Hệ thống Đài Thông tin Duyên hải (TTDH) Việt Nam trực canh 24/24 giờ, 7 ngày/tuần kể cả các ngày lễ, Tết, sẵn sàng cho việc thu nhận và xử lý các thông tin liên quan đến báo động cấp cứu từ tất cả các tàu thuyền, phương tiện gặp nạn hoặc có sự cố trên biển, trên không, trên đất liền qua các phương thức thông tin như dưới đây.
Thu nhận, xử lý báo động cấp cứu qua phương thức DSC
DSC là một phương thức kết nối thông tin mới và là một phần công nghệ quan trọng của Hệ thống thông tin cấp cứu an toàn hàng hải toàn cầu (GMDSS) trên các dải sóng HF, MF và VHF. Chức năng DSC trên các thiết bị thu phát VHF/MF/HF được sử dụng để tàu phát tín hiệu cấp cứu tới bờ cũng như bờ phát xác nhận điện cấp cứu tới tàu.
Khi tàu gặp nạn, khai thác viên trên tàu gửi các thông tin ngắn gọn về tình trạng của tàu theo mẫu điện sẵn có trên máy thông tin VHF/ MF/ HF. Nội dung của bức điện cấp cứu phát đi gồm các thông tin tên tàu gọi, quốc tịch tàu, vị trí, thời gian bị nạn, tính chất bị nạn và phương thức liên lạc tiếp theo... Khi gửi điện DSC, tàu có thể lựa chọn gửi điện tới Đài TTDH hoặc tới một nhóm đài TTDH hoặc tất cả các đài TTDH trong một khu vực địa lý. Trong trường hợp khẩn cấp, không còn thời gian để gửi thông tin, khai thác viên có thể nhấn nút cấp cứu trên thiết bị để gửi các thông tin cơ bản của tàu cho Đài TTDH.
Thời gian phát mỗi bức điện DSC từ tàu đến Đài TTDH Việt Nam mất khoảng 0,6 giây trên sóng VHF và khoảng 7 giây trên sóng MF/ HF.
Bức điện DSC Đài TTDH thu nhận được là một bức điện ngắn tương tự như tin nhắn SMS trên điện thoại di động. Trường hợp là điện cấp cứu hoặc khẩn cấp, chuông báo hiệu reo liên tục tại Đài TTDH cho tới khi khai thác viên tại Đài TTDH đọc bức điện. Các thông tin về tàu bị nạn như tên tàu, vị trí tàu, tính chất tai nạn và yêu cầu trợ giúp của tàu ngay lập tức được Đài TTDH chuyển tới các cơ quan chức năng về tìm kiếm cứu nạn để phối hợp thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn cho tàu.
Các tần số quốc tế DSC Đài TTDH trực canh: 2187.5 kHz, 4207.5 kHz, 6312 kHz, 8414.5 kHz, 12577 kHz, 16804.5 kHz, Kênh 70.
Thoại trên kênh 16 VHF
Phương thức vô tuyến thoại VHF là phương thức liên lạc ở cự ly ngắn (khoảng trên dưới 30 hải lý) thuộc phân hệ sóng mặt đất. Trong các trường hợp cấp cứu, việc sử dụng phương thức này vừa đảm bảo yếu tố kết nối thông tin đơn giản vừa đem lại hiệu quả cao. Chính vì vậy, theo GMDSS, thiết bị vô tuyến thoại VHF là một trong những điều bắt buộc phải trang bị trên tàu.
Hệ thống Đài TTDH Việt Nam luôn đảm bảo trực canh 24/24 giờ trên kênh 16 VHF để thu nhận và xử lý các báo động cấp cứu. Bằng phương thức này, hệ thống đã thu nhận và chuyển tiếp thông tin đến các cơ quan tìm kiếm cứu nạn liên quan, từ đó góp phần cứu sống hàng ngàn người và phương tiện.
Trong các tình huống khẩn cấp, phương thức thoại VHF không chỉ được coi là phương thức báo động ban đầu mà còn có thể sử dụng để liên lạc các thông tin tiếp theo. Ngoài việc báo nạn bằng phương thức thoại trên MF/HF, các tàu cũng được khuyến cáo phát tín hiệu báo nạn bằng phương thức thoại VHF để các tàu lân cận biết và trợ giúp.
Thu nhận, xử lý báo động cấp cứu từ thiết bị Inmarsat
Hệ thống Đài TTDH Việt Nam thu nhận và xử lý báo động cấp cứu phát đi từ thiết bị Inmarsat-C. Hệ thống Inmarsat thiết kế một kênh thông tin vệ tinh ưu tiên riêng trong các trường hợp cấp cứu, khẩn cấp. Thiết bị Inmarsat C có khả năng tạo một bức điện yêu cầu với mức ưu tiên cấp cứu với cách thức khá đơn giản cho người sử dụng. Chỉ cần nhấn nút được thiết kế sẵn trên thiết bị, khai thác viên trên tàu có thể chuyển bức điện cấp cứu tới Đài Thông tin vệ tinh Inmarsat (Đài LES) đã được chọn sẵn trong máy.
Đặc tính nổi bật của phương thức cấp cứu từ thiết bị Inmarsat là ngay sau khi gửi đi điện cấp cứu, tàu bị nạn và Đài LES có thể thiết lập ngay liên lạc hai chiều với nhau bằng các phương thức thoại hoặc Telex.
Với chất lượng thông tin cao, ổn định, tầm phủ sóng rộng khắp toàn cầu (ngoại trừ hai vùng Cực Bắc và Cực Nam), việc trang bị các thiết bị Inmarsat theo GMDSS được quy định bắt buộc đối với các tàu hàng, tàu vận tải hành trình trên các tuyến hàng hải trong nước và quốc tế.
Thu nhận, xử lý báo động cấp cứu từ các thiết bị phát tín hiệu cấp cứu qua Hệ thống vệ tinh Cospas-Sarsat
Thiết bị phát tín hiệu cấp cứu qua Hệ thống vệ tinh Cospas-Sarsat gồm 3 loại:
- Thiết bị phát tín hiệu cấp cứu ELT (Emergency Locator Transmitter): dùng trong ngành Hàng không;
- Thiết bị phát tín hiệu cấp cứu EPIRB (Emergency Position Indicating Radio Beacon): dùng trong ngành Hàng hải;
- Thiết bị phát tín hiệu cấp cứu PLB (Personal Locator Beacon): dùng trên đất liền;
Thiết bị phát tín hiệu cấp cứu qua vệ tinh hoạt động theo hai cơ chế: tự động và nhân công;
Phát tín hiệu cấp cứu tự động: khi tàu chìm xuống độ sâu khoảng 02 - 4m, dưới áp lực nước khóa của bộ nhả thủy tĩnh được bật tung ra, làm thiết bị được giải phóng ra giá đỡ và nổi lên trên mặt biển. Nước biển lúc này sẽ làm dây dẫn điện ngắn mạch phao, làm phao kích hoạt, tự động phát tín hiệu cấp cứu lên vệ tinh;
Phát tín hiệu cấp cứu nhân công: trong các trường hợp cấp cứu, khẩn cấp, người bị nạn có thể chủ động kích hoạt thiết bị phát tín hiệu cấp cứu bằng tay.
Khi các thiết bị trên phát tín hiệu cấp cứu và được các vệ tinh trong hệ thống
COSPAS-SARSAT thu nhận và xử lý tín hiệu, các tín hiệu đó được chuyển tiếp tới đài thu và xử lý tín hiệu vệ tinh LUT, ở đó thông tin thu nhận sẽ được xử lý để xác định vị trí bị nạn cùng các thông tin liên quan đến người và phương tiện bị nạn. Các thông tin này sẽ cùng được gửi tới Trung tâm Điều hành MCC (Mission Control Centre) và Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn RCC (Rescue Co-ordination Centre) quốc gia cũng như tới các MCC khác hoặc tới một tổ chức tìm kiếm và cứu nạn thích hợp xác định tính chất bị nạn của thông tin này để phối hợp hành động
VISHIPEL