Ngày 23 và 24/11/2016, tại Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh, Cục Đăng kiểm Việt Nam và Cục Hàng hải Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội nghị tăng cường an ninh hàng hải cho tàu biển năm 2016.
Đại diện Cục An ninh A67 (Bộ Công an), Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, các chi cục đăng kiểm, các cảng vụ hàng hải, các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên và hơn 100 công ty vận tải biển quốc tế tham dự Hội nghị.
Cục An ninh A67 (Bộ Công an), Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Cục Đăng kiểm VN, Cục Hàng hải VN,
các chi cục đăng kiểm, các cảng vụ hàng hải, các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên
và hơn 100 công ty vận tải biển quốc tế tham dự Hội nghị
Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2016 số lượng các sự cố an ninh đối với tàu biển trên phạm vi toàn cầu giảm 24% so với cùng kỳ năm 2015. Hoạt động tội phạm xảy ra đối với tàu biển tại khu vực Sừng Châu Phi, Nam Phi và Trung Mỹ ở mức rất thấp. Tại khu vực châu Á, trong 9 tháng đầu năm 2016, chỉ xảy ra 64 vụ cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào tàu biển, giảm 65% so với cùng kỳ năm ngoái (184 vụ). Riêng khu vực Đông Nam Á, trong 9 tháng qua số vụ việc mất an ninh tàu biển giảm 61% so với năm 2015. 9 tháng đầu năm 2016 được ghi nhận là giai đoạn có số vụ cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào tàu tại khu vực Đông Nam Á thấp nhất từ năm 2009 đến nay; trong đó tại eo Malacca chỉ xảy ra 02 vụ so với con số 96 vụ của cùng kỳ năm 2015.
Tuy nhiên, một điều hết sức lo ngại là trong năm 2016, số vụ tấn công tàu để bắt giữ thuyền viên nhằm mục đích đòi tiền chuộc tại khu vực Đông Sabah và Tây Nam Philippins, là khu vực hoạt động của Tổ chức Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf, đang phát triển theo chiều hướng rất nguy hiểm. Vùng biển giáp rang giữa 3 nước Malaysia, Indonesia và Philippines là khu vực rất đáng lo ngại. Các tàu bị tấn công thường là các mục tiêu “mềm” (tốc độ chậm, trọng tải nhỏ, mạn khô thấp, đoàn tàu lai, tàu cá, du thuyền).
Minh chứng cụ thể là chỉ từ ngày 06 đến 19/11/2016, tại khu vực giữa quần đảo Sulu của Philippines (là sào huyệt của Abu Sayyaf) và Đông Sabah của Malaysia đã xảy ra bốn vụ tấn công tàu thuyền để bắt giữ người đòi tiền chuộc, trong đó có tàu Royal 16 của Việt Nam ngày 11/11/2016 với 06 thuyền viên bị bắt giữ và 01 thuyền viên bị bắn gây thương tích.
Từ ngày 01/7/2004 đến nay, các bên liên quan của Việt Nam, trong đó quan trọng nhất là các công ty vận tải biển và đội ngũ sỹ quan, thuyền viên làm việc trên tàu đã hết sức cố gắng trong việc triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh hàng hải theo quy định của Bộ luật quốc tế về an ninh tàu và cảng biển (ISPS) của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), nhằm tăng cường khả năng hoạt động an toàn của đội tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế và làm giảm thiểu các rủi ro về an ninh nhằm vào tàu. Tuy nhiên, đã xảy ra những vụ cướp tấn công tàu hết sức đáng tiếc, mà điển hình là: tàu Hoàng Sơn Sun với 24 thuyền viên bị cướp biển Somalia bắt giữ từ tháng 01 đến tháng 10/2011; tháng 10/2014, tàu Sunrise 689 bị bắt, bị cướp dầu hàng ngay khi rời Singapore khoảng 40 phút, 2 thuyền viên bị thương; tàu PV Asphalt 2 bị cướp tấn công tại vùng biển phía Nam bang Johor (Malaysia) tháng 12/2014, máy ba bị bắn chết; tháng 4/2015, tàu Xuan Hieu Group 19 bị cướp trang thiết bị và tư trang thuyền viên tại khu vực phía Bắc đảo Tioman (Malaysia); và mới đây nhất là vụ việc tàu Royal 16.
Các vụ cướp nhằm vào tàu gây ra những tổn thất hết sức to lớn về vật chất, sinh mạng, sức khỏe thể chất, tinh thần và tâm lý của các công ty vận tải biển, đội ngũ sỹ quan, thuyền viên làm việc trên tàu, uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn và tự do hàng hải. Chúng ta cần phải có những giải pháp hữu hiệu để làm giảm thiểu các rủi ro cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào đội tàu biển Việt Nam.
Các báo cáo tại Hội nghị của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục A67, Cảnh sát biển đã cung cấp, cập nhật thông tin an ninh hàng hải nói chung, nguy cơ cướp biển, cướp có vũ trang nhằm vào tàu nói riêng đến các công ty vận tải biển và thuyền viên, nhằm mục đích nâng cao nhận thức, cảnh giác, phòng ngừa và ngăn chặn hiệu quả những sự cố an ninh không mong muốn có thể xảy ra, đặc biệt là cướp biển, cướp có vũ trang nhằm vào đội tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế.