Bảo đảm an ninh thông tin trong hội nhập

Thứ hai, 06/11/2017 16:59
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo Bộ trưởng Công an Tô Lâm trong buổi trình dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước trước Quốc hội chiều 25/10, từ năm 2001 đến nay, Việt Nam đã xảy ra hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước, chủ yếu qua thông tin, liên lạc, báo chí, xuất bản, quan hệ quốc tế…

Bộ trưởng Công an Tô Lâm

Bộ trưởng Công an Tô Lâm

Thiệt hại khôn lường

Hằng năm, Việt Nam phải chịu hàng ngàn cuộc tấn công mạng và Việt Nam đứng thứ 20 trên thế giới về xếp hạng các quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất, chịu thiệt hại lên tới 10.400 tỷ đồng riêng năm 2016 so với mức 8.700 tỷ đồng năm 2015. Trong nửa đầu năm 2017, cả nước có hơn 4.600 trang thông tin có tên miền quốc gia bị tin tặc tấn công hoặc chiếm quyền điều khiển, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2016. Trong số này, có 148 trang web thuộc quản lý của các cơ quan nhà nước, nơi tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng, mà tin tặc có thể khai thác và chiếm đoạt. Nhiều thông tin, tài liệu bí mật nhà nước, ngành hàng không, ngân hàng, viễn thông có nguy cơ bị rò rỉ và phá hoại nghiêm trọng.

Năm 2013, chỉ một vụ xâm nhập tài khoản Twitter của bộ phận truyền thông Nhà Trắng và đăng tin giả về vụ nổ tại Nhà Trắng cũng đã khiến chỉ số S&P 500 giảm 0,9%, làm thị trường thiệt hại 130 tỷ USD. Sự kiện này cho thấy tầm quan trọng của việc bảo mật đối với các cơ quan truyền thông trước nguy cơ tội phạm mạng có thể lợi dụng uy tín của những tổ chức này để thao túng thị trường, dù chỉ trong ngắn hạn.

Thực tế trong nước và thế giới cho thấy, một tin đồn thất thiệt về tình trạng tài chính, nhân sự cấp cao, giám đốc ngân hàng bỏ trốn hay bị bắt, đặc biệt, tin đồn về đổi tiền hay đại loại như vậy… đều trực tiếp hoặc gián tiếp gây tác động xấu tới sự ổn định của các tổ chức tài chính-tín dụng có liên quan và có thể gây hiệu ứng lan tỏa tới toàn bộ nền kinh tế. Hệ quả càng lớn khi thông tin mập mờ, suy luận thiếu căn cứ, nguồn tin không rõ ràng và khó xác minh cụ thể, còn bản thân đơn vị, cơ quan chức năng chậm phản ứng xử lý chính thức, không minh bạch thông tin, chủ động công bố thông tin cần thiết. Do đó, an toàn thông tin càng trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh bùng nổ cách mạng công nghệ truyền thông, internet vạn vật và mạng xã hội gia tăng kết nối toàn cầu, hệ thống máy tính kết nối tự động ngày càng can thiệp sâu hơn vào các hoạt động tài chính – đầu tư thế giới; đồng thời có sự gia tăng yêu cầu công khai, minh bạch hóa và dân chủ hóa về thông tin trong xã hội cởi mở và văn minh.

Không chỉ những thông tin bộc phát, xuất phát từ những hiểu lầm, nhiều thông tin tiêu cực được ngụy tạo và tung ra vào thời điểm nhạy cảm, đã gây hoang mang và mài mòn sự tự tin trong xã hội, đẩy người dân và nhà đầu tư triển khai các phương án an toàn cho tài sản của mình, mà vô tình không biết mình đang tiếp tay cho những kẻ tung tin trục lợi. Thực tế truyền thông thời gian gần đây cho thấy, việc rút tít và diễn đạt thiếu cẩn thận có thể gây hiểu lầm Bitcoin là tiền và Việt Nam đã cho phép dùng nó như ngoại tệ, kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm.

Trách nhiệm không của riêng ai

Bởi vậy, nhận diện, ngăn chặn các tin đồn thất thiệt, bảo đảm chất lượng thông tin tiền tệ là trách nhiệm chung của các cơ quan chức năng, tổ chức, cơ quan truyền thông, cộng đồng xã hội và cá nhân có liên quan. Theo chức năng và phân cấp quản lý, các cơ quan thuộc Chính phủ cần chủ động tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống luật pháp liên quan đến bảo đảm an ninh thông tin; đồng thời, nâng cao năng lực, hiệu lực, trách nhiệm và sự phối hợp thông tin và quản lý thông tin gắn với các hoạt động tiền tệ. Đồng thời, thực hiện tốt quy chế phát ngôn và người phát ngôn, cung cấp định kỳ, công khai đầy đủ và cập nhật hệ thống các thông tin chính thức về tiền tệ, kể cả thông tin về phân loại ngân hàng thương mại, theo quy định nhà nước và yêu cầu hội nhập; bảo đảm trách nhiệm giải trình của người đứng đầu theo luật định trách nhiệm; Đẩy mạnh các hoạt động xây dựng và thực thi, kiểm tra, đánh giá toàn diện các chuẩn quốc gia và chứng nhận hợp chuẩn về bảo đảm an ninh, hệ thống các quy định, quy trình bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng và truyền thông quốc gia; phát hiện, phòng ngừa sự cố, khắc phục điểm yếu, lỗ hổng bảo mật của hệ thống thông tin quốc gia và công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin tại các cơ quan, tổ chức kinh tế, tài chính, tiền tệ, đầu tư; Tổ chức nghiên cứu khoa học, giải pháp, công nghệ, thử nghiệm, ứng dụng, sản xuất, cung cấp hệ thống bảo đảm an ninh không gian mạng quốc gia; Thu hút, giáo dục, bồi dưỡng, đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin, chuyên gia an ninh mạng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh không gian mạng quốc gia.

47959efd528ccd98fdc4e3af4a2d04ec

Chủ động minh bạch thông tin, tránh đồn doán suy diễn

Các tổ chức tín dụng cần coi trọng công tác truyền thông, chủ động cung cấp thông tin trên các cổng thông tin nội bộ và cho báo chí, không chỉ các thông tin tốt, mà các thông tin bất lợi cũng cần được minh bạch và công khai theo các mức độ khác nhau, tránh sự đồn đoán gây ra những hiểu lầm hoặc hiểu ngược, suy diễn trong truyền thông xã hội và công chúng. Đẩy mạnh đổi mới và hiện đại hóa cơ chế kiểm soát rủi ro và giám sát cho phù hợp; chủ động nắm bắt, thích nghi và thay đổi kịp thời với xu thế công nghệ mới, định hình lại mô hình kinh doanh và quản trị; nâng cấp trung tâm dữ liệu dự phòng, cải thiện năng lực xử lý các thách thức về vấn đề bảo mật thông tin và an ninh mạng, đối phó hiệu quả với các loại tội phạm công nghệ cao và giữ vững quyền kiểm soát hệ thống của các ngân hàng quốc gia; phát triển và nâng cao sức cạnh tranh của các dịch vụ ngân hàng ngày càng đa dạng, tiện ích cao, chất lượng, củng cố thương hiệu và uy tín….

Đến lượt mình, các cơ quan báo chí và quản lý truyền thông cần đề cao trách nhiệm xã hội trong các hoạt động truyền thông; tuân thủ luật báo chí và các luật định liên quan đến thông tin và bí mật thông tin quốc gia; chủ động và kịp thời thông tin chính xác, minh bạch, chọn lọc và có cân nhắc, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường và chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, vừa có tính định hướng đúng đắn và tạo sự đồng thuận, thống nhất trong dư luận xã hội.

Đồng thời, cần tăng cường trách nhiệm chủ động phối hợp nhận diện và loại bỏ thông tin có nội dung sai lệch, độc hại, gây nhiễu nhận thức và thông tin lành mạnh thị trường TC-TT, chống nhà nước trên không gian mạng; Nâng cao trình độ chuyên môn và thận trọng trong sử dụng thuật ngữ chuyên ngành và rút tít bài báo, tránh bình luận dễ dãi, ham rút tít giật gân, sử dụng ngôn từ mạnh để thu hút độc giả, mà coi nhẹ chất lượng thông tin (nhất là thông tin chưa, thiếu kiểm chứng) và chuyên môn, vô tình hay cố ý làm sai lệch thông tin và trục lợi cá nhân. Bên cạnh đó, Tiếp tục hoàn thiện quy trình xuất bản, làm rõ trách nhiệm và chế tài nghiêm khắc cho các sai phạm trong hoạt động từ lấy tin, xử lý, viết bài và biên tập, xuất bản, bảo đảm chất lượng thông tin và uy tín đơn vị, cá nhân trong hoạt động truyền thông. Đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi và tăng cường xử phạt đối với những hành vi cung cấp, lưu trữ, sử dụng thông tin nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín và làm tổn hại danh dự, nhân phẩm và những lợi ích kinh tế-tài chính- tiền tệ chính đáng của Nhà nước, tổ chức, người khác…Tăng cường loạt bài và chuyên đề gắn với các vấn đề nóng về thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng; phối hợp với các chuyên gia, xây dựng các cây viết có uy tín và trách nhiệm trong phân tích, đánh giá, phát hiện, phản biện xã hội để kiến nghị cấp có thẩm quyền chấn chỉnh, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách của Nhà nước và xử lý kịp thời các rủi ro, vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng và các quy định khác về tiền tệ; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ truyền thông và tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng nội bộ.

Đặc biệt, cần chú ý nhận diện, khắc phục hiện tượng tiêu cực, lạm dụng nghiệp vụ trục lợi “bảo kê”, thông tin thiên vị cho doanh nghiệp, đơn vị và cá nhân; chỉ trích hoặc ca ngợi một chiều bằng những thông tin “một nửa sự thật” hoặc cắt xén và làm sai lệch những điểm mấu chốt của vấn đề, đưa tin thiếu khách quan, thiếu chính xác và thiếu kiểm chứng do thiếu trách nhiệm, hay nghiệp vụ yếu; chủ động xây dựng các kịch bản đối phó với khủng hoảng truyền thông và sự cố kỹ thuật, chủ động các giải pháp phòng ngừa và khắc phục nguy cơ mất an ninh, an toàn, bảo vệ bí mật nhà nước và cơ quan, nâng cấp các “tường lửa” và cập nhật, hiện đại hóa các thiết bị bảo mật, phần mềm, công cụ kỹ thuật để ngăn chặn, hạn chế truy cập tới các vùng thông tin do Nhà nước quản lý khi có yêu cầu; Bảo đảm trang bị hiện đại cho cơ quan chuyên trách bảo đảm an ninh không gian mạng quốc gia và tăng cường năng lực thanh tra, kiểm tra, đánh giá công tác bảo đảm an ninh hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia… Đồng thời, tôn vinh và bảo vệ đội ngũ nhà báo trong hoạt động nghiệp vụ; phối hợp hoạt động hiệu quả giữa các hội nhà báo với các hiệp hội doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho các hoạt động của cả các cơ quan báo chí, cũng như các doanh nghiệp và cơ quan quản lý, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin vì sự phát triển bền vững chung của đất nước …

TS. Nguyễn Minh Phong – Tiến sĩ Kinh tế; Phó Vụ truởng, Phó Ban tuyên truyền lý luận Báo Nhân Dân; Nguyên trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội.

(Theo Quân Đội Nhân Dân)

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)