Việt Nam đã hợp tác với quốc tế và các quốc gia trong khu vực bằng việc ký kết các hiệp định, thỏa thuận hợp tác trong công tác TKCN.
Lực lượng TKCN Việt Nam sẵn sàng làm nhiệm vụ
Việt Nam đã tổ chức và duy trì hệ thống phối hợp tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trên biển với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương để thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của một quốc gia ven biển trong hoạt động TKCN trên biển.
Ký kết các hiệp định, thỏa thuận hợp tác trong công tác TKCN
Trở thành thành viên chính thức của Công ước Quốc tế về TKCN trên biển năm 1979 (Công ước SAR 79) từ năm 2007, Việt Nam đã hợp tác với quốc tế và các quốc gia trong khu vực bằng việc ký kết các hiệp định, thỏa thuận hợp tác trong công tác TKCN. Đồng thời, tích cực phối hợp thu nhận, xử lý thông tin cấp cứu trên biển, tổ chức và điều hành hoạt động tìm kiếm người, phương tiện bị nạn trên vùng biển thuộc quốc gia mình quản lý hay các vùng biển chồng lấn.
Đến nay, Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác quốc tế về TKCN trên biển với các quốc gia trong khu vực biển Đông như Hiệp định Hàng hải với 7 quốc gia trong khu vực biển Đông; thông qua Tuyên bố ASEAN về hợp tác TKCN người và tàu thuyền gặp nạn trên biển; ký kết Thỏa thuận với Chính phủ Cộng hòa Philippines về hợp tác trong lĩnh vực TKCN…
Tổ chức và duy trì hệ thống phối hợp TKCN trên biển
Để bảo đảm an toàn cho mọi hoạt động an ninh, an toàn tính mạng của con người trên biển và tuân theo Công ước Quốc tế về tìm kiếm cứu nạn trên biển, Chính phủ Việt Nam đã phân trách nhiệm chủ trì TKCN trong vùng nước cảng biển, trên vùng biển Việt Nam, vùng cấm, vùng hạn chế trên biển để các lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn hiệu quả trên các vùng biển Việt Nam cũng như phối hợp với các quốc gia khác trong khu vực.
Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam có 4 trung tâm khu vực trực thuộc có phạm vi hoạt động được chia làm 4 khu vực tìm kiếm, cứu nạn (SRRs); được trang bị 7 tàu TKCN chuyên dụng và một số ca nô cao tốc phục vụ TKCN trên biển.
Hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam nằm trong Hệ thống cấp cứu và an toàn hàng hải toàn cầu (GMDSS) của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) mà Việt Nam là thành viên. Đây là một hệ thống thông tin chuyên dùng ngành hàng hải, đáp ứng mọi nhu cầu thông tin của tàu thuyền như thông tin liên lạc, dẫn đường, tìm kiếm cứu nạn, hoạt động trên tất cả các vùng biển trong nước và quốc tế. Hệ thống gồm 29 đài thông tin duyên hải nằm trải dọc bờ biển Việt Nam từ Móng Cái đến Kiên Giang; Đài Thông tin Vệ tinh mặt đất Inmarsat; Đài thông tin vệ tinh Mặt đất Cospas-Sarsat Việt Nam, Trung tâm Xử lý thông tin hàng hải Hà Nội. Hệ thống này được trang bị thiết bị hiện đại với các máy phát sóng đa năng, công suất lớn, phủ sóng trên tất cả các vùng biển từ A1 đến A4, cho phép các phương tiện có thể liên lạc bằng những phương thức từ truyền thống đến các phương thức tiên tiến nhất đang áp dụng trong lĩnh vực thông tin hàng hải trên thế giới…
Dọc theo bờ biển Việt Nam còn có Hệ thống thông tin nhận dạng tự động (AIS) có khả năng phủ sóng vùng biển A1 trợ giúp cho các hoạt động TKCN trong vùng nước cảng biển và vùng biển gần bờ (cách bờ đến 50 hải lý).
Mới đây, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin nhận dạng và truy theo tầm xa (hệ thống thông tin LRIT) có khả năng phủ sóng vùng biển A1, A2, A3 trợ giúp rất hiệu quả cho hoạt động TKCN…
Ngoài lực lượng TKCN hàng hải Việt Nam, còn có các cơ quan chức năng của các bộ, ngành như: Bộ Quốc phòng, Bộ NN&PTNT được Nhà nước giao trách nhiệm và trang bị phương tiện (tàu, máy bay) để thực hiện công tác phối hợp TKCN trên biển…