Nhiều người dùng chỉ bắt đầu quan tâm đến vấn đề bảo mật sau khi phải đối mặt với vấn đề mất tài khoản hoặc bị hacker xâm nhập đánh cắp thông tin ngân hàng, mất tiền, bị tung ảnh riêng tư lên mạng. Đây là một sai lầm phổ biến cần được sửa chữa bởi những thiệt hại, mất mát từ vấn đề này không hề nhỏ, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp lớn. Bài viết liệt kê 5 lỗi bảo mật thường gặp mà đa số người dùng mắc phải.
Theo trang tin USA Today, hầu hết người dùng máy tính và Internet đều hiểu biết về virus và các phần mềm chống virus cũng như hiểu rõ tầm quan trọng của việc phòng chống mã độc trong tình hình an ninh mạng đang bị đe dọa như hiện nay.
Thế nhưng không phải ai cũng thực hiện đúng và cẩn trọng trước những chiêu trò tấn công của hacker. Ngoài những lời khuyên tránh truy cập web lạ, email được gửi từ người lạ mà các bài viết trên Kaspersky Proguide hay nhắc đến, bài viết này sẽ liệt kê 5 sai lầm phổ biến trong bảo mật mà người dùng thường xuyên mắc phải để phòng tránh sau này.
Lỗi 1: Để lộ webcam
Đây là một lỗi tương đối phổ biến với đa số người dùng Laptop. Chắc hẳn bạn từng nghe đến những chiêu trò xâm nhập webcam của hacker để ngầm ghi lại những hoạt động cũng như chụp ảnh, video để tống tiền nạn nhân sau đó.
Việc bảo mật cho webcam cũng tương đối đơn giản. Chỉ cần dùng một miếng giấy note nhỏ hoặc một băng keo giấy nhỏ, dán trên webcam để che lại khi không cần dùng đến webcam. Bằng cách này chẳng những người dùng có thể gỡ ra bất cứ khi nào cần dùng mà còn có thể tránh bọn hacker đang ngấm ngầm tấn công bạn từng ngày. Đây cũng là một trong những mẹo mà CEO Mack Zuckerberg áp dụng để bảo vệ bảo mật cho bản thân.
Ngoài ra bạn cũng có thể tìm kiếm những phần mềm bảo mật uy tín có tích hợp tính năng bảo vệ webcam để phòng tránh hacker xâm nhập trong khi sử dụng webcam. Hiện Kaspersky Internet Security cũng có hỗ trợ tính năng này. Để kích hoạt hãy vào mục Bảo vệ cá nhân để Cho phép ứng dụng truy cập webcam hay không.
Lỗi 2: Cho phép trợ lý ảo Alexa hoạt động tự do
Trợ lý ảo Alexa là một công cụ thú vị với tính năng Voice Purchasing cho phép người dùng đặt hàng bằng giọng nói. Chỉ cần nói “Alexa, tôi cần thêm giấy” chẳng hạn, Amazon Echo sẽ nhanh chóng đặt hàng. Tính năng này được cung cấp cho tất cả người dùng Amazon Prime và cả Amazon Echo.
Chỉ cần đảm bảo rằng tính năng này được tắt đi khi không cần dùng đến thì bạn đã có thể tự bảo vệ mình khỏi các hacker cố tình tấn công để đánh cắp dữ liệu. Cách tắt tính năng này nhanh nhất là vào mục Settings > Voice Purchasing > tắt tính năng Voice Purchasing.
Lỗi 3: Luôn ở chế độ đăng nhập ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào
Nếu là một người dùng internet thường xuyên hẳn bạn phải kiểm tra tài khoản Facebook, Twitter, Instagram, Youtube, Google, Zalo… hàng tá lần mỗi ngày. Bởi thế để tiết kiệm thời gian, đa phần người dùng sẽ để chế độ luôn đăng nhập ở nhiều thiết bị. Việc này cực kỳ thuận tiện cho người dùng nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.
Hãy đảm bảo rằng mình là người duy nhất đăng nhập tài khoản. Để kiểm tra việc này tương đối dễ dàng, chỉ cần truy cập xem lịch sử hoạt động trên tài khoản xem có dòng thiết bị hay địa chỉ nào lạ truy cập tài khoản của bạn hay không. Việc kiểm tra sẽ tương đối khác ở các loại mạng xã hội khác nhau, nhưng ở trên Facebook thì bạn có thể kiểm tra bằng cách nhấp vào mũi tên xuống ở góc phải phía trên màn hình > Activity Log > Filters.
Lỗi 4: Không đọc kỹ điều khoản quy định của các ứng dụng
Bạn có hiểu hết những yêu cầu cũng như những điều khoản quy định của các ứng dụng mà mình cài đặt mới? Đa số người dùng thường nhấn vào nút Đã đọc hoặc đồng ý trước khi kịp đọc xem những quy định này là gì.
Đây là điểm bất lợi đối với người dùng nếu lỡ như gặp một vấn đề gì đó khi trục trặc kỹ thuật thì phần thiệt chắc sẽ thiên về người dùng nhiều hơn. Còn nếu đọc điều khoản quy định quá mất nhiều thời gian thì ít nhất người dùng nên đọc kỹ phần quyền hạn trên Android hoặc iOS mà bạn cho phép ứng dụng thực thi khi khởi chạy cài đặt. Ít nhất thì công đoạn này cũng không mất quá nhiều thời gian nhưng bạn vẫn có thể kiểm soát được một phần xem ứng dụng này đòi hỏi những gì.
Lỗi 5: Trì hoãn cài đặt cập nhật bảo mật thậm chí bỏ qua những yêu cầu cập nhật mới của ứng dụng
Dù cho hệ điều hành mà bạn sử dụng có đáng tin cậy, có an toàn đến mấy đi chăng nữa thì cũng khó mà tránh khỏi những lỗ hổng bảo mật. Đa số các bản cập nhật hệ điều hành và ứng dụng đều có mục tiêu chính là vá những lỗ hổng bảo mật mới nhất vừa được phát hiện ra. Nếu như trì hoãn công đoạn này, rất có thể người dùng sẽ bị hacker khai thác lỗi bảo mật và tấn công đánh cắp thông tin tài khoản cũng như các thông tin ngân hàng quan trọng khác.
Để kiểm tra xem mình có đang sử dụng phiên bản cập nhật mới nhất của hệ điều hành Windows 10 hay không, hãy nhấp vào nút Start > Settings > Update & Security > Check for Updates.
Đối với hệ điều hành Mac, nhấp vào biểu tượng Apple ở góc trái trên cùng của màn hình > About this Mac > Software Update.
Hy vọng sau khi đọc xong bài viết này, người dùng sẽ lưu ý tránh mắc lại những lỗi này và phòng tránh được những cuộc tấn công an ninh mạng của hacker.