Cục Đường thủy nội địa VN tăng cường kiểm tra, tuyên truyền đảm bảo an toàn trong hoạt động vận tải đường thủy nội địa.
Tăng cường kiểm tra hoạt động vận tải
Đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, vừa qua, Cục và các đơn vị trực thuộc đã chủ trì tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra thực tế hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa trên các tuyến và các điều kiện đảm bảo an toàn theo quy định.
Đặc biệt chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phát sinh trong hoạt động kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa, nhất là đối với hoạt động kinh doanh vận tải khách du lịch nhằm đảm bảo an toàn hành khách, hàng hóa. Cùng đó kiểm tra công tác quản lý hoạt động của phương tiện vận tải khách ngang sông, phương tiện thủy thô sơ…
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các điều kiện an toàn, trao tài liệu
tuyên truyền ATGT tại bến tàu khách du lịch Cái Bè trên tuyến Kênh 28 (Tiền Giang)
Cục đã tổ chức 13 đoàn kiểm tra công tác bảo đảm ATGT đường thủy nội địa đối với hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa tại các địa phương như khu vực miền Trung có các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam; các tỉnh khu vực phía Bắc lòng hồ: lòng hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, lòng hồ Na Hang tỉnh Tuyên Quang và lòng hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái; Điện Biên, Lai Châu.
Tổ chức 3 đoàn kiểm tra về công tác quản lý hoạt động vận tải hành khách trên các tuyến từ bờ ra đảo do Cục quản lý nhằm rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động động của phương tiện thủy tuyến từ bờ biển đảo và phục vụ du lịch.
Cùng đó, Cục Đường thủy nội địa VN chú trọng công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong hoạt động GTVT đường thủy nội địa nhằm giảm thiểu các thiệt hại nếu có. Cục đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra công tác này trong năm 2022 tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương (Sar 79); thực hiện kiểm tra và tập huấn, huấn luyện cho 28 tỉnh trọng điểm ven biển.
Qua kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp, phương tiện, thuyền viên đã nổi lên một số nội dung cần phải triển khai xử lý sớm. Điển hình là thuyền viên chưa sử dụng thành thạo các trang thiết bị trên buồng lái, một số thuyền viên không biết sử dụng trang thiết bị đã được trang bị trên phương tiện như AIS, Radar; Các thuyền trưởng, thuyền viên hiểu biết về tránh va rất hạn chế.
Về quản lý, nhân sự quản lý của doanh nghiệp chỉ thực hiện theo kinh nghiệm, không có đào tạo căn bản, doanh nghiệp không xây dựng các quy trình quản trị rủi ro như các phương án, quy trình khi phương tiện chìm đắm, mắc cạn, hàng hóa hư hỏng, thuyền viên tai nạn trên tàu…, không có chương trình tập huấn, huấn luyện cho thuyền viên...
Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, thuyền viên
Ở cấp đơn vị cơ sở, đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II cho biết, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời thông qua kiểm tra hướng dẫn doanh nghiệp, chủ phương tiện, người lái phương tiện thực hiện đúng các quy định liên quan trong hoạt động vận tải đường thủy nội địa.
Cảng vụ đã chỉ đạo các đại diện, các tổ cảng vụ tăng cường công tác kiểm tra và xử lý các vi phạm, đặc biệt là những trường hợp gây mất TTATGT đường thủy nội địa, là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa như: Phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, thiếu trang thiết bị an toàn, chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn, chở quá số người được phép chở, thuyền viên, người lái phương tiện không có Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn..., cảng, bến hoạt động quá thời hạn.
Cục Đường thủy nội địa VN tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền các điều kiện kinh doanh,
đảm bảo an toàn trong hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa đường thủy nội địa. (Ảnh minh họa)
Kiên quyết xử lý các phương tiện vi phạm chở quá mớn, quá tải, phương tiện thiếu giấy phép rời cảng, bến cuối cùng; thuyền viên không có, thiếu bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định.
Quản lý chặt chẽ các phương tiện chở cát, đá, sỏi về đăng ký, đăng kiểm, xuất xứ hàng hóa, thiết bị giám sát hành trình; Nghiêm cấm việc cấp phép vào, rời cho các phương tiện từ bến không phép, các cảng bến không đủ điều kiện hoạt động.
Chỉ tính 9 tháng đầu năm 2022, Cục đã xử phạt vi phạm hành chính 29 cảng, bến với số tiền 686 triệu đồng và 94 phương tiện thủy với số tiền hơn 481 triệu đồng.
Cùng với kiểm tra, cảng vụ đã cấp phát các tài liệu tuyên truyền, tờ rơi tuyên truyền cho các chủ cảng, bến, chủ phương tiện thông qua công tác kiểm tra, làm thủ tục cho phương tiện vào, rời cảng, bến, đăng trên website của đơn vị những nghị định, thông tư mới; thực hiện công tác báo cáo theo quy định.
Về phương hướng thời gian tới, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, Cục sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp trong hoạt động vận tải đường thủy nội địa, tập trung vào các hành vi, vi phạm nhằm tránh tái diễn.
Đặc biệt là về các hành vi đưa phương tiện không có giấy chứng nhận hoặc giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do cơ quan có thẩm quyền cấp hết hiệu lực vào hoạt động chở khách; Không trang bị đủ phao áo, dụng cụ nổi cứu sinh. Thuyền viên, người lái phương tiện không có Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn theo quy định; Chở quá số người quy định được phép chở trên phương tiện; Vi phạm điều kiện an toàn tại các cảng, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông...
Cùng đó phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm đối với các bến khách ngang sông, cảng, bến hành khách, phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện chở khách trên đường thủy nội địa. Tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện, đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...
Điều 77 Luật Giao thông đường thủy nội địa quy định: Kinh doanh vận tải đường thủy nội địa là hoạt động kinh doanh có điều kiện, gồm kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa. Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa.
Người vận tải đường thủy nội địa chỉ được đưa phương tiện vào khai thác đúng với công dụng và vùng hoạt động theo giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của cơ quan đăng kiểm.
Khi vận tải, hàng hóa phải được sắp xếp gọn gàng, chắc chắn, bảo đảm ổn định phương tiện, không che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện, không ảnh hưởng đến hoạt động của thuyền viên khi làm nhiệm vụ, không gây cản trở đến hoạt động của các hệ thống lái, neo và các trang thiết bị an toàn khác; không được xếp hàng hóa vượt kích thước theo chiều ngang, chiều dọc của phương tiện.
Chủ phương tiện kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện.
Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động vận tải đường thủy nội địa ngoài việc thực hiện các quy của Luật này còn phải thực hiện các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo Điều 6 Nghị định 128/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực đường thủy nội địa, thì điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng chuyến và điều kiện kinh doanh vận chuyển khách du lịch được quy định: Đơn vị kinh doanh vận tải phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Các hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa, thuyền viên, người lái phương tiện, chủ phương tiện sẽ bị xử lý theo Nghị định 139/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.