Một số vấn đề về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ

Thứ sáu, 19/05/2017 07:54
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
“Một xung đột lợi ích bao gồm xung đột giữa công vụ và lợi ích cá nhân của công chức, trong đó lợi ích từ năng lực cá nhân của công chức có thể ảnh hưởng không đúng đến việc thực hiện những nhiệm vụ và trách nhiệm chính thức của họ”

1. Quan niệm kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ
Từ trước tới nay, việc định nghĩa thuật ngữ xung đột lợi ích đã được nhiều nghiên cứu đưa ra, tuy nhiên chưa có một định nghĩa nào mang tính chất toàn cầu về vấn đề này. Trong một nghiên cứu vào năm 2005, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã đưa ra định nghĩa xung đột lợi ích như sau: “Một xung đột lợi ích bao gồm xung đột giữa công vụ và lợi ích cá nhân của công chức, trong đó lợi ích từ năng lực cá nhân của công chức có thể ảnh hưởng không đúng đến việc thực hiện những nhiệm vụ và trách nhiệm chính thức của họ”[1]. Định nghĩa này đã xác định rõ sự vật xung đột là lợi ích cá nhân của công chức và trách nhiệm chính thức của họ.

Từ nhận thức về bản chất của xung đột lợi ích, có thể quan niệm “xung đột lợi ích là tình huống trong đó lợi ích cá nhân của cán bộ, công chức có thể ảnh hưởng không đúng đắn đến việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức đó”. Lợi ích cá nhân bao gồm mọi lợi ích vật chất và phi vật chất của cán bộ, công chức. Chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức là tất cả những việc công chức phải làm trong phạm vi chức vụ, quyền hạn của mình, bao gồm việc ra quyết định hoặc những hành vi khác. “Ảnh hưởng không đúng đắn” được hiểu là những ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực tới việc thực hiện chức trách nhiệm vụ, làm cho việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ không còn bảo đảm tính khách quan, vô tư.

Xung đột lợi ích và tham nhũng có một số điểm tương đồng và khác biệt. Về chủ thể, xung đột lợi ích và tham nhũng có cùng chủ thể là cán bộ, công chức. Về trạng thái, xung đột lợi ích là tình huống, tham nhũng là hành vi. Về tính chất, xung đột lợi ích mang tính khách quan, tham nhũng là hành vi chủ quan của cán bộ, công chức. Trong tình huống xung đột lợi ích, hành vi của cán bộ, công chức bị coi là tham nhũng khi lựa chọn lợi ích cá nhân. Như vậy, có thể khẳng định, xung đột lợi ích, nếu không được nhận diện và kiểm soát đúng đắn, chính là tiền đề, là điều kiện thuận lợi làm nảy sinh tham nhũng.

Theo Từ điển Tiếng Việt, “kiểm soát là xem xét để phát hiện sai sót, giữ cho mọi việc diễn ra đúng đắn”[2]. Theo nghĩa từ ngữ, có thể suy ra kiểm soát xung đột lợi ích là việc xem xét để phát hiện xung đột lợi ích, giữ cho xung đột lợi ích không bị lợi dụng để thực hiện hành vi sai trái. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể là kiểm soát xung đột lợi ích, nội hàm khái niệm kiểm soát cần được mở rộng. Theo đó, kiểm soát xung đột lợi ích không chỉ gồm việc phát hiện và xử lý xung đột lợi ích mà còn bao hàm cả việc phòng ngừa xung đột lợi ích. Phòng ngừa xung đột lợi ích có ý nghĩa rất quan trọng. Thực tế ở nhiều nước cho thấy kiểm soát xung đột lợi ích hiệu quả đòi hỏi phải tập trung vào việc xác định khả năng lợi ích cá nhân có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ công để phòng ngừa hơn là việc phát hiện hành vi sai phạm. Từ nhận định trên, có thể quan niệm “kiểm soát xung đột lợi ích là việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý xung đột lợi ích”.

2. Nội dung và phương thức kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ

Từ quan niệm kiểm soát xung đột lợi ích, có thể xác định kiểm soát xung đột lợi ích gồm ba nội dung chủ yếu: (i) phòng ngừa xung đột lợi ích, (ii) phát hiện xung đột lợi ích, (iii) xử lý xung đột lợi ích. Mỗi nội dung kiểm soát sẽ được thực hiện theo những phương thức nhất định.Việc phân biệt các phương thức khác nhau trong mỗi nội dung kiểm soát chủ yếu dựa trên yếu tố chủ thể. Xem xét một cách tổng thể, có thể thấy có 3 nhóm chủ thể tham gia vào việc kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ. Thứ nhất là bản thân cán bộ, công chức, chủ thể này sẽ tham gia vào cả quá trình kiểm soát, bao gồm từ việc phòng ngừa đến việc phát hiện và xử lý. Thứ hai là cơ quan nhà nước, chủ thể này cũng tham gia vào toàn bộ quá trình kiểm soát. Thứ ba là xã hội (bao gồm cá nhân, cơ quan, tổ chức), chủ thể này chỉ tham gia vào việc phát hiện xung đột lợi ích. Mỗi chủ thể sẽ sử dụng những phương thức khác nhau khi tham gia vào từng nội dung kiểm soát.

2.1. Phòng ngừa xung đột lợi ích

Có thể hiểu “phòng ngừa xung đột lợi ích” là việc loại bỏ những nguy cơ có thể dẫn đến xung đột lợi ích, nguy cơ đó có thể xuất phát những lợi ích cá nhân mang bản chất xung đột với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức (ví dụ, đã là công chức thì không thể đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân), cũng có thể là nguy cơ từ việc thiếu công khai, minh bạch, thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực. Có thể thấy, việc phòng ngừa xung đột lợi ích có liên quan trực tiếp và mật thiết tới hai nhóm chủ thể là cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước. Như vậy, có thể xác định hai phương thức phòng ngừa xung đột lợi ích chủ yếu là: (i) cán bộ, công chức tự phòng ngừa; (ii) cơ quan nhà nước phòng ngừa.

Phương thức cán bộ, công chức tự phòng ngừa được thực hiện trên cơ sở cán bộ, công chức tự mình hạn chế một số lợi ích cá nhân tiềm ẩn nguy cơ xung đột với việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Về nguyên tắc, những lợi ích cá nhân phải hạn chế thường được quy định rõ trong văn bản pháp luật, dưới dạng quy tắc ứng xử hay quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Đây chính là công cụ chủ yếu trong việc phòng ngừa xung đột lợi ích nói riêng và kiểm soát xung đột lợi ích nói chung. Hạn chế đối với lợi ích cá nhân của cán bộ, công chức nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích thường tập trung vào một số nhóm lợi ích sau đây: (i) hạn chế liên quan đến tài sản và thu nhập; (ii) hạn chế liên quan đến công việc làm thêm trong khi đang làm việc hoặc sau khi đã nghỉ hưu; (iii) hạn chế liên quan đến người thân; (iv) hạn chế liên quan đến quà tặng.

Phương thức cơ quan nhà nước phòng ngừa xung đột lợi ích được thực hiện trên cơ sở nhà nước ban hành các quy định nhằm bảo đảm tính khách quan, vô tư của việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, bảo đảm việc sử dụng quyền lực công được kiểm soát từ nhiều phía. Phạm vi những quy định này là rất rộng, từ những quy định mang tính nguyên tắc cho đến những quy định cụ thể trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước. Việc thực hiện quyền lực càng khép kín bao nhiêu thì nguy cơ xảy ra xung đột lợi ích, nguy cơ dẫn đến tham nhũng càng lớn bấy nhiêu. Vì vậy, điểm mấu chốt để phòng ngừa xung đột lợi ích chính là sự kiểm soát việc thực hiện quyền lực. Quyền lực càng bị kiểm soát chặt chẽ từ nhiều phía thì khả năng xảy ra xung đột lợi ích càng giảm.

2.2. Phát hiện xung đột lợi ích

Có thể hiểu phát hiện xung đột lợi ích là việc tìm ra những tình huống xung đột lợi ích tiềm ẩn hoặc thực tế. Xung đột lợi ích ở đây không còn ở dạng nguy cơ nữa mà nó đã trở nên dễ nhận thấy hơn, tình huống xung đột lợi ích là có thể dự đoán được hoặc có thể thấy rõ. Ví dụ, Công chức A làm việc cho cơ quan B, sở hữu cổ phần trong công ty xây dựng C, công ty này có thể sẽ tham gia đấu thầu hợp đồng xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan B. Ở đây đã xuất hiện xung đột lợi ích tiềm ẩn, có thể dự đoán được về nguy cơ xung đột nếu công ty C tham gia đấu thầu và công chức A tham gia chấm thầu. Khi thực tế diễn ra đúng như dự đoán, công ty C tham gia đấu thầu và công chức A được cử tham gia hội đồng chấm thầu. Tình huống này đã trở thành xung đột lợi ích hiện hữu. Ai cũng có thể nhận thấy rõ khả năng công chức A sẽ bị ảnh hưởng khi đưa ra quyết định của mình.

Việc phát hiện xung đột lợi ích có thể được thực hiện theo ba phương thức: (i) cán bộ, công chức chủ động phát hiện; (ii) cơ quan nhà nước phát hiện và (iii) xã hội tham gia phát hiện.

Ở phương thức thứ nhất, với giả thiết cán bộ, công chức hiểu đúng về xung đột lợi ích thì có lẽ chính họ là nhóm chủ thể biết rõ nhất về tình trạng xung đột lợi ích của bản thân. Chính họ là người biết rõ nhất mình thực hiện nhiệm vụ được giao có bảo đảm tính khách quan, vô tư hay không. Tuy nhiên, để thực hiện phương thức này, cán bộ, công chức rất cần đến sự hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước thông qua những quy định cụ thể về xác định như thế nào là một tình huống xung đột lợi ích, các bước cần thực hiện khi cán bộ, công chức nghi ngờ về tình huống xung đột lợi ích của bản thân. Cơ quan nhà nước cũng cần thiết lập bộ phận chuyên trách làm nhiệm vụ tư vấn giúp cán bộ, công chức xác định và xử lý tình huống xung đột lợi ích.

Ở phương thức thứ hai, cơ quan nhà nước, thông qua hoạt động quản lý của mình, sẽ chủ động nắm bắt thông tin để xác định các tình huống xung đột lợi ích của cán bộ, công chức. Nhiệm vụ này thường được giao cho cơ quan chuyên trách về tổ chức cán bộ. Việc phát hiện xung đột lợi ích của cán bộ, công chức được cơ quan nhà nước thực hiện tại nhiều thời điểm, trong đó đáng lưu ý là tại thời điểm tiếp nhận công chức, tại thời điểm giao nhiệm vụ thường xuyên hoặc một nhiệm vụ đột xuất. Vai trò chủ động phát hiện xung đột lợi ích của cơ quan nhà nước còn được thể hiện ở việc cơ quan nhà nước chủ động hướng dẫn cán bộ, công chức tự phát hiện xung đột lợi ích trên cơ sở các quy định về đạo đức công vụ do nhà nước ban hành.

Ở phương thức thứ ba, xã hội được coi là chủ thể độc lập và khách quan nhất, có vai trò quan trọng trong việc phát hiện xung đột lợi ích của cán bộ, công chức. Trong hai phương thức đầu, mặc dù có ưu điểm là chủ thể thực hiện có nhiều điều kiện thuận lợi về thông tin, về nguồn lực song lại có nhược điểm rất lớn là cán bộ, công chức thì thường không tự giác, cơ quan nhà nước có thể không khách quan. “Xã hội” được hiểu là mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức mà không phải là bản thân cán bộ, công chức và những cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm soát xung đột lợi ích. Với phạm vi chủ thể rộng như vậy, xã hội có khả năng nắm bắt nhiều thông tin phong phú, đa dạng và tương đối chính xác về tình huống xung đột lợi ích của cán bộ, công chức. Đây chính là những căn cứ quan trọng để phát hiện tình huống xung đột lợi ích của cán bộ, công chức.

Công cụ chủ yếu để phát hiện xung đột lợi ích chính là quy định về công khai, minh bạch những lợi ích cá nhân có nguy cơ xung đột với chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, công khai việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và những quy định về quyền khiếu nại, tố cáo của cá nhân, tổ chức. Ở các quốc gia trên thế giới, việc công khai, minh bạch những lợi ích cá nhân có nguy cơ xung đột với việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thường được thực hiện thông qua công khai, minh bạch tài sản, thu nhập. Nội dung công khai, minh bạch tài sản thu nhập thường bao gồm cả công việc làm thêm và các loại quà tặng. Công khai tài sản, thu nhập giúp cung cấp những thông tin về các nguồn thu nhập, địa vị thành viên hội đồng quản trị doanh nghiệp, quyền sở hữu cổ phần và những lợi ích tài chính khác của cán bộ, công chức. Công khai tài sản, thu nhập tự nó không loại bỏ xung đột lợi ích nhưng có thể giúp phát hiện những xung đột lợi ích ở dạng tiềm tàng hay thực tế.

2.3. Xử lý xung đột lợi ích

Đây là khâu cuối cùng trong chuỗi các hoạt động kiểm soát xung đột lợi ích, theo đó, xử lý xung đột lợi ích có thể hiểu là việc loại bỏ xung đột lợi ích bằng cách loại bỏ một trong các bên lợi ích trong tình huống xung đột hoặc kiểm soát chặt chẽ tình huống xung đột, không để tình huống xung đột làm ảnh hưởng đến tính khách quan của việc thực hiện nhiệm vụ. Xử lý xung đột lợi ích phải tuân thủ nguyên tắc ưu tiên bảo vệ lợi ích công. Xử lý xung đột lợi ích được thực hiện theo hai phương thức: (i) cán bộ, công chức chủ động xử lý khi phát hiện mình đang ở trong tình huống xung đột lợi ích bằng cách từ bỏ lợi ích cá nhân hoặc từ chối thực hiện nhiệm vụ, trường hợp không thể thực hiện được thì báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để giám sát chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ; (ii) cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý tình huống xung đột lợi ích bằng cách phân công người khác thực hiện nhiệm vụ, trường hợp không thể thực hiện được thì phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ đó. Cách thức xử lý xung đột lợi ích đối với cán bộ, công chức thường được đưa vào quy tắc ứng xử.

3. Khái quát quy định của pháp luật hiện hành về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ

Khung pháp lý chung về kiểm soát xung đột lợi ích của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam được quy định trong một số luật, nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành. Hiến pháp 2013 có đề cập một phần đến kiểm soát xung đột lợi ích thông qua quy định cấm các thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng thời là thành viên Chính phủ[3]. Những đạo luật chính quy định về xung đột lợi ích và kiểm soát xung đột lợi ích nói chung trong hoạt động công vụ có thể kể đến là: Luật Phòng, chống tham nhũng (ban hành 2005, sửa đổi năm 2007 và 2012), Luật Cán bộ, công chức 2008, Luật Viên chức 2010, Luật Đấu thầu 2013, Luật Thanh tra 2010, Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Kiểm toán 2014, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Cho đến nay, pháp luật Việt Nam chưa đưa ra định nghĩa chung về xung đột lợi ích một cách rõ ràng, tuy nhiên bước đầu đã có một số quy định liên quan đến kiểm soát xung đột lợi ích: Các quy định về phòng ngừa xung đột lợi ích bước đầu đã tiếp cận cận được với những hạn chế căn bản, cần thiết đối với cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ (trong đó có cán bộ thanh tra trong hoạt động thanh tra), bước đầu đã có những công cụ cần thiết để kiểm soát xung đột lợi ích; Các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập hiện nay được thiết kế tương đối công phu, bài bản có thể được sử dụng làm căn cứ, cơ sở cho việc kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ nói chung, hoạt động thanh tra nói riêng; Bước đầu đã có những quy định riêng về kiểm soát quà tặng của cán bộ, công chức (trong đó có cán bộ thanh tra); Pháp luật đã đưa ra quy định mang tính nguyên tắc về hạn chế việc nhận quà tặng của cán bộ, công chức (trong đó có cán bộ thanh tra); Pháp luật đã có những quy định bước đầu về hạn chế lợi ích kinh doanh cá nhân và công việc làm thêm của cán bộ, công chức người thân trong gia đình cán bộ, công chức ở một số vị trí nhất định.

Bên cạnh nhưng ưu điểm nói trên, quy định của pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích vẫn những một số hạn chế nhất định.

Thứ nhất, mặc dù đã có những văn bản pháp lý cụ thể (một số luật và văn bản hướng dẫn) đề cập đến một vài khía cạnh của xung đột lợi ích và kiểm soát xung đột lợi ích nhưng cho đến nay khái niệm xung đột lợi ích chưa được định nghĩa ở bất cứ văn bản nào. Điều này khiến cho việc kiểm soát xung đột lợi ích trở nên khó khăn hơn, đồng thời cũng làm cho các quy định cụ thể có liên quan không mang tính chính thức và toàn diện.

Thứ hai, các quy định liên quan đến việc phát hiện và xử lý tình huống xung đột lợi ích còn là một khoảng trống lớn chưa đáp ứng được với những đòi hỏi của thực tế, đặc biệt là quy định về xử lý xung đột lợi ích trong tình huống xung đột lợi ích là không thể phòng ngừa hoặc loại bỏ. Về lý thuyết cũng như trên thực tế, xung đột lợi ích mang tính khách quan và trong rất nhiều trường hợp là không thể phòng ngừa được. Vì vậy, việc phát hiện và xử lý là vô cùng cần thiết để bảo đảm rằng tình huống xung đột lợi ích đó không bị lợi dụng để mang lại lợi ích cá nhân cho bất cứ ai hoặc ít nhất tình huống đó không trở thành một yếu tố gây mất niềm tin vào bộ máy công quyền.

Thứ ba, quy định về minh bạch tài sản tuy khá đầy đủ và bài bản nhưng chưa rõ về những lợi ích cá nhân tài chính là nguy cơ xung đột lợi ích của cán bộ, công chức như công việc làm thêm hay quà tặng. Đồng thời, những thông tin về tài sản, thu nhập của cán bộ công chức chưa được quy định là căn cứ cho việc xem xét, phát hiện xung đột lợi ích của cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ.

Thứ tư, quy định của pháp luật hiện hành chưa đề cập một cách đầy đủ và thích hợp vai trò và trách nhiệm của nhà nước trong việc hướng dẫn cán bộ, công chức chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý tình huống xung đột lợi ích mà chủ yếu dồn trách nhiệm lên cá nhân cán bộ, công chức với những quy định cấm đơn thuần. Điều này tạo ra rất nhiều khó khăn cho cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện. Trường hợp cán bộ, công chức phát hiện xung đột lợi ích của bản thân mà tự mình không thể xử lý được thì cũng không biết báo cáo với ai, nếu đó là những tình huống tế nhị mà cán bộ, công chức muốn giữ kín thông tin thì cũng chưa có cách nào để giải quyết cho phù hợp.

Thứ năm, quy định về kiểm soát quà tặng còn hình thức, thiếu tính khả thi, thiếu quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc tiếp nhận và xử lý kịp thời báo cáo về quà tặng của cán bộ, công chức, chưa có quy định rõ về chế tài xử lý vi phạm.

Thứ sáu, các quy định về kiểm soát xung đột lợi ích của cán bộ, công chức nói chung, về căn bản, mới chỉ dừng lại ở bản thân cán bộ, công chức đó mà chưa được mở rộng tới các thành viên trong gia đình hoặc những người có mối quan hệ thân thiết khác với cán bộ, công chức. Ví dụ, quy định về hạn chế nhận quà tặng thì không áp dụng đối với các thành viên trong gia đình của công chức. Như vậy, công chức hoàn toàn có thể nhận quà tặng thông qua những người thân của mình mà không hề vi phạm pháp luật.

4. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về kiểm soát xung đột trong hoạt động công vụ trong giai đoạn hiện nay.

Hoàn thiện quy định của pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích là giải pháp cốt lõi nhằm tạo một cơ sở pháp lý vững chắc cho nhận thức và hành động của các chủ thể có liên quan. Việc hoàn thiện quy định của pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ cần tập trung vào một số giải pháp căn bản, chủ yếu như sau:

Thứ nhất, cần có quy định thống nhất cách hiểu về xung đột lợi ích, các dấu hiệu nhận biết tình huống xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ nói chung, trong hoạt động thanh tra nói riêng, quy định chung về trách nhiệm, nội dung và phương thức kiểm soát xung đột lợi ích.

Cần đưa ra định nghĩa thống nhất trong văn bản pháp lý về xung đột lợi ích là “tình huống trong đó lợi ích cá nhân của cán bộ, công chức có thể ảnh hưởng không đúng đắn đến việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức đó”. Lợi ích cá nhân có thể là bất kỳ lợi ích nào liên quan đến cá nhân cán bộ, công chức có thể làm cho việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức đó không còn bảo đảm tính khách quan, vô tư. Pháp luật cần phải đưa ra quy định về mặt nguyên tắc xác định một tình huống xung đột lợi ích, đồng thời có thể quy định những tình huống xung đột lợi ích phổ biến trong hoạt động công vụ.

Ngoài việc đưa ra định nghĩa chung thống nhất, pháp luật cần có những quy định mang tính nguyên tắc chung về trách nhiệm của các chủ thể có liên quan như trách nhiệm của bản thân cán bộ, công chức phải tự kiểm soát xung đột lợi ích của bản thân, trách nhiệm của cơ quan nhà nước thực hiện các biện pháp kiểm soát, đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ cán bộ, công thức thực hiện trách nhiệm của mình, vai trò, trách nhiệm của xã hội trong việc phát hiện xung đột lợi ích, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc cụ thể hóa những quy định về kiểm soát xung đột lợi ích phù hợp với đặc điểm hoạt động trong từng ngành, lĩnh vực.

Thứ hai, nghiên cứu, rà soát và quy định cụ thể, chi tiết hơn những hạn chế về lợi ích cá nhân đối với cán bộ, công chức tiềm ẩn nguy cơ xung đột lợi ích, đặc biệt là vấn đề nhận quà tặng và công việc làm thêm.

Hạn chế lợi ích cá nhân của cán bộ, công chức là nội dung căn bản trong phòng ngừa xung đột lợi ích. Hạn chế lợi ích cá nhân ở mức nào là đủ để bảo đảm vừa không xâm phạm đến những quyền cơ bản của con người vừa loại trừ được nguy cơ xung đột lợi tiềm ẩn là một điều khó khăn. Phần lớn các quốc gia trên thế giới đều cố gắng đưa ra những quy định chi tiết nhất về hạn chế lợi ích cá nhân của công chức nhằm giúp công chức có thể dễ dàng xác định. Pháp luật hiện hành của Việt Nam bước đầu đã có quy định về hạn chế lợi ích cá nhân, tuy nhiên những quy định này cần được quy định cụ thể hơn, đặc biệt là các quy định liên quan đến quyền sở hữu, nhận quà tặng và công việc làm thêm.

Hạn chế về nhận quà tặng nên được quy định theo hướng giảm thiểu mọi nguy cơ có thể phát sinh, có thể tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia[4] quy định cấm cán bộ, công chức nhận quà tặng dưới mọi hình thức, trường hợp không thể từ chối thì phải báo cáo và nộp lại quà tặng cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có thể trả tiền để mua lại nếu muốn giữ quà tặng đó. Quà tặng thường được cho là biểu hiện về mặt văn hóa, tuy nhiên nét văn hóa này trên thực tế đã bị lợi dụng. Đa số cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân đều nhận thức rằng, hiện nay việc tặng quà không phản ánh nét đẹp văn hóa[5]. Quy định này cũng cần phải được nghiên cứu áp dụng trong hoạt động thanh tra.

Hạn chế về công việc làm thêm của cán bộ, công chức cũng cần được quy định rõ ràng, chi tiết. Về nguyên tắc, cán bộ, công chức không được nhận việc làm thêm có liên quan đến các thông tin trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ, không được sử dụng thời gian và các điều kiện vật chất khác trong hoạt động công vụ để phục vụ cho công việc làm thêm. Cần quy định rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc cung cấp đầy đủ thông tin về việc làm thêm của mình, quy định tự xác định và báo cáo tình huống xung đột lợi ích từ việc làm thêm.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập theo hướng kê khai rõ hơn về quà tặng và công việc làm thêm, quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc sử dụng thông tin kê khai tài sản, thu nhập để xem xét, phát hiện tình huống xung đột lợi ích của cán bộ, công chức, nghiên cứu mở rộng phạm vi và hình thức công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.

Thứ tư, quy định rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức, của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý tình huống xung đột lợi ích, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của nhà nước trong việc hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ công chức thực hiện việc kiểm soát xung đột lợi ích của bản thân.

Thứ năm, sửa đổi, bổ sung các quy định về kiểm soát quà tặng của cán bộ, công chức, quy định rõ trình tự, thủ tục tiếp nhận và xử lý thông tin về quà tặng, tiếp nhận và xử lý quà tặng do cán bộ, công chức nộp lại trong trường hợp không thể từ chối.

Thứ sáu, nghiên cứu mở rộng phạm vi điều chỉnh một số quy định về kiểm soát xung đột lợi ích, không dừng lại ở bản thân cán bộ, công chức mà cần phải mở rộng ra các chủ thể khác có mối quan hệ gần gũi với cán bộ, công chức.

ThS. Lê Thị Thúy - Viện Khoa học thanh tra

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
[1] OECD, Managing Conflic of Interest in the Public Sector – A Toolkit, 2005. “A conflict of interest involves a conflict between the public duty and the private interest of a public official, in wich the official’s private-capacity interest could improperly influence the performance of their official duties and responsibilities”
[2] Từ điển Tiếng Việt, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin 1998
[3] Khoản 3, Điều 73, Hiến pháp 2013
[4] Xinh-ga-po có quy định chi tiết, cụ thể về vấn đề này
[5] Kết quả nghiên cứu khảo sát của Ngân hàng thế giới: 60-62% cán bộ, công chức không đồng ý “cán bộ, công chức nhận quà là đương nhiên vì tặng/nhận quà là một nét đẹp văn hóa”, tỷ lệ tương tự đối với doanh nghiệp, người dân là 64%.

 

Viện KHTT

Nguồn: Viện KHTT

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)