Tham nhũng và phòng, chống tham nhũng là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng và thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Có lẽ, chưa khi nào công tác phòng, chống tham nhũng lại được triển khai quyết liệt và mạnh mẽ như những năm qua, nhất là từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập (ngày 01/02/2013) trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban.
Hàng loạt các vụ việc tham nhũng lớn được phát hiện và xử lý. Tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản tham nhũng ngày càng cao. Một số lượng lớn cán bộ, đảng viên kể cả cán bộ cao cấp đã bị xử lý nghiêm khắc. Điều đó thể hiện thái độ kiên quyết chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Đảng và Nhà nước ta. Những kết quả đó đã từng bước làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, lấy lại niềm tin của Nhân dân vào các cơ quan Đảng và Nhà nước, vào sự nghiệp đổi mới đất nước và được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Cùng với sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, ngành Thanh tra có vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng. Với chức năng “kép”, Thanh tra Chính phủ vừa là cơ quan thực hiện quyền quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, vừa trực tiếp là lực lượng phát hiện dấu hiệu tham nhũng thông qua các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội, vừa tiếp nhận và giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân đối với hoạt động của bộ máy công quyền và những người có chức vụ, quyền hạn.
Kết quả công tác thanh tra thời gian qua cho thấy những con số ấn tượng về các sai phạm đã được phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng những kết quả đó chưa phản ánh hết tình trạng tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi, chưa đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước và sự kỳ vọng của Nhân dân.
Nguyên nhân của tình trạng này một mặt là do sự bất cập trong một số quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra, quyền hạn của cơ quan thanh tra, mặt khác còn có cả những nguyên nhân mang tính chủ quan, xuất phát từ năng lực phát hiện sai phạm còn hạn chế, sự suy thoái đạo đức trong hoạt động công vụ của một bộ phận cán bộ thanh tra.
Thực tiễn cho thấy, một trong những hành vi tiêu cực điển hình trong hoạt động thanh tra và kể cả các hoạt động kiểm tra, kiểm toán, điều tra chính là việc “ăn chia” số tiền bị chiếm đoạt bởi kẻ tham nhũng và những người mang danh chống tham nhũng, như cách nói của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là việc “vào thấy con voi, ra chỉ còn con chuột!” Khi phát hiện ra sai phạm của đối tượng, thay vì phải kiên quyết đưa ra ánh sáng để xử lý nghiêm minh thì những kẻ thoái hóa, biến chất lại tìm cách mặc cả, buộc đối tượng phải đưa những khoản tiền lớn để được điều chỉnh mức độ sai phạm, thậm chí là được ém nhẹm và trở thành vô can.
Ảnh minh họa
Tại Hội nghị ngành Kiểm sát ngày 16/01/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh cán bộ làm công tác chống tham nhũng “phải luôn giữ cho mình thật sự trong sạch, thật sự liêm chính, phải là người có bản lĩnh, dũng khí, kiên quyết đấu tranh bảo vệ cái đúng, không khoan nhượng với tham nhũng. Cán bộ làm công tác chống tham nhũng mà tay đã nhúng chàm thì không thể chống được tham nhũng”. Ngược lại, cũng cần kiên quyết đấu tranh với tình trạng “bé xé ra to, con kiến biến thành con voi”, coi những sai sót của người dân và doanh nghiệp, những bất cập trong quy định là cơ hội để tạo sức ép gây phiền hà sách nhiễu, vòi vĩnh quà cáp hối lộ. Chỉ thị số 10 ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho công dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc chính là sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ nhằm làm giảm thiểu tình trạng “tham nhũng vặt”. Theo đó, các cơ quan Nhà nước cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo và phục vụ với đội ngũ cán bộ, công chức tận tụy, chuyên nghiệp và liêm chính.
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra phải lấy “xây” làm chính, không chỉ là hoạt động “tóm bắt, vạch mặt” mà còn phải chú trọng phát hiện những “lỗi hệ thống” dẫn đến cơ hội cho kẻ tham nhũng lợi dụng, giúp Đảng và Nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, tạo ra một nền quản trị tốt “không thể tham nhũng”.
Trong thời gian tới, cùng với các lực lượng có chức năng phòng, chống tham nhũng khác, đội ngũ cán bộ thanh tra cần tiếp tục rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao bản lĩnh chiến đấu, trau dồi trình độ nghiệp vụ để đẩy mạnh cuộc chiến chống “quốc nạn tham nhũng”, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và kỳ vọng của Nhân dân. Chống tham nhũng không chỉ cần có biện pháp mạnh mẽ, cần có “bàn tay sắt” mà trước hết phải có những “bàn tay sạch”, đấu tranh với những hành vi vi phạm bên ngoài nhưng người cán bộ thanh tra cũng phải đấu tranh với chính mình để miễn dịch với cám dỗ hàng ngày, hàng giờ trong trận chiến không tiếng súng nhưng cũng đầy cam go.
Những vụ việc tiêu cực thời gian vừa qua trong hoạt động thanh tra, thậm chí đến mức phải xử lý hình sự, đã cho chúng ta những bài học đắt giá về việc cần tăng cường giáo dục đạo đức, phẩm chất của người làm công tác thanh tra. Cùng với đó là việc tăng cường giám sát hoạt động thanh tra, nhất là hoạt động của đoàn thanh tra, những đơn vị trực tiếp đương đầu với khó khăn, cám dỗ và cả những sức ép từ nhiều phía trong quá trình tìm ra sai phạm của đối tượng thanh tra để có thể kiến nghị xử lý những hành vi vi phạm.
Thông tư 05/2014/TT-TTg ngày 16/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động, quan hệ công tác và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra và Thông tư 05/2015/TT-TTCP ngày 10/9/2015 của Thanh tra Chính phủ quy định về giám sát và hoạt động giám sát của đoàn thanh tra đang được nghiên cứu để có những sửa đổi, bổ sung kịp thời. Một mặt, để nâng cao hiệu quả của các cuộc thanh tra, mặt khác, cũng hạn chế những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn và nhất là tăng cường giám sát để loại trừ những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng ngay trong chính hoạt động thanh tra.
Hiện nay, Dự thảo Luật Thanh tra năm 2010 (sửa đổi) cũng đã được Chính phủ chấp thuận để đề nghị Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh trong thời gian tới, trong đó có nội dung quan trọng là: “Tăng cường giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực, sách nhiễu trong hoạt động thanh tra, tránh lạm quyền gây khó khăn phiền hà cho tổ chức cá nhân là đối tượng thanh tra”.
Nội dung này làm rõ hình thức kiểm soát (qua việc giám sát và kiểm tra) của người ra quyết định thanh tra với Trưởng Đoàn thanh tra và thành viên Đoàn thanh tra, tránh việc lạm quyền trong quá trình thanh tra; làm rõ trình tự, thủ tục giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm. Đồng thời, quy định cụ thể thẩm quyền giám sát của người ra quyết định thanh tra đối với Trưởng Đoàn thanh tra và thành viên Đoàn thanh tra thông qua việc nghe báo cáo tiến độ, tiếp nhận và xử lý các thông tin, phản ảnh của đối tượng thanh tra, của công luận báo chí..., quy định cụ thể hình thức kiểm tra, trình tự kiểm tra dấu hiệu vi phạm của Trưởng Đoàn, thành viên Đoàn thanh tra...
Hy vọng những biện pháp quyết liệt sắp tới sẽ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra bản lĩnh và liêm chính, là lực lượng đáng tin cậy trong công tác phòng, chống tham nhũng, xứng đáng với lời Bác kính yêu căn dặn: "Cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt"!
TS. Đinh Văn Minh
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, TTCP