Đón Tết ở đảo đèn Hạ Mai

Thứ năm, 26/01/2023 10:35
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tết trên đảo Hạ Mai chẳng có không khí rộn ràng của những gia đình cùng nhau đi sắm Tết, cũng không có pháo hoa tưng bừng đón xuân.

Ngày nắng nóng bỏng đỉnh đầu, trời rét lại lạnh thấu xương

Chúng tôi đến đảo Hạ Mai (xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) trong một ngày cuối năm lạnh giá. Sau nhiều giờ lênh đênh trên biển trên chiếc tàu chở đồ tiếp tế của Xí nghiệp Bảo đảm an toàn hàng hải Đông Bắc Bộ, từ xa, giữa mịt mù biển thẳm đã thấy ánh sáng của đèn biển Hạ Mai như “con mắt” rực sáng của biển đêm.

Các công nhân của Trạm quản lý hải đăng Hạ Mai thực hiện công việc gác đèn,
kiểm tra dòng điện để đảm bảo đèn biển luôn sáng

Là một trong những hòn đảo xa đất liền nhất Tổ quốc, Hạ Mai vẫn chưa được trang bị cơ sở hạ tầng để những chuyến tàu ra vào đảo có thể cập bến thuận tiện. Không có cầu cảng nên tàu tiếp tế phải neo bên ngoài. Để lấy đồ tiếp tế, các công nhân của Trạm quản lý hải đăng Hạ Mai phải dùng xuồng nhỏ để tăng bo đồ vào bờ.

Tới Hạ Mai vào buổi tối mới thấy rõ cuộc sống vất vả của những công nhân bảo đảm an toàn hàng hải tại đây. Từ chân núi lên đỉnh trạm hải đăng, chúng tôi phải vượt qua 345 bậc thang dốc gần như thẳng đứng và xuyên rừng trong bóng tối không ánh điện. Cầm chiếc đèn pin nhỏ dẫn lối cho chúng tôi, anh Nguyễn Đăng Linh (Trạm phó) cười: “Sống ở đây, leo núi mãi cũng quen”.

Ra đảo từ năm 2018, anh Linh thừa nhận Hạ Mai là trạm khắc nghiệt nhất anh từng công tác. Ở một nơi không có dân cư, “hàng xóm” duy nhất của những công nhân trạm hải đăng Hạ Mai là các cán bộ biên phòng ở cách trạm khoảng 2km đường núi.

“Ở đảo thiếu “hơi người”, sống với thiên nhiên lâu nên mỗi lần về Hà Nội, tôi hơi bị đơ. Phải mất mấy ngày mới thích nghi được cuộc sống vội vã chốn thành thị”, anh Linh kể.

Còn đối với anh Nguyễn Hồng Tuyên - Trạm trưởng trạm hải đăng Hạ Mai, 17 năm ra đảo công tác và đã quen với cuộc sống tại đây nhưng anh vẫn thấy cuộc sống ở Hạ Mai khắc nghiệt.

Với trạm trưởng Nguyễn Hồng Tuyên, Hạ Mai là nơi khắc nghiệt nhất anh từng công tác.
Trong ảnh, anh Tuyên cũng các công nhân trạm lấy đồ tiếp tế từ tàu để vác lên trạm hải đăng.

“Trạm trên cao nên ngày bão rất to, ngày nắng tới đỉnh đầu nóng bỏng, trời rét lại lạnh thấu xương”, anh Tuyên thổ lộ và cho biết thêm, nguồn nước ngọt tại đây khan hiếm nên công nhân trạm vẫn chủ yếu dùng nước mưa. Những tháng mùa khô, anh em phải rất tiết kiệm mới đủ dùng. Những khi hết nước ngọt, trạm phải mua nước ngọt từ đất liền vào đựng trong bể dưới chân núi để vận chuyển dần lên trạm.

Chưa kể, đảo xa đất liền, đường đi lại khó khăn, mọi thứ từ lương thực thực phẩm, đồ đạc sinh hoạt, nhiên liệu... đều vận chuyển lên trạm bằng sức người. Tới nỗi, người ta ví von: “Yên Tử thì có cáp treo, Hạ Mai lại có “cáp” trèo bằng chân”.

Do đường lên trạm vất vả nên mỗi lần nhận tiếp tế thực phẩm và các vật dụng thiết yếu, sau khi đưa được nhiên liệu vào bờ, các công nhân phải chia nhỏ, chiết nhiên liệu vào các can 10 lít để gánh dần lên mỗi ngày phục vụ sinh hoạt, chạy máy phát điện.

Mới ra công tác tại trạm đèn Hạ Mai 2 năm, anh Nguyễn Đình Huynh (SN 1992) thừa nhận thời gian đầu đã “sốc” với cuộc sống nơi đây. Công việc của những người công nhân như anh thường là trực ca, gánh dầu từ dưới chân núi lên để chạy máy phát điện. Khi nhiên liệu chưa được vận chuyển lên hết, mỗi công nhân hay phải gánh 2 gánh lên núi mỗi ngày.

“Ban đầu, do chưa quen nên gánh một lúc tôi lại phải nghỉ vì rất mệt. Về sau, thể trạng dần quen và cũng có kinh nghiệm nên đỡ hơn”, anh Huynh bộc bạch.

Tết xa nhà, đồng nghiệp là gia đình

Những người công nhân bảo đảm an toàn hàng hải tại đảo Hạ Mai

cứ 3 tháng sẽ được về nhà một lần

Trước khi đến với nghề bảo đảm an toàn hàng hải, Huynh từng là thuyền viên đi tàu viễn dương. Lênh đênh trên biển 2 năm, chán cảnh xa nhà đằng đẵng nên anh quyết định trở về bờ làm việc. Cái duyên đưa anh đến với nghề gác đèn biển.

“Đi tàu, phải 10-12 tháng mới được về nhà một lần. Làm việc ở đây tuy cũng xa nhà nhưng cứ 3 tháng lại được về một lần”, nam công nhân cười hiền.

2 năm làm việc tại Hạ Mai cũng là 2 năm Huynh đón Tết tại đây. Ăn Tết tại một hòn đảo không có dân cư, lại xa nhà, chàng công nhân 31 tuổi không khỏi cảm thấy chạnh lòng vì nỗi nhớ gia đình, vợ con. Anh thừa nhận, cái Tết trên đảo buồn hơn bởi chẳng có không khí rộn ràng của những gia đình cùng nhau đi sắm Tết, cũng chẳng có pháo hoa tưng bừng đón xuân. Tuy nhiên, anh cũng thấy mình may mắn vì có hậu phương luôn động viên chồng vượt qua khó khăn. Đêm giao thừa, gọi điện về nhà trò chuyện cùng gia đình cũng khiến anh cảm thấy ấm áp phần nào.

Trong dịp Tết Nguyên đán, các công nhân ở trạm đèn biển Hạ Mai cũng sắm sửa đồ Tết mua từ Cẩm Phả (Quảng Ninh) để chuyển vào, cùng nhau gói bánh chưng và nấu những món ăn đặc trưng của ngày Tết. Khoảnh khắc Giao thừa của năm mới, họ quây quần để chúc mừng năm mới, gửi tới nhau những phong bao lì xì lấy lộc đầu năm và lời chúc tốt đẹp, cũng như qua “hàng xóm” là đơn vị biên phòng để chúc Tết.

Tết đến xuân về, những người công nhân bảo đảm an toàn hàng hải

vẫn luôn duy trì nhiệm vụ

“Anh em công nhân ở trạm đèn đều coi nhau như người nhà, gắn bó như người thân ruột thịt. Hàng tháng, trạm thường tổ chức buổi sinh hoạt chung để các anh em nêu những ưu điểm, khuyết điểm của nhau để cùng hoàn thiện, tạo nên tính thống nhất và đoàn kết”, Trạm trưởng Nguyễn Hồng Tuyên chia sẻ.

Vị trạm trưởng cũng cho biết trong dịp nghỉ lễ Tết, các công nhân gác đèn vẫn không quên nhiệm vụ. Ngày Tết, dù ai có nghỉ phép, trạm vẫn luôn duy trì đảm bảo quân số là 70%.

Sau khoảnh khắc sang canh của năm mới, các công nhân lại bước vào ca trực để đảm bảo đèn biển không gặp bất cứ trục trặc nào, luôn rọi sáng cho các tàu thuyền hành hải trên biển an toàn.

Dứt lời, những người công nhân gác đèn biển lại cần mẫn đi làm nhiệm vụ, trực ca tối. Một mùa xuân nữa lại đến trên hòn đảo nhỏ, trong cái gió lạnh se sắt thổi nơi ngọn đèn hải đăng sừng sững trên cao. Ngoài sân, những nụ hoa đào đang bừng hé nở...

nhunghv

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)