Những năm gần đây, biến đổi khí hậu toàn cầu đã làm cho thiên tai trên biển ở nước ta có chiều hướng ngày càng phức tạp. Trên biển đã xuất hiện những loại hình thiên tai mới như: gió mạnh sóng lớn, thời tiết nguy hiểm, cực đoan trên biển,…Trong khi đó, theo số liệu của Hệ thống TTDH Việt Nam, tình hình tai nạn của tàu thuyền Việt Nam diễn ra khá phức tạp, xuất hiện tính chất tai nạn mới, đó là sự kiện tàu Việt Nam bị tàu lạ nước ngoài rượt đuổi, tấn công, bắt giữ thuyền viên và đâm va, đâm chìm khi đang hoạt động trên biển.
Ảnh minh họa
Qua sự việc trên cho thấy, việc giữ thông tin liên lạc giữa Hệ thống Thông tin Duyên hải trên đất liền và các phương tiện hoạt động trên biển được thông suốt là yêu cầu bắt buộc đối với các loại tàu/ phương tiện theo và không theo SOLAS.
Cùng với đó, chính sách liên quan đến hoạt động PCTT trên biển đã được chuyển dịch khá rõ ràng, đã có sự quan tâm, đầu tư cho các phương tiện hoạt động trên biển (thay vì trước đây, chỉ quan tâm đến công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai trên đất liền). Cụ thể, năm 2013, quốc hội ban hành Luật PCTT, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành hai quyết định quan trọng trong hoạt động PCTT, đó là Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ban hành quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai và quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ban hành quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai và gần đây nhất là luật khí tượng thủy văn số 90/2015/QH13.
Về hoạt động TKCN: Việc thay đổi chính sách liên quan đến hoạt động TKCN được thể hiện bằng Quyết định số 06/2014/QĐ-TTg về quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển và trong Vùng nước cảng biển. Theo đó, mô hình, nhiệm vụ phối hợp thông tin TKCN, PCTT trên biển đã được định rõ và là bản lề cho các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp thực hiện.
Theo đó, thực hiện các văn bản pháp lý của Nhà nước, Chính phủ cũng như của ban, bộ, ngành liên quan về thông tin liên lạc trên biển, Hệ thống TTDH Việt Nam thực hiện công tác bảo đảm thông tin liên lạc cho tàu thuyền hoạt động trên biển bằng việc:
Tổ chức trực canh liên tục 24/7 trên các tần số theo quy định để tiếp nhận, xử lý thông tin Cấp cứu – Khẩn cấp nhận được từ các phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển (Thoại: tần số 7903 kHz, kênh 16 VHF; DSC trên các dải tần MF/HF/VHF; Thông tin vệ tinh: Cospas-Sarsat (EPIRB, PLB, ELT), Inmarsat). Sau đó kết nối, phối hợp, chuyển tiếp thông tin kịp thời, hiệu quả tới các Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam, các MRCC khu vực, Bộ đội Biên phòng, Lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư, các Trung tâm y tế, … để hỗ trợ phương tiện bị nạn kịp thời.
Tổ chức tiếp nhận, phát quảng bá thông tin về Cảnh báo Thiên tai, Cảnh báo Hành hải, Dự báo thời tiết biển, thông tin Tìm kiếm cứu nạn kịp thời trên các phương thức, tần số theo quy định (Phương thức Thoại trên tần số 7906 kHz, 8294 kHz; 13434 kHz kênh 18 VHF; Phương thức Navtex trên các tần số 490 kHz, 518 kHz, 4209.5 kHz; Phương thức Inmarsat EGC/ SafetyNet). Ngoài việc phát quảng bá thông tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên biển với tần suất 132 phiên/ ngày trên các tần số 7906 kHz và 8294 kHz trong điều kiện bất thường (có bão, áp thấp nhiệt đới, …). Hệ thống TTDH Việt Nam còn thường xuyên cập nhật thông tin về khu vực, vùng nguy hiểm trên biển do ảnh hưởng của thiên tai từ Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT để truyền phát kịp thời cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết và không di chuyển vào khu vực đó hoặc có thể tự thoát ra khỏi vùng nguy hiểm tìm nơi tránh trú an toàn.
Trong giai đoạn 2012-2016: Hệ thống TTDH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý hơn 2400 sự kiện thông tin cấp cứu khẩn cấp. Qua việc xử lý các thông tin cấp cứu khẩn cấp trên hệ thống đã trợ giúp hơn gần 10.000 ngư dân, thuyền viên Việt Nam và gần 1.000 thuyền viên người nước ngoài. Cũng trong giai đoạn 2012 – 2016, Hệ thống đã phát quảng bá hơn 700.000 lượt thông tin an toàn hàng hải và tìm kiếm cứu nạn cho các phương tiện hoạt động trên biển. Những con số và sự kiện trên phần nào đã thể hiện vai trò quan trọng của Hệ thống TTDH Việt Nam đối với hoạt động Tìm kiếm Cứu nạn, Phòng chống Thiên tai và bảo đảm An toàn – An ninh hàng hải cho các phương tiện hoạt động trên biển.
Vũ Phương Thanh