Đổi mới và nâng cao năng lực TKCN Hàng hải vì bình yên biển đảo Việt Nam

Thứ ba, 13/09/2016 09:36
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hàng năm lực lượng tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam đã thu nhận và xử lý trên 300 vụ việc liên quan đến tai nạn, sự cố trên biển, cứu và hỗ trợ hàng trăm lượt người, tàu thuyền trong và ngoài nước, góp phần giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra trên cả nước, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần xây dựng một môi trường đầu tư an toàn, tin cậy trong lĩnh vực hoạt động kinh tế biển.
Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT đã có buổi gặp và trao đổi với Tổng Giám đốc Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam Nguyễn Anh Vũ về công tác TKCN Hàng hải thời gian vừa qua.

TGĐ Nguyễn Anh Vũ và Cục trưởng Cục HHVN (nay là Thứ trưởng Bộ GTVT) Nguyễn Nhật 
tặng quà, động viên thuyền trưởng và các thuyền viên tàu SAR 2701 đã nỗ lực TKCN

Thưa ông, là đơn vị chủ trì hoạt động tìm kiếm, cứu nạn khi tai nạn, sự cố xảy ra trên vùng biển Việt Nam, công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển luôn là một vấn đề nhạy cảm, thu hút sự chú ý của dư luận xã hội và cũng được Đảng và Nhà nước quan tâm, ông có thể điểm qua vài nét về Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam?

Là một quốc gia ven biển với dân số sinh sống miền ven biển đạt khoảng 34 triệu người, có hoạt động kinh tế biển đa dạng và phát triển. Đội tàu biển Việt Nam tăng đều trong những năm gần đây và hiện có gần 1.899 chiếc tàu biển hoạt động khắp nơi trên thế giới. Đội tàu khai thác, đánh bắt thủy sản với số lượng trên 125.000 chiếc, trong đó có khoảng 25.000 tàu đánh bắt cá xa bờ, số lao động trực tiếp trên 1 triệu người với ngư trường rộng khắp vùng Biển Đông và hoạt động diễn ra hầu như quanh năm. Vùng biển Việt Nam nằm cận kề tuyến hành trình quốc tế quan trọng từ Đông – Bắc Á đi các nước, là nơi hoạt động của đội tàu dịch vụ, du lịch, khai thác dầu khí, quốc phòng và an ninh trên biển. Ngoài ra, trên vùng trời Biển Đông có nhiều tuyến bay của các hãng hàng không dân dụng quốc tế hoạt động cả ban ngày và ban đêm.

Trong khi đó, thời tiết khu vực trong những năm gần đây có những biến đổi khó lường theo chiều hướng ngày càng phức tạp, làm cho nguy cơ hiểm họa hoạt động hàng hải ngày càng gia tăng và khả năng đối phó với hiểm họa thiên nhiên của con người là rất nhỏ bé.

Với tất cả các yếu tố đó, tình hình tai nạn, sự cố trên biển và các nguy cơ dẫn đến tai nạn, sự cố đối với hoạt động giao thông trên biển Việt Nam cũng tăng lên là điều không thể tránh khỏi.

Hàng năm, lực lượng tìm kiếm, cứu nạn hàng hải đã thu nhận và xử lý từ 250 - 300 vụ việc liên quan đến tai nạn, sự cố trên biển, cứu và hỗ trợ hàng trăm lượt người, tàu thuyền trong và ngoài nước, bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải và các loại phương tiện giao thông khác gặp nạn trên vùng biển trách nhiệm của Việt Nam, góp phần giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra trên cả nước, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và uy tín của Việt Nam đối với quốc tế, góp phần xây dựng một môi trường đầu tư an toàn, tin cậy trong lĩnh vực hoạt động kinh tế biển.

Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về Tìm kiếm, cứu nạn trên biển (SAR 79) của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) từ năm 2007. Công ước quy định rất rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ của các quốc gia có biển phải tiến hành các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trong vùng biển thuộc trách nhiệm của mình. Tổ chức tốt các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển, đảm bảo an toàn sinh mạng con người, đem lại sự an tâm, tin tưởng của những người tham gia giao thông trên khu vực biển trách nhiệm của Việt Nam là đem lại danh dự và uy tín của Việt Nam đối với thế giới, tạo điều kiện phát triển kinh tế, hợp tác quốc tế, phù hợp với xu thế phát triển chung của khu vực và trên thế giới.

Với nghĩa vụ, trách nhiệm của một quốc gia có biển trong tiến trình tham gia hội nhập sâu, rộng với quốc tế, đồng thời triển khai thực hiện các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tháng 10/1996, Bộ Giao thông vận tải đã có quyết định thành lập Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ huy, điều hành các lực lượng, đơn vị tiến hành hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển, chủ trì phối hợp với các lực lượng liên quan thuộc các Bộ, ngành, địa phương để tiến hành tìm kiếm, cứu nạn trên vùng biển Việt Nam (trừ vùng nước cảng biển và vùng cấm, vùng hạn chế trên biển).

Hiện tại, Trung tâm có 4 Trung tâm khu vực trực thuộc có phạm vi hoạt động được chia làm 4 khu vực tìm kiếm, cứu nạn (SRRs); được trang bị 07 tàu tìm kiếm, cứu nạn chuyên dụng (trong đó có 03 tàu với chiều dài là 41m, tầm hoạt động bán kính 250 hải lý; 04 tàu với chiều dài là 27m) và 05 ca nô cao tốc phục vụ tìm kiếm, cứu nạn trên biển.

Thời gian gần đây hoạt động TKCN của Trung tâm được các cơ quan quản lý cũng như người dân đánh giá khá cao. Xin ông cho biết rõ thêm về sự cần thiết xây dựng Đề án đổi mới và nâng cao năng lực công tác phối hợp TKCN hàng hải của các lực lượng ngành GTVT tại Việt Nam?

Trong các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn trên biển hiện nay, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (sau đây gọi tắt là Trung tâm) là lực lượng nòng cốt, vì vậy cơ sở vật chất ngày càng được Nhà nước chú trọng đầu tư nâng cấp (đến nay đã có tất cả 07 tàu tìm kiếm, cứu nạn chuyên dụng và 04 Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực trải khắp từ Bắc đến Nam); hệ thống pháp luật hàng hải liên quan đến công tác tìm kiếm, cứu nạn ngày càng được hoàn thiện và được triển khai sâu rộng vào cuộc sống. Tuy nhiên, với những phát triển, đổi mới nhanh chóng của ngành Hàng hải trong thời gian qua, đặc biệt các vấn đề liên quan đến hợp tác quốc tế trên biển thì công tác phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải cũng cần được thay đổi, từng bước nâng cao hiệu quả, đáp ứng với sự phát triển của ngành Hàng hải Việt Nam nói riêng và của quốc tế nói chung.

Trước hết nói về phương diện quốc tế, Việt Nam đã là thành viên của Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 82), Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng người trên biển năm 1974 và Nghị định thư bổ sung năm 1978 (SOLAS 74/78). Các Công ước này quy định trách nhiệm của những quốc gia ven biển, quốc gia có tàu đăng ký mang cờ quốc tịch phải có nghĩa vụ bảo đảm an toàn hàng hải, tìm kiếm, cứu nạn đối với tàu thuyền mang quốc tịch của quốc gia mình và tàu thuyền nước ngoài hoạt động tại vùng biển của quốc gia đó nếu gặp tai nạn, sự cố. Pháp luật Việt Nam về cơ bản phù hợp với yêu cầu của các Công ước này. Thêm vào đó, chúng ta đã tham gia Công ước về tổ chức vệ tinh hàng hải quốc tế năm 1976 (INMARSAT-76) và Hiệp ước khai thác về Tổ chức vệ tinh hàng hải quốc tế năm 1976 (OA IMARSAT-1976). Công ước này điều chỉnh việc thiết lập, quản lý và sử dụng hệ thống vệ tinh quốc tế phục vụ mục đích hoạt động hàng hải, thương mại, bảo đảm an toàn hàng hải trên phạm vi toàn cầu.

Về vùng trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn của Việt Nam, sau khi Việt Nam tiến hành đầu tư, nâng cấp Hệ thống đài thông tin duyên hải, trong đó có trạm thu nhận tín hiệu vệ tinh mặt đất LES/LUT, tiến hành ký kết, tham gia Công ước INMARSAT-76 và Hiệp ước OA IMARSAT – 1976, đồng nghĩa vùng trách nhiệm VNMCC đã được tổ chức quốc tế công nhận. Hiện tại, Đề án đàm phán xác định vùng ranh giới trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn trên biển của Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chúng ta đang tiến hành đàm phán song phương với các nước có liên quan. Để việc đàm phán thành công, Việt Nam cần có sự đầu tư nhất định về trang thiết bị tìm kiếm, cứu nạn trên biển, đồng thời thực hiện tốt nghĩa vụ tìm kiếm, cứu nạn trên biển trước, trong và sau quá trình đàm phán.

Thêm vào đó, công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển của Việt Nam hiện nay có rất nhiều lực lượng tham gia. Hệ thống Đài thông tin duyên hải Việt Nam tiếp nhận các thông tin cấp cứu trên biển sau đó chuyển đến Trung tâm, các Trung tâm khu vực I, II, III, IV và các cơ quan, đơn vị TKCN có liên quan như Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Ban chỉ huy PCTT&TKCN địa phương ...; lực lượng tàu thuyền tham gia TKCN gồm tàu của Trung tâm, Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quân, Kiểm ngư, ngư dân, doanh nghiệp vận tải... Tuy nhiên, công tác phối hợp, xử lý thông tin ban đầu giữa các cơ quan, đơn vị còn nhiều hạn chế, bị động; đặc biệt công tác chỉ huy tại hiện trường chưa rõ ràng, thống nhất và việc điều động phương tiện tham gia hoạt động TKCN còn khó khăn...

Một lý do nữa phải thừa nhận là hoạt động của Trung tâm hiện nay bộc lộ nhiều khía cạnh bất cập, không phù hợp với thực tiễn hoạt động như đã nêu trên. Vì vậy, để hoạt động tìm kiếm, cứu nạn của Trung tâm đạt được mục tiêu trở thành hiện đại, chính quy, chuyên nghiệp và hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu phát triển chung của đất nước cũng như thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ của một quốc gia có biển, việc đổi mới và nâng cao năng lực công tác phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải là cần thiết. Hơn nữa, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn chuyên dụng còn yếu và thiếu, trang thiết bị phục vụ tìm kiếm, cứu nạn còn lạc hậu, chắp vá, thiếu đồng bộ là một trong những nguyên nhân làm cho hiệu quả hoạt động TKCN chưa đạt được như thực tế đòi hỏi.

Với 3.260 km bờ biển và trên 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế trên biển, Trung tâm chỉ có 07 tàu cứu nạn chuyên dụng ứng trực, lực lượng tìm kiếm, cứu nạn quá mỏng, ảnh hưởng lớn đến tính kịp thời và hiệu quả của hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển. Bên cạnh đó, phân định, phân công trách nhiệm về công tác tìm kiếm, cứu nạn giữa các địa phương, Bộ và ngành còn chưa rõ ràng. Các Cảng vụ hàng hải cần có cơ chế, chính sách về chế độ, tài chính và trang thiết bị để thực hiện nhiệm vụ mới này. Mặt khác, cần có sự điều chỉnh về cán bộ và thực hiện đào tạo cho cán bộ, thuyền viên về nghiệp vụ tìm kiếm, cứu nạn và ngoại ngữ chuyên ngành.

Để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện tốt hơn nữa nghĩa vụ của quốc gia thành viên, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về hàng hải, trong đó có các quy định về tìm kiếm, cứu nạn hàng hải, xây dựng lực lượng tìm kiếm, cứu nạn có đủ năng lực. Đây là đòi hỏi hết sức cần thiết hiện nay và sau này.

Như vậy, chúng ta rất cần có sự đổi mới cơ chế phối hợp nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam và Đề án được xây dựng nhằm đánh giá thực trạng cũng như đưa ra các giải pháp để triển khai thực hiện trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, cứu nạn hàng hải ở Việt Nam.

Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải Khu vực I và Cục Kiểm ngư Việt Nam diễn tập TKCN trên biển

Ông có thể cho biết rõ hơn về nội dung của Đề án?

Đề án tập trung nghiên cứu về hiện trạng hoạt động phối hợp tìm kiếm, cứu nạn; tổ chức, quản lý, điều động phương tiện; tình hình đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn của Trung tâm; công tác phối hợp giữa Trung tâm với Công ty thông tin điện tử hàng hải Việt Nam (sau đây gọi tắt là Công ty thông tin điện tử) và các Cảng vụ hàng hải; mối quan hệ với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành Hàng hải; các tồn tại, bất cập trong hoạt động phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển; tham khảo mô hình hoạt động tìm kiếm, cứu nạn của một số quốc gia. Trên cơ sở đó, Đề án đưa ra các nội dung đổi mới và nâng cao năng lực công tác phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải tại Việt Nam nhằm đổi mới và nâng cao năng lực công tác phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải đáp ứng yêu cầu thực tiễn về tìm kiếm, cứu nạn tàu thuyền trên biển và thực hiện đầy đủ các quy định của Công ước quốc tế về tìm kiếm, cứu nạn hàng hải năm 1979 (SAR 79) mà Việt Nam là thành viên.

Giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2016, chúng tôi đã rà soát đề nghị sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tìm kiếm, cứu nạn đảm bảo đồng bộ, tránh chồng chéo; Đổi mới, kiện toàn cơ chế, chính sách về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm; Nâng cao năng lực quản lý, trình độ nghiệp vụ, thực hành tìm kiếm, cứu nạn của cán bộ, thuyền viên Trung tâm, các Cảng vụ hàng hải và Công ty thông tin điện tử; Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển; Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển.

 Sang giai đoạn 2016 – 2020, chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển; xây dựng đội ngũ cán bộ, thuyền viên đáp ứng yêu cầu công tác tìm kiếm, cứu nạn trên vùng biển Việt Nam, trong vùng nước cảng biển và hợp tác quốc tế về tìm kiếm, cứu nạn.

Cụ thể, chúng tôi sẽ rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về tìm kiếm cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển. Trong đó, sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện chế độ, chính sách đối với thuyền viên, người lao động, xây dựng các quy trình, quy chế, quy định. Đồng thời, kiện toàn cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của cơ quan tìm kiếm, cứu nạn hàng hải. Đặc biệt, chúng tôi quyết tâm nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn nghiệp vụ thực hành tìm kiếm cứu nạn của cán bộ, công chức, viên chức và thuyền viên làm công tác TKCN. Song song với đó là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phương tiện thiết bị kỹ thuật phục vụ TKCN hàng hải. Theo đó, chúng tôi tận dụng tối đa các phương tiện và trang thiết bị hạ tầng sẵn có, đồng thời triển khai sửa chữa duy tu, nâng cấp xây dựng các Trung tâm khu vực II, III, IV và xây dựng các Trạm tìm kiếm, cứu nạn hàng hải tại tỉnh Kiên Giang, tại đảo Bạch Long Vĩ -Tp. Hải Phòng, tại Tp. Quy Nhơn - tỉnh Bình Định và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Chúng tôi cũng đang nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cho đầu tư đóng mới 04 tàu tìm kiếm, cứu nạn hoạt động xa bờ bằng nguồn Ngân sách Nhà nước hoặc ODA. Các tàu tìm kiếm, cứu nạn hoạt động xa bờ có kích thước thiết kế đủ lớn, đủ lượng dự trữ cho thuyền viên sinh hoạt dài ngày, được trang bị thiết bị hiện đại phục vụ cho việc tìm kiếm, cấp cứu nạn nhân, chống dầu tràn phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển; có két chứa đủ nhiên liệu phục vụ cho tàu hoạt động dài ngày. Đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, điều hành hoạt động TKCN cũng là một vấn đề cần thiết trong giai đoạn tới đây.

Và vấn đề quan trọng nhất chúng tôi đặt ra trong Đề án, đó là xây dựng quy chế giữa các cơ quan đơn vị, địa phương liên quan về phối hợp TKCN, quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin trong hoạt động TKCN hàng hải cũng như tăng cường hợp tác quốc tế trong phối hợp TKCN trên biển.

Đầu tiên là phải đổi mới Cơ chế chỉ đạo điều hành hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển. Sau đó, là xây dựng Quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin trong hoạt động TKCN hàng hải, từ đó xây dựng Phương án phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành.

Chúng tôi tin tưởng rằng, được sự quan tâm của Chính phủ và đặc biệt là Bộ GTVT, hoạt động TKCN trên biển sẽ ngày càng hoàn thiện, phát triển, cứu và hỗ trợ được tàu thuyền trong và ngoài nước, góp phần khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế với mục tiêu Vì bình yên biển đảo Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Nhung (thực hiện)

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)