Vấn đề đảm bảo an toàn an ninh mạng ở Việt Nam đang ở mức thấp

Thứ hai, 06/11/2017 16:25
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chỉ số về tình hình an ninh mạng của Việt Nam ở mức thấp. Theo báo cáo của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) về bảng xếp hạng Chỉ số An ninh mạng Toàn cầu (GCI), Việt Nam xếp thứ 101 trên tổng số 193 nước thành viên.

Sáng ngày 3/11, tại khách sạn Fortuna (Hà Nội), Cục An toàn Thông tin – Bộ Thông tin Truyền thông, Hiệp hội Internet Việt Nam và Trung tâm Công nghệ thông tin – Truyền thông Vietnet (Vietnet-ICT) phối hợp tổ chức buổi toạ đàm “Chia sẻ Nghiên cứu sáng kiến về CNTT cơ bản và An toàn Internet tại Việt Nam”. Buổi tọa đàm đã thu hút sự tham gia của hơn 60 khách mời là đại diện các cơ quan nhà nước, trường học và các tổ chức xã hội có liên quan.

Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), tỷ lệ người dùng Internet tại Việt Nam đạt 53% trên tổng số dân. Việt Nam đứng vị trí 16 trong top 20 quốc gia có số người sử dụng Internet nhiều nhất châu Á và độ tuổi người sử dụng đa phần là người trẻ, chiếm hơn 50% so với tổng số dân. Trong bảng xếp hạng quốc gia sử dụng Facebook nhiều nhất thế giới, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 7 với tổng số 64 triệu người dùng mỗi tháng.

null

Ông Nguyễn Viết Thế - Đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm

Chỉ số về tình hình an ninh mạng của Việt Nam ở mức thấp. Theo báo cáo của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) về bảng xếp hạng Chỉ số An ninh mạng Toàn cầu (GCI), Việt Nam xếp thứ 101 trên tổng số 193 nước thành viên về khả năng đảm bảo an ninh mạng. Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Viết Thế - Đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết: “Trong một nghiên cứu mới đây của hãng bảo mật Kaspersky, 3/4 người dùng Internet ở Việt Nam không biết tự bảo vệ mình trên mạng. 45% người sử dụng Internet gặp sự cố phần mềm độc hại, nhưng 13% người dùng bình thường không biết mình gặp phải vấn đề này”.

null

Ông Nguyễn Thanh Hải - Đại diện Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra những ý kiến
đóng góp xây dựng bổ sung cho báo cáo nghiên cứu về những sáng kiến CNTT cơ bản của Vietnet-ICT

Đầu năm 2017 vừa qua, chương trình Công dân số và Hưởng ứng ngày An toàn sử dụng Internet cũng được tổ chức tại Hà Nội với mục tiêu nhằm trao đổi các vấn đề, các chính sách và thực hành liên quan tới an toàn sử dụng Internet tại Việt Nam từ đó xây dựng chương trình nâng cao nhận thức của cộng đồng về an toàn sử dụng Internet. Là một phần tiếp nối của Chương trình, tọa đàm đã chia sẻ báo cáo nghiên cứu do Vietnet – ICT cùng nhóm chuyên gia thực hiện về hiện trạng chủ đề công dân số bao gồm các kĩ năng và hiểu biết cơ bản về CNTT và an toàn số tại Việt Nam, các sáng kiến đang triển khai liên quan tới chủ đề và một số phát hiện liên quan tới các khía cạnh khung pháp lý và chính sách.

Đại diện Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Thanh Hải chia sẻ về tầm quan trọng của chủ đề và ý nghĩa của tọa đàm: “Tại Việt Nam, thời gian gần đây xuất hiện nhiều hiện tượng lừa đảo qua mạng, đánh cắp thông tin dữ liệu, xâm nhập máy tính, hệ thống thông tin bất hợp pháp, xuất hiện nhiều phần mềm gián điệp. Để đối phó với tình hình an toàn thông tin ở mức báo động như hiện nay chúng ta cần phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về an ninh mạng. Các tổ chức, đơn vị trong cơ quan nhà nước cần phải đặt vấn đề an toàn, an ninh mạng là một vấn đề quan trọng và cấp thiết, cần đẩy mạnh yếu tố bảo mật thông tin lên hàng đầu”.

Chia sẻ về báo cáo nghiên cứu, bà Nguyễn Thu Huệ - Giám đốc Trung tâm CNTT-TT Vietnet (Vietnet-ICT) cho biết: “Chúng tôi nhận thức được chủ đề về công dân số và an toàn trên Internet là chủ đề được nhiều người quan tâm. Qua nghiên cứu, chúng tôi phát hiện người dân Việt Nam tham gia vào đời sống số rất sớm, tuy nhiên hiểu biết, kỹ năng liên quan đến an toàn thông tin còn yếu. Vì thế vấn đề về an ninh mạng là vấn đề cấp thiết cần sự chung tay quan tâm của các cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội”.

null

Các vị đại biểu, khách mời tham gia phiên thảo luận về chủ đề buổi tọa đàm

Kết thúc phần báo cáo nghiên cứu, buổi tọa đàm tiếp tục với các phiên thảo luận giữa khách mời tham dự về thực tế ứng dụng kỹ năng số tại Việt Nam, các sáng kiến cũng như khung pháp lý và các chính sách liên quan đến Kỹ năng số cơ bản và An toàn thông tin số.

attt

Nguồn: www.vietnet24h.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)