Nếu như kiểm soát tài sản, thu nhập trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là một chế định mới quan trọng của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 thì xác minh tài sản, thu nhập được coi là khâu thiết yếu của quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập. Việc xác minh tài sản, thu nhập nhằm ngăn ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng (nếu có) đối với người có nghĩa vụ kê khai.
Thanh tra tỉnh Bến Tre bốc thăm ngẫu nhiên chọn người xác minh tài sản, thu nhập theo quy định
Trước đây, việc kê khai tài sản, thu nhập được đánh giá là chỉ mang tính chất hình thức, chưa thực sự mang lại hiệu quả. Tổng kết quá trình thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005, theo thống kê chưa phát hiện ra trường hợp nào tham nhũng thông qua hoạt động kê khai tài sản, chỉ có một số trường hợp bị xử lý về hành vi kê khai không trung thực. Giai đoạn 2006-2016 phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực; xử lý kỷ luật 70 người do vi phạm quy định về tổ chức thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập. Năm 2017, xác minh tài sản, thu nhập 78 người, phát hiện, xử lý 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập. Năm 2018, có 1.136.902 người kê khai tài sản, thu nhập nhưng chỉ phát hiện 6 trường hợp vi phạm. Điều này đã khiến dư luận băn khoăn, hoài nghi về hiệu quả của kê khai tài sản, thu nhập đối với công tác phòng, chống tham nhũng.
Nhằm khắc phục những bất cập nêu trên, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (Nghị định 130) đã có những quy định chi tiết, cụ thể hơn về việc xác minh tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Theo quy định của Nghị định 130, hằng năm, trước ngày 31/01, người đứng đầu Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phê duyệt nội dung và ban hành kế hoạch xác minh. Chánh thanh tra tỉnh ban hành kế hoạch xác minh hằng năm sau khi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt nội dung kế hoạch.
Nghị định cũng quy định cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải bảo đảm số cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiến hành xác minh tối thiểu bằng 20% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát của mình; riêng đối với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính phải bảo đảm tối thiểu bằng 10%. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kế hoạch xác minh được ban hành, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh. Việc lựa chọn được thực hiện công khai bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính.
Việc lựa chọn ngẫu nhiên người có nghĩa vụ kê khai để xác minh theo kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hàng năm là một trong những căn cứ để xác minh tài sản, thu nhập, đồng thời, đây cũng một quy định mới được bổ sung trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 so với Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 nhằm tăng cường ý thức tuân thủ trong kê khai và minh bạch tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Bởi lẽ trước đó, việc kê khai tài sản, thu nhập chỉ “trông đợi” vào sự tự giác của người có nghĩa vụ kê khai, thiếu sự kiểm tra, giám sát của tổ chức. Pháp luật cũng không quy định cụ thể những trường hợp đương nhiên phải xác minh mà không cần phải có tố cáo hoặc yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng việc xác minh ngẫu nhiên có thể “trúng” vào bất cứ ai, bất cứ thời điểm nào, điều này đảm bảo sự công bằng, đồng thời làm cho người thuộc diện kê khai tài sản phải luôn có ý thức về việc kê khai sao cho đúng.
Ngoài ra, Luật cũng quy định việc xác minh tài sản, thu nhập còn có thể được tiến hành khi có các căn cứ sau: (1) Có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; (2) Có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc; (3) Có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của Luật Tố cáo; (4) Có yêu cầu hoặc kiến nghị của cơ quan, tố chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền theo quy định tại Điều 42 Luật Phòng, chống tham nhũng. Việc xác định rõ các trường hợp phải xác minh sẽ giúp cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm và chủ động hơn trong công tác kiểm soát tài sản, thu nhập, qua đó kịp thời tiến hành xác minh để phát hiện tài sản, thu nhập không minh bạch, góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng có liên quan.
Để tránh lạm dụng quy định này để trù dập cán bộ hoặc mục đích vì vụ lợi, tiêu chí lựa chọn người có nghĩa vụ kê khai được xác minh cũng được quy định cụ thể tại Điều 16 Nghị định 130 quy định chi tiết. Theo đó, người được lựa chọn xác minh tài sản, thu nhập trước hết phải là đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm; chưa được xác minh về tài sản, thu nhập trong thời gian 04 năm liền kề trước đó và không thuộc một trong các trường hợp như: đang bị điều tra, truy tố, xét xử; đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận hoặc đang học tập, công tác ở nước ngoài từ 12 tháng trở lên.
Có thể nói, nếu như kiểm soát tài sản, thu nhập trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là một chế định mới quan trọng của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 thì xác minh tài sản, thu nhập được coi là khâu thiết yếu của quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập. Việc xác minh tài sản, thu nhập nhằm ngăn ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng (nếu có) đối với người có nghĩa vụ kê khai; đồng thời góp phần thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả, hiệu lực của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định 130.
Thời gian gần đây, rất nhiều địa phương đã triển khai kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hàng năm theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định 130. Điều này nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, hầu hết đều bày tỏ sự đồng tình với cách làm thể hiện sự công bằng, minh bạch, cũng như thể hiện sự kiểm tra, giám sát của tổ chức thông qua kiểm soát tài sản, thu nhập. Thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập hiệu quả là giải pháp quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, phù hợp với chủ trương mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định. Do đó, tin tưởng rằng nếu những quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định 130 được các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc sẽ góp phần phòng, chống tham nhũng hiệu quả trong giai đoạn hiện nay./.