VEC phổ biến quy định pháp luật cho CBCNV-LĐ

Thứ tư, 04/12/2019 11:24
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chiều ngày 02/12, Công đoàn Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã tổ chức Hội nghị phổ biến quy định pháp luật trong hoạt động điều tra hình sự cho CBCNV-LĐ VEC khu vực phía Bắc.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên VEC Mai Tuấn Anh cùng các đồng chí lãnh đạo của VEC và CBCNV-LĐ VEC khu vực phía Bắc tham dự Hội nghị.

Chủ tịch Công đoàn Cơ quan VEC Nguyễn Đức Công phát biểu khai mạc

Hội nghị được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của CBCNV-LĐ VEC về các quy định liên quan đến: thủ tục điều tra vụ án hình sự; các quyền, nghĩa vụ của người tham gia tố tụng; yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, qua đó định hướng chung về phương thức ứng xử với khủng hoảng pháp lý tại doanh nghiệp.

Luật sư, chuyên gia pháp lý đến từ Công ty TNHH Wiki Legal đã truyền đạt đến CBCNV VEC các nội dung liên quan đến một số quy định pháp luật trong hoạt động điều tra hình sự; phổ biến các yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam 2015 và trao đổi một số nội dung liên quan đến ứng xử với khủng hoảng pháp lý tại doanh nghiệp.

Khi trao đổi nội dung liên quan đến thủ tục nội bộ doanh nghiệp trong xử lý khủng hoảng pháp lý, luật sư Quách Mạnh Hồng – nguyên Trưởng ban Pháp chế Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cho biết, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp thường xuyên phải đối mặt hoặc có nguy cơ đối mặt với các hậu quả pháp lý bất lợi phát sinh từ các tranh chấp pháp lý, thủ tục tố tụng áp dụng đối với doanh nghiệp hoặc CBCNV vủa doanh nghiệp và các lệnh cấm, hạn chế đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Theo luật sư Hồng, có 2 định hướng để tiếp cận khủng hoảng pháp lý: coi khủng hoảng pháp lý là vấn đề của cá nhân; coi đó là vấn đề của doanh nghiệp. Nếu tiếp cận theo hướng thứ hai, luật sư Hồng cho rằng, doanh nghiệp phải chủ động khẩn trương giải quyết khủng hoảng pháp lý nhằm khoanh vùng phạm vi ảnh hưởng của các hậu quả pháp lý bất lợi, giảm thiểu các tác động bất lợi tới hoạt động của doanh nghiệp; nhận diện hậu quả pháp lý, qua đó có giải pháp khắc phục kịp thời; có định hướng và biện pháp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đơn vị, CBCNV; đồng thời đánh giá lại tính phù hợp của quy trình xử lý công việc, tính phù hợp của việc xác định phạm vi quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của từng bộ phận, từng cá nhân; đánh giá lại công tác tổ chức cán bộ để có hướng hoàn thiện; nâng cao nhận thức pháp luật của CBCNV trong hoạt động nghiệp vụ…

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên VEC Mai Tuấn Anh

cùng các đồng chí lãnh đạo và CBCNV VEC khu vực phía Bắc tham dự Hội nghị

Luật sư Hồng đã liệt kê các công việc cụ thể doanh nghiệp phải tổ chức thực hiện để xử lý khủng hoảng pháp lý tại doanh nghiệp, như trao đổi thông tin rõ ràng về định hướng xử lý khủng hoảng, ổn định tâm lý cho CBCNV, đồng thời bố trí cán bộ để đảm bảo hoạt động của đơn vị không bị gián đoạn. Phối hợp tốt với cơ quan tiến hành tố tụng trong việc cung cấp chứng cứ, tài liệu, giải trình; phối hợp các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý cấp trên để tạo sự đồng thuận trong công tác giải trình, có ý kiến về chuyên môn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, CBCNV; rà soát toàn bộ quy trình, hồ sơ, tài liệu để có hướng khắc phục/giảm nhẹ các hậu quả bất lợi; củng cố các cơ sở để xác định phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của những cá nhân, tập thể có liên quan; chú trọng công tác phối hợp nhà thầu và các đối tác nhằm giảm thiểu các tác động gây bất lợi đến mối quan hệ giữa các bên gây ra bởi hoặc có liên quan đến khủng hoảng pháp lý.

Để xử lý khủng hoảng pháp lý tại doanh nghiệp đạt hiệu quả cao, Luật sư Hồng cũng nhấn mạnh đến việc Ban lãnh đạo doanh nghiệp cần có phương án thống nhất và đồng thuận trong việc giải quyết khủng hoảng pháp lý để có cơ sở huy động tối đa nguồn lực trong quá trình xử lý khủng hoảng pháp lý; chú trọng công tác truyền thông chủ động nội bộ về tiến trình giải quyết khủng hoảng và tập trung công tác truyền thông ra bên ngoài theo hướng thận trọng, có đầu mối thông tin chính thức, tập trung tránh nhiễu loạn thông tin.

Cũng tại Hội nghị, chuyên gia luật về hình sự Đặng Thành Vinh - Công ty luật TNHH Wiki Legal đã giới thiệu một số khái niệm cơ bản về cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người bị buộc tội, người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người làm chứng, người bào chữa… và yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Liên quan đến ứng xử khi tham gia các hoạt động điều tra, chuyên gia Đặng Thành Vinh đưa ra một số lưu ý ứng xử khi nhận được yêu cầu tham gia tố tụng, trong việc cung cấp lời khai, tài liệu/chứng cứ, chứng kiến, xác nhận vào các biên bản tố tụng; lưu ý trong trường hợp bị áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp; liên quan đến người bào chữa…

Trước khi tổ chức hội nghị này, ngày 21/11 Ban Thường vụ Công đoàn VEC đã tổ chức họp để thống nhất triển khai một số công tác liên quan đến việc làm tốt công tác tư tưởng, ổn định tình hình tư tưởng đoàn viên, CBCNV-LĐ của VEC. Theo đó, Ban Thường vụ Công đoàn thống nhất chủ trương tổ chức 02 buổi tuyên truyền/phổ biến pháp luật để CBCNV-LĐ hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của pháp luật và các vấn đề liên quan khác.

Công đoàn VEC đã ra lời kêu gọi đoàn viên, CBCNV-LĐ VEC khắc phục khó khăn, đoàn kết, yên tâm công tác, phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2019.

 

Phạm Sỹ

Nguồn: VEC

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)