Tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao đe dọa tới khả năng đạt được các mục tiêu về giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá và sức khỏe cộng đồng của chiến lược quốc gia, cũng như mục tiêu dài hạn trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam.
Việt Nam hiện là nước có tỷ lệ hút thuốc cao với hơn 15 triệu người, việc sử dụng thuốc lá đang gây ra gánh nặng đáng kể về bệnh tật, tử vong sớm và các chi phí y tế. Thiệt hại kinh tế do thuốc lá ước tính lên tới 108 nghìn tỷ đồng mỗi năm, tương đương với 1,14% GDP, trong đó bao gồm cả tổn thất về số lượng và năng suất lao động. Những tổn thất hoàn toàn có thể tránh được này sẽ ảnh hưởng tới sự thịnh vượng ở hiện tại và trong tương lai của Việt Nam.
Một điều rất rõ ràng là chúng ta cần hành động mạnh mẽ hơn nữa để giảm tình trạng sử dụng thuốc lá ở Việt Nam, để bảo vệ sức khỏe và cuộc sống, một trong những biện pháp hữu hiệu nhất chính là tăng thuế và giá thuốc lá.
Quốc hội đang đứng trước một cơ hội để làm điều này trong kỳ họp sắp tới, khi việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được đưa vào phiên thảo luận. Việc tăng thuế và giá thuốc lá là một quyết định để giảm bệnh tật, tử vong và làm cho chính sách thuế thuốc lá phù hợp với các mục tiêu về sức khỏe và thịnh vượng của Việt Nam.
Trong tuần này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố bản Tư vấn chính sách với tiêu đề: Cải cách thuế thuốc lá để nâng cao sức khỏe và Phát triển Bền vững tại Việt Nam. Tài liệu này trình bày về mức thuế cần thiết để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới từ 41,1% xuống còn dưới 36% vào năm 2030, như đã được đặt ra trong Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030.
Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ trong cuộc chiến chống tác hại của thuốc lá trong khoảng một thập kỷ qua. Tuy nhiên, chúng tôi lại nhận thấy những dấu hiệu đáng lo ngại khi mức độ tiêu thụ thuốc tại Việt Nam đang tăng trở lại. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, từ năm 2021 đến năm 2023, tổng sản lượng sản xuất thuốc lá đã tăng hơn 17%. Không có lý do nào để tin rằng xu hướng tiêu cực này sẽ thay đổi nếu không có hành động can thiệp mạnh mẽ để giảm nhu cầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá. Tác hại của thuốc lá nên là mối quan tâm lớn đối với tất cả chúng ta.
Thuốc lá đang gây ra gánh nặng về sức khỏe và tài chính
đối với cá nhân, gia đình và cộng đồng
Theo ước tính của Nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu mới nhất, mỗi năm ở Việt Nam có hơn 100.000 người tử vong có liên quan đến thuốc lá, trong đó có 84.500 ca là những người hút thuốc và 18.800 ca là những người đã phải hút thuốc lá thụ động. Sử dụng thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh tim mạch và hô hấp, hơn 20 loại ung thư và nhiều bệnh tật nghiêm trọng khác.
Một trong những lý do khiến tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam còn cao là do giá thành của các sản phẩm này quá rẻ bởi mức thuế thấp. Thuế thuốc lá ở Việt Nam chỉ chiếm 36% giá bán lẻ, trong khi đó mức thuế trung bình toàn cầu là 62% và mức khuyến nghị của WHO là ít nhất 75% giá bán lẻ.
Theo thời gian, thuốc lá ngày càng trở nên dễ mua hơn bởi thu nhập của người dân tăng nhanh còn giá thuốc lá lại không theo kịp. Trong giai đoạn 2010-2022, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gấp ba lần, trong khi đó giá của nhãn hiệu thuốc lá bán chạy nhất chỉ tăng 55%.
Để giúp các quốc gia đưa ra quyết định sáng suốt về thuế thuốc lá, WHO đã phát triển một mô hình mô phỏng tác động của thuế thuốc lá có tên là TaXSim. Mô hình này dự đoán các thay đổi về giá cả, mức tiêu thụ, mục tiêu sức khỏe và ngân sách nhà nước khi tăng thuế thuốc lá. Các chuyên gia của WHO sử dụng mô hình TaXSim để phân tích hai phương án tăng thuế đã được Bộ Tài chính công bố. Theo đó, cả hai phương án đề xuất đã được công bố lấy ý kiến đều là những bước đi đúng hướng vì chúng sẽ dẫn đến giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới.
Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu về sức khỏe cũng như kinh tế của Việt Nam, mức thuế cần phải cao hơn. Mô hình TaXSim cho thấy việc tăng thuế theo lộ trình để áp thêm vào mức thuế trên giá xuất xưởng hiện nay, sẽ giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới xuống còn 35.8%, mức mà sẽ đạt mục tiêu của Chiến lược quốc gia. Các mục tiêu về kiểm soát thuốc lá và kinh tế có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, bởi khi có ít người tử vong do sử dụng thuốc lá hơn, chúng ta sẽ có một lực lượng lao động khỏe mạnh hơn, năng suất hơn.
Phương án tăng thuế thuốc lá như trên sẽ làm tăng đáng kể doanh thu thuế hàng năm, ước tính sẽ tăng thêm khoảng 29,3 nghìn tỷ đồng mỗi năm vào năm 2030 so với năm 2020. Đây là một khuyến nghị rất mạnh mẽ của WHO bởi đây là một phương án cùng thắng: vừa giảm gánh nặng bệnh tật và bảo vệ sức khỏe, vừa huy động được thêm nguồn thu ngân sách để đầu tư vào các ưu tiên phát triển bền vững mà Chính phủ đặt ra.
Những người trẻ tuổi là nhóm nhạy cảm nhất với việc tăng giá - đây là lý do rất chính đáng cho việc tăng thuế thuốc lá. Chúng ta cần làm mọi cách có thể để bảo vệ người trẻ tuổi khỏi các sản phẩm thuốc lá hoặc bất kỳ sản phẩm nào có chứa nicotine. Việc không sử dụng các sản phẩm thuốc lá khi còn trẻ giống như được tiêm một loại vaccine bảo vệ suốt đời, bởi một người ít có khả năng bắt đầu sử dụng thuốc lá khi họ lớn tuổi hơn.
Hoa Thúy