Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) Bộ Công an vừa đưa ra cảnh báo các ngân hàng về thủ đoạn trục lợi thông qua các máy thanh toán quẹt thẻ.
Đối tượng Feng Hai Qiang (Trung Quốc) cùng thiết bị sản xuất, chế tạo ra các thẻ ATM giả để rút tiền
của một số ngân hàng Việt Nam, đã bị các trinh sát của PC 50 Hà Nội bắt quả tang hồi tháng 6/2014
Gia tăng tội phạm dùng thẻ ngân hàng giả
Theo C50, Bộ Công an, thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng là tội phạm người nước ngoài móc nối với người Việt Nam để thanh toán khống qua máy quẹt thẻ. Ngoài ra, các nhóm tội phạm còn bắt tay với đối tượng người Việt Nam thành lập công ty, ký hợp đồng làm đơn vị chấp nhận thẻ và yêu cầu đăng ký sử dụng máy quẹt thẻ không dây, sau đó, thực hiện giao dịch bằng thẻ giả rồi nhận tiền mặt. Đổi lại, phía đơn vị chấp nhận thẻ nhận được "hoa hồng" từ các phi vụ thanh toán này.
Trước tình trạng này, Hội Thẻ Ngân hàng Việt Nam đã yêu cầu các ngân hàng tăng cường công tác kiểm tra, định vị, giám sát giao dịch tại các đơn vị chấp nhận thẻ, đặc biệt chú ý các đơn vị mới đăng ký.
Trong mấy tháng đầu năm 2017, cơ quan công an các địa phương đã liên tiếp phát hiện ra các vụ án dùng thẻ ATM giả để rút tiền mặt. Gần đây nhất, theo Cổng thông tin Bộ Công an, hồi 22h40 ngày 23/6/2017, Trung tâm thẻ Ngân hàng ACB phát hiện đối tượng sử dụng thẻ ATM giả để rút tiền tại chi nhánh Ngân hàng ACB, số 433A Nguyễn Thị Thập (quận 7, TP Hồ Chí Minh) nên đã thông báo cho nhân viên bảo vệ ngân hàng. Nhận được thông báo, bảo vệ chi nhánh ngân hàng kiểm tra tại trụ ATM trước ngân hàng phát hiện 1 người đang thực hiện việc rút tiền với thẻ nhựa giống thẻ ATM (nhưng không phải do ngân hàng phát hành). Bảo vệ yêu cầu kiểm tra thẻ thì đối tượng bỏ chạy, đến trước số 409 Nguyễn Thị Thập thì bị khống chế bắt giữ, và bàn giao Công an phường Tân Phong lập hồ sơ xử lý. Tại đây, đối tượng khai tên là Võ Xuân Vinh (SN 1983, ở quận Thủ Đức), tang vật thu giữ 3 thẻ ATM giả và số tiền 8 triệu đồng. Vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Tại Hải Dương, ngày 24/6/2017, Phòng Cảnh sát hình sự (PC45), Công an tỉnh Hải Dương đã thông tin về việc phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) hành điều tra xác minh các nhóm đối tượng người Trung Quốc sử dụng thẻ ATM giả để rút tiền tại các ngân hàng. Theo đó, Cơ quan Công an đã thu giữ 48 thẻ ATM giả được đối tượng Wei Shun Xiang (30 tuổi, trú tại TP Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) sử dụng để 232 triệu đồng tại các cây ATM trên địa bàn TP.Hải Dương.
Trước đó, ngày 8/5/2017, Công an TP.Hà Nội đã tạm giữ hình sự 3 người Trung Quốc bị tình nghi làm thẻ ATM giả để rút tiền; những chiếc thẻ mà 3 nghi can sử dụng có thể “rút tiền từ bất cứ cây ATM nào”, cơ quan điều tra cho hay. Đến ngày 19/6/2017, Công an TP.HCM đã tạm giữ 4 đối tượng, cũng là người Trung Quốc để điều tra về hành vi sử dụng thẻ tín dụng giả; nhóm này đã sử dụng thẻ giả để mua điện thoại, phụ kiện cao cấp với tổng giá trị 47 triệu đồng. Ngày 25/4/2017, Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên phạt hai bị cáo Bulgaria 5 và 7 năm tù giam do đã dùng thẻ ATM giả rút trộm 216 triệu đồng tại 7 ngân hàng.
Ngân hàng nhà nước yêu cầu giám sát chặt giao dịch rút tiền từ 23h đến 1h
Vào ngày 21/6/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Văn bản số 4893/NHNN-TT yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng thành phố Hà Nội, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam triển khai các công việc để đảm bảo an ninh, an toàn ATM.
Theo đó, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có trang bị ATM phải khẩn trương rà soát việc cài đặt phần mềm, lắp đặt thiết bị chống sao chép, trộm cắp thông tin thẻ đối với toàn bộ hệ thống ATM của mình. Khi phát hiện các thiết bị lạ dùng để lấp cắp thông tin khách hàng được gắn vào máy ATM, cần giữ nguyên hiện trạng và báo cáo ngay cho Lãnh đạo đơn vị cũng như cơ quan Công an để phối hợp xử lý. Đồng thời các ngân hàng phải giám sát chặt chẽ các giao dịch diễn ra trong khoảng thời gian từ 23h00-01h00 do các đối tượng phạm tội tận dụng hạn mức rút tiền hai ngày để giảm thiểu rủi ro cho khách hàng và ngân hàng. Các ngân hàng cần có biện pháp hướng dẫn khách hàng cách nhận biết các thiết bị sao chép, trộm cắp thông tin thẻ được gắn vào ATM và cách thức ứng xử khi phát hiện các trường hợp này.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam tăng cường phối hợp với các ngân hàng thành viên theo dõi, phát hiện kịp thời xử lý các giao dịch bất thường (đặc biệt là các giao dịch thực hiện vào thời điểm giao giữa hai ngày, từ 23h00-01h00), đảm bảo quyền lợi của khách hàng cũng như các ngân hàng thành viên. Đồng thời nghiên cứu biện pháp phòng, chống thủ đoạn gian lận của tội phạm thẻ.
Bên cạnh đó, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng thành phố Hà Nội và Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh tăng cường theo dõi, giám sát, chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ trên địa bàn thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thống đốc NHNN, tiến hành xử phạt hành chính theo quy định các tổ chức vi phạm đối với hoạt động ATM.