Tại buổi làm việc với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sáng ngày 07/01, ông Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) – nhấn mạnh, trong năm 2019 VEC cần tập trung triển khai 3 nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến hành lang pháp lý, công tác tổ chức-cán bộ, thực hiện hiệu quả các hoạt động thường xuyên nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Chủ tịch CMSC Nguyễn Hoàng Anh chỉ đạo
3 nhiệm vụ trọng tâm VEC cần tập trung triển khai trong 2019
Tại buổi làm việc, ông Mai Tuấn Anh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV VEC đã báo cáo tóm tắt quá trình hình thành và phát triển VEC, những kết quả đơn vị đạt được qua chặng đường 14 năm hoạt động. Theo đó, VEC được thành lập ngày 06/10/2004, là đơn vị nòng cốt trong phát triển hệ thống đường bộ cao tốc quốc gia. Đây là mô hình đặc thù đầu tiên trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Là DNNN vừa huy động vốn đầu tư, vừa quản lý khai thác, thu phí hoàn vốn, do vậy có nhiều ưu điểm hơn so với mô hình các ban quản lý dự án thông thường. VEC hiện được giao làm chủ đầu tư 5 dự án, với tổng mức đầu tư trên 125.000 tỷ đồng; đã hoàn thành đưa vào khai thác 480km đường cao tốc, chiếm 65% tổng chiều dài đường cao tốc quốc gia, phục vụ an toàn 152 triệu lượt phương tiện. Kết quả năm 2018, giá trị sản lượng đạt 101% KH, giá trị giải ngân đạt 103% KH; tiếp nhận 40,8 triệu lượt phương tiện, tăng 14,3% về lượt và vượt 17% doanh thu so với 2017.
Các dự án đường cao tốc sau khi đưa vào khai thác mang lại hiệu quả lớn cho nền kinh tế, góp phần phát triển KT-XH khu vực và vùng dự án đi qua. Tuy nhiên, do các dự án đầu tư đường cao tốc có suất đầu tư lớn, nguồn thu không đủ để hoàn vốn đầu tư dẫn đến sau một thời gian hoạt động, VEC mất cân đối về tài chính, SXKD gặp khó khăn và công tác huy động vốn để đầu tư các dự án không thể thực hiện được Trước những khó khăn đó, ngày 08/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2072 về việc tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc của VEC. Quyết định này đã giúp VEC từ mất cân đối tài chính chuyển sang ổn định, đảm bảo trả các khoản vay đúng hạn. Đặc biệt, Nhà nước đã không còn phải hỗ trợ VEC 30.787 tỷ đồng do thiếu hụt dòng tiền để trả nợ cho Dự án Nội Bài – Lào Cai và Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
Tuy nhiên, việc triển khai Quyết định 2072/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hiện gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách và vốn đầu tư công cần sớm được tháo gỡ. Cụ thể, Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương giải pháp cơ cấu lại NSNN quản lý nợ công và Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 của Quốc hội quy định: “Không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách Nhà nước. Không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước”. Dù Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25/2016/QH14 cùa Quốc hội không ghi điều khoản hồi tố, song trên thực tế việc quyết toán phần vốn nhà nước đầu tư trực tiếp vào các dự án của VEC rất khó khăn do không thể đưa vào dự toán NSNN các năm. Điều này dẫn đến nhiều khó khăn pháp lý và cơ chế hoạt động của VEC khi thực hiện các dự án đang triển khai và đầu tư các dự án mới, kế hoạch trả nợ vốn vay đã được phê duyệt cũng như điều chỉnh tăng vốn điều lệ VEC từ 1.000 tỷ lên 72.602 tỷ.
Mới đây, ngày 08/8/2018, Chính phủ đã có Nghị quyết số 104/NQ-CP, trong đó đồng ý chủ trương cho phép VEC được tiếp tục thực hiện Quyết định số 2072/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng việc tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc do VEC làm chủ đầu tư cần phải báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội thông qua.
Chủ tịch Mai Tuấn Anh thông tin thêm, vừa qua, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền của Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ký báo cáo Bộ Chính trị về tình hình hoạt động và tái cơ cấu tài chính 5 dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư. Theo đó, Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT đề nghị Bộ Chính trị chấp thuận chủ trương cho phép VEC được tiếp tục thực hiện Quyết định 2072/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với các số liệu chính yếu đã được cập nhật, phù hợp với thực tế triển khai 5 dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư. Cụ thể, tổng giá trị dự kiến đầu tư cập nhật lại của 5 dự án là 117.719 tỷ đồng, thay cho 125.572 tỷ đồng; trong đó, vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp vào các dự án là 54.425 tỷ đồng, chiếm 46,2%, thay cho 71.603 tỷ đồng, chiếm 57%; vốn VEC huy động và tự trả nợ là 63.294 tỷ đồng, chiếm 53,8%, thay cho 53.969 tỷ đồng, chiếm 43%; đồng thời chuyển 5.334 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ sang cấp phát trực tiếp cho các dự án do VEC làm chủ đầu tư…
Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch Mai Tuấn Anh đã đề xuất một số kiến nghị với Ủy ban. Trong đó, VEC được giao quyền sở hữu, quyền khai thác các tuyến đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư để hình thành tài sản. Trên cơ sở đó, VEC có đủ năng lực tài chính, có sự tự chủ trong đàm phán với các đối tác để khai thác hoặc hợp tác, chuyển nhượng quyền khai thác các tuyến đường cao tốc, thu phí để trả nợ và tiếp tục tái đầu tư các tuyến đường cao tốc mới. “Với kinh nghiệm tích lũy được sau 14 năm hoạt động, mong Lãnh đạo Ủy ban quan tâm, ủng hộ VEC tiếp tục tham gia đấu thầu các dự án đường cao tốc mới” - Chủ tịch Mai Tuấn Anh nói.
Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc VEC Trần Văn Tám cho biết, do hành lang pháp lý
chưa đủ nên hoạt động của VEC cũng như công tác điều hành gặp nhiều khó khăn.
Giành khá nhiều thời gian lắng nghe ý kiến của đại diện các đơn vị, ban tham mưu của VEC, căn cứ điều kiện thực tế, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh yêu cầu VEC trong năm 2019 tập trung triển khai 3 nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến hành lang pháp lý, công tác tổ chức-cán bộ, thực hiện hiệu quả các hoạt động thường xuyên nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Cụ thể, liên quan đến hành lang pháp lý, theo Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh, hành lang pháp lý cần phải quy định rõ ràng để phân biệt tài sản nhà nước, tài sản doanh nghiệp, từ đó định hình được tổng tài sản, vốn pháp định của doanh nghiệp... Cũng liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cho rằng khi VEC chuyển về hoạt động dưới “mái nhà” của Ủy ban, nhưng tài sản đường cao tốc chưa được quy định cụ thể sẽ giao cho đơn vị nào quản lý - điều này sẽ gây khó khăn cho Ủy ban trong công tác quản lý, điều hành và hoạt động của VEC cũng gặp nhiều vướng mắc.
Về công tác tổ chức-cán bộ, quan điểm của Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cần được kiện toàn và thống nhất để xây dựng được bộ máy tổ chức-cán bộ vận hành tốt nhất. Chủ tịch Ủy ban giao Chủ tịch HĐTV VEC sớm ổn định đơn vị và chịu trách nhiệm trước Ủy ban về vấn đề này.
Với những khó khăn, vướng mắc của VEC, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh đề nghị VEC phối hợp các Vụ chức năng của Ủy ban tìm hướng tháo gỡ giải quyết.
Liên quan đến định hướng phát triển trong năm 2019 và thời gian tới, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh chỉ đạo, ngoài 5 dự án đang quản lý, triển khai, VEC cần nghiên cứu tham gia các dự án đường cao tốc mới. Đối với cách thức xử lý công việc, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cam kết trong tháng 01/2019 sẽ giao kế hoạch cho VEC. Và từ năm 2020, việc giao kế hoạch sẽ được đẩy lên sớm hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ.
Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh đánh giá và ghi nhận những kết quả VEC đã đạt được trong thời gian qua với việc hoàn thành và đưa vào khai thác gần 500km đường cao tốc, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội. Có đầy đủ bộ máy trong hệ thống tổ chức chính trị-xã hội và hoạt động tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật…
Đoàn công tác chụp ảnh kỷ niệm cùng HĐTV, Ban điều hành và các cán bộ của VEC.
Trước đó, ngày 12/11/2018, Bộ Giao thông vận tải đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại VEC về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ. Đây là tiền đề tạo điều kiện cho VEC có thể tham gia đầu tư các tuyến đường cao tốc của Bộ GTVT, phát huy vai trò là doanh nghiệp nòng cốt trong đầu tư phát triển, vận hành khai thác các tuyến đường bộ cao tốc quốc gia.
VEC