Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ, ngành tập trung hoàn thành mục tiêu triển khai mới 61 thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia trong năm 2019.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp lần thứ 4 của Ủy ban 1899.
VPCP vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Phiên họp lần thứ tư của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại.
Năm 2018, Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại đã được triển khai bài bản, toàn diện trong phạm vi cả nước dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Ủy ban 1899, với quyết tâm cao của các Bộ, ngành, đạt được những kết quả đột phá và tạo ra những thay đổi căn bản. Công tác cải cách kiểm tra chuyên ngành đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Các Bộ, ngành đã rà soát cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết vượt mục tiêu đề ra (tính đến cuối năm 2018 đã cắt giảm được hơn 60% so với mục tiêu cắt giảm ít nhất 50% của Chính phủ) và cắt giảm các danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành được hoàn thiện để đảm bảo hành lang pháp lý phù hợp. Những kết quả nêu trên đã góp phần đáng kể trong việc giảm thời gian và chi phí làm thủ tục cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi thương mại, nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2018 đạt 480 tỷ USD.
Tuy nhiên, công tác triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại vẫn chưa thực sự đi vào thực chất và có chiều sâu, việc tổ chức thực thi trong thực tế còn có khoảng cách so với quy định tại các văn bản pháp luật, mức độ hài lòng của doanh nghiệp chưa cao, số lượng doanh nghiệp tham gia chưa nhiều, chưa đảm bảo tạo thuận lợi thương mại với chống gian lận thương mại.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ, ngành tập trung triển khai các mục tiêu năm 2019. Cụ thể, năm 2019, hoàn thành triển khai mới 61 thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia (bao gồm 18 thủ tục chuyển từ năm 2018 sang và 43 thủ tục của năm 2019); chuẩn bị thực hiện trao đổi thông tin tờ khai Hải quan ASEAN và chứng nhận kiểm dịch động thực vật với các nước ASEAN theo kế hoạch chung của ASEAN; chuẩn bị thực hiện trao đổi thông tin tờ khai hải quan và C/O điện tử với Liên minh kinh tế Á- Âu và Hàn Quốc.
Về công tác kiểm tra chuyên ngành, quán triệt thực hiện nghiêm Nghị quyết 02/2019/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, định hướng đến 2021 và các văn bản liên quan của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Triển khai Hiệp định tạo thuận lợi thương mại một cách thực chất, đầy đủ theo đúng lộ trình cam kết với WTO, đặc biệt tập trung vào việc rà soát kết quả thực tế thực thi các cam kết nhóm A, rà soát năng lực và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thực thi các cam kết nhóm B và nhóm C.
Để hoàn thành các mục tiêu trên thì các Bộ, ngành phải tập trung thực hiện các giải pháp. Cụ thể, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, người và phương tiện xuất nhập cảnh, quá cảnh theo định hướng: Cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết; đơn giản hóa quy trình, thủ tục và bộ hồ sơ, chứng từ cần phải nộp/xuất trình.
Đồng thời, các Bộ, ngành rà soát văn bản pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành theo hướng tạo thuận lợi thương mại nhưng đảm bảo chống gian lận thương mại.
Năm 2019 các Bộ, ngành hoàn thành việc ban hành sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành và các danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành kèm theo mã số HS, có quy chuẩn, tiêu chuẩn kiểm tra.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ triển khai Đề án thí điểm cơ chế bảo lãnh thông quan, Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và hoàn thiện Cổng thông tin thương mại quốc gia; xây dựng tiêu chí thành lập, giải thể các địa điểm kiểm tra chuyên ngành nhằm đảm bảo hoạt động có hiệu quả, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.