Ngày 1/8, tại Hà Nội, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Nghiên cứu khoa học về giải pháp không khói để hỗ trợ quản lý thuốc lá”. Toạ đàm nhằm thảo luận, mang đến góc nhìn đa chiều dựa trên các nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước cũng như kinh nghiệm thực tiễn quản lý thuốc lá thế hệ mới tại quốc tế.
Tình trạng sử dụng thuốc lá nung nóng đã phát triển nhanh, đặc biệt trong giới trẻ. Điều này tác động xấu đến thể lực, trí lực của thế hệ trẻ. Các sản phẩm được gọi là thuốc lá thế hệ mới tràn ngập thị trường, kéo theo rất nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội…
Theo ông Nguyễn Hồng Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam là hàng hóa nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ. Bên cạnh đó, hiện đang có khoảng trống pháp lý trong quản lý và phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Hơn nữa, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tại Việt Nam ngày càng tăng, nhất là ở giới trẻ, học sinh, sinh viên; đã có một số điều tra, khảo sát thông tin về vấn đề này.
Ngoài ra, lợi dụng thuốc lá điện tử với thành phần là dung dịch lỏng hòa tan nên các đối tượng phạm tội đã pha trộn một số chất ma túy thế hệ mới vào tinh dầu của thuốc lá điện tử, gây ra những hệ lụy đối với sức khỏe người sử dụng và xã hội.
Các chuyên gia đề xuất các cơ quan chức năng cần sớm thống nhất
phương án quản lý thuốc lá mới
Ông Ngọc cho rằng việc mua bán thuốc lá thế hệ mới được thực hiện chủ yếu thông qua mạng xã hội, một số nơi xuất hiện các điểm bán lẻ công khai hoặc bán trà trộn cùng các sản phẩm khác. Việc quản lý hoạt động quảng cáo sản phẩm này trên các nền tảng mạng xã hội còn hạn chế, thiếu quy định phù hợp và chế tài xử phạt đủ sức răn đe.
Về quản lý thuốc lá thế hệ mới, Phó giáo sư Trần Khánh Toàn - Giảng viên cao cấp Bộ môn Y học Gia đình (Trường Đại học Y Hà Nội) cho rằng việc xây dựng chính sách phải dựa trên các bằng chứng khoa học. Do đó, cần tận dụng có chọn lọc các bằng chứng từ các nghiên cứu đã có trên thế giới, khuyến cáo của các tổ chức quốc tế uy tín và bài học kinh nghiệm của các nước để lựa chọn cách thức ứng xử phù hợp với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.
TS.BS. Phạm Tuấn Anh, Trưởng Khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K Trung ương cho rằng: “Thuốc lá mới vẫn là những sản phẩm có hại. Lý tưởng nhất là tất cả mọi người hút thuốc đều cai được thuốc lá. Tuy nhiên, nếu đã xác định người hút thuốc thuộc nhóm đối tượng không thể cai thuốc, cần nghiên cứu xem xét các cách tiếp cận giảm tác hại như các giải pháp thay thế nicotine, các loại kẹo ngậm, miếng dán...”.
Theo Công điện 47/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế sẽ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành giải pháp đối với thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Y tế cần thực hiện báo cáo đánh giá khoa học toàn diện, đầy đủ về thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử trước khi đưa ra quyết định đối với các sản phẩm này. Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng giao Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Y tế thực hiện đánh giá tác động, ảnh hưởng của thuốc lá mới đối với sức khỏe người dùng.
Tại Tọa đàm, các đại biểu, đại diện các bộ, ngành, cơ quan liên quan đều nhấn mạnh mọi sản phẩm thuốc lá đều không an toàn, cần được quản lý để điều tiết sản phẩm theo định hướng phát triển của Chính phủ - như cách mà Nhà nước hiện đang kiểm soát thuốc lá điếu và các sản phẩm thuốc lá khác.
Các đại biểu cũng đồng thuận rằng, các Bộ ngành cần sớm đưa định nghĩa về thuốc lá nung nóng để làm cơ sở pháp lý đối với thuốc lá mới. Cùng với đó, các đại biểu cũng trông đợi các cơ quan chức năng sớm thống nhất phương án đối với thuốc lá mới trình Chính phủ, nhằm lấp khoảng trống pháp lý cho thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác, vốn là vấn đề bị trì trệ gần 10 năm qua dù đã có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành liên quan.
PV