Ngày 09/11/2017 tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị quốc gia về An ninh mạng 2017 (Cyber Security Summit & Expo 2017), với chủ đề Xây dựng hệ thống an ninh mạng và an toàn thông tin trong kỷ nguyên vạn vật kết nối.
Tham dự Hội nghị có: Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an; ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT; đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị của các Ban, Bộ, ngành, địa phương và hơn 250 chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bảo mật, an toàn, an ninh thông tin đến từ trong nước và quốc tế.
Về phía Ban Cơ yếu Chính phủ, tham dự Hội nghị có ông Vũ Văn Xứng, Cục trưởng Cục Quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã (MMDS&KĐSPMM); đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thuộc Ban.
Trung tướng Hoàng Phước Thuận Cục trưởng Cục An ninh mạng phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Trung tướng Hoàng Phước Thuận cho biết, sự phát triển mạnh mẽ của CNTT, với hàng tỷ người kết nối internet mang đến các cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc hội nhập, đồng thời cũng mang lại nhiều rủi ro hơn trong việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Các cổng, trang thông tin điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước, hay hệ thống thông tin của các cơ quan phát thanh, truyền hình, thông tấn… thường xuyên bị tấn công, với nhiều hình thức khác nhau. Điều này mang đến nguy cơ bị xâm nhập, làm sai lệch nội dung hoặc gây nghẽn các hệ thống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia.
Hiện nay, các cuộc tấn công vào hệ thống điều khiển tự động (SCADA) của các cơ sở quan trọng như các công ty năng lượng, hạt nhân, nhà máy, xí nghiệp… ngày càng gia tăng trên thế giới và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Nếu như những hệ thống này bị tin tặc kiểm soát, thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia. Do đó, đòi hỏi Việt Nam phải có những biện pháp tổng thể và tầm nhìn chiến lược để bảo vệ và xây dựng một không gian mạng an toàn, lành mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông tin phát biểu tại Hội nghị.
Cục trưởng Cục ATTT Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh: hiện nay các cuộc tấn công mạng ngày càng dai dẳng, đa dạng, thường xuyên và nguy hiểm hơn; mục tiêu tấn công dần chuyển dịch từ cá nhân, sang các tập đoàn kinh tế lớn, nghiêm trọng hơn là các hệ thống thông tin quan trọng của các quốc gia, hay các hệ thống chính trị. ATTT hiện nay không còn là nhiệm vụ của riêng cá nhân, tổ chức nào. Nó cần có sự tin tưởng, chia sẻ và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng và sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp và cá nhân trong toàn xã hội.
Phiên báo cáo chính còn có một số tham luận quan trọng của các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, doanh nghiệp được trình bày như: Các giải pháp đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin ngành tài chính, do ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê, Bộ Tài chính trình bày; Tội phạm mạng và cuộc chiến của ngành tài chính; Trung tâm vận hành bảo mật mạng thế hệ mới của Cisco; Hoàn thiện hệ thống bảo vệ mạng với chuyên môn, thông tin tình báo và công nghệ, của hãng Singtel; An ninh mạng là một vấn đề chất lượng, Parasoft; Nhận biết tự động và phản hồi, Fidelis Cybersecurity; An toàn cho một thế giới kết nối, Blue Planet Works; Giảm thiểu độ hở không gian mạng - tính toán và giảm thiểu rủi ro mạng toàn diện, Tenable….
Đặc biệt, tại Hội nghị, ông Vũ Văn Xứng, Cục trưởng Cục MMDS&KĐSPMM, Ban Cơ yếu Chính phủ đã trình bày tham luận, nêu rõ vai trò của mật mã dân sự trong việc đảm bảo an toàn thông tin. Trong đó nhấn mạnh, nhà nước đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm MMDS phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và phát triển công nghệ bảo mật và an toàn thông tin.
Đối với yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, Nhà nước sử dụng các biện pháp quản lý, giám sát có hiệu quả đối với mọi hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm MMDS, ngăn ngừa việc sử dụng sản phẩm MMDS để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước và sử dụng sản phẩm bảo vệ thông tin bí mật nhà nước vào khu vực kinh tế - xã hội. Đồng thời ngăn chặn sử dụng mật mã một cách trái phép, gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Ông Vũ Văn Xứng cũng cho biết, việc quản lý nhà nước về MMDS là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước, đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật như: Luật Cơ yếu năm 2011, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Nghị định số 58 năm 2016 của Chính phủ…. Trong đó, giao cho Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực MMDS. Hiện nay, Ban Cơ yếu Chính phủ đang nghiên cứu các cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi để các hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng sản phẩm dịch vụ MMDS phát triển và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng chí Vũ Văn Xứng, Cục trưởng Cục Quản lý MMDS&KĐSPMM phát biểu tại Hội nghị
Sau phần tham luận, đồng chí Vũ Văn Xứng đã chủ trì phiên tọa đàm với chủ đề “Tích hợp an ninh mạng thành một quy trình kinh doanh quan trọng – những cái nhìn sâu sắc từ thực tiễn triển khai”. Phiên tọa đàm nhận được nhiều ý kiến chia sẻ của các chuyên gia về các vấn đề an toàn, an ninh mạng hiện nay, cũng như định hướng trong tương lai.
Diễn ra song song với Hội nghị là Triển lãm công nghệ về an ninh mạng, giới thiệu các sản phẩm, giải pháp bảo mật hiện đại, độc đáo của các tập đoàn công nghệ hàng đầu như: Parasoft, Blue Planet-works, Tenable, DTASIA…
Toàn cảnh Hội nghị Cybersecurity 2017
Cyber Security 2017 là sự kiện nổi bật trong lĩnh vực an ninh mạng tại Việt Nam và Đông Nam Á. Sự kiện do Cục An ninh mạng, Bộ Công an; Cục Quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ; Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông và Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG phối hợp tổ chức.