Sửa đổi, bổ sung năm 2014 của MLC sẽ có hiệu lực từ ngày 18/01/2017

Thứ sáu, 10/06/2016 07:24
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo Điều XIII của Công ước Lao động hàng hải (MLC), Công ước này được xem xét liên tục bởi Ủy ban đặc biệt ba bên (Special Tripartite Committee) bao gồm đại diện của các chủ tàu, thuyền viên và chính phủ. Ủy ban đặc biệt ba bên đã tổ chức cuộc họp đầu tiên từ ngày 7 đến ngày 11/4/2014 tại trụ sở Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ở thành phố Geneva, Thụy Sỹ.

Tại cuộc họp này, Ủy ban đã nhất trí thông qua các sửa đổi, bổ sung năm 2014 đối với Công ước MLC nhằm đưa ra các yêu cầu về an ninh tài chính chặt chẽ hơn đối với việc hồi hương thuyền viên và bồi thường cho thuyền viên trong trường hợp bị chết hay thương tật. Các sửa đổi, bổ sung này được đưa vào Quy định 2.5 (Hồi hương) và Quy định 4.2 (Trách nhiệm của chủ tàu). Hội nghị Lao động quốc tế lần thứ 104 của ILO đã phê chuẩn các sửa đổi, bổ sung năm 2014 của Công ước MLC vào ngày 13/6/2014. Theo đó, các sửa đổi, bổ sung này sẽ có hiệu lực từ ngày 18/01/2017.

Theo quy định tại các sửa đổi, bổ sung nói trên của Công ước MLC, quốc gia thành viên, sau khi tham vấn các tổ chức đại diện cho thuyền viên và chủ tàu, phải đảm bảo có hệ thống an ninh tài chính để chi trả trong các trường hợp sau:

1. Hồi hương thuyền viên và các chi phí liên quan (Quy định 2.5)

* Đến 4 tháng lương và các khoản tiền hợp pháp khác mà thuyền viên được quyền nhận.

* Chi phí hồi hương.

* Các nhu cầu cần thiết cho thuyền viên như thực phẩm, nơi ở và chăm sóc y tế.

2. Trách nhiệm của chủ tàu về chi trả theo hợp đồng đối với trường hợp thuyền viên bị chết hoặc tàn tật kéo dài do thương tật, bệnh tật hoặc các rủi ro nghề nghiệp được nêu trong hợp đồng tuyển dụng hoặc thỏa ước tập thể (Quy định 4.2)

* Đền bù theo hợp đồng phải được chi trả toàn bộ không chậm chễ.

* Nếu mức độ tàn tật không rõ ràng, phải thực hiện chi trả tạm thời.

* Việc chi trả không được làm tổn hại đến các quyền lợi khác.

* Không được ép buộc thuyền viên để chấp nhận số tiền ít hơn quy định theo hợp đồng.

* Thuyền viên phải có quyền hành động trực tiếp.

* An ninh tài chính phải duy trì hiệu lực trong suốt thời gian bảo hiểm, trừ trường hợp việc chấm dứt được thông báo trước tối thiểu là 30 ngày cho cơ quan có thẩm quyền của quốc gia tàu mang cờ quốc tịch.

Hệ thống an ninh tài chính phải đảm bảo sự tiếp cận trực tiếp của thuyền viên và sự hỗ trợ tài chính theo quy định. Giấy chứng nhận hoặc bằng chứng bằng tài liệu khác về an ninh tài chính phải được niêm yết tại nơi dễ nhìn thấy trên tàu, bao gồm các thông tin sau:

* Chi tiết liên hệ của nhà cung cấp an ninh tài chính.

* Thời gian hiệu lực.

* Xác thực của nhà cung cấp là an ninh tài chính đáp ứng thỏa mãn các yêu cầu nêu tại Tiêu chuẩn A2.5.2 và Quy định 4.2 của Công ước MLC.

Bản công bố phù hợp lao động hàng hải (DMLC) phải bao gồm công bố của quốc gia tàu mang cờ quốc tịch là các yêu cầu về an ninh tài chính đối với việc hồi hương thuyền viên và trách nhiệm của chủ tàu theo Quy định 2.5 và Quy định 4.2 của Công ước MLC được đáp ứng thỏa mãn.

Vũ Hải

nhunghv

Nguồn: Cục Đăng kiểm Việt Nam

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)