Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh Khởi công Dự án Mai Sơn - QL45

Thứ tư, 30/09/2020 07:55
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng nay (30/9), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thực hiện nghi thức và phát lệnh Khởi công Dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45 thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông.
Các đồng chí lãnh đạo nhiều cơ quan Đảng, Chính phủ, Chính phủ và các bộ, ngành cùng dự buổi Lễ.
Dự Lễ Khởi công, về phía Bộ GTVT có Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Lê Đình Thọ và đại diện lãnh đạo các cơ quan của Bộ

Đánh giá cao vai trò của Bộ GTVT

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng biểu dương lãnh đạo Bộ, Ban QLDA Thăng Long và các đơn vị của Ngành GTVT; các địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan.

 “Cả một tập thể đã làm ngày, làm đêm với sự giám sát thúc đẩy mạnh mẽ của Thủ tướng, các cơ quan, các ngành chức năng”, Thủ tướng ghi nhận đồng thời đánh giá cao cấp ủy, chính quyền các cấp trên cả nước nói chung đã thúc đẩy giải phóng mặt bằng, trong đó có tỉnh Thanh Hóa, Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An… Giải phóng mặt bằng tuyến này đã hoàn thành đến hơn 93%.


Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu nhấn nút khởi công Dự án

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng cũng biểu dương, đánh giá cao, biết ơn người dân các địa phương đã ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước, về nơi ở mới, bàn giao mặt bằng cho công trình trọng điểm quốc gia này.

Tại buổi Lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, ngày 30/9/2020 là một ngày có ý nghĩa đối với đất nước, đặc biệt đối với ngành GTVT vì chúng ta đã đồng loạt triển khai các dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông và ngay tháng 10 sẽ tiếp tục làm hồ sơ liên quan để khởi công 5 dự án còn lại. Nếu làm được các dự án của cao tốc Bắc-Nam, đặc biệt là các công trình đang triển khai thì chúng ta có được gần 2.000 km cao tốc. Thủ tướng cho biết đã yêu cầu Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trong nhiệm kỳ tới, ngay từ năm đầu, phải thông suốt tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau để tiến tới có ít nhất 5.000 km cao tốc.


Thủ tướng chỉ đạo tại buổi Lễ

Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ GTVT xử lý vấn đề nguồn vốn để thực hiện chủ trương làm đường cao tốc ở nước ta thành công.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, chúng ta phải quyết tâm phấn đấu để làm hệ thống giao thông tốt nhất, đáp ứng sự phát triển, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó hệ thống giao thông phải đi trước một bước.

“Nghèo cũng phải làm giao thông, khá cũng phải làm giao thông, càng giàu càng phải làm giao thông, không có giao thông thì khó phát triển được đất nước”, Thủ tướng khẳng định.

Cũng theo Thủ tướng, sự kiện khởi công Dự án hôm nay có nhiều ý nghĩa, tạo khí thế mới trong nhân dân, thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ các tỉnh, tiến tới Đảng hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh, chiến lược phát triển của chúng ta trong 10 năm tới, đặc biệt trong 5 năm tới, là làm được những việc lớn để đưa đất nước tiến lên.

“Đảng, Nhà nước không chỉ lo đường bộ mà lo cả đường hàng không, đường sắt, đường thủy, cảng nước sâu, tàu điện ngầm ở các đô thị lớn, đặc biệt là cùng với đường bộ, phải nâng cấp cấp tốc hệ thống đường sắt đang lạc hậu”, Thủ tướng khẳng định.

Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ, được đấu thầu, trúng thầu công khai phải làm đúng chất lượng, không được làm dối, làm ẩu, ảnh hưởng đến chất lượng công trình, để lại tai tiếng; không được bán thầu, nhiều thầu phụ ăn chênh lệch. Không được sử dụng vật liệu kém chất lượng để thi công, không làm sai các định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật. Làm sai thì phải xử lý nghiêm.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu, phải bảo đảm an toàn lao động, an ninh trật tự. Công trình cao tốc Bắc-Nam phải là công trình mẫu mực.

Thủ tướng mong muốn, sau khi thi công công trình thì uy tín của các đơn vị thi công được nâng lên, khẳng định tên tuổi trên thị trường.

Phải nêu cao vai trò của các cơ quan tư vấn, giám sát thiết kế, phải làm đúng vai trò, trách nhiệm

Thủ tướng đánh giá cao nhận thức của các tỉnh, “sau khi có cao tốc thì phải làm gì để phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân ở địa phương”, phải tính toán việc kết nối các khu công nghiệp, khu kinh tế từ cao tốc này, chứ không phải làm xong mà không phát huy tác dụng. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các địa phương tạo điều kiện cho các đơn vị thi công; đặc biệt quan tâm giám sát đến chất lượng, tiến độ dự án.

“Nếu chúng ta làm đúng thì mang lại niềm tin cho nhân dân”, Thủ tướng khẳng định.

Công trình mẫu mực

Phát biểu tại Lễ khởi công, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết,  để có thể khởi công đồng loạt cả 3 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông ngày hôm nay, trong đó có đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 là kết quả sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nhờ vậy, trong thời gian ngắn đã hoàn chỉnh hồ sơ dự án trình Quốc hội. Thủ tướng thường xuyên chỉ đạo giải quyết vướng mắc phát sinh trong GPMB. Đặc biệt, Thủ tướng đã chỉ đạo phải giải phóng mặt bằng sạch trước bàn giao cho các nhà đầu tư, nhà thầu thi công để không ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dự án cũng như tình hình an ninh trật tự khu vực dự án đi qua (đối với ngành GTVT chưa có dự án có quy mô lớn nào được bàn giao mặt bằng sạch để triển khai thi công như dự án này).


Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án trọng điểm Quốc gia
và là dự án mẫu mực trong quản lý, giám sát, tổ chức thi công, phòng chống tiêu cực
trong quản lý đầu tư xây dựng, đảm bảo chất lượng, tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập thể lãnh đạo Bộ GTVT, đồng chí Bộ trưởng và các cơ quan tham mưu, các Ban QLDA của Bộ đã nỗ lực cố gắng, sáng tạo, quyết tâm cao, làm việc ngày đêm, chỉ trong thời gian ngắn sau khi có Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ, Bộ GTVT đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn, đảm bảo thủ tục, hồ sơ cần thiết đạt chất lượng theo đúng quy định của pháp luật để khởi công dự án đúng kế hoạch.

“Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án trọng điểm Quốc gia và là dự án mẫu mực trong quản lý, giám sát, tổ chức thi công, phòng chống tiêu cực trong quản lý đầu tư xây dựng, đảm bảo chất lượng, tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, đồng thời khẳng định, vì vậy, trong công tác lựa chọn tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công, Bộ GTVT đã xây dựng các tiêu chí chuẩn mực về năng lực thiết bị, năng lực tài chính, kinh nghiệm tổ chức thi công, nguồn nhân lực tham gia dự án để lựa chọn nhà thầu. Trên cơ sở đó, đã lựa chọn được các Nhà thầu thi công, Tư vấn giám sát là các đơn vị có thương hiệu, uy tín, có nhiều năm kinh nghiệm về xây dựng công trình giao thông cấp 1 và cấp đặc biệt, đảm bảo chất lượng và tiến độ dự án.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng khẳng định, cùng với nhiệm vụ của Bộ GTVT, đối với công tác GPMB các địa phương cũng đã quyết liệt vào cuộc bằng việc thành lập các Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; các tỉnh cũng đã thành lập các Tổ liên ngành tham mưu cho Ban Chỉ đạo, phối hợp với các huyện, xã giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong công tác GPMB. Nhờ vậy đến nay trên toàn tuyến (11 dự án) đã có trên 92% mặt bằng sạch được bàn giao và giải ngân GPMB đạt trên 87%, riêng dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 cũng đã bàn giao 92% mặt bằng và giải ngân đạt gần 90%.

Được biết, cũng trong hôm nay (30/9), 2 dự án khác của tuyến cao tốc quan trọng này được khởi công là đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại tỉnh Bình Thuận và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây tại tỉnh Đồng Nai.

Ba dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác (dự kiến cuối năm 2022) cùng với các dự án thành phần khác từng bước hình thành nên tuyến cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía Đông hiện đại, có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu vận tải. Đồng thời kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị đặc biệt là 03 vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu; từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, với các công trình hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh.

Mặt khác, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế; giảm thiểu ùn tắc và TNGT, kết nối và phát huy hiệu quả các đoạn đường bộ đã và đang đầu tư; tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương có dự án đi qua; phù hợp với định hướng và quy hoạch phát triển GTVT.

Việc triển khai khởi công 03 Dự án thành phần trên thể hiện tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao của Bộ GTVT nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 đi qua địa phận 02 tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa có chiều dài tuyến khoảng 63,37 km:

- Điểm đầu (Km274+111,86) tại nút giao với Đường tỉnh 477 (trùng với điểm cuối Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cao Bồ - Mai Sơn), thuộc địa phận huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

- Điểm cuối (Km337+478,11) tại nút giao với đường Nghi Sơn - Thọ Xuân (trùng với điểm đầu Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn), thuộc địa phận huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

 - Phân kỳ giai đoạn 1 xây dựng 4 làn xe hạn chế (Bnền =17m); vận tốc thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 12.111 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.684 tỷ đồng.       

- Tổ chức thực hiện và quản lý dự án: Ban Quản lý dự án Thăng Long - Bộ GTVT.

- Giai đoạn hoàn chỉnh được xây dựng theo quy mô 06 làn xe (Bnền = 32,25m), vận tốc thiết kế 120km/h;

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết

 Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi qua địa phận tỉnh Bình Thuận có chiều dài 100,8 km:

- Điểm đầu: Km134+00, phía trước nút giao Vĩnh Hảo, thuộc địa phận xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. (trùng với điểm cuối dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo).

- Điểm cuối: Km235+00, giao với đường QL1 đi Mỹ Thạnh tại Km2+500, thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận (trùng với điểm đầu dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết – Dầu Giây).

- Tổ chức thực hiện và quản lý dự án: Ban Quản lý dự án 7 - Bộ GTVT.

- Giai đoạn trước mắt, đầu tư phân kỳ với quy mô 04 làn xe, bề rộng mặt đường Bmặt=16m, bề rộng nền đường  Bnền=17m. Vận tốc thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 10.853,800 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.210 tỷ đồng.

- Giai đoạn hoàn chỉnh: đầu tư xây dựng 06 làn xe, bề rộng nền đường Bnền =32,25m, vận tốc thiết kế 120km/h.

Dự án thành phần cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

 Dự án thành phần cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi qua địa phận 02 tỉnh: Bình Thuận và Đồng Nai có chiều dài khoảng 99 km (đoạn qua Bình Thuận dài 47,5km; đoạn qua Đồng Nai dài 51,5km):

- Điểm đầu: Nằm trên đoạn tuyến nối từ QL1A đi Mỹ Thạnh (cách quốc lộ 1A khoảng 2,6km) - tỉnh Bình Thuận (điểm cuối dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết).

- Điểm cuối: Kết nối với tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây tại khoảng Km43+125.

- Tổ chức thực hiện và quản lý dự án: Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ GTVT.

- Xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/h. Giai đoạn phân kỳ quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh bề rộng (Bnền = 25,0m). Tổng mức đầu tư điều chỉnh là 12.577,487 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng là 7.201 tỷ đồng. Trong giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 6 làn xe, (Bnền = 32,25m)

 

Lâm Hoài

 

 

 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)