Đơn vị ông Yên Giang (TPHCM) thực hiện chức năng thay mặt UBND Thành phố làm chủ sở hữu, tổ chức quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy trên địa bàn Thành phố. Ông Giang đề nghị giải đáp vướng mắc về cách tính chi phí trong công tác bảo trì đường thủy nội địa sử dụng ngân sách địa phương.
Ngày 30/6/2016, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 18/216/TTLT-BGTVT-BTC hướng dẫn phương pháp định giá và quản lý giá sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực quản lý, bảo trì đường thủy nội địa thực hiện theo phương thức Nhà nước đặt hàng sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương. Tại Phụ lục 01 Thông tư liên tịch số 18/216/TTLT-BGTVT-BTC về kết cấu giá sản phẩm, dịch vụ công ích phần chi phí chung quy định: "Trường hợp quản lý, bảo dưỡng công trình thường xuyên" cách tính là: NC x 66% (NC là chi phí nhân công).
Theo quy định tại Điều 2 Thông tư Liên tịch số 18/216/TTLT-BGTVT-BTC về đối tượng áp dụng: "1. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp có liên quan đến việc sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực quản lý, bảo trì đường thủy nội địa thực hiện theo phương thức Nhà nước đặt hàng, sử dụng nguồn ngân sách trung ương.
2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc đối tượng tại Khoản 1 Điều này được vận dụng quy định của Thông tư này để xây dựng dự toán gói thầu, đồng thời thực hiện theo các quy định của pháp luật về đấu thầu trong trường hợp đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực quản lý, bảo trì đường thủy nội địa".
Đơn vị ông Giang đã vận dụng Thông tư Liên tịch số 18/216/TTLT-BGTVT-BTC để lập và quản lý chi phí trong công tác bảo trì đường thủy nội địa sử dụng ngân sách địa phương.
Ngày 31/12/2020, Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 38/2020/TTBGTVT hướng dẫn phương pháp định giá và quản lý giá dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực quản lý, bảo trì đường thủy nội địa thực hiện theo phương thức đặt hàng sử dụng ngân sách trung ương từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Đối tượng áp dụng Thông tư này là các cơ quan, tổ chức và đơn vị có liên quan đến việc tổ chức thực hiện và cung cấp sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực quản lý, bảo trì đường thủy nội địa theo phương thức đặt hành sử dụng nguồn ngân sách trung ương từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/2/2021 và thay thế Thông tư Liên tịch số 18/216/TTLTBGTVT-BTC.
Thông tư số 38/2020/TT-BGTVT quy định, "Trường hợp quản lý, bảo dưỡng công trình thường xuyên" chi phí chung cách tính là: NC x 66% (đối với chi phí nhân công trong chi phí trực tiếp ≤ 15 tỷ đồng).
Ngoài ra, theo Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng quy định định mức chi phí chung tính trên chi phí nhân công đối với lĩnh vực duy tu sửa chữa đường bộ, đường sắt, hệ thống báo hiệu hàng hải là: NC x 66%.
Có thể thấy theo các quy định nêu trên thì chi phí chung được tính là 66% trên chi phí nhân công. Đơn vị ông Giang thực hiện quản lý, bảo trì thường xuyên các công trình đường thủy nội địa sử dụng nguồn ngân sách địa phương với chi phí nhân công trong chi phí trực tiếp ≤ 15 tỷ đồng.
Ông Giang hỏi, đơn vị ông có được tiếp tục vận dụng cách tính chi phí chung trong Thông tư số 38/2020/TT-BGTVT ngày 31/12/2021 của Bộ Giao thông vận tải để lập và quản lý chi phí trong công tác bảo trì đường thủy nội địa sử dụng ngân sách địa phương hay không?
Về vấn đề này, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:
Ngày 3/10/2022, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 23/2022/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2020/TT-BGTVT ngày 31/12/2020 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn phương pháp định giá và quản lý giá dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực quản lý, bảo trì đường thủy nội địa thực hiện theo phương thức đặt hàng sử dụng ngân sách trung ương từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, có hiệu lực từ ngày 18/11/2022, trong đó đã có nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 2 như sau:
"Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức thực hiện và cung cấp sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực quản lý, bảo trì đường thủy nội địa theo phương thức đặt hàng sử dụng ngân sách trung ương từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và cho phép vận dụng để xây dựng dự toán gói thầu trong trường hợp chưa có hướng dẫn khác để xây dựng dự toán gói thầu dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực quản lý, bảo trì đường thủy nội địa sử dụng ngân sách trung ương từ nguồn kinh phí chi thường xuyên".
Như vậy, các đối tượng quy định tại Điều 2 Thông tư số 23/2022/TT-BGTVT được vận dụng cách tính chi phí chung quy định tại Thông tư số 38/2020/TT-BGTVT đối với trường hợp xây dựng dự toán gói thầu.
Chinhphu.vn