30 triệu lượt phương tiện lưu thông trên cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây

Thứ năm, 09/03/2017 09:30
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa cho biết, kể từ khi thông xe kỹ thuật 20km đầu tiên (ngày 02/01/2014), tính đến ngày 10/3/2017 tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây phục vụ an toàn 30 triệu lượt phương tiện, với lưu lượng trung bình thời điểm hiện tại 37.000 - 40.000 lượt phương tiện/ngày đêm, đặc biệt cao điểm dịp Tết Đinh Dậu vừa qua có ngày tuyến phục vụ tới 65.000 lượt phương tiện. Các phương tiện lưu thông trên tuyến đảm bảo an toàn, thông suốt và thuận lợi.

Cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây

Cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây. Ảnh VEC

Ông Đỗ Chí Chung - Chánh Văn phòng VEC cho biết, trong năm 2016, đã có gần 13,5 triệu lượt phương tiện lưu thông an toàn trên tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, tăng 38% về lưu lượng so với năm 2015. Cũng trong 2 tháng đầu năm 2017, tuyến cao tốc này đã đón khoảng 2,6 triệu lượt phương tiện thông qua, đạt mức tăng trưởng xấp xỉ 24% so với cùng kỳ năm trước.

Sau khi đưa vào khai thác, tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đã giúp rút ngắn một nửa khoảng cách cũng như thời gian từ TP. Hồ Chí Minh đi các vùng lân cận. Đặc biệt, lưu thông trên tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, các phương tiện tiết giảm 30% chi phí vận tải so với đi theo lộ trình Xa lộ Hà Nội – Quốc lộ 51, làm lợi cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế-xã hội. Đối với các đơn vị có tần suất chạy xe cao thì vận tải theo lộ trình cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây còn phát huy hiệu quả lớn hơn nhiều khi 90% chủ phương tiện được hỏi đánh giá mức cước phí ở mức chấp nhận được.

Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây hỗ trợ khai thác tối đa thế mạnh của từng địa phương trong vùng, là nhân tố tạo động lực thúc đẩy phát triển KTXH các địa phương dọc tuyến nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, trong đó lĩnh vực vận tải và du lịch sẽ hưởng lợi nhiều nhất. Đặc biệt, chỉ sau hơn 1 năm cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đưa vào khai thác, tỷ lệ hộ nghèo tại phường Long Phước (quận 9, TP. Hồ Chí Minh) đã giảm từ 6,4% xuống 3,1%, đồng thời góp phần đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông tại địa phương với việc hình thành hệ thống các đường gom dân sinh, các đường liên thôn, liên ấp… Bên cạnh đó, tuyến cao tốc còn có tác động thúc đẩy sự phát triển thị trường bất động sản khu vực Quận 9, Quận 2 (TP. Hồ Chí Minh), Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai) với nhiều dự án mới quy mô, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương dọc hai bên tuyến cao tốc.

Cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây

Cầu Long Thành trên cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây. Ảnh VEC

Khi đưa cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây vào khai thác đã góp phần kéo giảm sự cố, tai nạn giao thông và ùn tắc nghiêm trọng thường xuyên xảy ra tại cửa ngõ phía Đông Bắc thành phố đoạn TP. Hồ Chí Minh - Biên Hòa trước đây. Dự án còn góp phần thúc đẩy quá trình đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, đáp ứng nhu cầu phát triển ngành Hàng không và hội nhập quốc tế; thúc đẩy sự phát triển của các đô thị vệ tinh của TP. Hồ Chí Minh cũng như giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện môi trường đô thị.

Chuyên gia giao thông thuộc Đại học Giao thông vận tải cũng cho rằng, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây mở ra đúng lúc và tính hiệu quả rất cao "Ngoài việc rút ngắn khoảng cách và thời gian nhanh hơn, cao tốc này còn giúp giảm ùn tắc và tai nạn trên Quốc lộ 1, nhất là đoạn đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, nơi có mật độ dân cư rất lớn".

Phía Cục Cảnh sát giao thông C67 còn nhận định, các tuyến cao tốc khi đưa vào khai thác đã tác động đến việc chuyển biến nhận thức của người tham gia giao thông. Thông qua đó xây dựng được văn hóa giao thông rõ nét hơn.

Theo kế hoạch, VEC sẽ triển khai đầu tư tuyến nối giữa cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây với cao tốc Bến Lức – Long Thành. Khi đó, hiệu quả lan tỏa của các tuyến cao tốc Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đối các tỉnh, thành phía Nam nói riêng và cả nước nói chung sẽ còn vượt trội nhiều lần.

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây trở thành tuyến cao tốc “An toàn nhất - Hiệu quả nhất - Hiện đại nhất - Sạch đẹp nhất và Thân thiện nhất”.

Cũng trong sáng ngày 10/3/2017, VEC chính thức đưa Trung tâm quản lý điều hành giao thông thông minh (ITS) vào vận hành, khai thác.

Dự án xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây là tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên ở khu vực phía Nam do VEC đầu tư, quản lý. Dự án khởi công ngày 03/10/2009, thông xe toàn tuyến ngày 08/02/2015; có tổng chiều dài 55km, đi qua TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai. Đây là tuyến giao thông huyết mạch thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – một trong những khu vực phát triển năng động nhất và đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế quốc dân. Đây cũng là công trình giao thông rất có ý nghĩa và mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. 

Tuấn Anh
 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)