Tội phạm mạng đang là vấn đề vô cùng bức bối. Các hành vi lợi dụng mạng Internet nhằm mục đích bôi xấu, tung tin đồn, thậm chí cả lừa đảo và phá rối ngày càng nghiêm trọng.
Tăng cường an ninh mạng góp phần tăng cường năng lực về các giải pháp kỹ thuật phòng chống tội phạm mạng internet. Ảnh: PV
Xây dựng hệ thống chặn lọc, xử lý thông tin sai phạm
Hành động gần đây nhất là Đề án “Tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng internet" vừa được công bố nhằm tăng cường hiệu quả về tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet.
Ông Đinh Tiến Dũng – Phó chánh Thanh tra Bộ TTTT - cho biết: “Đề án này do Thanh tra Bộ TTTT làm đầu mối, sau đây, chúng tôi sẽ sớm đề xuất thành lập Ban chủ nhiệm đề án để điều phối hoạt động, giao các bộ, ngành liên quan bám sát vào nội dung đề án và xây dựng kế hoạch triển khai riêng theo sự phân công”.
Ông Dũng cho biết thêm, Đề án sẽ góp phần “Hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet; tăng cường các chế tài xử lý sai phạm nghiêm khắc hơn..."
Đặc biệt, Đề án sẽ xây dựng hệ thống kiểm duyệt, triển khai phần mềm chặn lọc, phát hiện, thu thập xử lý thông tin sai phạm; đầu tư, xây dựng hệ thống thiết bị có khả năng phân tích hành vi, phương thức, thủ đoạn mà tội phạm mạng sử dụng để thực hiện các hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng khẳng định, nội dung Đề án “không hạn chế gì về quyền của cộng đồng mạng, chỉ minh bạch hóa, đảm bảo tính bình đẳng giữa môi trường mạng trong nước và quốc tế. Hiệu quả lớn nhất của Đề án là khiến người dùng internet nói chung, giới trẻ nói riêng nhận thức được thông tin nào hữu ích trên mạng, chủ động loại bỏ tin xấu”.
Lấp “lỗ hổng” trong công tác quản lý
Trước nhiều ý kiến cho rằng, sẽ bị hạn chế tiếp cận thông tin trên mạng internet, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam – ông Vũ Hoàng Liên cho rằng: “Theo tôi, đề án đó rất cần trong lúc này. Cách hiểu tạo rào cản là tiêu cực và không đúng. Thực chất Đề án này đi vào nội dung thông tin, tăng cường các hình thức quản lý và xây dựng các chế tài phù hợp trong điều kiện hiện nay.
Yếu tố bị điều chỉnh là nội dung thông tin không được vi phạm quy định của pháp luật. Ví dụ như không được bôi nhọ, nói xấu, vu cáo… hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, hình ảnh thương hiệu của cá nhân hoặc tổ chức. Nếu vi phạm thì sẽ có chế tài xử lý chứ người sử dụng mạng internet không bị hạn chế gì về quyền của mình ”.
Trong khi đó, PGS-TS Trần Quang Anh (Phó giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông) – một chuyên gia về an ninh mạng - cho rằng: “An ninh mạng đang là vấn đề nóng không chỉ của Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới cũng đều đang tập trung quản lý. Điển hình là các vụ tội phạm mạng tấn công hệ thống máy tính diễn ra liên tục, ngay tại Việt Nam, năm ngoái cũng xảy ra vài vụ nghiêm trọng như các vụ tấn công hệ thống mạng sân bay.
Ngoài ra, tội phạm truyền thống cũng chuyển hóa thành tội phạm trên môi trường mạng. Internet là môi trường không biên giới nên mức độ phức tạp của tội phạm mạng càng tinh vị hơn. Thực tế là tại Việt Nam tội phạm lừa đảo trên mạng xã hội ngày càng phức tạp, số lượng tăng nhanh và xu hướng mỗi lúc một tinh vi hơn.
Ví dụ như các dạng tội phạm cố tình xâm nhập trái phép hệ thống mạng của các cá nhân, tổ chức kinh tế, chính trị nhằm lấy cắp thông tin, phá rối hoặc vì mục đích khác; dạng tội phạm giả danh nhằm mục đích lừa đảo; dạng tội phạm gian lận thương mại trên mạng internet.
Những lỗ hổng về mặt kỹ thuật của các đơn vị có thể được sửa chữa để đảm bảo an ninh, nhưng nếu những “lỗ hổng” về công cụ quản lý không được xử lý sẽ tạo nên những bất cập, biết có đối tượng làm sai mà không có chế tài xử phạt, sẽ gây “nhờn”, dẫn tới quản lý xã hội sẽ phức tạp hơn. Vấn đề nằm ở chỗ sử dụng giải pháp công nghệ nào để việc kiểm duyệt, chặn lọc, phát hiện và thu thập xử lý thông tin sai phạm đạt hiệu quả cao”.