Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 - căn cứ để các bộ, ngành, địa phương xây dựng, cập nhật Kiến trúc Chính phủ/Chính quyền điện tử đảm bảo triển khai Chính phủ điện tử có hiệu quả và tránh đầu tư trùng lặp, vừa được Bộ TT&TT ban hành.
Mục đích của việc ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 là hình thành và triển khai áp dụng đồng bộ hệ thống Kiến trúc Chính phủ điện tử từ Trung ương đến địa phương (Ảnh minh họa: Internet)
Quyết định 2323 ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng ký ban hành ngày 31/12/2019.
Ngay trước đó, vào ngày 26/12, trên cơ sở hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 được Bộ TT&TT trình ngày 15/11/2019, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ TT&TT ký ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0.
Mục đích của Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 mới được Bộ TT&TT ban hành, là nhằm hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Kiến trúc Chính phủ/Chính quyền điện tử; Hình thành và triển khai áp dụng đồng bộ hệ thống Kiến trúc Chính phủ điện tử từ Trung ương đến địa phương.
Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam bao gồm các thành phần cơ bản: mục đích và phạm vi áp dụng, các nội dung khung kiến trúc, các mô hình tham chiếu, sơ đồ khái quát Chính phủ điện tử Việt Nam và tổ chức thực hiện.
Cùng với việc hướng dẫn cụ thể các bộ, ngành, địa phương về những nội dung cơ bản trong Kiến trúc Chính phủ điện tử, tại Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, Bộ TT&TT cũng nêu rõ, quá trình xây dựng, áp dụng các nội dung Kiến trúc Chính phủ điện tử phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản như: phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam và các văn bản hướng dẫn liên quan; phù hợp với định hướng, mục tiêu triển khai ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử của quốc gia; bảo đảm đầu tư triển khai Chính phủ điện tử hiệu quả; phù hợp với quy trình nghiệp vụ, thúc đẩy cải cách quy trình nghiệp vụ, hướng tới đơn giản hóa, chuẩn hóa; ưu tiên phát triển các dịch vụ, ứng dụng, nền tảng dùng chung…
Theo Cục Tin học hóa – Bộ TT&TT, một nội dung mới nổi bật của Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 so với phiên bản 1.0 là 5 mô hình tham chiếu (nội dung mà các bộ, ngành, địa phương tham chiếu trong quá trình xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử của mình) về nghiệp vụ, dữ liệu, ứng dụng, công nghệ và an toàn thông tin. Cùng với đó, phiên bản mới của Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam cũng ban hành kèm theo danh mục các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tạo nền tảng Chính phủ điện tử Việt Nam.
“Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 yêu cầu rõ Kiến trúc Chính phủ điện tử/ Chính quyền điện tử của các các bộ, ngành, địa phương phải được xây dựng, cập nhật theo 5 kiến trúc thành phần gồm nghiệp vụ, dữ liệu, ứng dụng, công nghệ và an toàn thông tin. Đây là điểm thay đổi căn bản so với phiên bản 1.0 khi các bộ, ngành, địa phương xây dựng, cập nhật Kiến trúc”, đại diện Cục Tin học hóa lưu ý.
Sơ đồ khái quát Chính phủ điện tử Việt Nam (Nguồn ảnh: Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT).
Chia sẻ thêm về quá trình xây dựng Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Cục Tin học hóa cho hay, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ TT&TT đã xây dựng, công bố Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 1.0, tổ chức hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kiến trúc chi tiết của bộ, ngành, địa phương để triển khai, áp dụng trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử hướng tới tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, tránh đầu tư trùng lặp. Trên cơ sở Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 1.0, đến nay đã có 19/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ và 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kiến trúc, hiện đang triển khai áp dụng. Việc này đã góp phần kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, công nghệ mới trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển nhanh chóng, các quốc gia trên thế giới đang ứng dụng các công nghệ mới mạnh mẽ trong phát triển Chính phủ điện tử; để phát triển Chính phủ điện tử ở nước ta, Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam cần được cập nhật phù hợp với xu thế này. Trong bối cảnh đó, tại Nghị quyết 17 ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, Bộ TT&TT được giao nhiệm vụ hoàn thành cập nhật Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0.
Cũng theo Cục Tin học hóa, dự thảo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 đã được đầu tư nghiên cứu, xây dựng công phu, huy động nhiều nguồn lực, thời gian để nghiên cứu, xây dựng. Trong quá trình xây dựng, Bộ TT&TT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, nhóm chuyên gia của Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, các chuyên gia Ngân hàng thế giới, các doanh nghiệp CNTT tại Việt Nam để nghiên cứu phương pháp, kinh nghiệm phát triển kiến trúc của các quốc gia trên thế giới, cùng nhau làm việc phân tích, đề xuất, dự thảo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam. Để hoàn thiện dự thảo, Bộ TT&TT cũng đã tổ chức lấy ý kiến góp ý của các cơ quan chuyên trách CNTT các Bộ, ngành, địa phương...