tháng 02 năm 1973. Đồng chí Trần Trọng Đạt được bầu lại làm Bí thư Đảng uỷ Cơ quan Bộ. Đại hội đã tổng kết và rút ra những bài học kinh nghiệm, đã biểu dương thành tích của nhiều tập thể, cá nhân trong toàn Đảng bộ.

 

ĐẢNG BỘ CƠ QUAN BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI TRONG THỜI KỲ
KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC SAU CHIẾN TRANH (1975 - 1985)

1. Nhiệm vụ chính trị và tổ chức của ngành Giao thông vận tải thời kỳ 1975 - 1985

Đại thắng mùa xuân 1975 đã mở ra thời kỳ mới có ý nghĩa lịch sử trọng đại đối với dân tộc Việt Nam - Thời kỳ đất nước ta hoàn toàn độc lập, thống nhất, đi lên Chủ nghĩa xã hội. Uy tín và vị thế của nước ta được nâng cao trên trường quốc tế. Song cuộc chiến tranh xâm lược tàn phá có tính huỷ diệt của đế quốc Mỹ đã để lại hậu quả rất nặng nề và lâu dài về nhiều mặt đối với nước ta, kể cả kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (1975 - 1978), cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 tiếp tục gây thêm nhiều khó khăn cho đất nước, trong đó có ngành Giao thông vận tải trong việc khắc phục hậu quả để lại đối với kết cấu hạ tầng giao thông.

a) Giai đoạn 1975 - 1980

Về nhiệm vụ chính trị:

Ngành Giao thông vận tải tập trung vào nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định và phát triển sản xuất:

Tình trạng cơ sở vật chất ngành Giao thông vận tải nước ta còn lạc hậu, lại bị chiến tranh tàn phá hết sức nặng nề, không đáp ứng yêu cầu của công cuộc kiến thiết đất nước và nhu cầu ngày càng tăng phục vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng an ninh và mở rộng quan hệ với nước ngoài. Trước tình hình đó, đòi hỏi ngành Giao thông vận tải phải biết tận dụng và phát huy mọi khả năng và lợi thế của đất nước, tranh thủ sự giúp đỡ của các nước để phát triển với tốc độ nhanh mới có thể đáp ứng được nhu cầu to lớn trước mắt cũng như lâu dài.

Đường bộ Bắc Nam đã sớm thông xe ngay những ngày đầu sau giải phóng, chủ yếu mới chỉ quốc lộ 1A với chất lượng rất thấp. Cán bộ công nhân viên ngành Giao thông vận tải ngày đêm phải bám đường, sửa chữa cầu, phà, giải quyết các điểm vượt sông, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.

Một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách là khôi phục đường sắt Bắc - Nam (đường sắt Thống nhất), đã được hoàn thành vào ngày 04 tháng 12 năm 1976. Đây là thành tích nổi bật nhất chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV diễn ra tại Hà Nội vào tháng 12 năm 1976. Báo cáo chính trị tại Đại hội biểu dương ngành Giao thông vận tải đã phát huy truyền thống “dũng cảm, thông minh, sáng tạo”, đã thi công vượt kế hoạch thời gian đường sắt Thống nhất. Báo cáo chính trị cũng xác định nhiệm vụ mới của ngành Giao thông vận tải là: “Phải thoả mãn nhu cầu vận chuyển hàng hoá và sự đi lại của nhân dân, bảo đảm các mối liên hệ kinh tế, phục vụ sản xuất kịp thời, góp phần nâng cao năng suất xã hội. Phải phát triển tất cả các hình thức vận tải, sớm hoàn thành và cải tạo hệ thống giao thông cũ, đồng thời xây dựng mạng lưới giao thông mới, chủ yếu ở miền núi và các vùng kinh tế mới. Bảo đảm một tỷ lệ hợp lý giữa xây dựng đường sá, bến cảng, kho bãi cùng với phương tiện vận tải. Tăng cường cơ khí để tăng nhanh năng lực sản xuất phương tiện, phụ tùng và năng lực sửa chữa. Đẩy mạnh cơ khí hoá bến cảng và khâu bốc dỡ, phân công hợp lý giữa đường biển, đường sông, đường sắt và đường bộ, giữa giao thông vận tải Trung ương và địa phương”.

Tại Đại hội IV của Đảng, đồng chí Phan Trọng Tuệ, Bộ trưởng Giao thông vận tải được bầu lại là Uỷ viên Trung ương và đồng chí Nguyễn Tường Lân được bầu là Uỷ viên dự khuyết Trung ương.

Sau Đại hội, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ cùng các đồng chí trong Thường vụ Đảng uỷ Giao thông vận tải Trung ương đã thực hiện nhiều biện pháp để triển khai nhiệm vụ mà Đảng giao phó. Nhiều công trình cầu lớn như cầu Đuống (Hà Nội), cầu Niệm (Hải Phòng), Hoàng Thạch (Hải Dương), cầu Cấm (Nghệ An), cầu Ròn, Quán Hầu (Quảng Bình) và một số cầu phía nam trên tuyến 1A được khôi phục. Nhiều tuyến đường vào khu công nghiệp như vào nhà máy giấy Bãi Bằng, xi măng Bỉm Sơn, vào mỏ than Uông Bí, nhiệt điện Phả Lại v.v... được thi công nhanh chóng. Tích cực nạo vét luồng lạch, mở rộng cảng Hải Phòng, tiến hành thi công cảng dầu khí. Sửa chữa, đại tu các nhà máy ôtô, đầu máy, toa xe... và các cơ sở công nghiệp này đã sớm hoạt động có hiệu quả.

Cảng Hải Phòng được Bộ quan tâm chỉ đạo, tổ chức đoàn cán bộ biệt phái tăng cường nên việc rút hàng nhập khá hơn trước. Hành trình tuyến đường sắt Thống Nhất từ 72 giờ rút xuống 68 giờ.

Nhu cầu vận tải hàng hóa và khách tuyến bắc nam tăng gấp bội, đường sắt, đường bộ đều không đáp ứng được. Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ đã quyết định mua tàu biển chở khách chạy từ cảng Hải Phòng vào cảng Sài Gòn ngay từ cuối năm 1975. Con tàu này cũng mang tên “Thống nhất” với 700 chỗ, mỗi chuyến đi 48 giờ, về 48 giờ (vào nghỉ 1 ngày, rồi lại đi ra). Tuy vậy, vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu đi lại của nhân dân hai miền sau nhiều năm bị chia cắt.

Hoà bình chưa được bao lâu, thì đất nước lại phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân bước vào thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc theo Nghị quyết của Đảng.

Ngành Giao thông vận tải lại được giao nhiệm vụ bảo đảm giao thông thông suốt phục vụ cho chiến trường biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, bảo đảm yêu cầu đẩy mạnh sản xuất và sự đi lại của nhân dân cả nước.

Về tổ chức, cán bộ:

Nhiệm vụ chính trị của Ngành đòi hỏi phải có bước chuyển biến rõ rệt về công tác tổ chức và cán bộ, củng cố và sắp xếp đáp ứng kịp thời yêu cầu mới.

Cảng Hải Phòng được chấn chỉnh lại và đẩy mạnh sản xuất sau khi thành lập Tổng cục Đường biển (Quyết định số 300/CP ngày 28 tháng 11 năm 1978), Thứ trưởng Nguyễn Tường Lân được giao nhiệm vụ kiêm Tổng Cục trưởng.

Ngành Đường sắt tiếp tục được quan tâm, đầu năm 1979, Thứ trưởng Trần Lự được giao nhiệm vụ kiêm Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường sắt.

b) Giai đoạn 1981 - 1985

Về nhiệm vụ chính trị:

Ngành Giao thông vận tải tập trung đẩy mạnh sản xuất trên các mặt vận tải, xây dựng cơ bản, công nghiệp; đồng thời chống buông lỏng quản lý, hạn chế tai nạn trong sản xuất và tai nạn giao thông.

Nhiệm vụ giao thông vận tải trong kế hoạch 5 năm (1981 - 1985) đã được Đại hội lần thứ V của Đảng thông qua ghi rõ: “Cải tiến quản lý và tăng cường cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật và phương tiện để nâng cao năng lực Giao thông vận tải, đảm bảo tiếp nhận hàng nhập khẩu, vận chuyển cho các vùng trọng yếu về kinh tế và quốc phòng, cho các công trình xây dựng trọng điểm của hai nước Lào và Campuchia”.

Về tổ chức, cán bộ:

Năm 1980, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ được Trung ương điều động nhận công tác mới và đồng chí Đinh Đức Thiện được bổ nhiệm thay thế. Để nắm tình hình thực tế của Ngành, Bộ trưởng Đinh Đức Thiện đã quyết định thành lập 3 Tổ công tác đặc biệt giúp Bộ trưởng:

- Tổ nghiên cứu về cán bộ do đồng chí Nguyễn Tuyên, Trưởng phòng cán bộ của Vụ Cán bộ làm tổ trưởng.

- Tổ nghiên cứu về tổ chức sản xuất do đồng chí Bùi Văn Sướng, Phó viện trưởng Viện Kinh tế làm tổ trưởng.

- Tổ thanh tra, kiểm tra do đồng chí Lê Văn Hoạt, Phó Ban thanh tra làm tổ trưởng.

Ngoài ra, còn điều động đồng chí Khổng Đình Hạp, Phó Giám đốc Xí nghiệp liên hiệp cầu Thăng Long về làm chuyên viên tổ chức cán bộ, trợ lý cho Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo hàng ngày 3 tổ công tác trên.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3 năm 1982), về nhiệm vụ của ngành Giao thông vận tải đã chỉ rõ: “Ưu tiên phát triển vận tải đường biển, đường sông, củng cố và phát huy năng lực vận tải đường sắt... khẩn trương xây dựng một số công trình trọng điểm thiết yếu để phục vụ vận tải và sự đi lại của nhân dân...”.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 166/HĐCP ngày 24 tháng 9 năm 1982 do Phó Chủ tịch Hội đồng Chính phủ Đồng Sỹ Nguyên ký về việc chấn chỉnh, sắp xếp lại tổ chức và cán bộ trong ngành Giao thông vận tải. Nội dung chính của Quyết định số 166 là:

- Sắp xếp lại ngành Đường sắt, Đường biển, Ôtô, Đường sông trở thành Liên hiệp các Xí nghiệp vận tải (đường sắt, đường biển còn giữ tên Tổng cục một thời gian, nhưng cơ cấu thành phần thay đổi).

- Khối xây dựng cơ bản cũng chuyển đổi các Cục công trình thành các Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng công trình theo vùng lãnh thổ.

- Giải thể Cục Quản lý đường bộ. Các đơn vị của Cục đóng và làm nhiệm vụ ở vùng nào thì sáp nhập vào Liên hiệp các xí nghiệp công trình ở vùng ấy (kể cả con người, tài sản và thiết bị). Các cán bộ phòng, ban của Cục được bố trí về các đơn vị mới.

- Các Viện Thiết kế về công trình được sắp xếp lại thành Viện Thiết kế Giao thông vận tải. Hợp nhất Viện Thiết kế tàu thuỷ với Viện Sức kéo thành Viện Thiết kế cơ khí giao thông. Hợp nhất Viện Quy hoạch với Viện Kinh tế vận tải thành Viện Kinh tế quy hoạch giao thông.

- Các ty giao thông vận tải đổi tên thành các sở giao thông vận tải trong phạm vi toàn quốc.

- Cơ quan Bộ bước đầu sắp xếp lại và điều chỉnh nhiệm vụ một số vụ, ban như giải thể Vụ Đào tạo, Ban Giao thông cấp huyện, Ban Vận tải, thành lập Vụ Vận tải kiêm Trung tâm điều độ, chuyển nhiệm vụ tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về Vụ cán bộ và đổi tên là Vụ Tổ chức cán bộ. Chuyển công tác đào tạo bồi dưỡng công nhân, công tác đời sống về Vụ Lao động tiền lương.

Chuyển công tác thi đua, thể dục thể thao sang Công đoàn Ngành quản lý; thành lập Ban Tuyên truyền báo chí v.v...

Cuối năm 1982 (sau Đại hội V của Đảng), Hội đồng Bộ trưởng bổ nhiệm đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Một số Thứ trưởng mới được bổ nhiệm: Nguyễn Văn Vịnh, Lê Khả, Đoàn Văn Xê, Bùi Danh Lưu. Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên cũng quyết định giải thể 3 tổ công tác đặc biệt giúp Bộ trưởng được thành lập trước đó.

Nhờ có sự chỉ đạo tập trung, quyết đoán của Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên nên các cầu Thăng Long và Chương Dương, mở rộng các cửa ô Hà Nội và đường đôi Hà Nội - Hà Đông được hoàn thành sớm. Cầu Thăng Long khánh thành ngày 09 tháng 5 năm 1985, cầu Chương Dương khánh thành ngày 30 tháng 6 năm 1985.

Cũng vào dịp này, công việc chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đang diễn ra khẩn trương ở các tỉnh, thành và ở các đơn vị trong Ngành. Từ các công trình xây dựng trên, một số cán bộ lãnh đạo Bộ và các đơn vị tham gia thiết kế, thi công, trong đó có nhiều đảng viên của Đảng bộ đã được tặng thưởng Huân chương, Bằng khen của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Bộ trưởng.

2. Tổ chức đảng Cơ quan Bộ Giao thông vận tải thời kỳ 1975 - 1985

a) Giai đoạn từ 10/1975 đến 12/1977

Để thực hiện nhiệm vụ cấp bách của ngành Giao thông vận tải sau khi đất nước thống nhất và thực tế đã có một bộ phận được điều động cấp tốc đi làm nhiệm vụ mới ở miền Nam, cần có Ban chấp hành mới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Đại hội đại biểu Đảng bộ Cơ quan Bộ Giao thông vận tải lần thứ IV được tổ chức một ngày trong tháng 10 năm 1975 và định ra nhiệm vụ chính trị mới cho khối Cơ quan Bộ.

Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 15 đồng chí, Ban Thường vụ 5 đồng chí và đồng chí Trần Trọng Đạt được bầu lại làm Bí thư Đảng uỷ và các ủy viên: Nguyễn Văn Long, Nguyễn Phương, Trương Văn Chiêm và đồng chí Nuôi.

Trong thời kỳ này, Đảng bộ cơ quan đã thành lập lực lượng thanh niên “sẵn sàng” khi được lệnh là lên đường làm nhiệm vụ.

Do công tác cải tạo giao thông vận tải phía Nam có yêu cầu cấp bách, Nhà nước lập Ban cải tạo công, thương nghiệp Trung ương, Bộ Giao thông vận tải lập Ban cải tạo giao thông vận tải phía Nam do Thứ trưởng Vũ Quang làm Trưởng ban; đồng chí Nguyễn Văn Long, Thường vụ Đảng uỷ Cơ quan Bộ, Chánh Văn phòng được điều động làm Phó Ban cải tạo của Bộ ở miền Nam.

Đồng chí Bùi Quang Đệ, thôi giữ chức Bí thư Đảng ủy Cục Đường biển, trở về làm Chánh Văn phòng Bộ và là Uỷ viên Thường vụ Đảng uỷ Giao thông vận tải Trung ương, được bổ sung vào Thường vụ Đảng uỷ Cơ quan Bộ.

Văn phòng đại diện Bộ ở miền Nam được thành lập. Lúc đầu, Văn phòng đại diện có một tổ đảng, một thời gian sau thành lập chi bộ trực thuộc Đảng bộ Văn phòng Bộ. Hệ thống tổ chức đảng của các cơ quan, đơn vị giao thông vận tải đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh sau này được thành lập một Đảng bộ khối cơ sở Giao thông vận tải, trực thuộc Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh, đóng tại 92 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (trừ tổ chức đảng đường sắt).

Riêng Đảng bộ Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 6 cũng trực thuộc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại hội đại biểu Đảng bộ Cơ quan Bộ lần thứ V được tổ chức vào tháng 3 năm 1976. Để phát huy truyền thống và đáp ứng tình hình, nhiệm vụ mới, Đại hội Đảng bộ đã ra Nghị quyết có đoạn: “Giữ vững quan điểm lập trường vô sản, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm kim chỉ nam cho hành động. Đoàn kết nhất trí, không bè phái, không dao động ngả nghiêng trước diễn biến tình hình thế giới và trong phe xã hội chủ nghĩa. Tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ”.

Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 17 đồng chí, Ban chấp hành bầu Ban Thường vụ gồm 5 đồng chí: đồng chí Trần Trọng Đạt được bầu lại làm Bí thư; đồng chí Phạm Ái - Phó Bí thư và các đồng chí ủy viên: Nguyễn Phương, Nguyễn Xuân Cảnh, Trương Văn Chiêm.

Sau Đại hội, Đảng ủy tổ chức một đợt sinh hoạt chính trị để đảng viên quán triệt tình hình và nhiệm vụ, hiểu rõ và thông suốt về sự thay đổi của hệ thống tổ chức đảng.

Tháng 6 năm 1977, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định giải thể Đảng bộ Giao thông vận tải Trung ương và thành lập Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải do Ban Bí thư Trung ương chỉ định.

Tất cả các đảng bộ trực thuộc Đảng ủy Giao thông vận tải Trung ương được chuyển về trực thuộc cấp ủy địa phương nơi đơn vị đóng trụ sở. Nhiệm vụ bàn giao này Trung ương giao cho Ban cán sự đảng Bộ thực hiện. Đảng bộ Cơ quan Bộ chuyển về trực thuộc Quận uỷ Hoàn Kiếm, Thành uỷ Hà Nội.

Đại hội đại biểu Đảng bộ Cơ quan Bộ lần thứ VI được tổ chức vào tháng 6 năm 1977. Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 17 đồng chí, Ban chấp hành bầu Ban Thường vụ 5 đồng chí: Đồng chí Trần Trọng Đạt được bầu lại làm Bí thư; đồng chí Phạm Ái - Phó Bí thư và các đồng chí ủy viên: Nguyễn Xuân Cảnh, Bùi Quang Đệ và Nguyễn Phương.

b) Giai đoạn từ 01/1978 đến 5/1983

Đại hội đại biểu Đảng bộ Cơ quan Bộ lần thứ VII được tổ chức vào tháng 12 năm 1979. Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 15 đồng chí và 2 ủy viên dự khuyết, Ban chấp hành bầu Ban Thường vụ 5 đồng chí: Đồng chí Trần Trọng Đạt được bầu lại làm Bí thư; đồng chí Bùi Quang Đệ - Phó Bí thư; đồng chí Phạm Duy Thịnh - Phó Bí thư và các đồng chí ủy viên thường vụ: Trần Dân, Phạm Văn Hà.

Trong nhiệm kỳ này, đồng chí Trần Trọng Đạt làm Bí thư Đảng bộ được gần hai năm thì đến tuổi nghỉ hưu. Đồng chí Phạm Duy Thịnh, Phó Bí thư, được cử làm Quyền Bí thư.

Trong quá trình chuẩn bị Đại hội đại biểu của Đảng bộ Cơ quan Bộ Giao thông vận tải lần thứ VIII, đồng chí Phạm Duy Thịnh, quyền Bí thư, đã có quyết định của Đảng uỷ Khối cơ quan Công nghiệp Trung ương điều động về Văn phòng Đảng uỷ Khối, nên đồng chí chuẩn bị tổ chức xong Đại hội thì chuyển công tác (sau này đồng chí Phạm Duy Thịnh được bầu làm Phó Bí thư Đảng uỷ Khối).

c) Giai đoạn từ 5/1983 đến 12/1985

Đại hội đại biểu Đảng bộ Cơ quan Bộ lần thứ VIII vào tháng 5 năm 1983. Từ Đại hội này, Đảng bộ Cơ quan Bộ Giao thông vận tải chuyển về trực thuộc Đảng uỷ Khối cơ quan Công nghiệp Trung ương. Thứ trưởng Nguyễn Văn Vịnh được Bộ trưởng phân công phụ trách khối nội chính và các đoàn thể. Tại Đại hội, Thứ trưởng Nguyễn Văn Vịnh được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ và Ban Chấp hành (gồm 15 đồng chí) đã bầu Ban Thường vụ 5 đồng chí: Nguyễn Văn Vịnh - Bí thư Đảng ủy; Nguyễn Thục - Phó Bí thư và các ủy viên: Nguyễn Hải Thoại, Nguyễn Văn Tiến và Lê Ngọc Cương.

Đại hội đại biểu Đảng bộ cơ quan lần thứ IX vào tháng 10 năm 1985. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 15 đồng chí, Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ 5 đồng chí: Nguyễn Văn Vịnh - Thứ trưởng được bầu lại làm Bí thư Đảng ủy; Nguyễn Thục - Phó Bí thư và các ủy viên: Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Hải Thoại, Ngô Đức Nguyên.

Giữa nhiệm kỳ, đồng chí Nguyễn Văn Vịnh - Bí thư; Đồng chí Nguyễn Hải Thoại - Uỷ viên thường vụ chuyển công tác. Đồng chí Nguyễn Thục đảm nhiệm Quyền Bí thư, đồng thời là Thư ký Công đoàn cơ quan. Đại hội Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam bầu Ban Chấp hành mới và Ban Chấp hành bầu đồng chí Nguyễn Thục làm Thư ký. Nhưng do yêu cầu công tác đảng, đồng chí Nguyễn Thục tiếp tục làm Quyền Bí thư cho đến hết khóa mới chuyển hẳn sang Công đoàn Ngành.

Ban chấp hành bầu bổ sung 02 ủy viên thường vụ: Đồng chí Bùi Do và đồng chí Đặng Văn Phương. Ban Thường vụ phân công đồng chí Nguyễn Văn Tiến - Uỷ viên thường vụ làm Thường trực Đảng uỷ.

3. Hoạt động của Đảng bộ Cơ quan Bộ Giao thông vận tải thời kỳ 1975 - 1985

Sau ngày đất nước thống nhất, tình trạng kết cấu hạ tầng Giao thông vận tải trong cả nước đều thấp kém và lạc hậu, do chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh. Trước tình hình đó, đòi hỏi ngành Giao thông vận tải phải phát huy mọi khả năng và thuận lợi của đất nước, tranh thủ sự giúp đỡ của nước ngoài để khôi phục và phát triển với tốc độ nhanh, nhằm đáp ứng nhu cầu to lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước mắt cũng như lâu dài.

Mục tiêu nhiệm vụ của Đảng bộ Cơ quan Bộ là:

- Chỉ đạo các cấp uỷ trực thuộc thực hiện những nhiệm vụ cấp bách của Ngành mà đảng viên của Đảng bộ là những cán bộ tham mưu chủ chốt của Bộ;

- Sắp xếp tổ chức, kiện toàn các cấp uỷ trực thuộc cho thích hợp với hoàn cảnh và nhiệm vụ mới, chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, công nhân viên chức, khắc phục các biểu hiện tiêu cực phát sinh, thực hiện dân chủ nội bộ.

- Thực hiện các chủ trương, nghị quyết về công tác xây dựng đảng; lãnh đạo chính trị, tư tưởng cán bộ công nhân viên, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của Cơ quan Bộ Giao thông vận tải, góp phần tích cực xây dựng Ngành và đưa giao thông vận tải đi trước một bước.

Nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ lúc này là ổn định tổ chức, ổn định tư tưởng, đấu tranh giữ vững sự đoàn kết nội bộ, nhằm thực hiện nhiệm vụ của Ngành là: “Đẩy mạnh sản xuất trên các mặt: Công nghiệp, vận tải, xây dựng cơ bản. Nâng cao năng lực bốc xếp hàng hoá ở các cảng, các ga đầu mối, nâng cao năng lực chạy tàu, chống buông lỏng quản lý, thực hiện các quy trình, quy phạm trong sản xuất, giảm các tai nạn lao động và tai nạn giao thông”.

Trong thời kỳ này, nhiều phong trào thi đua được Bộ và Công đoàn Ngành phối hợp tổ chức sôi nổi và liên tục, trong đó có Hội diễn nghệ thuật quần chúng từ cơ sở đến các khu vực và toàn Ngành (1985 - 1986). Đảng bộ cơ quan lãnh đạo các đơn vị trong khối nhiệt tình hưởng ứng. Ban chỉ đạo Hội diễn do Thứ trưởng Nguyễn Văn Vịnh kiêm Bí thư Đảng ủy Cơ quan Bộ làm Trưởng ban.

Thời kỳ này nảy sinh nhiều vấn đề, Đảng ủy Cơ quan Bộ đã tập trung giải quyết về tư tưởng, vướng mắc nội bộ, đơn thư tố cáo, mất đoàn kết... để củng cố, xây dựng cơ quan. Đảng ủy đã chủ động cùng lãnh đạo Bộ giải quyết cụ thể về cải thiện đời sống như tổ chức phục vụ lương thực, thực phẩm, giải quyết nhà ở,... thực hiện dân chủ, công khai thông qua hội nghị công nhân viên chức cơ quan.

4. Một số sự kiện nổi bật của Đảng bộ Cơ quan Bộ thời kỳ 1975 - 1985

Tháng 10 năm 1975, Đại hội đại biểu Đảng bộ Cơ quan Bộ lần thứ IV được tổ chức. Đại hội đã bầu Ban chấp hành và Ban chấp hành bầu đồng chí Trần Trọng Đạt làm Bí thư.

Tháng 3 năm 1976, Đại hội đại biểu Đảng bộ Cơ quan Bộ lần thứ V được tổ chức. Đồng chí Trần Trọng Đạt tiếp tục được bầu làm Bí thư. Tháng 6 năm 1977, Đại hội đại biểu Đảng bộ cơ quan lần thứ VI được tổ chức. Đồng chí Trần Trọng Đạt tiếp tục được bầu làm Bí thư.

Tháng 6 năm 1977, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định giải thể Đảng bộ Giao thông vận tải Trung ương và quyết định thành lập Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải. Đảng bộ Cơ quan Bộ Giao thông vận tải được chuyển về trực thuộc Quận uỷ quận Hoàn Kiếm.

Trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3 năm 1982), Đảng bộ Khối cơ quan Công nghiệp Trung ương được thành lập. Trung ương quyết định chuyển Đảng bộ Cơ quan Bộ Giao thông vận tải về trực thuộc Đảng uỷ Khối cơ quan Công nghiệp Trung ương.

Tháng 12 năm 1979, Đại hội đại biểu Đảng bộ Cơ quan Bộ lần thứ VII được tổ chức. Đồng chí Trần Trọng Đạt được bầu làm Bí thư. Đến tháng 5 năm 1983, Đại hội đại biểu Đảng bộ Cơ quan Bộ lần thứ VIII được tổ chức. Đồng chí Nguyễn Văn Vịnh - Thứ trưởng được bầu làm Bí thư.

 

ĐẢNG BỘ CƠ QUAN BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI (1986 - 2000)

1. Nhiệm vụ chính trị và tổ chức của ngành Giao thông vận tải trong thời kỳ đổi mới (1986 - 2000)

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, mở ra bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đại hội đã đề ra nhiệm vụ, mục tiêu tổng quát của chặng đường đầu tiên là: “Ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hoá trong chặng đường tiếp theo”. Đại hội đề ra 3 chương trình kinh tế lớn: Sản xuất lương thực - thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng và sản xuất hàng xuất khẩu. Trong lĩnh vực quản lý kinh tế, Đại hội nêu rõ phải kiên quyết “xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, xây dựng cơ chế mới phù hợp với quy luật khách quan và trình độ phát triển của nền kinh tế”.

Đối với giao thông vận tải, Đại hội VI khẳng định: “Là khâu quan trọng nhất của kết cấu hạ tầng” và “phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế quốc dân”. Cũng tại Đại hội này, đồng chí Bộ trưởng Bùi Danh Lưu được bầu làm Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Nhiệm vụ chính trị của ngành Giao thông vận tải trong thời kỳ này gắn liền với thực hiện các quan điểm, chủ trương, chính sách lớn đã được ghi trong Nghị quyết Đại hội VI, VII, VIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến các lĩnh vực hoạt động của ngành Giao thông vận tải trong từng thời kỳ.

a) Ngành Giao thông vận tải thực hiện đường lối đổi mới của Đảng theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986 - 1990)

Về nhiệm vụ chính trị:

Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội VI, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã kịp thời đề ra những chủ trương, biện pháp thích hợp nhằm đưa giao thông vận tải “đi trước một bước”, đáp ứng các yêu cầu của quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới. Đó là 11 chương trình cụ thể để thực hiện Nghị quyết Đại hội VI. Trong đó, việc trước tiên cần quan tâm là đổi mới công tác tổ chức, đổi mới cơ chế quản lý nhằm xác định và phân rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong toàn Ngành; đồng thời từng bước xoá bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, loại bỏ cấp trung gian gây cản trở sản xuất kinh doanh. Ban hành các văn bản pháp quy về các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và quản lý nhà nước về giao thông vận tải.

Về tổ chức, cán bộ:

Ngày 31 tháng 3 năm 1990 Hội đồng Nhà nước ra Quyết định số 244-NQ/HĐNN đổi tên Bộ Giao thông vận tải thành Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện sau khi sáp nhập Tổng cục Bưu điện và Cục Hàng không dân dụng vào Bộ Giao thông vận tải.

Trong thời kỳ này, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng có những thay đổi. Thứ trưởng Đoàn Văn Xê được điều động về Tổng cục Đường sắt kiêm nhiệm Tổng Cục trưởng và một số đồng chí được nghỉ hưu; Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm các đồng chí Thứ trưởng mới: Bùi Văn Sướng, Nguyễn Thanh Lâm, Lã Ngọc Khuê, Lê Ngọc Hoàn.

b) Ngành Giao thông vận tải thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Đảng: quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới (1991-1995)

Về nhiệm vụ chính trị:

Đại hội lần thứ VII của Đảng tháng 6 năm 1991 đề ra các phương hướng, nhiệm vụ lớn cho 5 năm 1991 - 1995. “Mục tiêu tổng quát của 5 năm là: Vượt qua khó khăn thử thách, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường ổn định chính trị, đẩy lùi tiêu cực và bất công xã hội, đưa nước ta cơ bản ra khỏi tình trạng khủng khoảng hiện nay”.

Về giao thông vận tải và bưu điện, Nghị quyết nêu rõ: “Phát triển kết cấu hạ tầng, sớm khắc phục tình trạng xuống cấp, mở rộng và hiện đại hoá có trọng điểm mạng lưới giao thông vận tải, chú trọng phát triển vận tải biển, đường sông, đường sắt và hàng không quốc tế, phát triển giao thông nông thôn và miền núi. Tiếp tục hiện đại hoá mạng bưu điện quốc tế và trong nước; phủ sóng phát thanh và truyền hình khắp cả nước; phát triển ngành sản xuất thiết bị bưu điện”.

Tại Đại hội VII, đồng chí Bộ trưởng Bùi Danh Lưu tiếp tục được bầu vào Ban chấp hành Trung ương.

Căn cứ vào phương hướng, nhiệm vụ do Đại hội VII của Đảng đề ra, Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện đã xác định nhiệm vụ, mục tiêu trong kế hoạch 5 năm (1991-1995) và định hướng đến năm 2000 chủ yếu là:

- Phải có chính sách và biện pháp tạo nguồn vốn cho giao thông vận tải, trước hết phải sử dụng tốt và có hiệu quả các nguồn vốn do ngân sách Nhà nước cấp; vốn thu từ các loại phí giao thông; vốn vay tín dụng quốc tế và song phương của các nước và tổ chức Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, vốn viện trợ của nước ngoài, Chính phủ Nhật Bản, vốn huy động trong nhân dân (đối với giao thông địa phương).

- Tăng cường và đổi mới công tác tổ chức quản lý, bảo đảm quản lý kinh tế chặt chẽ và có hiệu quả. Xây dựng tiến tới hoàn chỉnh các dự án luật và cơ chế quản lý về giao thông vận tải - bưu điện.

- Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới trang thiết bị kỹ thuật trong xây dựng công trình giao thông để có điều kiện sớm hoà nhập với khoa học kỹ thuật tiên tiến của các nước phát triển.

Củng cố, tăng cường công tác đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật, đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Sử dụng nhiều loại hình đào tạo, đồng thời có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện tốt cho các cơ sở đào tạo và cho người học.

Về tổ chức, cán bộ:

Ngày 30 tháng 9 năm 1992, Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ nhất đã thông qua nghị quyết về việc thành lập lại Bộ Giao thông vận tải, tách Tổng cục Bưu điện và Cục Hàng không dân dụng Việt Nam thành cơ quan độc lập trực thuộc Chính phủ.

Công tác tổ chức thời kỳ này đáng chú ý là Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập lại các cục quản lý nhà nước chuyên ngành như Cục Hàng hải, Cục Đường bộ, Cục Đường sông, Cục Đăng kiểm, Cục Giám định chất lượng. Đồng thời, tách các đơn vị xây dựng cơ bản về trực thuộc các tổng công ty xây dựng công trình giao thông, tách các đơn vị có chức năng quản lý bảo trì đường bộ, đường sông thành lập các khu quản lý đường bộ, các đoạn quản lý đường sông...

c) Ngành Giao thông vận tải thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng: Tiếp tục đổi mới theo con đường xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (1996 - 2000)

Về nhiệm vụ chính trị:

Báo cáo Chính trị tại Đại hội VIII đã đề ra: “Mục tiêu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa là xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng, an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”. “Từ nay đến năm 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp”. Về xây dựng kết cấu hạ tầng: “Khắc phục tình trạng xuống cấp của hệ thống giao thông hiện có; khôi phục, nâng cấp và mở thêm một số tuyến giao thông trọng yếu, kết hợp giao thông với thuỷ lợi, tận dụng giao thông đường thuỷ; mở thêm đường đến các vùng sâu, vùng xa; cải thiện giao thông ở các thành phố lớn. Cải tạo, nâng cấp một số cảng sông, cảng biển, sân bay; xây dựng dần cảng biển nước sâu”.

Tại Đại hội VIII của Đảng, đồng chí Bộ trưởng Bùi Danh Lưu tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và đồng chí Đào Đình Bình, Tổng Giám đốc Xí nghiệp liên hiệp Đường sắt 3 được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương.

Nhiệm vụ của ngành Giao thông vận tải thời kỳ này là tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra đến năm 2000 và căn cứ vào Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đề ra nhiệm vụ, mục tiêu:

- Tổ chức lại các lực lượng công nghiệp và vận tải trong cả nước, đẩy mạnh biện pháp quản lý và tổ chức sản xuất kinh doanh trước mắt đối với các doanh nghiệp xây dựng cơ bản, để đủ sức tham gia đấu thầu với các tổ chức xây dựng quốc tế, chuẩn bị xây dựng các quốc lộ có vốn của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á cũng như vốn của các nước cho vay.

- Hoàn thiện tổ chức các Ban quản lý dự án để khắc phục tình trạng lỏng lẻo về thủ tục xây dựng cơ bản.

- Từng bước triển khai thực hiện các quy hoạch chiến lược của Ngành, thí điểm làm cổ phần hoá một số xí nghiệp vận tải ôtô và vận tải đường sông.

- Chỉ đạo các công trình trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiếp nhận vay vốn nước ngoài để triển khai thực hiện xây dựng các công trình trọng điểm. Tập trung chỉ đạo xây dựng giải pháp vận tải công cộng ở các đô thị lớn.

- Tăng cường công tác quản lý công trình giao thông. Tập trung chỉ đạo chặt chẽ các khâu trong xây dựng cơ bản, cải cách hành chính, thủ tục lề lối làm việc ngay trong Cơ quan Bộ và các Cục...

Về tổ chức, cán bộ:

Sau Đại hội VIII, Bộ trưởng Bùi Danh Lưu (Bộ trưởng từ năm 1986 đến 1996) được Trung ương Đảng điều động làm Phó Ban kinh tế Trung ương. Trước đó, Thứ trưởng thường trực Lê Khả nghỉ ốm.

Đồng chí Lê Ngọc Hoàn, đại biểu Quốc hội, Thứ trưởng thường trực, sau đó là quyền Bộ trưởng được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Đồng chí Đào Đình Bình, Uỷ viên Trung ương Đảng, giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải và là Thứ trưởng thường trực. Do nhu cầu của ngành Đường sắt, đồng chí Đào Đình Bình được giao nhiệm vụ: Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải kiêm Tổng Giám đốc Liên hiệp Đường sắt Việt Nam, Bí thư Đảng uỷ đường sắt thay đồng chí Đoàn Văn Xê nghỉ hưu.

Đồng chí Lê Ngọc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải kiêm Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia.

Cũng thời điểm này, các Thứ trưởng Bùi Văn Sướng, Nguyễn Thanh Lâm, Trần Lự nghỉ hưu; các đồng chí Phạm Quang Tuyến, Nguyễn Tấn Mẫn được bổ nhiệm làm Thứ trưởng.

Tiếp đó, tháng 4 năm 1998, đồng chí Nguyễn Việt Tiến, Tổng Giám đốc Ban quản lý các dự án 18 được bổ nhiệm làm Thứ trưởng; đồng chí Phạm Thế Minh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Lao động, Phạm Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Tài chính kế toán được bổ nhiệm Thứ trưởng tháng 6 năm 2000.

2. Tổ chức đảng Cơ quan Bộ Giao thông vận tải thời kỳ 1986 - 2000

Tổ chức của Đảng bộ thời kỳ này có thể chia thành 2 giai đoạn:

a) Giai đoạn 1986 - 1995

Về tổ chức của Đảng bộ Cơ quan Bộ tương đối ổn định, Đảng bộ trực thuộc Đảng uỷ Khối cơ quan công nghiệp Trung ương, đến tháng 6 năm 1989 trực thuộc Đảng uỷ Khối cơ quan kinh tế Trung ương (Ban Bí thư ra Quyết định số 702/NQNS/TW ngày 02 tháng 6 năm 1989 về việc thống nhất Đảng bộ Khối cơ quan công nghiệp Trung ương với Đảng bộ Khối cơ quan kinh tế Trung ương, lấy tên là Đảng bộ Khối cơ quan kinh tế Trung ương).

Về tổ chức đảng tăng từ 22 lên 27 đảng bộ, chi bộ cơ sở trực thuộc, khoảng 500 lên gần 600 đảng viên. Thời kỳ này Đảng bộ đã tiến hành Đại hội nhiệm kỳ từ lần thứ X đến lần thứ XII.

Đại hội đại biểu Đảng bộ Cơ quan Bộ lần thứ X (tháng 01 năm 1989)

Đại hội tiến hành trong hai ngày 26 và 27 tháng 01 năm 1989 tại Hà Nội, gồm 145 đại biểu của 26 đảng bộ, chi bộ trực thuộc.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 15 đồng chí và Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ 5 đồng chí. Đồng chí Đào Văn Nhượng được bầu làm Bí thư Đảng uỷ (đồng chí nguyên là Bí thư Đảng bộ - Cục trưởng Cục Đường sông, được Bộ trưởng điều động về làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài kinh tế, sau đó là Trợ lý Bộ trưởng).

Đồng chí Ngô Đức Nguyên thời gian đó làm Tổng Biên tập Báo Giao thông vận tải, được Ban Chấp hành bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy. Các ủy viên thường vụ: Đồng chí Lê Khả - Thứ trưởng thường trực; Nguyễn Cát Bình - Chánh thanh tra Bộ (nguyên Bí thư Đảng bộ Xí nghiệp liên hiệp cầu Thăng Long), đồng chí Lê Ngọc Hoàn.

Đồng chí Trần Văn Thà, cán bộ chuyên trách công tác đảng được Đại hội bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ.

Đầu năm 1990, Đảng ủy Khối cơ quan kinh tế Trung ương ra quyết định cử đồng chí Ngô Đức Nguyên - Phó Bí thư Đảng ủy làm Quyền Bí thư Đảng ủy thay đồng chí Đào Văn Nhượng, Bí thư Đảng uỷ nghỉ công việc vì lý do sức khỏe.

Đại hội đại biểu Đảng bộ Cơ quan Bộ lần thứ XI (tháng 3 năm 1991)

Đại hội đại biểu Đảng bộ Cơ quan Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện lần thứ XI (vòng 2) tiến hành trong hai ngày 07 và 08 tháng 10 năm 1991 tại Hà Nội, gồm 137 đại biểu của 25 đảng bộ, chi bộ trực thuộc, đại diện cho 590 đảng viên.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 15 đồng chí, Ban Chấp hành bầu Ban thường vụ 5 đồng chí gồm:

Đồng chí Ngô Đức Nguyên, Tổng Biên tập Báo Giao thông vận tải làm Bí thư. Đồng chí Lê Ngọc Hoàn, Thứ trưởng làm Phó Bí thư. Các ủy viên: Trần Văn Thà (Thường trực), Phạm Thế Minh (Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Lao động), Vũ Phạm Chánh (Chánh Văn phòng Bộ).

Đại hội đại biểu Đảng bộ Cơ quan Bộ lần thứ XII (tháng 7 năm 1994)

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 15 đồng chí. Ban Thường vụ 5 đồng chí: Lê Ngọc Hoàn, Thứ trưởng làm Bí thư; Trần Văn Thà, Phó Bí thư thường trực chuyên trách và các ủy viên: Ngô Đức Nguyên (Tổng Biên tập Báo Giao thông vận tải); Phạm Thế Minh (Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ); Ngô Quang Huấn (Chánh Văn phòng Bộ).

Đảng bộ có 27 cơ sở trực thuộc với 602 đảng viên. Cán bộ chuyên trách đảng là các đồng chí Trần Văn Thà và Phạm Thị Hồng.

Ngày 25 tháng 11 năm 1995, Đảng bộ Cơ quan Bộ được Đảng uỷ Khối cơ quan kinh tế Trung ương ra quyết định chính thức là Đảng bộ cấp trên cơ sở.

Thời kỳ này tổ chức Đoàn thanh niên Cơ quan Bộ không còn, vì tính đến cuối năm 1994, số đoàn viên còn lại đều ngoài 30 tuổi. Vì thế, Quận đoàn Hoàn Kiếm đã ra Nghị quyết giải thể Đoàn thanh niên Cơ quan Bộ Giao thông vận tải (trước đây, Đoàn trực thuộc Đoàn thanh niên Giao thông vận tải Trung ương, khi Đoàn thanh niên Giao thông vận tải Trung ương giải thể, Đoàn Cơ quan Bộ trực thuộc Quận đoàn Hoàn Kiếm).

b) Giai đoạn 1995 - 2000

Đảng bộ có từ 28 lên 40 đảng bộ, chi bộ cơ sở trực thuộc, từ 689 lên 2.199 đảng viên. Thời kỳ này Đảng bộ Cơ quan Bộ đã tiến hành Đại hội nhiệm kỳ lần thứ XIII.

Đại hội đại biểu Đảng bộ Cơ quan Bộ lần thứ XIII (từ ngày 27 đến 28 tháng 12 năm 1996)

Đại hội đại biểu Đảng bộ Cơ quan Bộ lần thứ XIII với nhiệm kỳ 5 năm (theo Điều lệ mới). Đại hội đã bầu Ban chấp hành 17 đồng chí. Ban thường vụ 5 đồng chí: Đồng chí Trần Văn Thà được bầu làm Bí thư. Thứ trưởng Lã Ngọc Khuê - Phó Bí thư; các Uỷ viên thường vụ: Ngô Đức Nguyên - Tổng Biên tập Báo Giao thông vận tải; Phạm Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Tài chính kế toán; Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ này, nhiều cán bộ tham mưu của Cơ quan Bộ kinh qua nhiều năm hoạt động trong Ngành, nay đến tuổi nghỉ hưu. Lực lượng mới, trẻ, có học vấn được bổ sung thay thế và có đủ điều kiện để thành lập lại Đoàn thanh niên Cơ quan Bộ. Đảng uỷ Cơ quan Bộ đã đề nghị và được Quận đoàn Hoàn Kiếm quyết định thành lập lại Đoàn thanh niên Cơ quan Bộ vào cuối năm 1998 và đồng chí Đỗ Văn Quốc, chuyên viên Vụ Tài chính kế toán Bộ được chỉ định làm Bí thư.

3. Hoạt động của Đảng bộ Cơ quan Bộ Giao thông vận tải trong thời kỳ đổi mới (1986 - 2000)

Hoạt động của Đảng bộ Cơ quan Bộ trong thời kỳ đổi mới gắn liền với sự chỉ đạo toàn Ngành của các đồng chí Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên, Bùi Danh Lưu, Lê Ngọc Hoàn, Đào Đình Bình và của Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải, trong đó Bí thư Đảng uỷ Cơ quan Bộ là một thành viên.

Đảng bộ Cơ quan Bộ Giao thông vận tải rất vinh dự có đại biểu được Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối cơ quan kinh tế Trung ương bầu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, VIII.

Đi dự Đại hội VII gồm có các đồng chí: Ngô Đức Nguyên (Bí thư Đảng ủy), Lê Khả (Thứ trưởng), Nguyễn Văn Trường (Tổng Giám đốc Công ty Vận tải và thuê tàu); cùng Bộ trưởng Bùi Danh Lưu (đại biểu đương nhiên).

Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng, Ban chấp hành Đảng bộ Khối cơ quan kinh tế Trung ương đã bầu đồng chí Ngô Đức Nguyên, Bí thư Đảng ủy Cơ quan Bộ - Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ Khối đi dự.

Đi dự đại hội VIII có đồng chí Lê Ngọc Hoàn - Thứ trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy, cùng Bộ trưởng Bùi Danh Lưu - đại biểu đương nhiên.

Nhiệm vụ chủ yếu của Đảng bộ Cơ quan Bộ trong thời kỳ này là:

- Bám sát các quan điểm, đường lối của Đảng trong thời kỳ đổi mới đất nước về phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Giao thông vận tải và đất nước, lãnh đạo cán bộ, đảng viên trong khối cơ quan phát huy tinh thần tự giác, gương mẫu, chủ động làm tốt công tác nghiên cứu, tham mưu, quản lý chuyên ngành phục vụ cho sự chỉ đạo điều hành của Bộ.

- Xây dựng đảng về tổ chức, tư tưởng, giữ vững sinh hoạt, chú trọng kết nạp đảng viên và khen thưởng, kỷ luật đối với tổ chức, đảng viên theo thẩm quyền. Thực hiện định kỳ việc kiểm tra, nhận xét, đánh giá cán bộ là đảng viên thuộc Đảng bộ, qua đó, tham gia tích cực vào công tác đề bạt cán bộ theo quy chế.

- Tham gia ý kiến vào các chương trình, kế hoạch dài hạn và 5 năm, hàng năm; tham gia về cơ chế, chính sách nhằm xóa bỏ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, chuyển đổi sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia sắp xếp tổ chức, cán bộ trong khối Cơ quan Bộ.

- Làm tốt nhiệm vụ lãnh đạo các tổ chức quần chúng thuộc khối Cơ quan Bộ.

- Thường xuyên phối hợp với lãnh đạo Bộ, Ban cán sự đảng triển khai Nghị quyết của Đảng và các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước đề ra, các đợt thi đua gắn với thực hiện kế hoạch của Ngành.

- Phối hợp với lãnh đạo Bộ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công nhân viên chức trong Cơ quan Bộ và các đơn vị có tổ chức đảng trực thuộc.

- Xây dựng Đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh; quan tâm giải quyết những vấn đề nội bộ phát sinh.

4. Một số sự kiện nổi bật của Đảng bộ Cơ quan Bộ trong thời kỳ đổi mới 1986 - 2000

Đảng bộ Cơ quan Bộ vinh dự được Đảng uỷ Khối cơ quan kinh tế Trung ương tặng cờ Đảng bộ trong sạch, vững mạnh nhiệm kỳ 1996-2000.

Tại các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, VIII, Đảng bộ Cơ quan Bộ Giao thông vận tải đều vinh dự có các đại biểu được Đại hội Đảng bộ Khối cơ quan kinh tế Trung ương bầu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc. Đồng chí Bùi Danh Lưu được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VI, VII, VIII; đồng chí Đào Đình Bình được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng khóa VIII.

Ban Bí thư đã ra quyết định về việc chỉ định Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải gồm 7 ủy viên, trong đó có đồng chí Ngô Đức Nguyên - Bí thư Đảng ủy Cơ quan Bộ (khoá XI). Bộ Chính trị có quyết định chỉ định đồng chí Trần Văn Thà, Bí thư Đảng ủy Cơ quan Bộ (khóa XIII) giữ chức Uỷ viên Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải.

 

ĐẢNG BỘ CƠ QUAN BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI,
ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC (2001 - 2010)

1. Nhiệm vụ chính trị và tổ chức của ngành Giao thông vận tải thời kỳ 2001 - 2010

Đầu năm 2001, sự kiện trọng đại là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 19 đến ngày 22 tháng 4 tại thủ đô Hà Nội. Để đất nước tiếp tục phát triển, Đại hội lần thứ IX của Đảng xác định Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho 10 năm đầu của thế kỷ XXI, nêu rõ: “Kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và có bước đi trước. Hệ thống giao thông bảo đảm lưu thông an toàn, thông suốt quanh năm và hiện đại hoá một bước”.[2]

Về kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, văn kiện Đảng xác định: “Về đường bộ, hoàn thành nâng cấp quốc lộ 1 và xây dựng đường Hồ Chí Minh. Nâng cấp, xây dựng các tuyến quốc lộ khác, chú trọng các tuyến đường biên giới, các tuyến đường vành đai và tuyến đường nối các vùng tới các trung tâm phát triển lớn, các cầu vượt sông lớn, các tuyến nối với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê-kông mở rộng. Phát triển, nâng cấp hệ thống giao thông trên từng vùng, kể cả giao thông nông thôn, bảo đảm thông suốt quanh năm. Nâng cấp hệ thống đường sắt hiện có, mở thêm tuyến mới đến các trung tâm kinh tế. Hoàn thiện hệ thống cảng biển quốc gia và mạng lưới các cảng địa phương theo quy hoạch. Phát triển vận tải thuỷ, tăng năng lực vận tải biển gắn với phát triển công nghiệp đóng và sửa chữa tàu. Hiện đại hoá các sân bay quốc tế, nâng cấp các sân bay nội địa”.[3]

a) Ngành Giao thông vận tải thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX: Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (2001-2005)

Về nhiệm vụ chính trị:

Để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, Bộ đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với mục tiêu chung là: “Phát triển đồng bộ và bền vững mạng lưới giao thông quốc gia, bảo đảm sự đi lại thông suốt quanh năm an toàn, êm thuận với chất lượng ngày càng tốt hơn; bắt đầu tạo lập được một hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đúng cấp; tích cực thực hiện các công nghệ vận tải tiên tiến, phục vụ kịp thời cho sự phát triển kinh tế xã hội; phát triển mạnh công nghiệp đóng tàu và cơ khí chuyên ngành phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Ngành và đất nước, bảo đảm an ninh quốc phòng và chủ động hội nhập khu vực, quốc tế”.

Ban Cán sự, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ một mặt bám sát các chủ trương và sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Mặt khác chủ động nắm bắt thực tiễn và quyết tâm định hướng các hoạt động giao thông vận tải thích ứng với hoàn cảnh, yêu cầu mới của đất nước và quốc tế bằng các biện pháp, cơ chế mang tính thực tế và năng động.

Công việc trước tiên là trình Nhà nước kế hoạch phát triển giao thông vận tải 5 năm (2001 - 2005); trong đó bao gồm những mục tiêu chủ yếu về xây dựng cơ bản, vận tải, công nghiệp cơ khí, khoa học công nghệ… Đặc biệt, về kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, thời kỳ 2001 - 2005, tập trung nâng cấp và hoàn thiện về cơ bản các trục đường giao thông trên tuyến Bắc - Nam (kể cả hầm đường bộ qua đèo Hải Vân), các tuyến từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đi các khu công nghiệp, các vùng kinh tế quan trọng; tiếp tục nâng cấp quốc lộ 1A, mở thêm tuyến trục song song để giải tỏa ách tắc giao thông, củng cố các tuyến liên tỉnh thuộc đồng bằng Nam Bộ, nâng cấp các tuyến lên Tây Nguyên, khu vực miền núi phía Bắc, các tuyến biên giới, các tuyến đi về cảng và các cửa khẩu…

Để đạt được các mục tiêu chiến lược trên, trong thời kỳ 2001 - 2005, Đảng ủy, lãnh đạo Bộ coi trọng yếu tố nội lực, tiếp tục khơi dậy và đẩy mạnh phong trào thi đua “Lao động giỏi - sáng tạo” với mục tiêu: “Năng suất, chất lượng, hiệu quả”; bảo đảm việc làm và nâng cao đời sống cho công nhân viên chức, lao động; thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phát huy truyền thống: “Dũng cảm, thông minh, sáng tạo” với tinh thần “Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” trên mọi lĩnh vực và cương vị công tác.

Ban Cán sự và lãnh đạo Bộ cùng lãnh đạo các đơn vị đã chủ động chuẩn bị các dự án đầu tư, phát huy mọi nguồn lực, chỉ đạo điều hành quyết định cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công nhân viên chức toàn Ngành, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương để tranh thủ sự giúp đỡ nhằm giải quyết có hiệu quả những vấn đề liên quan.

Để hoạt động của Ngành trong thời kỳ 2002 - 2007 thích ứng và phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước, trên cơ sở tiếp thu và triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phan Văn Khải, tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của Bộ Giao thông vận tải (ngày 31 tháng 8 năm 2002), Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng Đào Đình Bình đã có Quyết định số 3431/2002/QĐ-GTVT ngày 18 tháng 10 năm 2002 ban hành Chương trình hành động của Bộ Giao thông vận tải thực hiện chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2002 - 2007. Chương trình hành động của Ngành nêu rõ: Nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ Giao thông vận tải trong thời gian 5 năm (2002 - 2007) đặt ra cho Ngành yêu cầu khá cao trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành mọi mặt hoạt động giao thông vận tải của cả nước.

Cùng với những yêu cầu trên, chương trình hành động của Bộ đã khẳng định mục tiêu và nhiệm vụ cơ bản của ngành Giao thông vận tải trong 5 năm theo chỉ đạo của Nhà nước là:

- Trong thời kỳ 2002 - 2007, ngành Giao thông vận tải cần tạo nên những chuyển biến cơ bản về chất đối với công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải, thực hiện trong phạm vi cả nước và đối với toàn xã hội. Hoàn chỉnh hệ thống các văn bản pháp quy đối với tất cả các chuyên ngành: Đường bộ, Đường sắt, Đường biển, Đường sông và Hàng không dân dụng.

- Phải thiết lập một hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tiến tới đồng bộ, thống nhất, liên hoàn, hiện đại và an toàn; bảo đảm nhu cầu vận tải nội địa, giao lưu khu vực và quốc tế cho an toàn xã hội, với chất lượng dịch vụ tốt và khối lượng năm sau cao hơn năm trước; góp phần tích cực đảm bảo an ninh, quốc phòng.

- Các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ cần được tổ chức, sắp xếp lại hợp lý, phát triển vững chắc và ổn định, đủ khả năng cạnh tranh trước yêu cầu hội nhập.

- Phải đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy quản lý nhà nước trong khối tham mưu giúp việc Bộ trưởng, các Cục quản lý chuyên ngành, các cơ quan đại diện chủ đầu tư; lành mạnh hóa bộ máy cán bộ công chức, đảm bảo đội ngũ cán bộ, công chức toàn Ngành có đủ phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Giao thông vận tải.

Với tinh thần không ngừng đổi mới, ngành Giao thông vận tải đã hoàn thành vượt mức toàn diện kế hoạch những năm 2001 - 2005 bằng lòng quyết tâm và sức sáng tạo khá mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Về tổ chức, cán bộ:

Tại Đại hội IX, đồng chí Đào Đình Bình, Thứ trưởng kiêm Tổng Giám đốc Liên hiệp Đường sắt Việt Nam, Bí thư Đảng bộ Đường sắt, tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Sau Đại hội IX của Đảng, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XI (tháng 7 năm 2002), Thứ trưởng Đào Đình Bình được Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thay đồng chí Lê Ngọc Hoàn nghỉ hưu.

Bộ trưởng Đào Đình Bình là Bí thư Ban cán sự Đảng, đồng thời được giao làm Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia. Thời gian này, các Thứ trưởng Phạm Quang Tuyến, Nguyễn Tấn Mẫn được nghỉ hưu; Thứ trưởng Lã Ngọc Khuê chuyển sang làm cố vấn Bộ trưởng, sau đó là Chủ tịch Hội đồng Khoa học công nghệ Bộ Giao thông vận tải. Đồng chí Nguyễn Việt Tiến được phân công làm Thứ trưởng thường trực. Các đồng chí Trần Doãn Thọ, Ngô Thịnh Đức, Nguyễn Tiến Sâm lần lượt được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng. Bộ Giao thông vận tải không bố trí Thứ trưởng trực tiếp phụ trách phía Nam như trước đây.

b) Ngành Giao thông vận tải thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển (2006 - 2010)

Về nhiệm vụ chính trị:

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 18 đến 25 tháng 4 năm 2006 tại Hà Nội đã quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước 5 năm (2006 - 2010) và những năm tiếp theo.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội trong 5 năm (2006 - 2010), ngành Giao thông vận tải tiếp tục thu được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: Xây dựng thể chế luật pháp, quy hoạch và thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản, khoa học - công nghệ…

Đây là thời kỳ các văn bản luật: Bộ Luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi năm 2005), Luật Giao thông đường thuỷ nội địa, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi năm 2006), Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi năm 2008) đã được Quốc hội ban hành. Ngành đã điều chỉnh chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và hoàn thiện các quy hoạch chuyên ngành như: Giao thông vận tải hàng không, giao thông vận tải đường bộ Việt Nam, giao thông vận tải đường biển, hệ thống cảng biển Việt Nam, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam… Công tác cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh với việc hoàn thành giai đoạn 1 Đề án 30 về cải cách hành chính của Chính phủ và đã công bố Bộ thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải.

Trên khắp đất nước, nhiều công trình giao thông vận tải lớn, có ý nghĩa đã hoàn thành như: Cầu Bãi Cháy, Thanh Trì (cầu chính), Vĩnh Tuy, Rạch Miễu, Hàm Luông, Cần Thơ; hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, mạng lưới quốc lộ Bắc - Nam, 38 cầu giao thông nông thôn đồng bằng sông Cửu Long, cầu Thuận An, cầu Tư Hiền, cầu Suối Long quốc lộ 37; vận tải thuỷ từ Hải Phòng đến thuỷ điện Sơn La, cảng Cái Lân, Đài thông tin Duyên Hải, hệ thống Đèn biển Việt Nam, đội tàu SAR tìm kiếm cứu nạn trên biển; đường cất hạ cánh, đường lăn sân đỗ cảng hàng không Liên Khương, cảng hàng không Chu Lai...

Cùng với sự phát triển của hệ thống giao thông quốc gia, giao thông địa phương cũng chuyển biến tích cực. Từ 2006 đến 2010, các địa phương và Bộ Giao thông vận tải đã đầu tư xây dựng được hàng nghìn ki-lô-mét đường tỉnh và hàng trăm cây cầu với tổng kinh phí hàng nghìn tỷ đồng và một số cảng sông địa phương. Về giao thông nông thôn - miền núi, phong trào “Nhà nước, địa phương và nhân dân cùng làm” với phương châm “Dân làm là chính, Nhà nước hỗ trợ một phần” để phát triển giao thông vận tải địa phương tiếp tục được đẩy mạnh rộng khắp. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp, 3 năm 2007 - 2010, thực hiện 72.902 tỷ đồng, đạt 48,5% kế hoạch 5 năm - tăng trưởng bình quân đạt 44,2%/năm so với 26,3%/năm dự kiến.

Sản lượng vận tải chung những năm cuối của thập niên thứ nhất đạt hàng trăm triệu tấn hàng/km, hàng chục triệu lượt hành khách/năm; hàng thông qua cảng biển hàng năm tăng nhanh. Nhiều địa phương đã chủ động phát triển vận tải khách công cộng bằng xe buýt, mở rộng quy mô và chất lượng phục vụ; kéo dài các tuyến xe buýt từ các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh tới các đô thị liền kề; đã thúc đẩy có hiệu quả chương trình giao thông tiếp cận phục vụ người khuyết tật...

Về tổ chức, cán bộ:

Sau Đại hội, tháng 6 năm 2006, đồng chí Hồ Nghĩa Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng chính thức nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Các Thứ trưởng thời kỳ này là các đồng chí: Ngô Thịnh Đức, Nguyễn Tiến Sâm (đến ngày 01 tháng 01 năm 2007), Trần Doãn Thọ, Lê Mạnh Hùng, Nguyễn Hồng Trường, Phạm Quý Tiêu (bổ nhiệm tháng 3 năm 2009),  Trương Tấn Viên (bổ nhiệm tháng 3 năm 2010), Nguyễn Ngọc Đông (bổ nhiệm tháng 11 năm 2010).

2. Tổ chức đảng Cơ quan Bộ Giao thông vận tải thời kỳ 2001 - 2010

a) Giai đoạn 2001 - 2005

Đại hội đại biểu Đảng bộ Cơ quan Bộ Giao thông vận tải lần thứ XIV (tháng 9 năm 2001)

Đảng bộ Cơ quan Bộ Giao thông vận tải đã tiến hành Đại hội lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2001 - 2005 vào tháng 9 năm 2001. Tại Đại hội này, Đảng bộ Cơ quan Bộ đã vinh dự đón nhận Cờ Đảng bộ trong sạch vững mạnh nhiệm kỳ 1996 - 2000 do Đảng uỷ Khối cơ quan kinh tế Trung ương trao tặng. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 21 đồng chí. Ban thường vụ 7 đồng chí:

Đồng chí Nguyễn Việt Tiến - Thứ trưởng, được bầu làm Bí thư. Đồng chí Lưu Văn Dong - Phó Văn phòng Bộ làm Phó Bí thư thường trực chuyên trách. Các đồng chí: Nguyễn Văn Hướng - Chánh Thanh tra Bộ, Trần Văn Minh - Chánh Văn phòng Bộ, Dương Danh Dũng - Cục trưởng Cục Giám định, Thiều Đăng Khoa - Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Đỗ Văn Thuật - Chánh Văn phòng Đảng uỷ chuyên trách.

Giữa nhiệm kỳ, đồng chí Trần Văn Minh - Chánh Văn phòng Bộ, Uỷ viên Thường vụ nghỉ hưu, bổ sung đồng chí Nguyễn Chiến Thắng - Bí thư Đoàn Thanh niên Cơ quan Bộ vào Ban chấp hành Đảng bộ; bổ sung đồng chí Nguyễn Văn Nhân - Uỷ viên Ban chấp hành vào Ban Thường vụ.

Tổ chức Đảng bộ đầu nhiệm kỳ (tháng 9 năm 2001) có 33 tổ chức đảng trực thuộc với số lượng 1.265 đảng viên. Năm 2002, 2003 tiếp nhận 07 tổ chức cơ sở đảng từ trực thuộc Quận uỷ Đống Đa, Huyện uỷ Từ Liêm (Hà Nội) và Đảng ủy Khối cơ quan Kinh tế Trung ương về trực thuộc Đảng uỷ Cơ quan Bộ; đồng thời cũng chuyển giao 2 tổ chức cơ sở đảng về trực thuộc Đảng ủy Khối và cấp uỷ địa phương. Thành lập mới 02 tổ chức cơ sở đảng và nâng cấp 03 chi bộ cơ sở thành đảng bộ cơ sở. Quyết định uỷ quyền cho 02 đảng bộ cơ sở quyền quyết định kết nạp đảng viên và thi hành kỷ luật đảng viên. Tính đến tháng 9 năm 2005, Đảng bộ có 41 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 23 đảng bộ và 18 chi bộ trực thuộc với trên 2.300 đảng viên.

Đại hội đại biểu Đảng bộ Cơ quan Bộ Giao thông vận tải lần thứ XV (tháng 10 năm 2005)

Đại hội đại biểu Đảng bộ Cơ quan Bộ Giao thông vận tải lần thứ XV, nhiệm kỳ 2005 - 2010 đã tiến hành vào ngày 28 tháng 10 năm 2005; Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ cơ bản của nhiệm kỳ là: “Tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Ban Chấp hành đảng bộ, các cấp ủy trực thuộc, phát huy vai trò hạt nhân chính trị của các tổ chức đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên lên ngang tầm nhiệm vụ mới; lãnh đạo xây dựng các tổ chức đoàn thể quần chúng vững mạnh, góp phần cho sự phát triển nhanh và bền vững ngành Giao thông vận tải, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và sự đi lại của nhân dân”.

Toàn Ngành thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XV của Đảng bộ Cơ quan Bộ trong bối cảnh có những thuận lợi, khó khăn, thách thức lớn.

Về thuận lợi: Đảng bộ nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Khối cơ quan Kinh tế Trung ương, sau đó là Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương (năm 2007), sự phối hợp chỉ đạo của Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải. Ngành Giao thông vận tải được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm phát triển hạ tầng giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đã ban hành nhiều văn bản kiện toàn thể chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, ưu tiên nguồn vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Cơ sở vật chất kỹ thuật giao thông vận tải, trình độ và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ, công nhân lao động ngành Giao thông vận tải tiếp tục được nâng cao.

Về khó khăn: Trong nhiệm kỳ, Đảng bộ đã gặp những khó khăn, thách thức chưa từng có trong các nhiệm kỳ trước. Đó là, ngay năm đầu tiên sau Đại hội Đảng bộ lần thứ XV đã xảy ra vụ việc tiêu cực ở PMU18 (năm 2006); dưới sức ép của thông tin báo chí, dư luận xã hội về vụ việc nêu trên và do việc một số cán bộ bị khởi tố, tạm giam, một số cán bộ chủ chốt bị kỷ luật về đảng đã tác động mạnh đến diễn biến tư tưởng và hoạt động của Đảng bộ nói riêng và ngành Giao thông vận tải nói chung.

Đặc biệt, Đảng bộ gần hai năm không có Bí thư Đảng ủy, nhưng chưa được Đảng ủy Khối cơ quan Kinh tế Trung ương chỉ đạo kịp thời trong việc kiện toàn bổ sung bí thư cấp ủy.

Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, đối mặt với thử thách, được sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan Trung ương, sự chỉ đạo của Đảng ủy Khối, Ban Cán sự đảng và Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Đảng ủy Cơ quan Bộ và các tổ chức đảng trong Đảng bộ đã phát huy tính chiến đấu và kiên định của Đảng, nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, xử lý kỷ luật nghiêm minh các tổ chức đảng và đảng viên có sai phạm, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng; đồng thời tập trung lãnh đạo ổn định tư tưởng và động viên cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện nhiệm vụ được giao; đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, trong đó coi trọng công tác quản lý đảng viên, công tác kiểm tra, do đó đã đạt được những kết quả khá toàn diện trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.

Trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, các cấp ủy đảng trong các cơ quan tham mưu, quản lý nhà nước và sự nghiệp, đã phát huy vai trò hạt nhân chính trị của tổ chức đảng, phối hợp chặt chẽ với thủ trưởng cơ quan, đơn vị lãnh đạo và tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao; trực tiếp tham mưu với Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ trong việc thể chế hóa, cụ thể hóa và triển khai tổ chức thực hiện các Chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng về lĩnh vực giao thông vận tải, các nghị quyết Trung ương Đảng khóa X, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; xây dựng và trình cấp có thẩm quyền thông qua, ban hành các đề án, văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giao thông vận tải.

b) Giai đoạn 2005 - 2010

Đại hội đại biểu Đảng bộ Cơ quan Bộ Giao thông vận tải lần thứ XVI (tháng 8 năm 2010)

Trong hai ngày 17 - 18 tháng 8 năm 2010, với tinh thần “Dân chủ, đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm”, Đảng bộ Cơ quan Bộ Giao thông vận tải đã tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2010-2015.

Dự Đại hội có 300 đại biểu đại diện hơn 3.200 đảng viên thuộc 42 tổ chức đảng trực thuộc trong toàn Đảng bộ. Các đồng chí Hoàng Xuân Cừ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương; đồng chí Hồ Nghĩa Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã đến dự và chỉ đạo Đại hội.

Đại hội đã bầu 29 đồng chí là: Ngô Thịnh Đức, Đỗ Văn Thuật, Nguyễn Văn Lưu, Nguyễn Văn Quyền, Nguyễn Ngọc Huệ, Nguyễn Chiến Thắng, Hoàng Hà, Nguyễn Hữu Thắng, Trịnh Minh Hiền, Phạm Thanh Tùng, Khuất Minh Tuấn, Nguyễn Văn Công, Đỗ Văn Quốc, Trần Văn Cừu, Nguyễn Xuân Khang, Nguyễn Minh Nhật, Trần Quốc Việt, Nguyễn Hoằng, Lê Thị Thuý Hiền, Trần Kỳ Hình, Nguyễn Quốc Hải, Trần Xuân Sanh, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Quốc Tùng, Vũ Văn Triển, Trần Ngọc Thành, Lê Văn Doãn, Hoàng Đình Phúc, Nguyễn Thanh Phong vào Ban Chấp hành Đảng bộ Cơ quan Bộ Giao thông vận tải khóa XVI.

Ngày 15 tháng 11 năm 2010, Ban Bí thư Trung ương có Quyết định bổ sung Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải.

Cũng như toàn ngành Giao thông vận tải, Đảng bộ Cơ quan Bộ Giao thông vận tải hoàn thành tốt nhiệm vụ của nhiệm kỳ 5 năm 2006 - 2010 và bước vào những năm đầu của thập niên thứ 2 Thế kỷ XXI với những bước phát triển mới.

3. Hoạt động của Đảng bộ Cơ quan Bộ Giao thông vận tải thời kỳ 2001 - 2010

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2001 - 2005, Đảng bộ Cơ quan Bộ đã tổ chức kịp thời và nghiêm túc việc nghiên cứu quán triệt các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương và Bộ Chính trị; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Đảng uỷ cấp trên, tình hình nhiệm vụ của ngành, tới cán bộ, đảng viên, quần chúng. Trong học tập các Nghị quyết của Đảng, số lượng cán bộ, đảng viên tham gia với tỷ lệ cao (trên 95%); số lượng quần chúng tham gia đạt trên 60%.

Tổ chức thành công Hội thi báo cáo viên và tuyên truyền viên giỏi về tư tưởng Hồ Chí Minh, có 11 đồng chí đạt giải của Đảng ủy Cơ quan Bộ và 2 đồng chí đạt giải nhất, nhì tại hội thi của Đảng ủy Khối. Tổ chức cuộc thi tìm hiểu về 75 năm ngày thành lập Đảng, có trên 3.000 bài dự thi, trong đó 11 tập thể và 40 cá nhân đạt giải; có 01 cá nhân đạt giải cấp Trung ương và Đảng uỷ Cơ quan Bộ được tặng bằng khen. Hưởng ứng cuộc thi tìm hiểu “60 năm nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đã thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên và công nhân viên chức - lao động tham gia, với 4.200 bài, trong đó có 16 tập thể và 31 cá nhân đạt giải của Đảng uỷ Cơ quan Bộ. Tổ chức 8 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho 1.259 quần chúng ưu tú; 6 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho 665 đảng viên mới, 1 lớp bồi dưỡng cho 70 cấp uỷ viên cơ sở; số cán bộ đảng viên tham gia học chính trị tăng lên rõ rệt, nhất là theo học các lớp lý luận chính trị trung cấp và cao cấp. Đảng bộ đã đẩy mạnh công tác giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh, chọn những bài viết của Bác Hồ đưa vào sinh hoạt chi bộ thường kỳ và toàn Đảng bộ đã tổ chức 04 kỳ sinh hoạt chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh.

Toàn Đảng bộ 5 năm 2001 - 2005 kết nạp được 697 đảng viên, vượt trên hai lần chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ lần thứ 14 đề ra. Thực hiện Chỉ thị số 44/TW, ngày 12 tháng 10 năm 2004 của Ban Bí thư “về kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Người” toàn Đảng bộ có 153 đồng chí được kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh. Đảng bộ đã tiến hành đổi và phát thẻ đảng viên theo Chỉ thị 29/TW cho 1.999 đảng viên chính thức, đạt 99,85%.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ Cơ quan Bộ, các cấp uỷ đảng, tổ chức công đoàn đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình. Công đoàn Cơ quan Bộ từ năm 2001 - 2010 liên tục được tặng cờ Công đoàn cấp trên cơ sở vững mạnh, xuất sắc. Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Cơ quan Bộ đã được Thành đoàn Hà Nội quyết định nâng cấp thành Đoàn cấp trên cơ sở trực thuộc Thành đoàn trong năm 2005.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XV, nhiệm kỳ 2005 - 2010, Đảng bộ đã coi trọng, chủ động hơn trong công tác chính trị, tư tưởng ngay từ đầu nhiệm kỳ, đặc biệt là sau vụ việc tiêu cực xảy ra ở PMU18, đã kịp thời ra nghị quyết lãnh đạo về công tác tư tưởng; chú trọng chăm lo củng cố sự đoàn kết, thống nhất và tình đồng chí trong tổ chức đảng, sự đồng thuận trong cơ quan, đơn vị; tổ chức tiếp đảng viên, quần chúng từ cơ sở định kỳ 01 ngày trong tháng; từng bước đổi mới công tác nghiên cứu, học tập các nghị quyết của Đảng gắn với việc xây dựng chương trình hành động thực hiện.

Ngày 25 tháng 01 năm 2006, Đảng ủy Khối cơ quan Kinh tế Trung ương ra Quyết định số 25/QĐ-ĐUK đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với đồng chí Bùi Tiến Dũng, Thường vụ Đảng ủy Cơ quan Bộ Giao thông vận tải. Ngày 01 tháng 4 năm 2006, Ban Bí thư có Quyết định số 1735/QĐ-TƯ đình chỉ sinh hoạt Ban Cán sự Đảng bộ Giao thông vận tải, Ban chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan Kinh tế Trung ương, Ban chấp hành Đảng bộ Cơ quan Bộ Giao thông vận tải đối với đồng chí Nguyễn Việt Tiến.

Để củng cố hoạt động của Đảng bộ, ngày 03 tháng 4 năm 2006, Ban cán sự họp và phân công đồng chí Phạm Thế Minh, Ủy viên Ban Cán sự, Thứ trưởng thường trực Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Đảng ủy Khối chỉ đạo hoạt động của Đảng bộ Cơ quan Bộ Giao thông vận tải.

Liên quan đến vụ PMU18, ngày 19 tháng 5 năm 2006, Ban chấp hành Đảng bộ Cơ quan Bộ Giao thông vận tải đã họp để kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật các tổ chức Đảng, đảng viên. Theo đó các cấp ủy Đảng trong Đảng bộ đã xử lý kỷ luật 16 tổ chức Đảng và 39 đảng viên.

Từ năm 2006 - 2010, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Ban Cán sự, Đảng ủy Cơ quan Bộ đã tập trung nhiều biện pháp để xây dựng Đảng, hoàn thiện bộ máy điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước. Đặc biệt Đảng bộ đã có nhiều biện pháp cụ thể thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Đảng ủy đã quan tâm xây dựng, kiện toàn cấp ủy, tổ chức đảng để từng bước phù hợp với tổ chức chính quyền. Trong nhiệm kỳ đã tiếp nhận 04 tổ chức đảng từ địa phương về sinh hoạt trực thuộc (trong đó trực thuộc cơ sở 02), làm thủ tục chuyển đi 01 tổ chức đảng, quyết định sát nhập 04 tổ chức đảng, lập mới 04 tổ chức đảng (đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ có 41 tổ chức đảng trực thuộc với 2.473 đảng viên. Tính đến tháng 6 năm 2010, Đảng bộ có 42 tổ chức đảng trực thuộc, trong đó có 23 đảng bộ và 19 chi bộ trực thuộc với 3.236 đảng viên).

Đã kiện toàn bổ sung vào Ban Chấp hành Đảng bộ Cơ quan Bộ 06 đồng chí ủy viên, bầu bổ sung Ban Thường vụ 03 đồng chí ủy viên, trong đó có Bí thư Đảng ủy. Chỉ định bổ sung 30 cấp ủy viên cơ sở; chuẩn y bổ sung 10 đồng chí giữ chức vụ bí thư và 7 đồng chí giữ chức vụ phó bí thư cấp ủy cơ sở. Nhìn chung chất lượng đội ngũ cấp ủy cơ sở qua các kỳ đại hội từng bước được trẻ hóa, tăng số lượng nữ tham gia cấp ủy; đồng thời có khả năng lãnh đạo tập thể, phối hợp tốt với lãnh đạo cơ quan, đơn vị, được quần chúng tín nhiệm cao; đa số các đồng chí thủ trưởng cơ quan, đơn vị được bầu làm bí thư cấp uỷ.

Trong nhiệm kỳ, việc đánh giá chất lượng tổ chức đảng và đảng viên đã sát thực và chặt chẽ hơn. Nhiệm kỳ 2005 - 2010, Đảng bộ có 69-76% đảng bộ, chi bộ đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh, có 02 đảng bộ, chi bộ yếu kém. Có 72-80% đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó 10-14% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có 107 đảng viên vi phạm tư cách. Đảng uỷ đã chỉ đạo bám sát tiêu chuẩn, quy trình và thẩm định chặt chẽ hơn trong công tác khen thưởng, đã có 11 tập thể và 34 cá nhân được nhận bằng khen, cờ của Đảng ủy Khối (cờ 3 tổ chức đảng); 199 tập thể và 557 cá nhân được nhận giấy khen của Đảng ủy Cơ quan Bộ; 136 đồng chí được nhận huy hiệu 30 năm, 40 năm tuổi Đảng.

Công tác phát triển đảng viên được quan tâm chỉ đạo bảo đảm cả về số lượng và chất lượng. Nhiệm kỳ 2005 - 2010, toàn Đảng bộ đã kết nạp 829 đảng viên, bình quân 166 đảng viên/ năm, trong đó số có trình độ đại học, cao đẳng trở lên chiếm trên 72%, tỷ lệ đoàn viên thanh niên 57%. Đảng bộ đã phát thẻ cho 789 đảng viên, xóa tên trong danh sách đảng viên 6 đồng chí. Thông qua đó, ý thức của đảng viên được nâng lên, chấn chỉnh một bước hoạt động của các chi bộ, cấp uỷ.

Đặc biệt trong nhiệm kỳ 2005 - 2010 Đảng ủy đã chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thu được kết quả tích cực.

Bằng nhiều hình thức phong phú đa dạng, sau Lễ phát động của Trung ương vào năm 2007 nhân dịp kỷ niệm 77 năm thành lập Đảng, nhiều đảng bộ đã tổ chức Lễ phát động, tổ chức nhiều hoạt động như: Liên hoan văn nghệ quần chúng, ngày hội thể thao, về nguồn đã thu hút hàng nghìn người tham gia. Đặc biệt Hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” sau hơn 2 tháng phát động, Hội thi chung khảo của Đảng ủy Cơ quan Bộ đã có 14 báo cáo viên tham dự và đã chọn được 01 đồng chí xuất sắc để tham dự Hội thi do Đảng ủy Khối tổ chức. Qua hội thi đã có hàng nghìn lượt cán bộ, đảng viên, quần chúng tham dự cổ vũ.

Trong quá trình thực hiện cuộc vận động, nhiệm vụ thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí đã có bước chuyển quan trọng trong toàn Đảng bộ. Các nội dung cụ thể như việc tổ chức hội họp một cách khoa học, thiết thực (tổ chức các hội nghị trực tuyến), việc tiết kiệm điện, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng xe… đã được quy định cụ thể trong quy chế của từng cơ quan, đơn vị và trở thành ý thức rõ rệt trong mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Qua báo cáo của một số đơn vị đã có bước chuyển biến quan trọng, đã tiết kiệm 9,4 tỷ đồng trong chi phí thường xuyên, 31 tỷ đồng trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.

Đảng bộ đã chọn 6 đơn vị để chỉ đạo điểm; hầu hết các đơn vị đều có tiến bộ rõ rệt trong thực hiện Cuộc vận động. Bắt đầu từ tổng kết Cuộc vận động năm 2008, Ban Chỉ đạo đã biểu dương các đơn vị có thành tích trong thực hiện Cuộc vận động và khen thưởng 14 báo cáo viên đạt giải trong Hội thi. Năm 2009, tặng giấy khen cho 10 tập thể, 05 cá nhân và Đảng ủy Khối tặng Bằng khen cho 01 tập thể có thành tích trong 03 năm thực hiện Cuộc vận động.

Qua những kết quả đạt được trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện Cuộc vận động ở Đảng bộ là hết sức quan trọng, nâng cao một bước về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên làm theo tấm gương đạo đức của Bác đã góp phần tích cực, tạo nên sự chuyển biến trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị.

Từng năm một trong suốt nhiệm kỳ, Đảng ủy đều có buổi làm việc với Công đoàn, Đoàn thanh niên Cơ quan Bộ và ra nghị quyết, kết luận về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; đặc biệt, trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, Đảng ủy đã ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác thanh niên đến đại hội nhiệm kỳ của Đảng bộ (năm 2010); đề xuất với Ban Cán sự đảng Bộ và Ban Cán sự đảng Bộ đã ban hành Chỉ thị về công tác chăm lo đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Giao thông vận tải. Công đoàn Cơ quan Bộ, Đoàn thanh niên Bộ đã tổ chức thành công đại hội nhiệm kỳ 2008 - 2013; hàng năm đều được công nhận là tổ chức vững mạnh, xuất sắc. Các tổ chức đoàn thể đã tích cực đóng góp xây dựng tổ chức đảng, đảng viên và đã giới thiệu 409 đoàn viên ưu tú để tổ chức đảng xem xét kết nạp vào Đảng.

4. Một số sự kiện nổi bật của Đảng bộ Cơ quan Bộ trong thời kỳ 2001-2010

Nhiệm kỳ XIV (2001 - 2005), Đảng bộ Cơ quan Bộ đã tiếp nhận 7 tổ chức cơ sở đảng từ trực thuộc Quận ủy Đống Đa, Huyện ủy Từ Liêm và Đảng ủy Khối về sinh hoạt trong Đảng bộ, nâng tổng số tổ chức cơ sở đảng về trực thuộc Đảng ủy Cơ quan Bộ là 40 với 2.199 đảng viên (tháng 12 năm 2004).

Tại các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, X, Đảng bộ Cơ quan Bộ Giao thông vận tải đều vinh dự có các đại biểu được Đại hội Đảng bộ Khối cơ quan kinh tế Trung ương bầu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc. Các đồng chí Bộ trưởng trong thời kỳ này đều là Ủy viên Trung ương Đảng (khóa IX và khóa X).

Ngày 19 tháng 5 năm 2006, Ban Chấp hành Đảng bộ Cơ quan Bộ Giao thông vận tải đã họp kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật các tổ chức Đảng, đảng viên liên quan đến vụ PMU18. Theo đó các cấp ủy Đảng trong Đảng bộ đã xử lý kỷ luật 16 tổ chức Đảng và 39 đảng viên.

Trong nhiệm kỳ 2005 - 2010, Đảng ủy Cơ quan Bộ đã chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thu được kết quả tích cực, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Ngành cũng như xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực của các tổ chức đảng trong Đảng bộ.

Trong nhiệm kỳ 2005 - 2010, Đảng bộ Cơ quan Bộ đã tiếp nhận một số tổ chức Đảng về sinh hoạt. Tính đến tháng 6 năm 2010, Đảng bộ có 42 tổ chức đảng trực thuộc, trong đó có 23 đảng bộ và 19 chi bộ trực thuộc với 3.236 đảng viên.

 

ĐẢNG BỘ BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI BƯỚC PHÁT TRIỂN MỚI (2011 - 2013)

1. Nhiệm vụ chính trị và tổ chức của ngành Giao thông vận tải giai đoạn 2011 - 2013

Từ ngày 12 đến ngày 19 tháng 01 năm 2011 tại Hà Nội diễn ra Đại hội lần thứ XI của Đảng. Đây là Đại hội có ý nghĩa quan trọng, ngoài việc đánh giá Nghị quyết Đại hội X của Đảng, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010), Đại hội còn tổng kết chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001-2010) và 20 năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội. Trên cơ sở đó, Đại hội quyết định việc bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991; xác định Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020); đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm (2011 - 2015).

Về mục tiêu 5 năm 2011 - 2015, Nghị quyết Đại hội xác định: “Xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, nhất là hệ thống giao thông, yếu tố đang gây ách tắc, cản trở sự tăng trưởng kinh tế, gây bức xúc trong nhân dân...”

Về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, Đại hội xác định: “Hoàn thiện cơ bản mạng lưới giao thông thiết yếu, đường ven biển, đường vành đai biên giới. Hiện đại hoá một số sân bay, cảng biển quan trọng và một số tuyến đường bộ trọng yếu nối kết với Trung Quốc, Lào, Campuchia. Tiếp tục hoàn thiện theo hướng hiện đại hệ thống giao thông đô thị, tập trung giải quyết tình trạng ách tắc giao thông và ngập úng ở Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời phát triển đồng bộ hệ thống vận tải địa phương, phấn đấu hầu hết xã, cụm xã có đường ôtô đến trung tâm (trừ các xã có địa hình, địa lý đặc biệt khó khăn)”.

Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011 - 2020, nêu rõ: “Tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam, nâng cấp đường sắt hiện có, xây dựng hệ thống đường sắt đô thị ở các thành phố lớn. Trên cơ sở quy hoạch, chuẩn bị các điều kiện để từng bước xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam với lộ trình phù hợp; xây dựng một số cảng biển và cảng hàng không hiện đại; cải tạo và nâng cấp hạ tầng đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Từng bước hình thành đồng bộ trục giao thông Bắc - Nam, các trục hành lang Đông - Tây bảo đảm liên kết các phương thức vận tải; xây dựng các tuyến đường bộ đối ngoại đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế”.

Sau Đại hội, tại Kỳ họp thứ nhất, tháng 7 năm 2011, Quốc hội khóa 13 đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các thành viên của Chính phủ nhiệm kỳ khóa 13 (nhiệm kỳ 2011 - 2016). Đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng được Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký Quyết định số 1233/QĐ-CTN ngày 03 tháng 8 năm 2011 bổ nhiệm giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Ngày 08 tháng 8 năm 2011, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức lễ bàn giao nhiệm vụ giữa Bộ trưởng nhiệm kỳ khóa XII Hồ Nghĩa Dũng với Bộ trưởng nhiệm kỳ khóa XIII Đinh La Thăng. Tới dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng nhiệm kỳ khóa XII Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng nhiệm kỳ khóa XIII Đinh La Thăng cùng các đồng chí Thứ trưởng, các đồng chí lãnh đạo các vụ, tổng cục, cục, viện, tổng công ty, các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp trực thuộc Bộ Giao thông vận tải.

Các Thứ trưởng trong thời kỳ này là các đồng chí: Lê Mạnh Hùng (đến ngày 01 tháng 3 năm 2013), Ngô Thịnh Đức (đến tháng 7 năm 2012), Nguyễn Hồng Trường, Phạm Quý Tiêu, Trương Tấn Viên, Nguyễn Ngọc Đông. Nguyễn Văn Công (bổ nhiệm tháng 4 năm 2012), Lê Đình Thọ (bổ nhiệm tháng 5 năm 2013), Nguyễn Văn Thể - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng (bổ nhiệm tháng 6 năm 2013).

Mặc dù nền kinh tế đất nước và Ngành gặp nhiều khó khăn, nhưng đây là thời kỳ ngành Giao thông vận tải thu được kết quả tương đối toàn diện, có nhiều tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành Giao thông vận tải: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giao thông vận tải được kiện toàn từ văn bản luật, bộ luật đến các nghị định, thông tư hướng dẫn và từng bước đã đi vào cuộc sống. Các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành Giao thông vận tải ngày càng hoàn thiện. Công tác đầu tư xây dựng và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông thực hiện đúng kế hoạch, quy hoạch được phê duyệt, mạng lưới hạ tầng giao thông từng bước hoàn thiện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Vận tải và dịch vụ vận tải tiếp tục tăng trưởng đáp ứng cơ bản yêu cầu của xã hội ngày càng gia tăng; công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực, đã kiềm chế gia tăng, tiến tới giảm thiểu tai nạn giao thông.

2. Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải bước phát triển mới (2011 - 2013)

a) Đổi tên Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải - Bước ngoặt trong lịch sử 65 năm phát triển

Ngày 20 tháng 5 năm 2011, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương ban hành Quyết định số 117-QĐ/ĐUK đổi tên Đảng bộ Cơ quan Bộ Giao thông vận tải thành Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải. Đồng chí Nguyễn Hải Đường, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương đã đến dự lễ công bố và trao quyết định.

Cũng trong năm 2011, nhiều đảng bộ cơ quan được đổi tên thành đảng bộ tổng cục, cục như: Đảng bộ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Đảng bộ Cục Hàng hải Việt Nam, Đảng bộ Cục Đường thủy nội địa Việt Nam,…

Việc đổi tên từ Đảng bộ Cơ quan Bộ Giao thông vận tải thành Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải phản ánh sự phát triển về quy mô, chất lượng, vị trí quan trọng của Đảng bộ trong tình hình mới, là kết quả việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên” nhằm tạo điều kiện để Đảng bộ triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Ngay sau lễ công bố Quyết định đổi tên Đảng bộ, Đảng ủy Bộ Giao thông vận tải đã họp dưới sự chủ trì của đồng chí Bí thư Ngô Thịnh Đức để thảo luận thông qua “Chương trình hành động của Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI”.

Hội nghị đã thống nhất đề ra 6 nội dung chương trình hành động cụ thể, bao gồm: Lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị với việc tập trung lãnh đạo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện thắng lợi chương trình hành động số 2241/BGTVT- KHĐT ngày 19 tháng 4 năm 2011 của Bộ Giao thông vận tải thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI; nâng cao chất lượng hiệu quả công tác chính trị tư tưởng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên mà trọng tâm là kiện toàn tổ chức đảng sau khi đổi tên Đảng bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh đấu tranh, phòng chống tham nhũng, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao chất lượng hiệu quả công tác dân vận và công tác đoàn thể quần chúng.

Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt của Đảng ủy là chỉ đạo tổ chức tốt việc phổ biến, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, gắn liền với việc xây dựng và thông qua chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng ở các đảng bộ, chi bộ. Thông qua đợt học tập này tạo ra nhận thức mới và xây dựng được kế hoạch triển khai cụ thể trong toàn Đảng bộ nhằm sớm đưa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng vào cuộc sống, tích cực góp phần xây dựng và phát triển ngành Giao thông vận tải.

Lần đầu tiên, Đảng ủy Bộ phối hợp với Ban Cán sự tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 cho các cán bộ chủ chốt (gần 600 đồng chí) thuộc Bộ. Đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng chủ trì Hội nghị và trực tiếp truyền đạt Nghị quyết Trung ương 4.

b) Lập Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải trên cơ sở tổ chức lại Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải và Đảng bộ Cục Hàng không Việt Nam (ngày 23 tháng 5 năm 2012)

Ngày 23 tháng 5 năm 2012, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương có Quyết định số 537- QĐ/ĐUK, lập Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải trên cơ sở tổ chức lại Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải và Đảng bộ Cục Hàng không Việt Nam.

Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải là Đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Điều lệ Đảng và quy định của Trung ương (Điều 1); Chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 36 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí, Bí thư, các Phó Bí thư Đảng ủy Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2012 - 2015 (Điều 2).

Đồng chí Ngô Thịnh Đức - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải đảm nhận cương vị Bí thư Đảng ủy Bộ Giao thông vận tải, đồng chí Phạm Quý Tiêu - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải kiêm Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam và đồng chí Đỗ Văn Thuật làm Phó Bí thư Đảng ủy Bộ Giao thông vận tải.

Việc lập Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải trên cơ sở tổ chức lại Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải và Đảng bộ Cục Hàng không Việt Nam là một sự kiện, mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải về quy mô và phù hợp với cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải theo Nghị định số 51/NĐ-CP của Chính phủ. [4]

Theo Quyết định 537/QĐ-ĐUK, Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải có tổ chức mới gồm 46 tổ chức đảng trực thuộc với tổng số gần 8.000 đảng viên, trong đó có 5 đảng bộ lớn (tương ứng với 5 tổng cục, cục chuyên ngành của Bộ Giao thông vận tải), là một trong những Đảng bộ có quy mô tổ chức lớn nhất trong số các đảng bộ của Đảng bộ Khối. 

c) Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải lần thứ nhất, khóa XVII, nhiệm kỳ 2012 - 2015

Ngày 25 tháng 5 năm 2012, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2012 - 2015 (khóa XVII) họp phiên thứ nhất dưới sự chủ trì của đồng chí Ngô Thịnh Đức - Uỷ viên Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, để xem xét quyết định một số vấn đề về công tác tổ chức sau khi có Quyết định số 537-QĐ/ĐUK ngày 23 tháng 5 năm 2012 của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương về việc lập Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải.

Xuất phát từ vị trí, vai trò của Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải, tiếp tục quán triệt và nhận thức đầy đủ Chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020; Chương trình hành động của Bộ Giao thông vận tải thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; Chương trình hành động của Ban cán sự đảng Bộ thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 13/TW “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”; trên cơ sở kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế của Đảng bộ Cơ quan Bộ trước đây (nay là Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải), Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2012 - 2015 như sau:

Khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong việc xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và vai trò hạt nhân chính trị của các tổ chức đảng, vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể; lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phấn đấu hoàn thành toàn diện các chương trình, mục tiêu phát triển Giao thông vận tải đã đề ra trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết số 12/TW “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết số 13/TW “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”.

Căn cứ phương hướng, mục tiêu của nhiệm kỳ 2012 - 2015, Đảng bộ Bộ xác định các chỉ tiêu chủ yếu:

- 100% cán bộ, đảng viên được học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương và các nghị quyết khác của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI); 100% cấp ủy trực thuộc xây dựng và thực hiện tốt Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Chương trình hành động của Bộ, của Đảng ủy Bộ Giao thông vận tải.

- Trên 80% cấp ủy trực thuộc thực hiện tốt quy chế làm việc, quy chế phối hợp công tác giữa cấp ủy với lãnh đạo cơ quan, đơn vị và quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị.

- Hàng năm có ít nhất 80% chi bộ, đảng bộ trực thuộc đạt trong sạch, vững mạnh, trong đó có ít nhất 15% chi bộ, đảng bộ trực thuộc đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu.

- Hàng năm có ít nhất 95% đảng viên được xếp loại đủ tư cách, hoàn thành nhiệm vụ trở lên.

- Hàng năm kết nạp từ 350 - 400 đảng viên mới; 100% đảng viên dự bị được chuyển đảng chính thức.

- 100% tổ chức đảng trực thuộc lãnh đạo các tổ chức đoàn thể quần chúng phấn đấu đạt tiêu chuẩn vững mạnh toàn diện.

Tăng cường phối hợp, thống nhất hành động giữa Đảng ủy Bộ với Ban cán sự đảng - Lãnh đạo Bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện thắng lợi Chương trình hành động số 2241/BGTVT-KHĐT ngày 19 tháng 4 năm 2011 của Bộ Giao thông vận tải thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; Chương trình hành động của Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải (số 84/BCS ngày 12 tháng 4 năm 2012), của Bộ Giao thông vận tải (số 560/QĐ-BGTVT ngày 15 tháng 3 năm 2012), của Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải (số 64-CTr/ĐU ngày 26 tháng 3 năm 2012) thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); đồng thời các cấp ủy lãnh đạo, động viên cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong chương trình hành động của cấp mình.

Thông qua xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình hành động phải tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao của các cơ quan, đơn vị.

3. Hoạt động của Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải từ năm 2011 - 2013

Ngày 24 tháng 7 năm 2012, Đảng ủy Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị Ban chấp hành mở rộng sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2012; đồng thời tiến hành bầu bổ sung Ủy viên Ban Thường vụ và Phó Bí thư Đảng ủy Bộ. Đồng chí Nguyễn Ngọc Đông, Ủy viên Ban Cán sự, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã được các đại biểu tín nhiệm bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ và Phó Bí thư Đảng ủy Bộ. Đồng chí Lê Văn Thái - Trưởng ban Tổ chức thay mặt Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương công bố quyết định chỉ định đồng chí Phạm Quý Tiêu, Uỷ viên Ban Chấp Đảng bộ Khối các Cơ quan Trung ương, Ủy viên Ban cán sự, Phó Bí thư Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải giữ chức Bí thư Đảng ủy Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2012 - 2015 (thay đồng chí Ngô Thịnh Đức, Thứ trưởng, Bí thư Đảng bộ nghỉ hưu từ 01 tháng 7 năm 2012).

Ngày 12 tháng 9 năm 2012, Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Đồng chí Ngô Văn Dụ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Ngày 20 tháng 10 năm 2012, Đảng ủy Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ mở rộng nhằm phổ biến, quán triệt kết quả Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, báo cáo kết quả kiểm điểm tập thể và cá nhân Ban cán sự đảng Bộ, Ban thường vụ Đảng ủy Bộ.

Về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành, trong nhiệm kỳ 2012 - 2015, Đảng ủy Bộ xác định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, có tính đột phá trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm:

- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, nhất là đối với cấp ủy đảng, người đứng đầu cấp ủy đảng và tính tiên phong, gương mẫu, nói đi đôi với làm của cán bộ, đảng viên.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức về phẩm chất đạo đức, năng lực nghiệp vụ, tinh thần thái độ phục vụ, nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải.

- Tích cực thu hút vốn đầu tư, tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng, tiến độ, hiệu quả công trình, bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ môi trường, chống tiêu cực, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản.

- Tìm giải pháp tạo nguồn vốn, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới cơ chế để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý, bảo trì hệ thống giao thông, bảo đảm êm thuận, thông suốt, an toàn, đáp ứng yêu cầu liên thông hàng hóa và sự đi lại của nhân dân.

- Tăng cường quản lý nhà nước để nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ vận tải, nhất là vận tải hành khách bằng đường bộ; quyết liệt, kiên trì để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kiềm chế tiến tới đẩy lùi tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn.

Ngày 10 tháng 12 năm 2012, Ban cán sự và Ban thường vụ Đảng ủy Bộ Giao thông vận tải tổ chức lễ ký kết Quy chế phối hợp. Bộ trưởng Đinh La Thăng, Bí thư Ban cán sự và Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu, Bí thư Đảng ủy Bộ cùng ký kết Quy chế phối hợp. Quy chế nêu rõ nội dung, trách nhiệm và phương pháp phối hợp, cụ thể: Về quán triệt, triển khai các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ và các văn bản pháp luật của Nhà nước; Về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; Về công tác tổ chức cán bộ; Về công tác xây dựng Đảng; Lãnh đạo các tổ chức đoàn thể; Chế độ tổ chức các cuộc họp và thông tin…

Trong năm 2013, Đảng ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm:

- Tập trung xây dựng các dự án sửa đổi, bổ sung các Luật chuyên ngành: Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và Bộ Luật Hàng hải Việt Nam; xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch đăng ký; đồng thời chú trọng công tác tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật. Tiếp tục rà soát, cập nhật, điều chỉnh bổ sung các chiến lược, quy hoạch và hoàn chỉnh các quy hoạch chuyên ngành cho phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị Trung ương 4 khóa XI; Xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành.

- Tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trước mắt và lâu dài theo Nghị quyết 88/NQ-CP của Chính phủ; Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông.

- Triển khai quyết liệt, đồng bộ Chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị Trung ương 4 (số 560/QĐ-BGTVT ngày 15 tháng 3 năm 2012). Tiến hành sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, tổ chức đảng.

- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Kết luận 50-KL/TW ngày 29 tháng 10 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

- Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Triển khai thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07 tháng 6 năm 2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp.

- Triển khai thực hiện kế hoạch số 62-KH/ĐUK của Đảng ủy Khối xác định năm 2013 là “Năm nâng cao chất lượng chi bộ”. Phấn đấu toàn Đảng bộ kết nạp từ 400 đảng viên trở lên.

- Lãnh đạo, chỉ đạo Đoàn thanh niên Bộ, Công đoàn Cơ quan Bộ triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2013 - 2018; đẩy mạnh các hoạt động, các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị năm 2013 gắn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với các chủ đề thiết thực, chào mừng 65 năm ngày thành lập Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải.

Ngày 19 tháng 7 năm 2013, Đảng ủy Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ mở rộng sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2013; đồng thời tiến hành quy trình bổ sung 04 đồng chí vào Ban chấp hành nhiệm kỳ 2012-2015 (thay các đồng chí ủy viên Ban chấp hành nghỉ hưu, chuyển công tác khác ra ngoài Đảng bộ...), gồm các đồng chí: Trịnh Minh Hiền, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, nghỉ hưu; Trần Ngọc Thành, Vụ trưởng Vụ Vận tải, chuyển về Đảng ủy Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; Nguyễn Minh Nhật, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ nhiệm kỳ 2007-2012 (thay cơ cấu Đoàn Thanh niên nhiệm kỳ 2012-2017). Và bổ sung nhân sự ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ nhiệm kỳ 2012-2015 (ngày 01 tháng 8 năm 2013, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đã có Quyết định chỉ định bổ sung 04 đồng chí vào Ban chấp hành và chuẩn y bổ sung Ủy viên Ủy ban kiểm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ).

4. Một số sự kiện nổi bật của Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải từ năm 2011 - 2013

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, tại Kỳ họp thứ nhất, tháng 7 năm 2011, Đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng được Quốc hội khóa XIII phê chuẩn và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký Quyết định số 1233/QĐ-CTN ngày 03 tháng 8 năm 2011 bổ nhiệm giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Ngày 19 tháng 8 năm 2011, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 258-QĐNS/TƯ chỉ định đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giữ chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông vận tải. 

Ngày 20 tháng 5 năm 2011, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương ban hành Quyết định số 117-QĐ/ĐUK đổi tên Đảng bộ Cơ quan Bộ Giao thông vận tải thành Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải.

Ngày 23 tháng 5 năm 2012, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương có Quyết định số 537- QĐ/ĐUK, lập Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải trên cơ sở tổ chức lại Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải và Đảng bộ Cục Hàng không Việt Nam.

Ngày 25 tháng 5 năm 2012, Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ nhất, khóa XVII, nhiệm kỳ 2012-2015.

Ngày 20 tháng 7 năm 2012, Đảng ủy khối các Cơ quan Trung ương có Quyết định số 591-QĐ/ĐUK chỉ định đồng chí Phạm Quý Tiêu, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Khối, Ủy viên Ban cán sự, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải giữ chức Bí thư Đảng ủy Bộ Giao thông vận tải.

Ngày 01 tháng 8 năm 2013, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương có Quyết định số 1054-QĐ/ĐUK chỉ định bổ sung Ban chấp hành Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2012-2015 gồm các đồng chí: Nguyễn Nhật, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam; Trịnh Thị Hằng Nga, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế; Nguyễn Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bí thư Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Bộ; và Quyết định số 1053-QĐ/ĐUK chuẩn y bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ. Đồng chí Ngô Văn Hiến là Ủy viên Ủy ban Kiểm tra và giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ chuyên trách nhiệm  kỳ 2012-2015.

Tính đến ngày 31 tháng 7 năm 2013, Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải có 46 tổ chức đảng trực thuộc, với gần 8.000 đồng chí đảng viên.

 

     *

*       *

 

Tổ chức đảng cơ quan Bộ GTVT từ chỗ Chi bộ chỉ có 3 đảng viên, qua các thời kỳ trở thành một Đảng bộ lớn với 46 đảng bộ, chi bộ trực thuộc và gần 8.000 đảng viên. Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, với sự lãnh đạo của 12 Bộ trưởng và 15 đồng chí đứng đầu tổ chức đảng cơ quan Bộ, chúng ta vô cùng tự hào về truyền thống vẻ vang của ngành Giao thông vận tải và Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải.

Nhìn lại chặng đường lịch sử 65 năm qua, chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm về hoạt động và xây dựng tổ chức đảng của Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải:

1. Trước hết, Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải đã luôn bám sát và nắm vững các Nghị quyết của Đảng, các chủ trương, chính sách của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của Ngành trong từng thời kỳ để lãnh đạo, động viên cán bộ, đảng viên, quần chúng thông suốt và nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.

2. Mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên luôn luôn thể hiện tính đảng trong mọi hoạt động, trong mọi hoàn cảnh. Cán bộ, đảng viên dù trong điều kiện chiến tranh, trong thời kỳ bao cấp hay trong cơ chế thị trường đều thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, gương mẫu về đạo đức, lối sống, không lợi dụng cương vị công tác của mình để trục lợi cho bản thân, nhất là trong cơ chế thị trường khắc nghiệt và trong hội nhập kinh tế quốc tế với nhiều thách thức.

3. Đảng ủy Bộ và các cấp ủy trực thuộc luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, quản lý chặt chẽ đảng viên, kể cả đảng viên là cán bộ lãnh đạo cấp cao, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu trong sinh hoạt cấp ủy, chi bộ; kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những biểu hiện về tư tưởng, tiêu cực; đồng thời quan tâm động viên, phát huy ưu điểm, gương tốt của đảng viên; đề cao trách nhiệm của cấp ủy trong tham gia ý kiến về công tác cán bộ với thủ trưởng và cấp ủy cấp trên.

4. Sức mạnh của tổ chức đảng bắt nguồn từ việc tổ chức, tập hợp và lãnh đạo đông đảo quần chúng trong cơ quan, đơn vị nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Ngay từ khi mới có tổ chức đảng, các đảng viên của Chi bộ đã rất quan tâm việc giữ gìn đoàn kết, tôn trọng tạo điều kiện, động viên và phát huy trí thức ngoài đảng; hết sức coi trọng thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc trong cơ quan Bộ. Tổ chức đảng cơ quan Bộ luôn tạo được mối liên hệ chặt chẽ với Công đoàn, Đoàn thanh niên, thực sự quan tâm lãnh đạo để phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi tổ chức, tạo bầu không khí gắn bó, tin cậy và cởi mở của quần chúng với tổ chức đảng, đồng thời chú trọng công tác chăm lo cải thiện đời sống cho cán bộ, công nhân viên chức.

5. Tổ chức đảng, đảng viên trong Đảng bộ luôn bảo đảm và thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ và giữ gìn sự đoàn kết nhất trí cao trong đảng; cấp ủy và giữa bí thư cấp ủy với thủ trưởng cần có mối quan hệ làm việc tốt, tôn trọng, tin cậy, lắng nghe ý kiến của nhau và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị đây là một yếu tố có ý nghĩa quyết định cho sự ổn định và phát triển của từng cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động đảng bộ cũng đã để xảy ra vụ việc tiêu cực ở PMU18 (năm 2006), đây là bài học sâu sắc về công tác xây dựng đảng của Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải.

Thừa kế và phát huy truyền thống tốt đẹp của các tổ chức đảng và các thế hệ cán bộ, đảng viên đi trước, Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải quyết tâm đoàn kết phấn đấu, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Ngành và đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với vinh dự và trách nhiệm là một Đảng bộ trong sạch, vững mạnh trong các giai đoạn xây dựng và phát triển.

 


[1]     Đây là Đại hội đầu tiên của Đảng bộ Cơ quan Bộ Giao thông vận tải sau khi thành lập Đảng bộ Giao thông vận tải Trung ương nên lấy là Đại hội lần thứ nhất. Thực tế trước đó đã có các Đại hội Đảng bộ Cơ quan Bộ Giao thông vận tải (vì theo Báo Giao thông vận tải số 50 ra ngày 09 tháng 01 năm 1964 thì Đại hội Đảng bộ Cơ quan Bộ Giao thông vận tải lần thứ III đã họp trong hai ngày 04 và 05 tháng 01 năm 1964).

[2]     Nguồn: “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho 10 năm đầu của thế kỷ XXI”; Chinhphu.vn

[3]     Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho 10 năm đầu của thế kỷ XXI; chinhphu.vn

[4]     Đánh giá tại Tổng kết công tác năm 2012 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2013 của Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải, tr1.

 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)