Hút đầu tư cao tốc Bắc – Nam: Cần ổn định các cơ chế, chính sách

Thứ ba, 09/05/2017 09:05
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Mới đây, trao đổi với VTV1 về tính khả thi triển khai giai đoạn 2 Dự án đầu tư công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Mai Tuấn Anh cho rằng đầu tư giai đoạn 2 cao tốc Bắc - Nam là một chủ trương lớn và thể hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ.

Tổng giám đốc Mai Tuấn Anh

Tổng Giám đốc VEC Mai Tuấn Anh

Tổng Giám đốc Mai Tuấn Anh khẳng định đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam đã trở nên cấp bách, không thể trì hoãn và phải làm bằng được. Tuy nhiên muốn thực hiện thành công cần phải xác định rất rõ những thuận lợi cũng như các khó khăn, thách thức khi triển khai giai đoạn 2 của Dự án. Cụ thể, giai đoạn 2 có thuận lợi là đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc trước đây cộng với kinh nghiệm triển khai các dự án đầu tư theo hình thức BOT. Ở giai đoạn 2, khó khăn lớn nhất vẫn là vốn. Để huy động được nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn 2 tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, trong điều kiện nợ công của Chính phủ đã chạm trần nợ công Quốc hội cho phép, ngoài vốn mà Chính phủ có thể đảm bảo được từ ngân sách nhà nước thì cần huy động các nguồn lực xã hội.

Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội cũng phải xác định rất rõ những “rào cản”, bởi nguồn vốn đầu tư vào các dự án đường cao tốc đòi hỏi rất lớn, đầu tư phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, là động lực thúc đẩy và tạo đột phá về phát triển kinh tế-xã hội các vùng miền, làm thay đổi bộ mặt hạ tầng giao thông, tuy nhiên nguồn thu từ thu phí chỉ có mức độ. Do vậy nếu tính toán dưới góc độ kinh tế thì hiệu quả mang lại cho Nhà đầu tư không cao, trong khi thời gian hoàn vốn kéo dài tới 20-30 năm, vì thế khó tạo ra lực hút Nhà đầu tư. Để giải mã “ẩn số” này, Nhà nước cần song hành cùng Nhà đầu tư để chia sẻ, giảm thiểu rủi ro cho Nhà đầu tư thông qua xây dựng các cơ chế chính sách ổn định để đảm bảo cho các Nhà đầu tư, đặc biệt là Nhà đầu tư nước ngoài, yên tâm đầu tư đường cao tốc; những quan ngại của Nhà đầu tư nước ngoài phải được giải quyết thấu đáo…

Giai đoạn II Dự án đầu tư công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam dự kiến thực hiện từ năm 2023 – 2028. Dự án sẽ tiến hành đầu tư các đoạn còn lại để nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam. Tổng chiều dài giai đoạn II khoảng 688km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 103.196 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn hỗ trợ khoảng 44.456 tỷ đồng, vốn Nhà đầu tư huy động khoảng 58.740 tỷ đồng.

Trao đổi với VTV1, Tổng giám đốc Mai Tuấn Anh cho biết, trong Chiến lược, kế hoạch SXKD và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2016-2020 của VEC đã chỉ rõ VEC sẽ tiếp tục tham gia đầu tư các tuyến cao tốc mới theo hình thức PPP. Và để giải quyết khó khăn về nguồn vốn đầu tư, VEC đã chủ động phối hợp các Nhà đầu tư nước ngoài nghiên cứu xây dựng và đề xuất Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ Đề án nhượng quyền khai thác đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và đang tiếp tục nghiên cứu triển khai Đề án nhượng quyền khai thác đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây. Các đề án này hiện cũng đang được các Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, bởi đây là mô hình phổ biến trên thế giới - Thông qua việc chuyển nhượng các tuyến đường đã có để tạo nguồn vốn đầu tư các dự án mới.

Qua trao đổi, làm việc với các Nhà đầu tư nước ngoài, họ cũng có những đề xuất cụ thể về cơ chế - Đó là bảo lãnh về doanh thu nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư của Nhà đầu tư. Nhà đầu tư nước ngoài có thể có quyền đề xuất Nhà nước có những chính sách hỗ trợ trong trường hợp doanh thu giảm so với dự báo ban đầu (ví dụ dưới 20%); ngược lại, trong trường hợp lưu lượng và doanh thu cao hơn so với dự báo ban đầu thì Nhà nước có thể thu lại một tỷ lệ nào đó trong khoản tiền chênh lệch – điều này thể hiện sự công bằng trong chính sách. Ngoài ra, đối với Nhà đầu tư, họ cũng rất quan tâm đến ổn định tỷ giá, nguyên do là Nhà đầu tư thường vay ngoại tệ để đầu tư đường cao tốc, và khi trả nợ cũng trả bằng ngoại tệ, nên ổn định tỷ giá và giảm thiểu rủi ro tỷ giá là vấn đề mà bất cứ Nhà đầu tư nước ngoài nào cũng rất quan tâm – Đây là vấn đề mang tầm vĩ mô mà chúng ta phải thực sự quan tâm.

VTV1: Thế còn về tiềm lực trong nước, ông đánh giá thế nào?     

Tổng giám đốc Mai Tuấn Anh: Hiện có nhiều Nhà đầu tư tư nhân rất có tiềm lực đang đầu tư vào nhiều lĩnh vực trong xã hội, đặc biệt lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, đầu tư vào đường cao tốc đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn và hiệu quả trực tiếp mang lại cho Nhà đầu tư không cao, do vậy “sức hút” của lĩnh vực này đối với Nhà đầu tư trong nước chưa phải là hấp dẫn. Đó là chưa kể một trở ngại nữa đối với các Nhà đầu tư trong nước là để triển khai dự án chủ dự án phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 10-15% tổng mức đầu tư… Với mức đầu tư thông thường một dự án đường cao tốc trên 10.000 tỷ đồng/dự án thì đây là một con số không nhỏ với Nhà đầu tư tư nhân hiện nay. Điều này đã được minh chứng rất cụ thể ở một số dự án đường cao tốc vừa qua, theo phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, các Nhà đầu tư trong nước không góp đủ số vốn chủ sở hữu để triển khai dự án… Những trở ngại này đòi hỏi Chính phủ phải có cơ chế để có thể thu hút các Nhà đầu tư tiềm năng trong nước.

VTV1: Có nên tiếp tục thực hiện bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay, thưa ông?

Tổng giám đốc Mai Tuấn Anh: Về điều này, Chính phủ cũng cần cân nhắc, bởi để thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư đường bộ cao tốc, vai trò của Chính phủ là rất quan trọng. Đầu tư đường bộ cao tốc là đầu tư cho tương lai, cho phát triển lâu dài, vì vậy Chính phủ cần hoạch định, xây dựng những cơ chế chính sách thực sự ổn định, cụ thể để Nhà đầu tư yên tâm khi đầu tư vào lĩnh vực vốn “khá kén” Nhà đầu tư này. Việc bảo lãnh của Chính phủ không chỉ có Việt Nam mà ở các quốc gia trên thế giới, khi muốn thu hút đầu tư, đặc biệt thu hút đầu tư nước ngoài, Chính phủ cũng có những cam kết và bảo lãnh.

Bảo lãnh Chính phủ không nên hiểu đơn thuần là bảo lãnh bằng tiền mà có thể bảo lãnh bằng cơ chế. Chúng ta kêu gọi đầu tư, lắng nghe các Nhà đầu tư, trên cơ sở đó hoạch định chính sách hợp lý.

Tổng giám đốc Mai Tuấn Anh

Các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý có tốc độ tăng trưởng lưu lượng 20%/năm

VTV1: Theo ông, ổn định về cơ chế chính sách cũng là điều kiện các Nhà đầu tư hết sức quan tâm?

Tổng giám đốc Mai Tuấn Anh: Ở đây bài toán hiệu quả tài chính, bài toán kinh tế của Nhà đầu tư được tính toán trên cơ sở một phương án cụ thể, ổn định. Nếu có thay đổi lớn về cơ chế, chính sách sẽ tác động rất lớn đến hiệu quả đầu tư, kéo theo rủi ro cho Nhà đầu tư, đặc biệt các dự án đường cao tốc có thời gian thu hồi vốn kéo dài 20-30 năm thì ổn định cơ chế chính sách là điều kiện hết sức quan trọng với các Nhà đầu tư. Trên thế giới, với các dự án đầu tư theo hình thức BOT, việc đàm phán các hợp đồng rất phức tạp, bởi mọi điều khoản trong hợp đồng chính là cam kết của Chính phủ và phải được ổn định trong suốt dòng đời của dự án. Điều này đòi hỏi trách nhiệm rất lớn đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong đàm phán hợp đồng kinh tế BOT.

VTV1: Xin cảm ơn ông!

Đầu tháng 4, Bộ GTVT đã có Tờ trình (điều chỉnh, bổ sung) Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Theo đó, Bộ GTVT đề xuất phương án đầu tư giai đoạn I của tuyến cao tốc dài khoảng 684km với tổng mức đầu tư khoảng 140.116 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước khoảng 55.000 tỷ đồng.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về phương án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Thủ tướng yêu cầu thực hiện GPMB toàn tuyến, tiếp tục đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 và sau năm 2020 theo quy mô quy hoạch đã được phê duyệt. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đồng ý phương án Nhà nước hỗ trợ 55.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 để thực hiện các dự án; đồng ý chỉ định thầu tư vấn lập dự án và tư vấn thiết kế theo quy định.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017, sáng 04/5/2017, Bộ Giao thông vận tải cũng đã báo cáo Chính phủ về cơ chế, chính sách đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

VP. VEC

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)