Nghề cứu nạn trên biển

Thứ sáu, 28/07/2017 10:38
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
"Khi có bão, sóng to gió lớn, những con tàu đều chạy vào bờ tìm nơi tránh trú an toàn, còn chúng tôi, nếu nhận được tín hiệu cấp cứu là lập tức chạy ra biển", một thành viên cứu hộ trên tàu SAR 274 tâm sự.

Khẩn trương từng giờ, từng phút

Rạng sáng 17/7, bão số 2 đổ bộ vào Nghệ An, con tàu VTB 26 neo đậu gần đảo Hòn Ngư chỉ kịp phát tín hiệu cấp cứu rồi đột ngột bị lật úp giữa biển khơi. Nhận được tin báo, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam (VMRCC) lập tức điều hai tàu tìm kiếm, cứu nạn thuộc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực I có trụ sở tại TP. Hải Phòng và Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực II có trụ sở tại TP Đà Nẵng đến hiện trường để phối hợp với các lực lượng của tỉnh Nghệ An, ngư dân và các tàu hàng thực hiện nhiệm vụ.

Tàu tìm kiếm, cứu nạn của VMRCC tìm kiếm thuyền viên tàu VTB 26 mất tích tại vùng biển Cửa Lò.

Trong những ngày đó, chúng tôi có dịp lên tàu SAR 274 - một trong những tàu cứu hộ để chứng kiến và ghi nhận công tác cứu hộ, cứu nạn khẩn trương. Ông Nguyễn Như Đài - thành viên tàu SAR 274 quê gốc xã Nam Phúc (Nam Đàn). Đứng trên boong tàu, người đàn ông tóc đã điểm màu muối tiêu, nước da ngăm đen hướng ánh mắt căng thẳng về chiếc ca nô đang chở các thợ lặn tiếp cận vị trí tàu VTB 26 lật úp cách đó chừng 100 m.

Ông cho biết: “Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực II trụ sở tại Đà Nẵng có phạm vi hoạt động từ ranh giới phía Nam vùng biển tỉnh Hà Tĩnh đến ranh giới phía Nam vùng biển tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, lần này VMRCC điều tàu SAR 274 ra vùng biển Nghệ An để phối hợp với tàu SAR 411 Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực I có phạm vi hoạt động từ ranh giới phía Nam vùng biển tỉnh Hà Tĩnh đến hết vùng biển tỉnh Quảng Ninh để phối hợp tìm kiếm các thuyền viên tàu VTB 26”.

“Sáng sớm 17/7, nhận được lệnh điều động của trung tâm ở Hà Nội là chúng tôi chính thức di chuyển ngay để kịp thời phối hợp thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn” - ông Đài nói. Chia sẻ thêm về nghề, người đàn ông giản dị với chất giọng Nghệ cho biết, trước đây ông từng làm trên tàu chở hàng nhưng rồi cơ duyên đã mang ông đến với nghề tìm kiếm, cứu nạn trên biển. 11 năm gắn bó với nghề đặc biệt này cũng là ngần ấy thời gian ông thường xuyên đối mặt với bao sóng gió, hiểm nguy, cùng với đồng nghiệp góp phần mang lại niềm vui đoàn tụ cho không ít gia đình những người lao động trên biển. Không tính đếm được ông đã trực tiếp tham gia cứu hộ, cứu nạn bao nhiêu trường hợp, mà phần nhiều là tàu cá của ngư dân miền Trung bị hỏng hóc máy móc, ngư dân gặp tai nạn trên biển…

Ông Đài trải lòng: “Đợt này thực hiện tìm kiếm, cứu nạn ở Cửa Lò điều kiện thời tiết còn rất tốt. Còn với anh em chúng tôi thì khoảng 50% cuộc tìm kiếm, cứu nạn trên biển là rất nguy hiểm vì luôn đối mặt với sóng to, gió lớn”.

Những ngày trực tiếp có mặt tại Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tàu VTB 26 đóng tại Cửa Lò, chúng tôi được gặp ông Nguyễn Văn Tính - Phó Tổng Giám đốc VMRCC. Có mặt ngay từ ngày đầu tiên nắm thông tin tàu VTB26 gặp nạn, ông Tính là người trực tiếp bàn bạc, trao đổi phương án phối hợp tìm kiếm, cứu nạn với các lực lượng phối hợp của tỉnh. Lúc trên bờ, lúc dưới tàu, người đàn ông cao lớn, chất giọng quả quyết luôn bám sát tình hình.

Ông Tính chia sẻ: “Đội ngũ tàu chuyên dụng cứu nạn hàng hải, chúng tôi chấp nhận đi trong điều kiện thời tiết hết sức khó khăn, sóng gió lớn để kịp thời đến hiện trường. Cứu nạn có nhiều phương án, ưu tiên theo thứ tự sắp xếp. Để cứu sự sống cho thuyền viên, chúng tôi khẩn trương từng giờ, từng phút”. Vất vả, hiểm nguy là vậy nhưng bất chấp tất cả, những người làm công tác cứu hộ, cứu nạn đều vượt qua, bởi với họ niềm hạnh phúc lớn nhất là được chứng kiến những nụ cười, cảm xúc vỡ oà của giây phút đoàn viên giữa những người gặp nạn được cứu sống trên đại dương bao la với người thân.

Những hy sinh thầm lặng

Phía sau công việc của những người cứu hộ, cứu nạn trên biển, ít ai hiểu được những hy sinh thầm lặng của họ. Đó là bữa ăn, giấc ngủ không trọn vẹn. Hôm lên tàu SAR 274, sau một buổi sáng cật lực tìm kiếm, cán bộ, thuyền viên tàu mời chúng tôi dùng bữa cơm trưa vội. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hoà, quê gốc ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) chia sẻ thực lòng, với anh em trong những chuyến công tác trên biển, để có được bữa cơm tươm tất là rất khó vì công việc thường xuyên phải đối mặt với sóng to, gió lớn, tàu rung lắc mạnh.

Mỗi người làm công việc cứu hộ, cứu nạn cũng hy sinh rất nhiều niềm riêng của bản thân. Thuyền trưởng Hoà, thợ máy Đài, mặc dù là người quê Nghệ An nhưng từ khi tham gia cứu hộ tại Cửa Lò, họ chưa hề có thời gian về thăm gia đình chỉ ở cách đó mấy chục cây số.

Thợ máy Nguyễn Như Đài - tàu SAR 274 cho biết, vẫn còn mẹ già và các anh, chị ở quê nhà xã Nam Phúc (Nam Đàn). Thế nhưng từ hôm theo tàu ra Cửa Lò cũng chỉ kịp tranh thủ gọi điện về hỏi thăm sức khoẻ mẹ và mọi người trong gia đình. “Khi công tác tìm kiếm, cứu nạn kết thúc, tàu sẽ được điều trở về Đà Nẵng. Chuyện về quê thế là thất hẹn!” - ông Đài bộc bạch.

Ông Nguyễn Như Đài - thành viên tàu SAR (phải) trao đổi với phóng viên. 

Tiếp câu chuyện của ông Đài, anh Nguyễn Minh Tuấn, 36 tuổi ở quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng cũng là một thành viên tàu SAR 274 chia sẻ, những cuộc điện thoại báo chuyến đi biển đột xuất đã trở nên quen thuộc. Hiện anh Tuấn có vợ và 2 con, đứa lớn gần 3 tuổi, đứa nhỏ mới vừa tròn 3 tháng nhưng anh cũng không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Nhất là trong thời gian từ tháng 7 năm nay đến tháng 1, tháng 2 năm sau là mùa mưa bão, biển động nên tàu, thuyền gặp nạn, cần cứu hộ nhiều. Các anh hầu như phải liên tục di chuyển, có những chuyến cứu hộ kéo dài gần nửa tháng.

“Lúc vợ mang bầu đứa thứ hai, mình đang chở vợ đi siêu thị, vừa chở đến cổng có điện thoại đi cứu nạn, đành để vợ bắt taxi về. Vợ con phải thật sự thông cảm, trước khi cưới mình đã nói về đặc thù công việc để cô ấy hiểu” - anh Tuấn trải lòng.

“Tàu là nhà, biển cả là quê hương, tính mạng con người là trên hết” - câu khẩu hiệu phản ánh chân thực cuộc sống, công việc và sự hy sinh lớn lao của những người làm công tác tìm kiếm, cứu nạn. Vì ngoài kia, giữa đại dương bao la, xanh thẳm, các anh chính là hy vọng của những con tàu, thuyền viên giữa lúc nan nguy.

Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam (VMRCC) là tổ chức chuyên trách về Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam. VMRCC chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ huy và điều hành các lực lượng, đơn vị thuộc ngành Hàng hải Việt Nam phối hợp tìm kiếm cứu nạn thuộc chuyên ngành, đồng thời tham gia, phối hợp với các lực lượng liên quan trong và ngoài ngành để tiến hành tìm kiếm và cứu nạn trên biển dưới sự điều hành của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn. VMRCC ngoài trụ sở chính đóng tại Hà Nội còn có Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực I đóng tại Hải Phòng, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực II đóng tại Đà Nẵng, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực III đóng tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực IV đóng tại Khánh Hoà.


 

hoavt

Nguồn: Báo Nghệ An

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)