Những năm qua, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Thái Bình xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp
Thực hiện dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực giao thông vận tải
tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành của Sở GTVT ngày càng hiệu quả. Đặc biệt, từ năm 2019, khi Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính (TTHC) của Sở GTVT được chuyển đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, việc tiếp nhận và trả hồ sơ TTHC theo hướng tập trung của Sở GTVT đã tăng sự công khai, minh bạch. Đến nay, trên 98% văn bản, hồ sơ của Sở GTVT được trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường mạng.
Ông Bùi Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Sở GTVT hiện đang kiểm soát 121 TTHC thuộc thẩm quyền; trong đó, 63 TTHC đang được triển khai theo dịch vụ công mức độ 4, đạt 52%. Từ đầu năm đến nay, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Sở GTVT đã tiếp nhận, giải quyết 21.442 hồ sơ TTHC. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến 11.951 hồ sơ TTHC, dịch vụ công trực tuyến toàn trình 7.721 hồ sơ TTHC; trả kết quả qua Bưu điện tỉnh 3.779 hồ sơ TTHC. 100% hồ sơ được thực hiện chính xác, kịp thời, đúng thời hạn. Sở cũng đã giảm thời gian giải quyết từ 7 ngày xuống còn 4 ngày, giảm lệ phí từ 135.000 đồng xuống còn 115.000 đồng nhằm khuyến khích người dân nộp hồ sơ đổi giấy phép lái xe ô tô theo hình thức trực tuyến toàn trình. Qua đó giúp tổ chức, cá nhân giảm chi phí, thời gian đi lại.
Đối với công tác đào tạo, sát hạch lái xe, Trường Trung cấp nghề GTVT Thái Bình đang tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác đào tạo và sát hạch như sát hạch lý thuyết, điều hành thiết bị sát hạch thực hành lái xe, sân sát hạch, xe sát hạch và các thiết bị chấm điểm tự động...
Ông Phan Hải Nam, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, chuyển đổi số vào quá trình giảng dạy và sát hạch được xem là một bước tiến của Trường. Tất cả quy trình thi đều hiện đại, có hệ thống camera giám sát toàn bộ, cán bộ coi thi không can thiệp vào, bảo đảm tính chính xác, công bằng, minh bạch trong quá trình thi, qua đó góp phần nâng chất lượng đào tạo, chất lượng sát hạch giấy phép lái xe.
Bên cạnh đẩy mạnh chuyển đổi số trong giải quyết TTHC, Sở GTVT còn khai thác hiệu quả các ứng dụng trong quản lý kinh doanh vận tải. Theo thống kê của Sở GTVT, toàn tỉnh hiện có 1.073 đơn vị kinh doanh vận tải với 5.855 phương tiện ô tô kinh doanh vận tải, trong đó có 2.058 phương tiện vận tải khách, 3.797 phương tiện vận tải hàng hóa. Để nâng cao chất lượng công tác quản lý các đơn vị kinh doanh vận tải, Sở GTVT đã đẩy mạnh khai thác và sử dụng hiệu quả “Hệ thống dịch vụ công trực tuyến vận tải đường bộ”. Thông qua hệ thống này, dữ liệu thông tin về các đơn vị kinh doanh vận tải bao gồm số lượng các phương tiện, giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu phương tiện kinh doanh vận tải... được số hóa, thuận tiện cho việc theo dõi, quản lý. Đến nay, toàn tỉnh có 4.973 phương tiện giao thông được lắp thiết bị giám sát hành trình.
Thông qua kiểm tra, khai thác và trích xuất dữ liệu trên “Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình”, Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT đã phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nhiều trường hợp vi phạm về tốc độ và không truyền dữ liệu khi xe tham gia giao thông...
Ông Bùi Thanh Trà, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT cho biết: Từ đầu năm đến nay, Sở đã ban hành văn bản chấn chỉnh, nhắc nhở 678 đơn vị và 7.350 lượt phương tiện; ban hành 3 quyết định thu hồi phù hiệu đối với 255 phương tiện của các đơn vị kinh doanh vận tải. Ngoài ra, Sở đã có văn bản đề nghị sở GTVT các tỉnh, thành phố xử lý vi phạm đối với các phương tiện của các đơn vị vận tải ngoại tỉnh do vi phạm quy định về quản lý hoạt động vận tải.
Ngoài cài đặt thiết bị thông minh giám sát hành trình, dưới sự hướng dẫn của các đơn vị chuyên môn của Sở GTVT, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều phần mềm quản lý ở mức cao hơn, đa dạng hơn để ký hợp đồng, bán vé, thanh toán, thu phí điện tử..., qua đó cắt giảm chi phí và tăng cường hiệu lực quản lý.
Chuyển đổi số hiệu quả sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, mang lại chất lượng dịch vụ tốt hơn. Với sự nỗ lực và lộ trình triển khai cụ thể, ngành GTVT quyết tâm nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp./.