Sáng 30/9 tại tỉnh Bình Thuận, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát lệnh khởi công xây dựng đoạn cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết. Tham dự lễ khởi công đoạn cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết còn có có Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự lễ khởi công dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại địa bàn
xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đoạn cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết là dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Đoạn cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết có chiều dài 100,8 km, đi qua các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam thuộc tỉnh Bình Thuận. Điểm đầu tại Km 134, phía trước nút giao Vĩnh Hảo, thuộc địa phận xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, trùng với điểm cuối đoạn cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo. Điểm cuối của dự án trùng với điểm đầu dự án cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết.
Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2011-2020 và dự thảo Chiến lược giai đoạn 2021-2030 trình Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục khẳng định mục tiêu phải đưa nước ta trở thành nước cơ bản là công nghiệp theo hướng hiện đại.
“Để thực hiện mục tiêu trên, Đảng, Nhà nước yêu cầu phải thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó khâu đột phá quan trọng là phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại mà trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng GTVT và hạ tầng đô thị lớn. Trong đó, phải ưu tiên phát triển đường bộ cao tốc”, Phó Thủ tướng nói.
Hiện nay, theo Quy hoạch, hệ thống đường cao tốc Việt Nam có tổng chiều dài có 6.400 km. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương khoá XI (Nghị quyết 13) yêu cầu “Phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 2.000 km đường cao tốc”.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, cả nước mới đưa vào khai thác được hơn 1.000 km và phải hết năm 2021 mới có thể đạt mục tiêu 2.000 km đường cao tốc mà Nghị quyết 13 đã đề ra.
Xây cao tốc, tạo nền tảng cho phát triển
Hành lang vận tải Bắc-Nam, trong đó tuyến cao tốc Bắc-Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau đóng vai trò “xương sống” của cả hệ thống GTVT nói chung, là hành lang vận tải có tính lan tỏa nhất, đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.
Tuyến cao tốc Bắc-Nam đi qua 32 tỉnh, thành phố, kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm, trong đó có 2 trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). Riêng đoạn Hà Nội-TPHCM đi qua địa phận 20 tỉnh/thành phố, tác động đến 45% dân số, đóng góp 52% tổng sản phẩm trong nước, ảnh hưởng đến 75% các cảng biển loại I, loại II và 67% các khu kinh tế của cả nước.
Tuy nhiên do nguồn lực đầu tư còn khó khăn nên đến nay, trên toàn tuyến cao tốc Bắc-Nam (từ Lạng Sơn-đến Cà Mau) mới đầu tư, đưa vào khai thác được 388 km, đang thi công 155 km.
Sớm nối thông toàn tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau
Nhận thức rõ tầm quan trọng đặc biệt của hệ thống cao tốc Bắc-Nam, trong bối cảnh vận tải hàng không, hàng hải, đường thuỷ, đường sắt còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu…, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã khẳng định quyết tâm phải đầu tư toàn tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau.
Trước mắt, giai đoạn 2017-2020, lựa chọn đầu tư trước một số đoạn, tuyến cấp bách, có lưu lượng giao thông lớn, tác động mạnh đến phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương ven tuyến và cả khu vực, với tổng chiều dài 654 km.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị để sớm khởi công 5 dự án còn lại đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP), từ đó phát huy hiệu quả của tất cả các đoạn, tuyến được ưu tiên đầu tư.
Đồng thời, khẩn trương rà soát các quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc để điều chỉnh, bổ sung, cập nhật kịp thời.
Trên cơ sở đó, tiếp tục ưu tiên cao nhất để hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc trên hành lang Bắc-Nam, từ Lạng Sơn đến Cà Mau, đồng thời xây dựng các đoạn, tuyến kết nối để phát huy tối đa hiệu quả các đoạn đã đầu tư.
“Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030 phải hoàn thành khoảng 5.000 km đường cao tốc. Do đó, trong giai đoạn 2021-2025 phải hoàn thành khoảng 1.300-1.500 km”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Để đạt được mục tiêu này, cần nguồn lực rất lớn. Do đó, Bộ GTVT cần phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT để cân đối đưa vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, cần rút kinh nghiệm từ quá trình chuẩn bị đầu tư thời gian qua để chủ động thực hiện công tác chuẩn bị, huy động nguồn lực nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ luôn ủng hộ, tạo điều kiện để đạt mục tiêu phát triển hệ thống đường cao tốc, tạo tiền đề cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Huy động tổng lực để thi công
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc khởi công đồng thời, sớm đưa vào sử dụng hai đoạn cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết (100,8 km); Phan Thiết-Dầu Giây (99 km), được kỳ vọng trở thành động lực mới để các địa phương dọc tuyến phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư để khai thác hết các tiềm năng và thế mạnh của các địa phương.
Trong đó, sẽ rút ngắn đáng kể hành trình từ TPHCM đến các trung tâm kinh tế, du lịch như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà…
Từ đây, mở ra cơ hội lớn cho đầu tư phát triển khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên Quốc lộ 1A; giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa khu vực đầu mối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía nam với khu vực miền Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ; cũng như từ Bắc vào Nam; tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến, các khu du lịch sinh thái ven biển của Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà.
Với ý nghĩa đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án 7 cùng các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công và UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp chặt chẽ, bảo đảm kịp thời tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công, đảm bảo công trình hoàn thành trong thời gian nhanh nhất, đạt chất lượng tốt nhất.
Trước hết, yêu cầu Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án 7 (chủ đầu tư giai đoạn chuẩn bị dự án) cùng các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công tập trung huy động tối đa nhân lực, thiết bị, công nghệ, vốn để thực hiện dự án bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, an toàn, hiệu quả, bảo đảm vệ sinh môi trường trong quá trình thi công.
“Bộ GTVT cùng với UBND tỉnh Bình Thuận phải tăng cường công tác quản lý, giám sát, chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư xây dựng”, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị các cấp chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, các đơn vị tư vấn, nhà thầu trong quá trình thực hiện dự án.
Đặc biệt, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân, bảo đảm các yêu cầu về an ninh trật tự, bảo đảm ổn định cuộc sống người dân.
Trong đó, cần tạo thuận lợi trong việc quy hoạch, quản lý các điểm mỏ đất, đá, vật liệu xây dựng, bãi thải… phục vụ quá trình thi công dự án; triển khai các công trình phụ trợ, kết nối, bảo đảm phát huy tối đa hiệu quả của công trình sau khi hoàn thành.
“Tôi mong nhân dân các địa phương nơi có dự án đi qua tiếp tục đồng thuận và hỗ trợ cho dự án được thực hiện một cách thuận lợi nhất. Đề nghị các nhà thầu, đơn vị thi công quan tâm hỗ trợ người dân khu vực dự án”, Phó Thủ tướng phát biểu.