Chính phủ vừa yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo, huy động, ưu tiên nguồn lực triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử.
Tính đến tháng 6/2019, tỷ lệ cơ quan triển khai phần mềm một cửa điện tử theo mô hình một hệ thống tập trung là hơn 54% với các bộ, ngành và trên 87% với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Ảnh minh họa: Internet)
Cũng theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ trực tuyến với các địa phương tháng 6/2019 mới ban hành, chỉ đạo về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo, huy động, ưu tiên nguồn lực triển khai các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ triển khai, chất lượng công việc; gương mẫu, đi đầu trong việc sử dụng chữ ký số cá nhân để phê duyệt các văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử.
Các bộ, ngành, địa phương tập trung nâng cấp phần mềm quản lý văn bản và điều hành, tích cực thực hiện xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng và gửi, nhận văn bản điện tử có ký số; khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Hệ thống thông tin điện tử một cửa và Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Văn phòng Chính phủ tập trung xây dựng dự thảo Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia; phát triển Trục liên thông văn bản quốc gia thành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu.
Bộ Công an tập trung xây dựng dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân bảo đảm thời gian trình theo chỉ đạo của Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Nội vụ tập trung xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 110 năm 2004 về công tác văn thư, trình Chính phủ trong tháng 9/2019; đề án thực hiện nhiệm vụ lưu trữ tài liệu điện tử của cơ quan nhà nước.
Còn với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan này được yêu cầu phải tập trung xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội.
Đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết 17 của Chính phủ về “Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025” thời gian qua, Văn phòng Chính phủ nhận định, việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử đã có những bước tiến đột phá quan trọng, đặc biệt là chuyển biến trong nhận thức về Chính phủ điện tử và quá trình triển khai hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, đảm bảo gắn kết giữa cải cách hành chính với ứng dụng CNTT, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, sau 3 tháng triển khai, đã có 7/83 nhiệm vụ cụ thể của Nghị quyết 17 được hoàn thành. Một số kết quả tích cực đạt được có thể kể đến như: từng bước hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ về xây dựng Chính phủ điện tử; cơ chế đầu tư, thuê dịch vụ CNTT dần được tháo gỡ; các hệ thống thông tin quan trọng được nghiên cứu, xây dựng khẩn trương.
Đến nay, đã vận hành một số hệ thống có ý nghĩa quan trọng trong triển khai Chính phủ điện tử như Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước và Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, các nội dung lớn của Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng đã dược thực hiện.
Đặc biệt, công việc bảo đảm an toàn, an ninh được nhận thức đầy đủ hơn và đã có những cải thiện tích cực. Theo công bố chưa chính thức cuối tháng 3/2019 của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), năm 2018, Việt Nam xếp hạng 50/193 quốc gia, vùng lãnh thổ được đánh giá về chỉ số an toàn, an ninh thông tin, tăng 50 bậc so với năm 2017.
Tuy nhiên, Văn phòng Chính phủ cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong triển khai Chính phủ điện tử thời gian vừa qua như: tiến độ xây dựng một số cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin còn chậm hoặc gặp khó khăn trong việc bố trí kinh phí thực hiện; các cơ sở dữ liệu còn rời rạc, chưa được kết nối, chia sẻ dữ liệu; Cổng Dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của một số địa phương chưa bảo đảm các chức năng; số lượng dịch vụ công trực tuyến nhiều nhưng tỷ lệ phát sinh hồ sơ thấp, kém hiệu quả, có dịch vụ không phát sinh hồ sơ gây lãng phí…