Thanh Hóa: Chuyển đổi số trong ngành GTVT - Thay đổi để phát triển

Thứ hai, 25/10/2021 08:28
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Xác định “Chuyển đổi số là khâu đột phá”, giúp thay đổi căn bản phương thức quản lý, hoạt động, hiện đại hóa ngành GTVT, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá trong việc thực hiện các mục tiêu, ngành GTVT Thanh Hóa đã, đang nỗ lực thực hiện mục tiêu chuyển đổi số (CĐS).

Cán bộ Phòng Quản lý bảo trì và Tuần kiểm, Ban Quản lý Dự án
Đầu tư xây dựng công trình giao thông số 2 Thanh Hóa, Sở GTVT
sử dụng phần mềm GovOne quản lý, giám sát hoạt động bảo trì đường bộ

Được đánh giá là một trong những ngành tiên phong “mở đường”, đổi mới, sáng tạo trong hoạt động, điều hành, hoạt động CĐS giúp ngành GTVT phát triển cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm an toàn giao thông...

Ông Phạm Hoài Nam, Chánh Văn phòng Sở GTVT Thanh Hóa cho biết: Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, chỉ đạo, điều hành của sở ngày càng có hiệu quả, các hệ thống thông tin hoạt động phục vụ tốt cho công tác chuyên môn nghiệp vụ của các phòng, đơn vị. Từ ngày 22/5/2020, 100% văn bản, hồ sơ công việc của sở được trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường điện tử (trừ văn bản mật theo quy định).

Tại cơ quan sở, đã xây dựng hệ thống phòng họp không giấy tờ; hệ thống phòng họp trực tuyến; triển khai ứng dụng CNTT hiệu quả, toàn diện, bảo đảm khả năng kết nối hệ thống thông tin tại bộ phận một cửa với cổng thông tin điện tử, tạo điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp qua mạng internet, bảo đảm tính liên thông giữa các đơn vị trong quy trình xử lý thủ tục hành chính. Hiện nay, ngành GTVT Thanh Hóa đang cung cấp 16 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 36 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Từ ngày 27/9/2021, Sở GTVT Thanh Hóa thử nghiệm cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về việc đổi giấy phép lái xe trên cổng dịch vụ công quốc gia.

Ngành GTVT cũng đã chú trọng tổ chức đào tạo, tập huấn cho các cán bộ, công chức, viên chức về chính quyền điện tử đảm bảo làm việc chuyên nghiệp trên môi trường mạng; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đồng thời nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng chính quyền điện tử.

Đặc biệt, hoạt động CĐS của ngành GTVT được thực hiện hiệu quả, sâu rộng cho toàn bộ hoạt động quản lý GTVT: Áp dụng hệ thống giám sát hành trình trong công tác quản lý xe ô tô tại phòng quản lý vận tải. Qua kết quả phân tích tình hình vi phạm từ dữ liệu giám sát hành trình đã kịp thời có các biện pháp xử lý đối với xe ô tô vi phạm. Thực hiện áp dụng phần mềm quản lý cầu Trung ương và địa phương, phần mềm quản lý tài sản hạ tầng giao thông giúp nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước về cầu, đường bộ trên địa bàn tỉnh; áp dụng hệ thống GovOne trong công tác duy tu bảo dưỡng công trình đường bộ tại phòng quản lý giao thông, giúp quản lý giám sát tập trung, trực tuyến, khách quan công tác hiện trường cũng như kết quả tuần đường, tuần kiểm, sửa chữa, bảo trì đường bộ.

Tạo ra môi trường làm việc điện tử trong nội bộ Sở GTVT và giữa Sở GTVT với các đơn vị bảo trì đường bộ, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo trì đường bộ. Trang thông tin điện tử của sở được cập nhật đầy đủ, kịp thời, đúng các quy định của pháp luật, phục vụ tích cực cho công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo sở và nhu cầu tìm hiểu, cập nhật thông tin liên quan đến hoạt động của ngành GTVT cho cá nhân, tổ chức và cán bộ, công chức trong cơ quan.

Ông Hoàng Vũ Thạo, Trưởng Phòng Quản lý bảo trì và Tuần kiểm, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông số 2 Thanh Hóa, Sở GTVT cho biết: Nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT, CĐS trong công tác bảo dưỡng thường xuyên, Sở GTVT hiện đang sử dụng phần mềm GovOne, là giải pháp ứng dụng công nghệ bản đồ số (GIS), công nghệ di động và công nghệ điện toán đám mây nhằm hiện đại hóa công tác quản lý, giám sát hoạt động bảo trì đường bộ theo xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tạo ra môi trường làm việc điện tử, giúp cơ quan quản lý đường bộ giám sát tập trung, trực tuyến, chủ động, khách quan công việc ngoài hiện trường của tuần đường, tuần kiểm...; cho phép sử dụng thiết bị di động thay thế các công cụ truyền thống như: sổ nhật ký tuần đường, máy ảnh, thiết bị định vị... để thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu, hiện trạng tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ ngoài hiện trường phục vụ công tác quản lý, bảo trì, bảo vệ đường bộ, giúp giảm nhân công và tăng cường hiệu quả công việc.

Thời gian tới, ngành GTVT Thanh Hóa sẽ đẩy mạnh các giải pháp CĐS, trong đó chú trọng tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của lãnh đạo, cán bộ, người dân và doanh nghiệp về CĐS, phát triển chính phủ số, kinh tế số trong ngành GTVT. Người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về hoạt động CĐS trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực được phụ trách; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về CĐS với chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của từng cơ quan, tổ chức.

CĐS là một hành trình dài và không có điểm kết thúc, để đạt được mục tiêu đề ra, ngành GTVT Thanh Hóa đang nỗ lực tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động CĐS, sẵn sàng thử nghiệm và áp dụng các giải pháp công nghệ mới trong ngành GTVT nhằm thúc đẩy hoàn chỉnh môi trường làm việc số.

kieuanh

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)